TĂNG VỐN – QUYỀN MUA – CHIA CỔ TỨC TỪ A-Z (F0 NÊN BIẾT)
Tăng vốn – Quyền mua – Chia cổ tức là chủ đề mà anh em cần quan tâm khi tham gia thị trường chứng khoán. Trong bài viết này, Cú sẽ chia sẻ tất cả những gì anh em cần biết về tăng vốn, quyền mua, chia cổ tức. Tại sao doanh nghiệp lại chia cổ tức như vậy? Đằng sau câu chuyện chia cổ tức, tăng vốn là gì?
– Làm thế nào để nhận được quyền mua?
– Làm thế nào để nhận được cổ tức bằng tiền, cổ phiếu thưởng?
– Đặc biệt, là những lưu ý để anh em tránh các cạm bẫy trong câu chuyện này.
Bài viết này sẽ khá dài, bao gồm 4 phần lớn và 18 phần nhỏ. Bởi lẽ Cú đã tổng hợp đầy đủ hết câu hỏi và sự quan tâm của anh em với nội dung này. Cố gắng đọc hết hoặc lưu lại để có thể hiểu rõ về chủ đề.
Phần 1: Tất cả những điều về chia cổ tức
Phần 2: Tất cả những điều về tăng vốn
Phần 3: Tất cả những điều về quyền mua tăng vốn
Phần 4: Cách tính giá sau khi chốt.
Phần 1. Tất cả những điều về chia cổ tức
1.1. Thời điểm doanh nghiệp chia cổ tức
Anh em là nhà đầu tư, khi mua cổ phiếu sẽ kỳ vọng 2 thứ.
- Thứ nhất là cổ phiếu tăng giá hàng năm.
- Thứ hai là doanh nghiệp làm ăn tốt. Họ sẽ dùng lợi nhuận kiếm được để chia cổ tức cho anh em.
Về việc chia cổ tức, anh em có thể xem danh sách chia cổ tức trên các trang tin tức, trên các app chứng khoán. Tham khảo trên trang: https://vietstock.vn/doanh-nghiep/co-tuc.htm.
Ví dụ khi đọc một thông báo về chia cổ tức, sẽ có những thông tin anh em cần quan tâm:
Như Cú trích dẫn thông báo của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), “Thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ và trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông theo tỷ lệ 12%”. Ngoài ra dự kiến dự kiến trả cổ tức còn lại năm 2020 là 6% và tạm ứng cổ tức năm 2021 là 6%. Với tỷ lệ là 12%. Vốn điều lệ và mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp nói là chia 12% tức là 12% của 10.000 đồng/ cổ phiếu. Như vậy mỗi cổ phiếu chúng ta được 1.200 đồng/cổ phiếu.
1.2 Tất cả những điều về chia cổ tức bằng tiền
Việc chia cổ tức bằng tiền diễn ra bởi lẽ doanh nghiệp trên TTCK cần tiền để kinh doanh.
Đôi khi họ chưa có một nhu cầu cụ thể trong thời gian tới. Do đó doanh nghiệp muốn chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông.
Với các cổ đông lớn và với một số cổ đông khác, việc nhận cổ tức bằng tiền mặt có thể đã nằm trong kế hoạch.
Tức là các cổ đông này nắm giữ cổ phiếu của VCG 5 năm, 10 năm. Họ không có tiền mặt để chi tiêu trong ngắn hạn. VCG sẽ chia cho họ khoản tiền nào đó để họ có thể là đáp ứng nhu cầu chi tiêu của mình.
Đây là việc thường có với cổ đông dài hạn, cổ đông tổ chức.
1.3 Tất cả những điều về chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng.
Vẫn từ lợi nhuận chưa phân phối, doanh nghiệp có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng.
Một ví dụ Cú muốn đưa ra để anh em dễ hiểu:
SSI trong tháng 8 và tháng 9 năm 2022 có công bố phát hành thêm cổ phiếu. Việc phát hành này từ nguồn vốn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Từ thặng dư vốn cổ phần. Ngoài ra là từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Trong đó anh em sở hữu 6 cổ phiếu đang có thì được nhận 2 cổ phiếu mới.
Trường hợp này chúng ta hay gọi là chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng, bằng cổ phiếu hay gọi là phát hành thêm.
Bản chất là doanh nghiệp vẫn có tiền. Số tiền: 2.191.017.000 đồng trong SSI không chia đi đâu cả. Bù lại anh em được thêm cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ được pha loãng ra. Trong các phần tiếp theo, Cú sẽ hướng dẫn anh em cách tính giá cổ phiếu pha loãng.
Tóm lại, anh em cần hiểu rằng, đây là SSI không thay đổi số tiền. Mà số lượng cổ phiếu được lưu hành trên thị trường được tăng lên.
1.4 Mức thuế khi chia cổ tức
Khi anh em nhận cổ tức bằng cổ phiếu thưởng hoặc tiền mặt, anh em sẽ phải trả thuế cổ tức.
Mức thuế tại thời điểm hiện là 5% bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Thuế cổ tức bằng tiền mặt sẽ bị thu luôn tại nguồn. VD anh em được nhận cổ tức bằng 100 triệu tiền mặt. Chúng ta sẽ nhận về 95 triệu thôi. Còn 5 triệu (5% của 100 triệu) công ty niêm yết sẽ thu của anh em để nộp thuế.
Với cổ phiếu thưởng, anh em vẫn sẽ nhận đầy đủ cổ phiếu thưởng. Nhưng mà khi anh em bán cổ phiếu đó ra thì anh em sẽ phải khấu trừ 5%.
1.5 Cần làm gì để nhận cổ tức bằng tiền và cổ phiếu?
Để được nhận cổ tức bằng tiền và cổ phiếu, anh em cần chú ý nhất là ngày giao dịch không hưởng quyền.
Cú sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể để anh em dễ hiểu về ngày giao dịch hưởng quyền và không hưởng quyền.
Ngày 7/1 chính là ngày giao dịch không hưởng quyền. Tức là anh em mua cổ phiếu vào ngày này, anh em sẽ không được hưởng quyền nữa.
Anh em mà bán ra vào ngày 7/1 thì tất cả lợi ích về cổ tức, cổ phiếu quyền mua vẫn đầy đủ.
Chính vì vậy, nếu anh em muốn mua cổ phiếu để hưởng quyền thì phải mua cổ phiếu trước ngày 7/1. Tức là mua vào ngày 6/1 để được hưởng quyền.
Sau khi hưởng quyền rồi, doanh nghiệp sẽ thanh toán cho anh em trong khoảng chừng 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, tùy doanh nghiệp. Có một số doanh nghiệp trả chậm hơn nhưng đa phần các doanh nghiệp lớn sẽ trả đúng ngày.
Phần 2. Tất cả những điều về tăng vốn
2.1 Thị trường chứng khoán sinh ra để làm kênh huy động vốn
Tăng vốn liên quan đến quyền mua. Bản chất của thị trường chứng khoán sinh ra là kênh huy động vốn.
Trích dẫn thông tin từ ủy ban chứng khoán. Hiện nay đến tháng 7/2021, vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam là hơn 6 triệu tỷ đồng. Tương đương với khoảng gần 300 tỷ đô. Như vậy gần bằng GDP.
