Lạm phát là gì 2022? (Inflation rate)
“Lạm phát là một chỉ số kinh tế vĩ mô thì ảnh hưởng gì đến chứng khoán?” là câu hỏi Cú nhận được khá nhiều từ anh em F0. Thực tế, nó có tầm ảnh hưởng tương đối lớn đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Anh em đang muốn tìm hiểu lạm phát là gì nhưng lại chưa biết bắt đầu từ đâu? Cũng chưa rõ ảnh hưởng của lạm phát hay giỏ hàng CPI là gì? Vậy thì hãy tham khảo bài viết Lạm phát là gì? (Inflation rate) này của Cú nhé!
1. Lạm phát là gì?
Để biết lạm phát là gì ta cần đi từ khái niệm.
Khái niệm cho ta biết giá cả hàng hóa hôm nay đắt hơn hôm qua, ngày mai đắt hơn hôm nay. Như vậy ta có thể thấy lạm phát là giá cả mọi thứ trên đà tăng.
(Nguồn: CBC News)
Dù khái niệm nói theo ngày, để thấy được ảnh hưởng của lạm phát chúng ta cần phải xét theo năm. Một ví dụ điển hình là bát phở bò chúng ta ăn vào mỗi buổi sáng.
Cú vẫn còn nhớ những năm 2010, 1 tô phở bò với đầy đủ thịt, bánh, nước… chỉ rơi vào độ 20,000 đồng. Đến năm 2022, cùng quán phở và chủ tiệm, 1 tô phở bò như cũ đã lên đến 45,000 đồng!
Tăng giá cao thì mất khách. Một số chủ tiệm đã quyết định giữ giá. Nhưng lại…thái mỏng từng miếng thịt hơn, hoặc chọn loại thịt chất lượng thấp hơn. Giờ chắc các anh em đã hiểu lạm phát là gì.
Lạm phát không chỉ là giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng. Lạm phát còn là suy giảm chất lượng hàng nhưng chi phí vẫn vậy – đồng tiền mất giá.
(Nguồn: afamily.vn)
2. Tính lạm phát thế nào?
2.1. Lạm phát là gì trên thực tế?
Nhưng nếu đấy là khái niệm lạm phát thì không nhẽ cứ món hàng nào tăng giá thì lại cho là có lạm phát?
Trên thực tế, chúng ta sẽ sử dụng 1 “giỏ hàng” gồm những món khác nhau để tính lạm phát. Khi nào cả “giỏ hàng” cùng tăng giá thì mới được cho là có lạm phát.
Chúng ta sẽ đi từ ví dụ về tô phở để thấy ảnh hưởng của lạm phát nhé. Hãy coi như để chuẩn bị cho 1 buổi sáng bán phở, bà bán hàng cần 20kg bánh và 5kg bò. Giá của chúng qua các năm sẽ như sau:
2010: bò 65,000 VND/kg; bánh 5,000 VND/kg
2022: bò 145,000 VND/kg; bánh 12,000 VND/kg
Trên tổng khối lượng, ta thấy thịt bò chiếm 20 / (20+5) = 80%; bánh phở chiếm 5 / (20+5) = 20%.
Như vậy giá 1 tô phở tại 2022 sẽ tăng là (145,000*5 + 12,000*20) / (65,000*5 + 5,000*20) = 965/425 = 227.06% so với 2010. Mức này gần với mức tăng 220% từ 20,000 VND đến 45,000 VND. Mẫu số là tổng tiền bán phở của năm cũ (2010) và tử là tổng tiền bán phở năm mới (2022).
2.2. Công thức tính lạm phát là gì?
Qua đó ta thấy công thức tính lạm phát giữa 2 thời kỳ sẽ là:
(Nguồn: Internet)
Ở đây:
- CPI tại t chính là phần trăm lạm phát 2022 vừa tính được ở trên.
- Ký hiệu Σ là tổng.
- P là giá hàng.
- Q là lượng hàng.
CPI 2022 là % chi phí mua “giỏ hàng” năm nay so với % chi phí mua “giỏ hàng” tại năm gốc.
Vậy “giỏ hàng” nghĩa là gì? “Giỏ hàng” ở đây chính là tô phở đó anh em! 1 tô phở có bún, thịt, hành, quẩy… Để cho đơn giản Cú đã chỉ tính lạm phát gồm tiền thịt bò và bánh phở.
