Lạm phát là gì 2022? Đơn giản – dễ hiểu cho nhà đầu tư mới bắt đầu
Nhiều anh em mới tới với chứng khoán thường hỏi “Lạm phát là gì mà suốt ngày báo chí đưa tin rầm rộ?”. Có thể anh em coi nó là thứ xa lạ, nhưng lạm phát là gì, có ảnh hưởng gì lớn tới chúng ta.
Muốn tìm hiểu về lạm phát là gì nhưng thiếu kiến thức nền? Cũng chưa rõ nguyên nhân hay đối phó với lạm phát thế nào? Vậy thì hãy tham khảo bài viết Lạm phát là gì? Giải thích đơn giản – dễ hiểu cho nhà đầu tư mới bắt đầu này của Cú nhé!
1. Lạm phát là gì?
Lạm phát là giá cả hàng hóa hôm nay đắt hơn hôm qua, và ngày mai đắt hơn hôm nay.
Nhắc đến lạm phát, chắc anh em lại nghĩ đến các chuyên gia trên TV. Hay chí ít thì cũng là Bộ trưởng trấn an dân về “kiềm chế lạm phát”.
Hôm nay Cú sẽ cho anh em một hình ảnh lạm phát là gì dễ hiểu mà quen thuộc hơn nhiều. Ta thấy nó thể hiện rõ nhất qua hàng hóa thường nhật, như tô phở.
(Nguồn: 24hmoney.vn)
Để biết lạm phát là gì, ta nhìn vào giá 1 tô phở bò quen thuộc.
Cú vẫn còn nhớ tầm 2010, 1 tô phở với đầy đủ thịt, bánh, nước… có giá 20,000 đồng. Đến 2022, cùng quán phở và chủ tiệm, 1 tô phở bò như cũ đã lên đến 45,000 đồng.
Biết là tăng giá cao thì mất khách, một số chủ tiệm đã quyết định giữ giá hết mức có thể. Thay vào đó họ thái mỏng từng miếng thịt hơn, hoặc chọn loại thịt chất lượng thấp hơn.
Qua đây ta đã hiểu lạm phát là gì đúng không anh em! Nó không chỉ là hàng tăng giá, mà còn là suy giảm chất lượng của hàng. Với cùng lượng tiền đó nhưng chất lượng hàng kém đi. Vậy lạm phát nghĩa là tiền bị mất giá theo thời gian đó.
2. Làm sao để đo lạm phát?
2.1 Ví dụ
Hẳn anh em cũng muốn biết cách đo lạm phát đúng không? Có nhiều công thức, nhưng để đo lạm phát là gì ta sẽ đi từ ví dụ tô phở.
Coi như để chuẩn bị cho 1 buổi sáng bán phở, bà bán hàng cần 20kg bánh và 5kg bò. Giá của chúng qua các năm như sau:
2010: bò 65,000 VND/kg; bánh 5,000 VND/kg
2022: bò 145,000 VND/kg; bánh 12,000 VND/kg
Trên tổng khối lượng, ta thấy thịt bò chiếm 20 / (20+5) = 80%; bánh phở chiếm 5 / (20+5) = 20%.
Như vậy giá 1 tô phở tại 2022 sẽ tăng là (145,000*5 + 12,000*20) / (65,000*5 + 5,000*20) = 965/425 = 227.06% so với 2010.
Năm 2010 giá 1 tô phở là 20,000 VND. Anh em thấy 2022 giá 1 tô phở sẽ tầm 20,000 * 227.06% = 45,412 VND.
Mức này gần với mức tăng 220% từ 20,000 VND đến 45,000 VND. Ở đây, mẫu số là tổng tiền bán phở 1 buổi sáng của năm cũ (2010). Tử số là tổng tiền bán phở năm mới (2022).
Qua đó ta thấy công thức đo lạm phát giữa 2 thời kỳ sẽ là:
(Nguồn: Internet)
2.2 Giải thích công thức
Ở đây, CPI chính là phần trăm lạm phát chúng ta vừa tính được ở trên.