Tổng lượng huy động vốn từ thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm khoảng 7,7 tỷ đô. Trong đó có thể là từ phát hành thêm, huy động từ phát hành trái phiếu. Tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, thị trường chứng khoán đã tăng khoảng tầm 60%. Điều này cho thấy là thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn không thể thiếu và cũng rất quan trọng.
2.2 Nguyên nhân các doanh nghiệp tăng vốn bằng phát hành thêm thay vì vay ngân hàng và phát hành trái phiếu.
Anh em hình dung, khi doanh nghiệp kinh doanh, họ sẽ cần vốn để:
- Phát triển dự án
- Trả lương cho người lao động
- Mua tài sản, mua công cụ sản xuất.
a. Vay vốn ngân hàng.
Khi đó doanh nghiệp sẽ lập ra kế hoạch sử dụng vốn. Trong kế hoạch sử dụng vốn này, họ sẽ xem xét các nguồn vốn họ có. Ví dụ như là vốn vay ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ tính toán rằng, nếu đi vay ngân hàng, phải trả lãi khoảng chừng 10%/năm (% sẽ có sự thay đổi). Ngoài ra phải chứng minh nguồn tài sản để trả nợ, khả năng trả nợ như thế nào và rất nhiều các quy định chồng chéo.
b. Phát hành trái phiếu riêng lẻ
Trong trường hợp phát hành trái phiếu thì doanh nghiệp phải đi tìm kiếm đơn vị tư vấn trái phiếu. Ngoài ra là tìm kênh để bán trái phiếu. Trái phiếu bán ra trên thị trường thì mức tùy từng doanh nghiệp ( 8%, 9%, 10%,11%…) .
Doanh nghiệp càng uy tín, trái phiếu lãi suất càng rẻ. Ngược lại, doanh nghiệp càng ít uy tín, lãi suất càng cao. Doanh nghiệp có vẻ không uy tín thì họ đang chào bán trái phiếu (tại thời điểm Cú viết bài) lên đến 16%,17%. Anh em hãy cẩn thận. Bởi những doanh nghiệp đó, chúng ta đưa tiền, mua trái phiếu nhưng đến hạn chưa chắc họ đã trả lại tiền cho chúng ta.
c. Phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.
Với việc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, anh em là người nắm cổ phần của doanh nghiệp.
Phát hành thêm sẽ bằng cách phát hành quyền mua. Anh em cứ có 2 cổ phiếu đang có thì được mua 1 cổ phiếu mới; 1 cổ phiếu đang có được mua 1 cổ phiếu mới; thậm chí có công ty 1 cổ phiếu đang có được mua 2 cổ phiếu mới,…
Nguyên nhân nhiều doanh nghiệp sử dụng việc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu bởi lẽ họ sẽ cân nhắc cả 3 kênh:
- Vay ngân hàng.
- Huy động bằng trái phiếu.
- Huy động trên TTCK.
Kênh nào có chi phí vốn rẻ nhất , dễ huy động nhất và tối ưu nhất thì họ sẽ lựa chọn kênh đó.
2.3 Lý do khiến các doanh nghiệp muốn tăng vốn.
a. Lý do doanh nghiệp muốn tăng vốn
Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán có tính chu kỳ. Không phải lúc nào thị trường chứng khoán cũng nóng như năm 2021. Khi tăng tốt, cổ đông dễ dàng chấp thuận và mua tăng vốn hơn. Còn khi thị trường ảm đạm, nhiều khả năng doanh nghiệp bán cổ phiếu ra nhưng không thành công.
Trong trường hợp phát hành thêm, chẳng hạn mà ban lãnh đạo kinh doanh không hiệu quả thì:
- Với ngân hàng, nếu kinh doanh không hiệu quả, doanh nghiệp sẽ phải tìm mọi cách để trả nợ ngân hàng. Không thì sẽ mất tài sản, bị nợ xấu.
- Nhưng với cổ đông, nếu doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, cũng không phải trả lại. Doanh nghiệp có thể xin lỗi cổ đông. Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Chứ sẽ không phải trả lại cổ đông giống như ngân hàng. Đó là một lợi thế.
b. Lý do doanh nghiệp muốn tăng vốn nhanh.
Có 4 lý do khiến doanh nghiệp muốn tăng vốn nhanh:
-
Lý do tăng vốn đầu tiên:
Lý do phổ biến nhất là công ty muốn tăng quy mô sản xuất, tăng quy mô kinh doanh. Hoặc để mua được công ty khác, gia tăng hệ thống. Ngoài ra là kéo dài chuỗi cung ứng. Hay giảm chi phí, rút ngắn thời gian, mở rộng mạng lưới. Cuối cùng là mua lại dự án, mua lại công ty và gia tăng năng lực tài chính.
VD năm 2021, nhiều công ty chứng khoán tăng vốn để có thêm nguồn vốn margin. Nhiều ngân hàng tăng vốn để có thêm Room tín dụng. Có thêm các nguồn vốn tự có để có thể phát triển tín dụng tốt hơn. Đây là những lý do rất hợp lý.
-
Lý do tăng vốn thứ 2
Doanh nghiệp tăng vốn để dự trữ khi mà kinh tế xấu.
Một ví dụ là năm 2020, 2021 anh em thấy chứng khoán tăng rất nhanh. Chi phí vốn rẻ.
Bước sang năm 2022, chứng khoán rất ảm đạm và chu kỳ lúc nào cũng vậy.
Xem lại lịch sử, anh em thấy rằng, giai đoạn 2014-2017 cũng đi ngang trong vòng 3 năm. Trong thời gian đó, có khá nhiều công ty không tăng vốn được. Bán chả ai mua. Lúc đó tăng vốn khó.
Khi đến 2018, đỉnh 1.200 điểm thì việc tăng vốn lại tốt trở lại. Nhưng sau đó lại giật lùi đến 2020. Thời điểm đang Covid, khi bán vốn thì ai mua?
Vậy nên với những doanh nghiệp, họ sẽ có kế hoạch là năm nay đang tốt, thị trường chứng khoán đang hot. Cần tăng vốn để lấy tiền dự trữ đề phòng 1 vài năm tới, nhỡ đâu kinh tế xấu còn có vốn mà kinh doanh.
Đấy là chiến lược rất quan trọng của các công ty niêm yết trên sàn. Họ vẫn làm như vậy, tất nhiên họ sẽ đưa ra một kế hoạch sử dụng vốn nào đó phù hợp. Bản chất ở đằng sau, họ muốn lấy tiền dự trữ khi mà kinh tế xấu.
-
Lý do tăng vốn thứ 3
Khi doanh nghiệp thấy chi phí vốn chủ sở hữu rẻ hơn chi phí vay.
Chi phí vốn chủ sở hữu chính là tiền anh em bỏ vào tăng vốn. Anh em mua cổ phần mới của công ty và kỳ vọng một cái lợi ích ở đây. Nộp tiền vào mua cổ phiếu của doanh nghiệp thì cổ phiếu phải tăng trưởng 1 năm từ 15%- 20%. Còn nếu cổ phiếu, lợi nhuận của anh không tăng trưởng được thế thì không hấp dẫn để đầu tư.
Chi phí vay là chi phí công ty đi vay ngân hàng, vay tổ chức tài chính, phát hành trái phiếu bên ngoài. Có những thời điểm chi phí vay rất là rẻ. Có thời điểm là trên dưới 10%. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận vốn vay được. Vì những doanh nghiệp lớn trên sàn như HPG, FPT, MWG,…mới có thể tiếp cận dòng vốn rẻ như vậy. Bởi lẽ họ có dòng tiền tốt, nội lực và uy tín doanh nghiệp tốt.