Trên thực tế, “giỏ hàng” CPI là các món hàng ta cần để sống trong 1 tháng. Kể ra thì “giỏ hàng” sẽ thường bao gồm điện, nước, xăng…để tránh 1 món hàng tăng = lạm phát.
Khách hàng sẽ thường không than về giá 1 tô phở nếu chỉ bánh hay hành đắt lên. Nhưng hẳn các anh em cũng thấy việc bò chiếm đến 80% giá trị 1 tô phở ảnh hưởng thế nào. Bánh đắt mấy cũng không sao, nhưng thịt chỉ cần nhỉnh 1 chút cũng khiến phở tăng giá.
3. “Giỏ hàng” CPI và các ảnh hưởng của lạm phát là gì?
3.1. Giỏ hàng CPI
Tại Việt Nam, giỏ hàng CPI được tính gồm tiền ăn, tiền nhà, chi phí sức khỏe, giáo dục, giải trí… Mỗi chi phí này chiếm phần trăm khác nhau. Lý do tại sao thì anh em hãy thử tưởng tượng nhé:
Một bác lao công thu nhập 6 triệu/tháng sẽ dành hầu hết tiền cho sinh hoạt thiết yếu. Một CEO thu nhập 300 triệu/tháng sẽ dành 1 phần rất nhỏ vào đấy. Còn lại sẽ là thu nhập dư ra của anh ta.
Với bác lao công, chỉ cần tiền ăn hết 100,000/ngày là đã mất một nửa thu nhập. Thêm tiền điện nước thì không tích cóp được đồng nào, đúng là cảnh “ăn bữa nay lo bữa mai”.
Nhưng đối với CEO, dù có ăn sang đến mấy cũng không thể hết 150 triệu/tháng. Mặt khác, bác lao công ở nhà ở xã hội nên sẽ không bận tâm đến tiền nhà tăng. CEO ở 1 căn penthouse giữa Hà Nội giá cả chục triệu đồng/tháng. Anh ta chịu ảnh hưởng bởi giá thuê nhà tăng hơn.
Với ví dụ là tô phở, việc này tương tự như người ăn nhiều bánh, người ăn nhiều thịt. Người thích bánh sẽ thấy khổ khi giá bánh tăng, người thích thịt sẽ thấy khổ khi giá thịt tăng.
Do đó, ta thấy tầm quan trọng của việc đặt % cho từng thành phần của “giỏ hàng” CPI. Nếu Cú đặt % hàng xa xỉ quá cao, dự báo lạm phát của Cú sẽ vô dụng với người nghèo. Ngược lại, nếu Cú chỉ chọn hàng thiết yếu, dự báo lạm phát ít ảnh hưởng đến người trung lưu.
3.2. Cốt lõi của lạm phát là gì?
Sau khi chúng ta biết lạm phát là gì, ta sẽ đi sâu vào các khía cạnh của nó. Trước hết phải kể đến tỷ lệ lạm phát cốt lõi. Quay trở lại ví dụ về tô phở. Chúng ta sẽ giả sử tất cả thành phần đều chiếm % ngang nhau nhé. Khi đó anh em sẽ thấy hiện tượng là lạm phát bị chi phối bởi giá có biến động cao.
Giả sử trong 1 tháng, đàn bò cả nước tăng do nhập khẩu và giảm do dịch bệnh. Việc này dẫn đến giá thịt bò tháng này xuống thấp và tháng sau tăng một lượng như nhau. Do đó anh em sẽ cho rằng chúng ta vừa đi từ giảm phát sang lạm phát. Trên thực tế do chủ hàng không kịp điều chỉnh nên một tô phở vẫn giữ nguyên giá.
Lạm phát cốt lõi là giỏ hàng CPI bỏ đi các món thay đổi “chóng mặt” như bò bên trên. Khi có hạn hán, giá lương thực như gạo, ngô, lúa mỳ… có thể tăng nhanh trong thời gian ngắn. Nếu ta tính cả chúng vào lạm phát sẽ gây hoang mang cho người dân.
Hay gần đây nhất chiến sự Nga-Ukraine đẩy giá dầu lên cao những 30% ($120/thùng). Nguyên nhân là đầu cơ thị trường, chứ anh em sẽ không bao giờ phải trả giá này khi mua xăng. Lúc này ảnh hưởng của lạm phát sẽ chỉ là nhất thời, không khái quát.
(Nguồn: aa.com.tr)
Như vậy trong “giỏ hàng” CPI bỏ những món tăng giảm thất thường là đúng. Các nước thường chọn thực phẩm và nhiên liệu là 2 món hàng chính để cắt giảm.