Còn “giỏ hàng” là gì? “Giỏ hàng” ở đây chính là tô phở đó! 1 tô phở có bún, thịt, hành, quẩy… Để anh em thấy lạm phát là gì dễ hiểu Cú đã chỉ tính tiền thịt bò và bánh phở.
Trong “giỏ hàng” thực tế của anh em có tiền điện, nước, xăng… Trước hết ta phải xem 1 tháng anh em dùng hết bao đơn vị của mỗi món. Hãy giả sử 1 tháng tiền điện anh em hết 20 số, nước hết 50 lít, xăng hết 10 lít.
“Chi phí” thì như anh em đã thấy là tổng tiền mua hàng đó. Qua tô phở, chắc anh em cũng thấy chi phí mỗi năm = giá thành * đơn vị từng loại hàng. Để cho công bằng chúng ta phải “khóa” lượng đơn vị tại 10 năm trước.
Ta sẽ tính “giỏ hàng” bằng cách lấy 20 * tiền điện, 50 * tiền nước, 10 * tiền xăng… Khi đó anh em có giá 1 “giỏ hàng” năm nay. Giờ anh em so sánh nó với giá 1 giỏ hàng năm cơ bản là đo lạm phát xong. Anh em nhớ khi so sánh phải giả sử cả 2 năm dùng cùng lượng đơn vị nhé.
Hẳn anh em cũng thấy việc bò chiếm 80% giá trị tô phở. Bánh đắt lên giá sẽ không thay đổi nhiều. Thịt chỉ cần nhỉnh lên 1 chút cũng khiến phở tăng giá.
Đây là lý do đo lạm phát khá phức tạp trên thực tế. Cùng 1 tô phở, nhưng có thể giá năm nay cao hơn năm ngoái không vì lạm phát. Chủ quán dùng nhiều thịt bò, tức thì giá sẽ đắt hơn.
3. Nguyên nhân lạm phát là gì?
3.1 Nguyên nhân chung
Vậy giờ chắc anh em đã hiểu lạm phát là gì. Nhưng vì sao nó lại xảy ra?
Để hiểu nguyên nhân lạm phát anh em thử tưởng tượng mình sống tại vương quốc của Cú. Tiền của vương quốc Cú là đồng vàng. Ban đầu, mỗi đồng đều làm từ 100% vàng nguyên chất.
Nhưng rồi chiến tranh xảy ra. Cú cần tiền gấp. Nhưng người dân còn không có cái ăn thì tăng thuế cũng vô ích. Vậy Cú kiếm tiền ở đâu?
Rất đơn giản. Cú chỉ cần dùng vương quyền thu lại hết các đồng vàng đã đúc. Sau đó Cú sẽ nung chảy chúng ra và trả lại anh em, nhưng lần này trộn đồng, chì vào. Kết quả là từ vàng nguyên chất giờ 1 đồng của Cú chỉ có 25% vàng mà thôi.
(Nguồn: coinweek.com)
Giờ anh em đã thấy chuyện sẽ xảy ra chưa? Cứ mỗi 4 đồng vàng đúc ra, Cú được lời 3 đồng vàng. Tiền của anh em vẫn giữ nguyên, nhưng lượng vàng anh em có chỉ còn 1/4. Trong lịch sử, đã có những “đồng vàng” chỉ có 10% vàng vì lạm phát!
Qua pha loãng vàng, Cú có thể phát hành thêm tiền mà không cần tăng vàng được sử dụng. Đây chính là nguyên nhân lạm phát, do giá trị của tiền đến từ lượng vàng bên trong chúng.
Ta thấy nguyên nhân lạm phát chung là lượng tiền tăng nhưng giá trị phía sau của chúng không tăng.