Tuy nhiên, trên sàn vô khối công ty nhỏ, hay các công ty Penny. Nếu họ vay được, 20%- 30% cũng vay. Bởi vì làm gì có tài sản? Vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu phải có tài sản, có dòng tiền, có uy tín. Chi phí vay có thể là 10% hoặc hơn nhưng không vay được vì không đáp ứng được điều kiện tài chính. Do đó chi phí vay sẽ cao hơn và không thực hiện được việc vay ngân hàng.
Những doanh nghiệp lớn sẽ cân nhắc giữa việc vay vốn ngân hàng và huy động của cổ đông. Cái nào hiệu quả hơn, rẻ hơn thì làm. Còn các doanh nghiệp nhỏ, họ không tiếp cận được vốn ngân hàng nên sẽ tận dụng việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông.
-
Lý do tăng vốn thứ 4
Lý do cuối cùng là tạo game và “đẩy” giá cổ phiếu lên.
Đấy là cơ hội cho các doanh nghiệp tạo game: game thâu tóm doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn. Game thâu tóm dự án về dược, đầu tư vào dự án điện nước,… Hay rất nhiều game được tạo ra tùy theo trend của thị trường và đi huy động vốn của anh em.
Hiện nay thì có rất nhiều game trên sàn. Các game thâu tóm, mua các công ty con. Thực ra là một công ty rác mua một công ty rác và cộng lại vẫn công ty rác mà thôi. Khi đưa vào game, có vẻ đẹp nào đó rất thu hút anh em mua từ giá 10.000 đồng/ cổ phiếu lên 20.000 đồng/cổ phiếu – 30.000 đồng/cổ phiếu. Đấy là những dạng thâu tóm để làm game.
2.4 Những cách tăng vốn mà doanh nghiệp áp dụng.
Có rất nhiều cách tăng vốn, nhưng Cú sẽ chia ra làm 5 cách:
a. Phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược
Phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược tức là doanh nghiệp tìm ra một cổ đông chiến lược nào đó có thể hỗ trợ họ về mặt kinh tế, tài chính, nguồn vốn,… Khi đó sẽ chào bán riêng lẻ cho cổ đông chiến lược đó. Có thể mức giá sẽ ưu đãi hơn giá trên sàn một chút.
Đặc biệt, có một hình thức trên thị trường mà anh em cần hết sức lưu ý. Rất nhiều công ty tăng vốn kiểu ồ ạt. Họ pha loãng vốn của cổ đông một cách quá đáng. Bằng cách bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư khác ở trên thị trường. Thực chất những nhà đầu tư đấy không phải nộp tiền mặt vào.
Anh em hình dung ví dụ công ty D phát hành trị giá là 10.000 tỷ.
Mục đích sử dụng của 10.000 tỷ đấy lại là đi mua cổ phiếu của 1 dự án A hoặc dự án B nào đó. Tức là toàn bộ tiền mang về không được sử dụng vào hoạt động kinh doanh bình thường mà chỉ dùng để đi mua tài sản, mua dự án. Như vậy là nó chỉ tạo ra 1 vòng quay vốn thôi.
Lượng cổ phiếu thì tăng lên, giá trị cổ phiếu thì bị pha loãng. Tài sản thì tăng lên nhưng dòng tiền chẳng có gì cả. Đấy là 1 cách để họ nhét tài sản vào trong công ty và lấy cổ phần của anh em chúng ta. Trong trường hợp không xứng đáng là cổ đông phát hành riêng lẻ, thì rõ ràng cổ đông hiện hữu sẽ bị giảm đi lợi ích rất là nhiều.
Phần phát hành riêng lẻ anh em cần hết sức chú ý khi xem phát hành riêng lẻ cho ai. Đồng thời là xem mục đích sử dụng vốn. Nhiều ông sử dụng vốn để mua tài sản A, dự án B thì khả năng “rút ruột công ty” là rất cao. Dự án đấy thực chất chỉ 500 tỷ, nhưng định giá lên 2.000 tỷ; 3.000 tỷ. Sau đó phát hành riêng lẻ ra và dùng tiền công ty mua lại. Tự nhiên công ty có 2.000 tỷ; 3.000 tỷ cổ phiếu. Lại mang cổ phiếu đấy đi cầm cố và bán trên sàn thì anh em toi. Đây là thông tin anh em rất cần chú ý
- Cổ đông nhận phát hành riêng lẻ là ai
- Mục đích sử dụng vốn là gì?
- Mức độ pha loãng. Mức độ pha loãng này có tương xứng với độ tăng trưởng của công ty hay không?
b. Phát hành trái phiếu chuyển đổi
Phát hành trái phiếu chuyển đổi tức là doanh nghiệp sẽ phát hành một khoản nợ cho cổ đông chiến lược hoặc cho ngân hàng. Đi kèm với điều kiện là trái phiếu này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu nếu các cổ đông muốn. Trong trường hợp cổ phiếu ngon, thị trường ngon, kết quả kinh doanh tốt thì các trái chủ này sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu. Có lợi giống như cổ đông.
Khi thị trường không không tốt, doanh nghiệp làm ăn kém thì họ sẽ đòi nợ để lấy lại gốc và tiền lãi ban đầu.
Hiện nay trái phiếu chuyển đổi thường dành cho những nhà đầu tư tổ chức, những nhà đầu tư lớn, mua những lô từ 1 tỷ -2 tỷ trở lên. Hoặc những lô lớn hơn nữa. Còn những cổ đông đại chúng, cổ đông như anh em chúng ta thường là mua cổ phiếu, mua cổ phần.
c. Phát hành ESOP cho cán bộ công nhân viên
Thường việc phát hành ESOP cho cán bộ công nhân viên sẽ không nhiều. Đó là cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên. Bị hạn chế chuyển nhượng trong một vài năm. Tối đã chỉ được một vài % của công ty mà thôi.
Anh em để ý rằng, hầu hết các công ty Việt Nam đều phát hành quyền mua giá 10.000 đồng/cổ phiếu hoặc giá 0 đồng/cổ phiếu. Rất rẻ cho cán bộ công nhân viên.
Một trong số đó là Techcombank. Tuy nhiên, Techcombank có hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Còn thế giới di động thì hạn chế chuyển nhượng 4 năm, mỗi năm chỉ 25% thôi.
Về quan điểm cá nhân của Cú thì Cú thấy rằng những công ty lớn, những tập đoàn lớn, để mà họ phát triển được thì họ rất cần người tài. Những người tài như vậy thì anh em trả lương vài chục, thậm chí vài trăm triệu một tháng thì cũng không phải mức cao với họ. Bởi vì những tập đoàn đa quốc gia hoàn toàn có thể trả ở mức đấy.
Như vậy khi doanh nghiệp phát hành ESOP có thể giữ chân người giỏi rất là tốt. Mặc dù khá nhiều cổ đông không đồng tình nhưng Cú thấy rằng ESOP rất hiệu quả. Bản thân anh Tài (Chủ tịch Thế giới di động) hay đội ngũ điều hành trong đó, họ không nắm giữ quá nhiều cổ phần. Ngay từ đầu là Mekong Capital đã chiếm gần 50% rồi. Sau khi thoái xong, các công ty đại chúng khác vào. Lượng cổ phần của ban điều hành, ban lãnh đạo không cao. Đây chính là cách để họ giữ chân ban lãnh đạo, giữ chân người tài. Nếu không có ESOP này, Cú nghĩ rằng Thế giới di động sẽ không phát triển mạnh như vậy. Nên Cú rất ủng hộ việc đó. Techcombank cũng như vậy.