3.3. Phân bố CPI trên thế giới
Việc đặt tỷ trọng giỏ hàng có cả ảnh hưởng quốc tế. Ví dụ như để được sử dụng đồng Euro, một quốc gia phải có lạm phát thuộc loại thấp. Một chính phủ có thể “gian lận” bằng cách chọn “giỏ hàng” nhiều hàng ít ảnh hưởng bởi lạm phát.
Do đó, các nước thống nhất chọn “giỏ hàng” theo các chuẩn quốc tế.
Tại Mỹ, CPI được chia theo khu vực thành thị và nông thôn. Do Mỹ là nước rất rộng, phân bố dân không đều nên phải chia theo cách này. Sống ở New York, nơi mà chỗ làm chỉ cách căn hộ vài bước chân, chắc anh em sẽ không lo lắm về chi phí vận chuyển. Ngược lại, giá nhà của anh em lên tới cả trăm USD/tháng.
Nếu anh em sống ở một trang trại tại Texas hay Kansas, giá nhà sẽ gần như là miễn phí. Nhưng anh em phải đi ô tô 10 phút mới đến được trường học hay bệnh viện gần nhất.
(Nguồn: linkedin.com)
Ở thành thị thì do đó các dịch vụ như chỗ ở, dịch vụ, thực phẩm… chiếm tỷ trọng cao hơn trong “giỏ hàng” CPI. Ở nông thôn thì năng lượng, y tế… lại chiếm nhiều hơn.
Tương tự Mỹ, nếu Cú là người Đức, thì cứ mỗi mùa đông đến phần lớn chi phí sẽ dùng để sưởi ấm. Vì thế mà chi phí năng lượng ở Đức là món hàng lớn trong giỏ CPI. Trung Quốc rất trọng giáo dục, vì phải có bằng cấp tốt mới có tương lai. Do đó chi phí giáo dục của họ chiếm tới 14% giỏ hàng.
3.4. Ảnh hưởng chung của lạm phát là gì?
Qua các ví dụ ở trên, anh em có lẽ đã thấy một ảnh hưởng của lạm phát. Nếu anh em không biết mai tô phở có ngon như hôm nay không, anh em sẽ không muốn ăn nó. Nếu 1 doanh nghiệp biết trong tương lai gần sẽ có lạm phát ở mức độ cao (>10%), họ có thể găm hàng để bán với mức giá cao hơn.
Ngoài ra, một ảnh hưởng của lạm phát khác là nó tăng nhanh và biến động hơn lương. Khi tính lạm phát trong 5 tháng là 20%, tức là anh em đã vô hình bị trừ lương 20%. Hơn nữa, các công ty thường 6 tháng mới xét tăng lương 1 lần. Quả là không có gì khó bằng chờ tăng lương phải không anh em!
Nhắc đến lạm phát không thể thiếu giá hàng hóa lên cao. Khi đồng tiền mất sức mua, anh em sẽ thấy mọi thứ đắt đỏ hơn.
Nếu chúng chỉ là hàng xa xỉ thì chắc anh em còn nhịn được. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu lạm phát là hàng thiết yếu?
Ạnh em nghĩ liệu một bà mẹ cần sữa cho con có chờ chính phủ điều chỉnh giá được không? Hay một lái xe không trả nổi tiền xăng?
Lạm phát ảnh hưởng đến kế sinh nhai. Nếu để lâu dài không điều chỉnh nó còn có thể đảo lộn trật tự xã hội. Đây là lý do các nước có lạm phát cao luôn bị bất ổn chính trị và ngược lại.
4. Lạm phát tác động tới nhà đầu tư thế nào?
4.1. Tác động chung tới nhà đầu tư
Khi tìm hiểu lạm phát là gì, chúng ta đã thấy các ảnh hưởng của nó tới đại bộ phận người dân. Nhưng liệu lạm phát tác động tới nhà đầu tư thế nào? Có cách gì nhà đầu tư có thể kiếm tiền từ lạm phát?
- Các nền kinh tế và lạm phát đi theo chu kỳ, từ tăng trưởng đến suy thoái. Lạm phát thường cao nhất ở đỉnh chu kỳ, tức là ngay trước suy thoái. Do đó có thể dựa vào lạm phát để xem mình đang ở đâu trong chu kỳ
(Nguồn: finandlife.com)
Như vậy ta thấy ở đầu chu kỳ các ngành “nhạy cảm” như bất động sản, tài chính, IT… sẽ là chỗ đầu tư tốt. Lúc này lạm phát đang trên đà lên.
Ở đỉnh chu kỳ, khi lạm phát cao nhất thì các ngành hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu sẽ giảm. Các ngành này dựa nhiều vào nhập khẩu và lạm phát khiến sức mua kém đi.
Thời điểm tiền suy thoái là lúc lạm phát trên đà giảm. Lúc này nên chọn các cổ phiếu “chịu đựng” tốt. Chúng thuộc nhóm ngành mà ai cũng phải dùng. Cụ thể là hàng thiết yếu, năng lượng, điện nước…
Ở đáy của chu kỳ, lạm phát đạt mức thấp nhất. Đây thường là lúc kinh tế suy thoái. Do tăng trưởng âm nên anh em buộc phải chọn các ngành ít ảnh hưởng bởi chu kỳ nhất. Ví dụ như hàng thiết yếu và y tế.
Anh em nào mạo hiểm có thể chốt lời bằng cách bán khống bất động sản hay hàng tiêu dùng. Anh em nào nhát nên chọn trái phiếu cho an toàn
4.2. Tác động tới lãi suất
- Lạm phát khiến chủ nợ sẽ mất và con nợ được lợi. Tác động tới nhà đầu tư (thường là con nợ) rất rõ rệt. Với khoản vay 100 triệu lãi suất 5%/năm, 5 triệu năm 2010 sẽ là một khoản tiền rất khác so với 5 triệu năm 2022.
Vì lý do này mà các điểm cho vay đều có thời hạn đàm phán lại hoặc thả nổi lãi suất.
- Với đàm phán lại lãi suất, sau 1 hoặc nửa năm, 2 bên sẽ ngồi bàn lại lãi suất vay. Hình thức này giúp tránh 1 bên bị thiệt hại do lạm hay giảm phát. Đây là cách để lợi cả đôi đường nhưng cũng mất thời gian hơn vì cần sự đồng ý của cả hai bên.
- Thả nổi nghĩa là lãi suất khoản vay sẽ bằng lạm phát + % nào đó. Nếu hợp đồng có lãi suất là “lạm phát + 5%”, thì khi lạm phát 5% lãi suất sẽ là 10%, khi lạm phát 1% lãi suất sẽ 6%.
4.3. Nhà đầu tư nên làm gì trong lạm phát?
- Do đó nếu lạm phát trên đà tăng, có một số cách để tận dụng tác động tới nhà đầu tư.
– Thứ nhất, anh em nên tránh ngành ngân hàng. Giả sử Cú là ngân hàng. Nếu anh em gửi tiết kiệm chỗ Cú 10%/năm, 1 công ty vay Cú 1 năm phải trả 12% Cú mới lãi.
Lạm phát tăng thì Cú phải tăng lãi suất lãi suất huy động theo. Khi đó hoặc lãi suất cho vay phải tăng, hoặc Cú phải cắt % lợi nhuận đi. Lãi suất vay mà tăng thì còn ai muốn vay nữa. Dù thế nào thu nhập của Cú cũng giảm.
(Nguồn: vnbusiness.vn)
– Thứ hai, anh em nên tránh đầu tư các chứng khoán thu nhập cố định. Chúng gồm trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, tín phiếu…
Anh em mua trái phiếu 10 năm, mà mỗi năm lạm phát 10%, thì năm thứ 5 dòng tiền anh em giảm 60%. Nếu mỗi năm anh em nhận được 10 triệu, thì đến năm thứ 5 nó chỉ ngang với 4 triệu hiện tại.
– Thứ ba, đối với các ngành khác trong giỏ hàng CPI, phải xem xét bản chất.
Một số ngành tăng giá thì người dân sẽ giảm mua – các dịch vụ không thiết yếu. Một số ngành giá tăng người dân cũng không giảm được, như điện, nước, thực phẩm thiết yếu…
Rõ ràng trong lạm phát nhóm thứ hai sẽ tăng doanh thu. Cú sẽ bán khống cổ phiếu nhóm thứ nhất và mua cổ phiếu nhóm thứ hai.
– Cuối cùng, lạm phát thường tăng cao ở đáy các chu kỳ kinh tế. Do đó, các cổ phiếu không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ nên được nhắm tới. Chúng gồm dược phẩm, y tế, bảo hiểm…
5. Theo dõi lạm phát nhanh nhất ở đâu?
Nếu anh em muốn theo dõi về lạm phát, anh em có 2 kênh chính để tìm hiểu. Việc chọn kênh nào tùy vào đối tượng lạm phát của anh em.