Bên nước ngoài, có một hình thức của Tesla, họ không phát hành ESOP như doanh nghiệp Việt Nam mà họ phát hành quyền mua. Quyền mua này đi kèm cùng điều kiện thì nó sẽ Fair hơn. Tức là bên MWG và Techcombank thì cũng phát hành ESOP dựa trên kết quả kinh doanh. Nhưng mà thường chuyện đã rồi thì báo cáo.
Tesla sẽ báo cáo vào đầu năm, nếu kết quả kinh doanh đạt từng này, thì ông sẽ có quyền mua với giá như này,… Cơ chế khi đó sẽ rất rõ ràng để cho ban điều hành, ban lãnh đạo. Đây là cách mà các nước đang phát triển đang áp dụng. Cú cũng hy vọng rằng là nếu các doanh nghiệp đang thực hiện tốt điều này thì đó cũng là lựa chọn rất là hay cho anh em.
d. Phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu
Cuối cùng là câu chuyện mà anh em quan tâm. Phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Doanh nghiệp sẽ báo cho anh em bằng cách là họp đại hội cổ đông. Họ sẽ xin ý kiến cổ đông năm tới cần 500 tỷ và 100 tỷ để huy động vốn cho 2 dự án mới. 2 dự án này hy vọng lợi nhuận sẽ tăng 30%- 40%/năm. Điều này sẽ khiến cho giá cổ phiếu tăng giá từ 15.000/cổ phiếu lên đến 20.000/cổ phiếu; 30.000/cổ phiếu….
Anh em sẽ bỏ phiếu trong buổi họp đó. Khi bỏ phiếu rồi, anh em sẽ được phát hành quyền mua.
e. Phát hành cổ phiếu mới từ nguồn vốn chủ sở hữu (Cổ phiếu thưởng)
Tức là doanh nghiệp có lợi nhuận chưa phân phối, có thặng dư vốn từ việc phát hành cổ phiếu lần đầu. Hoặc cổ phiếu lần sau nhưng bán giá cao hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Họ sẽ có thặng dư vốn đó và chia cho anh em.
2.5 Cẩn thận 2 Bẫy tăng vốn của lừa đảo tài chính
Đặc biệt, sẽ có 2 cạm bẫy quyền mua tăng vốn mà anh em cần chú ý. Có rất nhiều anh em coi rằng quyền mua cổ phiếu, mua thêm, quyền mua giá 10.000 đồng/cổ phiếu là một loại phần thưởng giúp cho cổ phiếu tăng giá. Giúp cho doanh nghiệp tăng giá trị. Nhưng không hẳn là như vậy. Có rất nhiều trường hợp mà doanh nghiệp phát hành xong, cổ phiếu cứ thế đâm đầu đi xuống. Những người nộp tiền vào mua lại không thấy tiền đâu. Có rất nhiều cạm bẫy nhưng Cú ví dụ ở đây 2 cạm bẫy lớn nhất.
a. Bẫy 1: Doanh nghiệp lởm trên sàn tăng vốn
Giá cổ phiếu đang giá 5.000/cổ phiếu – 10.000/cổ phiếu. Doanh nghiệp đẩy giá cổ phiếu lên 60.000/cổ phiếu – 70.000/cổ phiếu. Sau đó họ tung tin dự án ngon, công bố phát hành thêm. Cuối cùng là rút tiền của anh em ra bằng nhiều cách. Khi đó, doanh nghiệp chẳng còn gì cả. Cổ phiếu rỗng ruột, công ty rỗng ruột. Giá cổ phiếu cứ mà là lao đầu về dưới mệnh giá và huỷ niêm yết.
Ví dụ như mã KSA, khu công nghiệp khoáng sản Bình Thuận. Mã cổ phiếu này khi tăng vốn thì giá cổ phiếu cũng được đẩy lên mức 40.000/cổ phiếu và sau đó giảm về mức 480/cổ phiếu đồng. Giảm gần 100 lần. Trường hợp này, doanh nghiệp tăng vốn cho ra ngoài cổ đông cho cổ đông đại chúng. Đồng thời họ lại tự bỏ tiền vào và rút tiền ra bằng rất nhiều cách. Doanh nghiệp lúc này không dùng tiền tăng vốn của chúng ta theo những gì họ cam kết. Khi đó, giá cổ phiếu của doanh nghiệp thả trôi và mất hoàn toàn.
Hoạt động của KSA lúc này không có gì cả. Nhà máy không có, sản xuất ít. Văn phòng tài sản không có gì cả. Hầu hết đều bị make up, bị làm giả. Thương vụ này anh em có thể tìm kỹ trên sàn.
Ngoài ra có thể còn có rất nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM). FTM cũng là doanh nghiệp trên sàn cũng đưa vào game tăng vốn rồi game lừa đảo, lấy tiền của cổ đông bằng cách đánh giá cổ phiếu lên cao. Sau đó là tăng vốn, bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tăng vốn xong thì rớt không phanh. Về còn 1.000 đồng/cổ phiếu – 2.000 đồng/cổ phiếu và ở đó không biết đến bao giờ.
Xác định đây là game lừa lấy tiền cổ đông còn có các mã KSA, FIR, FTM, VHG, CDO, KHB,… Anh em có thể xem thêm các cổ phiếu này.
Hãy chú ý rằng việc quyền mua tăng vốn chỉ là quà, chỉ là tốt với những doanh nghiệp có giá trị nội tại tốt thôi. Còn những doanh nghiệp mà lởm, họ cố tình bày dự án ra, đưa thông tin ngon để lấy tiền của anh em thì phải hết sức thận trọng. Bởi vì chủ doanh nghiệp lấy tiền của cổ đông xong, họ có rất nhiều cách để rút sạch. Họ rút ra bằng dự án mới, bằng công ty con. Đó là doanh nghiệp chẳng có gì cả và anh em ôm cổ phiếu rác.
b. Bẫy 2: Tăng vốn khủng trước khi niêm yết
Một ví dụ về công ty tăng vốn khủng trước khi niêm yết là CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội (HKB). Trước khi niêm yết, công ty tăng vốn từ 2 mấy tỷ lên mấy trăm tỷ.
Tăng vốn bằng nhiều cách, bằng phát hành riêng lẻ, phát hành cho cổ đông hiện hữu. Sau đó lên sàn rồi thì giá cổ phiếu tăng lên vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó xả 1 phát về 10.000 đồng/cổ phiếu và bây giờ loanh quanh ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu. Đấy là câu chuyện rất đáng sợ của các game mới niêm yết trên sàn.
Khi mà anh em đầu tư vào những cổ phiếu mới niêm yết, thì trước đấy cần để ý xem nó có tăng vốn khủng hay không? Tăng vốn như vậy có tăng thực chất không? Những chỉ số về tài chính, về doanh thu, về lợi nhuận, xem xét thật sự trong 5 năm, 3 năm cũ và trong các năm tiếp theo có thật sự tốt không thì hãy mua.
Còn nếu anh em cứ thấy giá rẻ trên sàn rồi ham hố bắt đáy. Giá giảm từ 30.000 đồng/cổ phiếu về 15.000 đồng/cổ phiếu chắc là ngon lắm rồi, sẽ hồi trở lại thì không đâu. Giá giảm từ 15.000 đồng/cổ phiếu rồi sẽ giảm về 5.000 đồng/cổ phiếu, rồi giảm về 3.000 đồng/ cổ phiếu, rồi về 2.000 đồng/cổ phiếu và 1.000 đồng/cổ phiếu. Rất nguy hiểm những mã này.
Trong tăng vốn, anh em cần đặc biệt lưu ý, tránh xa và để ý rằng trước khi mình tăng vốn thì doanh nghiệp này có game gì không? Thực chất có gì không? Ban lãnh đạo có tử tế không? Mô hình kinh doanh có ok không? Tức là đưa yếu tố phân tích cơ bản vào.
2.6 Công thức nhận biết công ty tăng vốn tốt và công ty tăng vốn xấu
a. Ví dụ về công ty tăng vốn xấu
Đây là ví dụ về công ty CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG). Tại thời điểm Cú viết bài, công ty Đất Xanh này cũng là công ty thuộc TOP 10 vốn chủ sở hữu trên sàn.
Họ lên trên sàn từ 2009. Trong khoảng hơn 10 năm, họ tăng vốn 65 lần. Nhưng anh em nhìn giá cổ phiếu. Từ 2010 đến lúc Cú Viết bài này giá cổ phiếu chỉ tăng chừng 3 lần. Cổ tức bằng tiền mặt thì mã này cực kỳ ít. Đến bây giờ giá vẫn loanh quanh vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, trong vòng 10 năm, anh em mua mã này, giá cổ phiếu tăng rất là ít. Anh em hình dung là họ pha loãng cổ phiếu quá nhanh, pha loãng công ty quá nhanh.
Nếu anh em để ý chu kỳ tăng vốn của họ thì tăng vốn chóng mặt luôn. Bằng mọi cách tăng vốn. Hết phát hành cổ phiếu ưu đãi, rồi lại bán cổ phiếu riêng lẻ. Rồi lại phát hành trái phiếu chuyển đổi. Tức là bằng mọi cách. Ông CFO cực kỳ giỏi để có thể tăng vốn 65 lần trong vòng 10 năm.
Tất nhiên họ có những lợi thế nhất định về mặt thị trường, thị phần, về mặt tài sản. Nhưng tốc độ pha loãng, tốc độ tăng vốn không bù đắp được nổi sự tăng trưởng. Cú cho rằng đây là trường hợp chưa tốt để lấy ví dụ cho anh em trong trường hợp tăng vốn
b. Ví dụ về công ty tăng vốn tốt
Một ví dụ khác, như công ty FPT. Anh em để ý rằng vốn chủ sở hữu tăng có 15 lần. Từ khi niêm yết, Vốn điều lệ khoảng chừng 600 tỷ và tăng lên đến hơn 9.000 tỷ. Giá cổ phiếu tăng gấp gần 10 lần. Tăng từ 8.000 đồng/cổ phiếu – 9.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 70.000 đồng/ cổ phiếu. Đây là trường hợp mà tốc độ tăng vốn chủ sở hữu, tốc độ tăng vốn điều lệ, tốc độ pha loang, khá là tương đồng với tốc độ tăng cổ phiếu. Mặc dù thấp hơn những vẫn còn tương đồng. Bởi vì còn cổ tức bằng tiền mặt nữa.
c, Công thức đánh giá doanh nghiệp tăng vốn tốt và doanh nghiệp tăng vốn xấu.
Công thức quan trọng khi anh em đánh giá, xem xét là:
Tốc độ pha loãng < Tốc độ tăng trưởng
Tức là tốc độ tăng trưởng của công ty là 20% thì anh em có thể thấy rằng nếu tốc độ pha loãng 15% cũng hợp lý. Doanh nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng EPS, vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng của doanh thu thì là ngon.
Anh em hình dung là như này. Công ty có 1.000 tỷ, họ tăng vốn lên 1.500 tỷ thì ngay lập tức EPS sẽ giảm xuống bởi vì EPS là cái kết quả hiện tại. Lợi nhuận chưa có mà số cổ phiếu tăng lên thì ngay lập tức là EPS giảm ngay. EPS giảm sẽ khiến cho P/E tăng. P/E tăng tức là cổ phiếu bị định giá cao ngay lập tức.
Công ty tăng vốn gấp rưỡi tức là cổ phiếu của anh em tăng lên gấp rưỡi. Còn kế hoạch của họ dùng vốn để làm gì thì sang năm chúng ta mới biết. Mất 2 năm, 3 năm mới biết kết quả. Vì vậy anh em cần cân nhắc rằng là, nếu công ty tăng vốn, cần nhìn kỹ lại tốc độ tăng trưởng EPS trong năm vừa rồi, tốc độ tăng trưởng EPS và tốc độ tăng trưởng doanh thu của 2 năm,3 năm tiếp theo. Kế hoạch sử dụng vốn có hồi hòa không, có phù hợp không. Nếu nó phù hợp và khả năng pha loãng 20%, 30% mà vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng thì là rất tốt.
Đấy là lý do tại sao ông DXG tăng vốn 65 lần mà giá cổ phiếu tăng có 3 lần, như vậy là anh em lỗ. Công ty vẫn tăng trưởng, giá trị vốn hóa vẫn phi lên nhưng cổ phiếu bị pha loãng liên tục. Giá cổ phiếu không thể bù đắp được khả năng tăng vốn đấy.
Anh em cần chú ý, đây là công thức quan trọng nhất để anh em đánh giá được tăng vốn như vậy có quá mức hay không.
2.7 Lợi ích của ban lãnh đạo khi tăng vốn.
Ban lãnh đạo sẽ có rất nhiều điểm lợi khi tăng vốn.
- Tài sản của họ tăng: Bởi lẽ ban lãnh đạo của công ty thông thường cũng nắm giữ cổ phiếu.
- Được sử dụng dòng tiền: Ban lãnh đạo được sử dụng dòng tiền của anh em để đầu tư dự án, phát triển trên sàn. Chính điều đó làm gián tiếp cho cổ phiếu của anh em tăng lên, giá trị của công ty tăng.
- Bán cổ phiếu: Tiếp theo là ban lãnh đạo có thể bán cổ phiếu của họ ra để chốt lời, kiếm lợi nhuận.
- Cầm cố cổ phiếu: Nếu họ không bán cổ phiếu thì có thể cầm cố cổ phiếu để đi kinh doanh, hoặc đi làm mục đích cá nhân của họ.
- Vay cổ phiếu: Có nhiều lãnh đạo khác đi làm trò hay ho là đi vay cổ phiếu. Tức là họ xác định giữ 30 triệu cổ phiếu HPG trong vòng 10 năm. Nếu mà để không thì hơi lãng phí, họ để cho những nhóm môi giới hoặc cho những công ty tài chính vay để làm dịch vụ tài chính, để bán khống. Những nhóm môi giới hay công ty này cũng được hưởng lợi đâu đó 5%/năm, 10%/ năm…
2.8 Thị trường tăng vốn ồ ạt thì sao?
Thị trường tăng vốn ồ ạt công với việc doanh nghiệp nào tăng vốn cũng thành công thì đấy là dấu hiệu thị trường rất nóng.