5.1. Lạm phát thế giới
Để tìm hiểu về lạm phát thế giới, anh em có cách nhanh nhất là lên trang web DailyFX. Ở đây anh em có thể tìm thấy đủ loại thông tin về lạm phát. Đây chính là phân bố CPI thế giới trong mục 3 đó anh em.
Trước hết là thể loại lạm phát ai cũng nghĩ đến đầu tiên. Lạm phát theo năm chính là các mục YoY (year-over-year). Trong các đồ thị này, cột ngang chính là thời gian trong năm. Cột dọc là % lạm phát của thời gian đó.
(Nguồn: DailyFX.com)
Ngoài ra, anh em còn có thể theo dõi lạm phát theo tháng hay quý. Tuy nhiên các chỉ số này ít quan trọng hơn lạm phát theo năm. Do đó nó ít được nhà đầu tư chú trọng hơn.
Một chỉ số quan trọng chính là lạm phát cốt lõi mà chúng ta vừa đề cập đến. Nó cũng được thể hiện giống lạm phát thông thường. Nhưng nếu để ý anh em sẽ thấy nó thường thấp hơn lạm phát thường.
(Nguồn: DailyFX.com)
Chắc anh em đã nhận thấy các ký hiệu High-Medium-Low. Chúng là mức quan trọng của từng chỉ số. Thường các sự kiện Cao gây biến động thị trường nhiều nhất, tiếp đến là Vừa và Thấp.
Ví dụ như vì lạm phát cốt lõi quan trọng nên thường nó nằm ở mức High. Lạm phát hàng tháng ít ảnh hưởng nên nằm ở mức Low. Việc xếp hạng cũng tùy vào quốc gia. Cùng là lạm phát năm, nhưng của Mỹ sẽ quan trọng hơn của Mexico.
(Nguồn: DailyFX.com)
Cuối cùng, mức độ lạm phát dự báo là cột forecast. Khi nhìn sang cột lạm phát thật, anh em sẽ biết các dự báo đúng sai cỡ nào. Đây là công cụ quan trọng để dự báo lạm phát tương lai cho anh em đó.
5.2. Lạm phát Việt Nam
Nếu muốn tìm hiểu lạm phát Việt Nam, nguồn tốt nhất chính là Tổng cục Thống Kê.
Trên trang web của Cục, anh em có thể tìm kiếm lạm phát và chỉ số giá (CPI). Ví dụ nếu Cú muốn biết tình hình lạm phát nửa đầu 2022 nhé. Cú sẽ có hình sau đây:
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Dựa vào đây anh em có thể thấy % tăng giá của từng món trong “giỏ hàng”. Vì giá xăng tăng mạnh nửa đầu 2022, nên ta thấy % của giao thông tăng nhiều nhất.
Qua đó, anh em có thể tính được thay đổi của cả “giỏ hàng” CPI thế nào. Tất cả đều dựa trên thay đổi của từng món hàng.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Cuối cùng, anh em có thể dựa vào xu hướng lạm phát trong quá khứ để xác định dự báo lạm phát. Tức là sử dụng lạm phát lịch sử để xem dự báo mình có chính xác không. Nó sẽ hữu dụng nếu anh em muốn “đi trước đón đầu” lạm phát.
Lời kết
Qua bài viết này, Cú mong các bạn đã hiểu lạm phát là gì, cách tính lạm phát, các ảnh hưởng của lạm phát, và các tác động tới nhà đầu tư.
——————
Trên đây những kiến thức cơ bản nhất lạm phát là gì cũng như những ảnh hưởng xoay quanh lạm phát. Cú muốn chia sẻ một cách chi tiết để anh em dễ hình dung ngay từ đầu. Bài viết “Lạm phát là gì” có mục lục, anh em có thể bấm đến những nội dung muốn tìm hiểu. Đồng thời đọc đi đọc lại những phần chưa hiểu rõ.
Nếu còn điều gì thắc mắc về lạm phát hay những chỉ số kinh tế khác, anh em có thể inbox cho Cú.
>> Là nhà đầu tư mới tìm hiểu về chứng khoán, đọc ngay bài viết này: Hướng dẫn đầu tư chứng khoán từ A-Z cho người mới bắt đầu
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://vt.tiktok.com/ZSJJKgbU4/
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969