Bình thường trên sàn có đến 1.800 công ty, nếu công ty tốt (tăng trưởng doanh thu ngon, kế hoạch rõ ràng, ban lãnh đạo chính trực , đàng hoàng) thì mới tăng vốn thành công được.
Những doanh nghiệp nhỏ hơn, từ giá 5.000 đồng/cổ phiếu – 6.000 đồng/cổ phiếu lên 10.000 đồng/cổ phiếu – 20.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ số đỏ lòe, doanh thu trồi sụt, EPS âm, PE trăm mấy, nhưng bán vốn vẫn thành công ầm ầm. Đấy là dấu hiệu thị trường rất nóng. Nóng như vậy cú không khẳng định xuống ngay nhưng anh em cần thận trọng vì nóng như vậy là cả thị trường đang định giá rất cao. Dòng tiền đang rất nóng để chảy vào thị trường, cần thận trọng với những game như vậy.
2.9 3 bước của game tăng vốn F0 cần thận trọng.
Với 3 bước của game tăng vốn này hoàn toàn dựa vào quan điểm và kinh nghiệm của Cú mà thôi
a. Bước 1: Chuẩn bị
Mục đích của game tăng vốn là huy động càng nhiều càng tốt.
Bởi vì các doanh nghiệp này thông thường ở trong tình trạng thiếu vốn thường xuyên. Họ mong muốn huy động vốn càng nhiều càng tốt từ anh em, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể nói những doanh nghiệp nhỏ họ muốn trở thành người khổng lồ thì phải huy động vốn và dùng tiền của người khác. Mà người khác đây chính là cổ đông chúng ta. Huy động vốn được càng nhiều càng tốt, sau đó có hiệu quả hay không thì tính sau. Họ sẽ cần 3 bước trong phần chuẩn bị này
- Chuẩn bị về giá: Cổ phiếu muốn tăng vốn thành công thì thông thường (tại thời điểm Cú viết bài) giá phải từ 15.000 đồng/cổ phiếu trở lên. Họ phải tận dụng thời cơ của thị trường. Tức là thị trường thuận lợi, thị trường nóng. Cả thị trường tăng và cổ phiếu của mình cũng tăng, khi đó cần lập kế hoạch để tăng vốn.
- Chuẩn bị về thông tin: Khi mà sắp tới tăng vốn thì cần phải có sự án ngon. Thông tin tốt về dự án khủng, dự án tỷ đô. Những dự án này vẽ ra khá nhiều, thực tế triển khai không thì sau mới biết được. Nhưng mà tại thời điểm tăng vốn thì những thông tin tốt đó phải cực kỳ nhiều. Phải chuẩn bị nguồn thông tin, ký kết với nhà đầu tư, ban lãnh đạo, các tỉnh….Những dự án tỷ đô về lợi nhuận đột biến. Tất cả phải chuẩn bị để cho cổ đông sắp sửa mua nhìn thấy cái tiềm năng tươi sáng của doanh nghiệp.
- Chuẩn bị về đội ngũ PR, đội nhóm tung tin, marketing: Phần này không thể thiếu được, cần phải chi tiền mạnh cho báo chí, PR, môi giới để làm việc này.
VD Cú đã thống kê về những đợt tăng vốn của FLC
- FLC tăng vốn từ lúc lên sàn HNX, trước đó đã tăng vốn từ 18 tỷ lên 170 tỷ (gần 10 lần).
- Sau đó tiếp tục tăng vốn lên 771 tỷ và tăng lên 1.543 tỷ bằng cách cứ 1 cổ phiếu đang có được mua 1 cổ phiếu mới.
- Vốn hóa tăng lên 3.749 tỷ bằng cách tương tự.
- Sau khi chia cổ phiếu, bán trái phiếu chuyển đổi, vốn hóa tăng lên 5.299 tỷ.
- Sau đó sử dụng phương pháp 10 cổ phiếu đang có được mua 6 cổ phiếu mới để tăng vốn hóa lên 6.380 tỷ.
- Tiếp tục tăng vốn nhưng không thành công và trả cổ tức bằng cổ phiếu thì vốn tăng lên 7.099 tỷ.
- Đến năm 2018,2019 liên tục có thông tin tăng vốn nhưng không thành công.
- Anh em phải để ý rằng những người tăng vốn họ luôn luôn phải lựa chọn thời điểm phù hợp. Khi mà giá cổ phiếu thuận lợi, thị trường nóng, nhiều nhà đầu tư vào. Tất cả mọi thứ chuẩn bị tốt mà thị trường không ủng hộ thì cũng không được.
b. Bước 2: Lựa thị trường, lựa game đánh lên, đồng loạt ra tin tốt + Hội nhóm, báo chí PR.
Nếu cổ đông không mua hết thì sẽ có 2 trường hợp:
Cổ đông mua hết thì quá tốt. Anh em đồng ý giá đang 15.000 đồng/cổ phiếu- 16.000 đồng/cổ phiếu. Chia tách xong giá về khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu- 14.000 đồng/cổ phiếu thì sẽ mua.
Nhưng nếu có những người không mua, bỏ deal và thị trường đảo chiều xấu quá thì sẽ có 2 trường hợp:
- Bỏ deal đó, tăng vốn không thành công.
- Dùng tiền của doanh nghiệp để mua những phần còn lại, nhưng sẽ không nộp vào để đó mà mua bằng cách chuyển sang các dạng công ty con, chuyển ra là cho vay nội bộ, cho đối tác vay, ủy thác đầu tư, đầu tư dự án. Tức là doanh nghiệp nộp tiền vào và chỉ có 1 ngày sau là rút tiền ra. Họ có thể làm xoay vòng, nộp tiền vào rồi rút tiền ra. Ngày làm 100 lần mỗi lần 10 tỷ thì đã có 1.000 tỷ. Tức là chỉ có 10 tỷ ban đầu anh em biến thành 1.000 tỷ. 1.000 tỷ đó là giá trị cổ phiếu trên sàn. Cổ phiếu chính là tài sản và mang tài sản đó mang đi cầm cố, làm margin… đủ các thứ trên thị trường.
Đây là câu chuyện họ có thể làm mà vẫn hoàn toàn đúng luật.
VD anh em nhìn thấy về việc tung tin khi mà thị trường lên.
FLC là một ví dụ mà doanh nghiệp tung ra rất nhiều tin tốt trước khi tăng vốn. Giai đoạn 2015, FLC đã có rất nhiều thông tin tốt được tung ra. Sau đó, 2015 FLC có đợt tăng vốn liên tiếp, tăng từ 1.543 tỷ lên 3.749 tỷ. Tiếp tục từ 3.749 tỷ lên 5.299 tỷ và sau đó thị trường đi xuống, không thì còn tiếp tục tăng tiếp.
Tung thông tin tốt là việc thường làm của các doanh nghiệp trước khi tăng vốn. Thời điểm anh chuẩn bị mua thì thông tin đẹp ra càng nhiều.
c. Bước 3: Ban lãnh đạo quay xe
Chẳng hạn anh em nộp tiền xong rồi nhưng cổ phiếu không tăng như kỳ vọng thì ban lãnh đạo sẽ bảo “Bọn em cần tập trung vào kinh doanh, cổ phiếu sẽ tự thể hiện giá trị thật của nó” Ban lãnh đạo sẽ không đầu cơ cổ phiếu, không tiết được, tác động được giá cổ phiếu trên thị trường thì khi đó họ cầm tiền của anh em rồi. Tiền nộp vào công ty là tiền vốn chủ sở hữu rồi, đâu có đòi được.
Đây là quan điểm cá nhân của Cú và ví dụ về cách thức game tăng vốn. Những công ty chuyên đầu cơ, đánh lên đánh xuống họ có thể làm như vậy. Anh em cần thận trọng khi mua những cổ phiếu như thế này. Anh em có thể lướt sóng, đầu cơ nhưng dài hạn thì anh em cần cân nhắc về yếu tố cơ bản của công ty.
Phần 3.Tất cả những điều về quyền mua tăng vốn
Anh em có thể xem thêm ví dụ: Công ty chứng khoán SHS phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ là anh em có 2 cổ phiếu cũ sẽ được mua 1 cổ phiếu mới với giá là 13.500 đồng/ cổ phiếu. Lúc đó thì giá của họ đâu đó trên sàn khoảng 50.000 đồng/ cổ phiếu. Doanh nghiệp nghĩ rằng đây là 1 mức giá hấp dẫn và đúng thât. Và đúng là như vậy, rất ít anh em bỏ quyền mua này. Trừ khi anh em chưa có đủ tiền.
Hay như là SSI, họ phát hành cổ phiếu thêm. Tỷ lệ thực hiện là 6:1. Tức là 6 cổ phiếu cũ được mua1 cổ phiếu mới với mức giá là 10.000/ cổ phiếu.
Phần này anh em cần lưu ý tới 2 điều kiện ở đây.
- Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 8/9. Tức là anh em muốn nhận quyền này thì anh em phải mua trước ngày 8/9.
- Từ ngày 8/9 trở đi, mình bán cổ phiếu ra thì mình vẫn có quyền rồi. Khi có quyền rồi thì anh em sẽ đăng ký thực hiện quyền.
Có rất nhiều công ty có mục đăng ký thực hiện quyền mua. Anh em bấm vào mục “Đăng ký thực hiện quyền mua và nhập mã chứng khoán của mình vào.
3.1 Đánh giá quyền mua.
Tại sao anh em hay thấy quyền mua lại thường kèm cổ tức bằng tiền và cổ phiếu thưởng. Giống như chúng ta hay thấy câu chuyện bia kèm lạc. Nhiều doanh nghiệp họ rất lo lắng rằng việc phát hành này phải thành công để họ huy động được thêm vốn. Họ muốn 3 việc gộp làm 1 luôn.
VD như ông SSI, và rất nhiều công ty khác, họ sẽ phát hành cho anh em là vừa phát hành thêm, thưởng cổ phiếu là 6 cổ phiếu đang có được thêm 2 cổ phiếu mới. Đồng thời phát hành cổ phiếu là 6 cổ phiếu đang có được mua 1 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để cho anh em có thể đăng ký tất cả thứ này. Vừa được quyền mua cổ phiếu, vừa được cổ phiếu thưởng và thậm chí là được cổ tức bằng tiền mặt nữa.
Hay như ông SHS, doanh nghiệp phát hành 3 quyền 1 lúc. Phát hành cổ phiếu, quyền mua 13.500 đồng/ cổ phiếu, 2 được 1.
Việc thực hiện cùng lúc có mấy mục đích như thế này
- Làm 1 lần để thủ tục ngắn gọn. Điều chỉnh giá 1 lần trên thị trường
- Cho anh em không bỏ quyền mua.
3.3 Cách thực hiện quyền mua
Vào App của công ty chứng khoán, bấm vào phần cổ phiếu -> Đăng ký quyền mua.
Nhập mã chứng khoán chúng ta cần vào và số lượng đăng ký vào.
Phần này anh em có 1.000 quyền mua nhưng anh em không muốn dùng hết, anh em có thể thực hiện 500 quyền mua, 300 quyền mua hay 900 quyền mua là do mình. Anh em sẽ cân nhắc xem giá cổ phiếu trên sàn lúc đó là bao nhiêu. Nếu giá là 20.000 đồng/cổ phiếu mà giá quyền mua có 10.000 đồng/cổ phiếu thì anh em có thể nên làm. Nhưng nếu giá có 11.000 đồng/cổ phiếu – 12.000 đồng/cổ phiếu thôi mà giá thực hiện quyền đã giá 10.000 đồng/cổ phiếu rồi thì anh em sẽ cân nhắc.
Phần 4. Cách tính giá sau khi chốt
4.1 Công thức tính giá sau khi chốt
[Giá trước khi chia + (Giá phát hành thêm * Tỷ lệ phát hành thêm) – Cổ tức tiền mặt]
chia cho [1+ Tỷ lệ phát hành thêm CP + Tỷ lệ chia cổ phiếu thưởng]
Ví dụ:
SHS chốt ngày 24/8
CP thưởng: 100 được 5 (5%)
Cổ tức = tiền: 12%
Quyền mua: 2 được mua 1 giá 13.500đ/CP (50%)
Giá trước khi chốt là 50,000đ
[Giá trước khi chia + (Giá phát hành thêm * Tỷ lệ phát hành thêm) – Cổ tức tiền mặt]
chia cho [1+ Tỷ lệ phát hành thêm CP + Tỷ lệ chia cổ phiếu thưởng]
Với SHS tức là:
[50.000 + (13.500*50%) – 1.200] chia cho [1+ 0.5 + 0.05]
= 44.450 chia cho 1.55
= 28.677
Đây là công thức mà anh em nên ghi lại và có thể ứng dụng cho mọi cổ phiếu chốt quyền, hưởng quyền cùng việc chia cổ tức bằng tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu. Thêm quyền mua… thì đều dùng công thức này.
4.2 Có nên lăn chốt hưởng quyền không?
- Thứ nhất, Giá cổ phiếu thường sẽ tăng từ khi có tin đồn. Khi ban giám đốc có đề xuất lên hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị xin ý kiến với cổ đông. Khi ban giám đốc có đề xuất thì bắt đầu có rồi. Hoặc là ngay từ trong phòng đầu tư, phòng kế toán, hoặc ban đầu tư của công ty có sự đề xuất thì có khả năng tăng giá từ từ. Cho đến khi ban giám đốc chính thức xin ý kiến cổ đông. Và sau đó là xin ý kiến ủy ban chứng khoán, rồi xin việc thực hiện phát hành đấy thì quá trình đấy thường kéo dài 1 vài tháng. Thông thường là giá sẽ tăng trong điều kiện thị trường bình ổn. Còn thị trường xấu thì không nói nên được điều gi cả.
- Thứ 2, giá sau khi chia thông thường sẽ giữ mức hợp lý tới ngày nộp tiền. Anh em hãy suy nghĩ như người trong công ty. VD công ty phát hành cho anh em 1 cổ phiếu đang có được mua 5 cổ phiếu mới giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Anh em sẽ phải cân nhắc là 1 tháng nữa mình sẽ phải nộp 12.000 đồng/cổ phiếu này vào.
Nhưng giá cổ phiếu mà loanh quanh tầm 20.000 đồng/cổ phiếu thì mình nộp tiền mới bõ. Còn nếu rớt về 13.000 đồng/cổ phiếu hoặc 12.500 đồng/ cổ phiếu, công với việc thị trường xấu thì rất ít anh em mua. Nên các công ty niêm yết họ sẽ có động cơ và thường và sẽ bằng mọi cách giữ được giá trên sàn ở mức hợp lý cho tới ngày anh em nộp tiền vào. Còn đến khi anh em đã nộp tiền xong, diễn biến của giá sẽ đi theo diễn biến của thị trường chung. Thị trường tăng thì nó tăng, thị trường giảm thì nó giảm. Nhưng trước đó thì nó sẽ đi theo diễn biến của nhà cái.
- Điều thứ 3 là anh em cần nghiên cứu kỹ tính khả thi của việc sử dụng vốn. Bởi vì có rất nhiều công ty dùng vốn ảo, họ thấy thị trường ngon, quyết định phát hành cho cổ đông chiến lược một lượng lớn cổ phiếu khoảng chừng 15%-20% vốn công ty với giá rẻ hơn thị trường khoảng chừng 15%-20%. Họ có thể dùng cổ phiếu đó để mang đi vay nợ được. Dùng làm tài sản để phát hành trái phiếu, đi vay nợ…Thì anh em cần hết sức chú ý trong việc phát hành riêng lẻ. Phát hành cho ai, để làm gì và sử dụng vốn để làm gì.
Trong trường hợp này, nếu mà công ty cơ bản ngon và trong trường hợp này anh em đầu tư giá trị thì việc tăng vốn là việc bình thường. Khi anh em so sánh tốc độ tăng trưởng EPS, tốc độ tăng trưởng với doanh thu vẫn ngon, vẫn mua được. Cú nghĩ rằng đó là cơ hội tốt.
Còn nếu mà đầu cơ, quan điểm của Cú thì không nghĩ rằng lăn chốt đầu cơ là thông minh. Rất rủi ro. Có thể ăn được nhiều nhưng cũng mất rất nhiều. Đặc biệt game đầu cơ thường diễn ra trong giai đoạn nhạy cảm của thị trường. Tức là thị trường có thể trồi sụt rất nhanh. Cổ phiếu đầu cơ mà đảo chiều nhanh chóng thì anh em sẽ bị kẹt vốn tại đó. Kẹt vốn trong quá trình tăng vốn mất khoảng 3,4 tháng. Đợi khi cổ phiếu mới về rất là khó. Nên anh em lăn chốt những con đầu cơ cần hết sức thận trọng.
Anh em hãy xem xét một số cổ phiếu sau khi chia. Ví dụ công ty SSI như Cú đã đưa thông tin về việc chia cổ phiếu theo nội dung ở trên…
Anh em hãy xem diễn biến giá của nó trước khi chia:
SSI sau khi chia thì tăng 1 vọt lên phiên tăng trần. Nhưng ngay sau đó thì giá giảm trở lại ngay. Tức là người mà mua lăn chốt sẽ được hưởng 1 phiên tăng trần khoảng 7%. Sau đó họ sẽ bán ra hoặc chốt lời. Trong trường hợp SSI như vậy. Còn trước khi mà chia, giá cổ phiếu cũng tăng giá khá là tốt. Việc tăng giá này được cổng hưởng từ thông báo quyền mua, rồi việc chia cổ phiếu hấp dẫn, cộng với việc là thị trường tăng trưởng tốt.
Còn SHS thì sao? SHS chúng ta thấy rằng trước khi mà chốt thì giá cổ phiếu đã tăng lên mức cao rồi. Rất nhiều người mua rồi. Đến ngày chốt, Ngày 23/8, cổ phiếu có tăng vọt lên 1 phiên, nhưng ngay sau đó, điều chỉnh lại đi ngang bình thường
Điều này cho thấy gì, nếu mà cổ phiếu có thông tin tốt, nội tại tốt thì giá của nó sẽ phản ứng trước ngày lăn chốt hưởng quyền 1 vào tuần trước đó rồi. Nếu mà anh em chỉ mua vào ngày không hưởng quyền, mua vào trước ngày lăn chốt 1,2 ngày thì giá của nó không biến động nhiều lắm. Ví dụ như trong trường hợp SHS này, giá của nó đã bình ổn ngày trở lại rồi. Những người đầu cơ ngắn hạn, mua lăn chốt, cũng không được hưởng lợi quá nhiều. Chỉ có mua trước đó thì ngon. Còn ông SSI được hưởng lợi 1 phiên.
Một ví dụ nữa là HPG
HPG ngày giao dịch không hưởng quyền là 31/5/2021, tỷ lệ thực hiện là 35%. Phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Đây là cổ phiếu thưởng. Anh em xem diễn biến giá ngày 31/5/2021.
Tại ngày chốt, ngày không hưởng quyền thì nó có tăng giá thật. Tăng xong thì sau đó là đúng đỉnh ngắn hạn luôn. Có vẻ như anh em nào mua trước ngày lăn chốt 1,2 ngày anh em sẽ bị thiệt hại.
Như vậy, xem xét qua 3 ví dụ vừa rồi, chúng ta có thể thấy rằng, nếu mà anh em lăn chốt, anh em chỉ mua trước đó 1,2 ngày thôi thì việc đó khá may rủi. Thường cũng không có ý nghĩa gì trong việc đầu cơ cả. Bởi lẽ việc này quá phổ biến trên thị trường, ai cũng nhìn thấy cơ hội. Cơ hội ai cũng nhìn thấy sẽ không còn hiệu quả nữa. Còn anh em muốn mua sớm thì nên mua trước, đoán ra được thông tin đấy, mua trước để chờ. Cái diễn biến của cổ phiếu nó sẽ tuân theo cái cung cầu của thị trường, nội tại của doanh nghiệp và thị trường chung chứ không tuân theo ngày lăn chốt đâu.
Trong bài viết này, Cú đã chia sẻ cho anh em tất cả những gì cần biết về tăng vốn, quyền mua, cổ tức.
Hy vọng anh em sẽ ứng dụng vào việc đầu tư của mình. Đặc biệt, hãy lưu ý khi công ty tăng vốn, phát hành quyền mua cần phải lưu ý rất kỹ trong việc tìm hiểu công ty, tìm hiểu thông tin, tìm hiểu họ sử dụng vốn vào cái gì và tránh phải công ty lởm.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về cách đầu tư cổ phiếu nói riêng, chứng khoán nói chung. Đặc biệt là với những anh em vừa chân ướt chân ráo bước vào thị trường. Anh em có thể tham khảo những bài hướng dẫn đầu tư chứng khoán cơ bản như:
>>Hướng dẫn đầu tư chứng khoán từ A-Z cho người mới bắt đầu
>5 Bước hướng dẫn đầu tư chứng khoán cho F0 tuổi 30 (Nên biết)
Những bài viết này được Cú tổng hợp từ những kinh nghiệm đầu tư thực chiến của mình. Anh em có thể tham khảo hoặc có bất kỳ thắc mắc nào có thể inbox cho Cú.
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Như Cú đã nhắc ở phía trên, hiện Cú có cung cấp 3 khóa học chứng khoán từ cơ bản đến nâng cao. Cụ thể, gồm 3 khóa học: Phân tích cổ phiếu BĐS, Chứng khoán cơ sở và Chứng khoán phái sinh. Khóa học sẽ giúp anh em:
Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần Inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc về đầu tư và khóa học cho anh em nhé
Chúc anh em đầu tư thành công !
Các kênh thông tin của Cú
Để cập nhập thêm nhiều thông tin bổ ích về tài chính – chứng khoán, anh em có thể theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969