Ngoài ra, có 2 nguyên nhân lạm phát khác, Cú sẽ giải thích ở phần dưới đây:
3.2 Lạm phát cầu kéo
Nguyên nhân lạm phát cầu kéo là tô phở của anh em quá hút khách. Ở các quán phở ngon nổi tiếng Hà thành, việc phải đứng chờ hay xếp hàng là chuyện “như cơm bữa”. Nhưng nếu người dân đổ xô đi mua phở đến mức thiếu hụt hàng, các nhà hàng sẽ tăng giá để kiểm soát lượng khách mua được đó anh em.
Một ví dụ dở khóc dở cười thời COVID chính là giấy vệ sinh. Việc người người nhà nhà đổ đi mua đã làm các kệ hàng luôn sạch bong. Để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, các siêu thị buộc phải giới hạn số lượng được mua. Nhưng cũng nhiều nơi đẩy giá giấy lên cao để tránh hết hàng. Các nhu yếu phẩm bị tích trữ hàng loạt đã dẫn đến lạm phát giữa mùa dịch đó anh em!
(Nguồn: abc.net.au)
3.3 Lạm phát chi phí đẩy
Nguyên nhân lạm phát chi phí đẩy là giá thành để làm 1 bát phở tăng cao. Đối với 1 nhà hàng, chi phí này có thể đến từ việc tăng thuế, giá nhân công phục vụ tăng… Nhưng thường xuyên nhất là giá thịt bò tăng. Với việc giá thịt bò chiếm phần lớn giá trị một bát phở, ta thấy tại sao chỉ cần nó tăng nhẹ cũng đủ để khiến từng lát thịt mỏng đi.
Gần đây nhất chúng ta có ví dụ thực tiễn về giá dầu tăng do xung đột Nga – Ukraine. Dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành nghề như dung môi, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu (đặc biệt quan trọng với nông nghiệp Việt Nam). Dầu còn là nhiên liệu chính cho giao thông vận tải.
Việc này đã khiến giá hàng hóa trong nước tăng chóng mặt. Do các doanh nghiệp không ít thì nhiều cũng có giá bán sản phẩm hay dịch vụ bị chi phối bởi giá dầu.
(Nguồn: vtv.vn)
4. Ảnh hưởng của lạm phát là gì?
4.1 Tiền mất giá
Nhắc đến ảnh hưởng của lạm phát, cái đầu tiên không thể thiếu đến việc giá cả tăng. Nếu tô phở đại diện cho nền kinh tế, thì ảnh hưởng của lạm phát rõ rệt nhất ở bánh. Bánh phở là những món hàng thiết yếu. Chúng là thịt, trứng, sữa… trong giỏ hàng của các bà nội trợ.
Đối với hầu hết anh em, việc giá gang hay thép tăng lên 50% chỉ là một con số. Chúng ta chỉ thấy ảnh hưởng của lạm phát nếu nó tác động trực tiếp lên đời sống. Tức là giá hàng thiết yếu phải tăng anh em mới quan tâm. Nhưng giá các mặt hàng liên quan thế nào tới nhau?
Qua ví dụ về chi phí đẩy, ta hiểu lạm phát là gì rõ hơn. Khi giá xăng dầu tăng, nhiều hàng hóa khác cũng “ăn theo” tăng cùng. Rau củ cần phân bón làm từ dầu, thịt trứng cần xăng để vận chuyển…
Ngoài ra, khi đo lạm phát là 20%, tức là anh em đã vô hình bị trừ lương 20%. Hơn nữa, các công ty thường khá lâu mới xét tăng lương 1 lần. Quả là không có gì khó bằng chờ tăng lương phải không anh em!
4.2 Tích trữ hàng hóa bởi lạm phát là gì?
Ảnh hưởng của lạm phát còn xuất hiện qua việc tích trữ hàng hóa. Giả sử anh em đo lạm phát thấy mai giá một vỉ trứng sẽ gấp đôi. Liệu anh em sẽ mua vỉ trứng đó hôm nay hay ngày mai?
Trong thời kỳ COVID, chính phủ các nước in tiền để trợ cấp người dân. Điển hình là Mỹ, nơi mà 5 nghìn tỷ USD được in ra cho việc trợ cấp trong đại dịch.
Với lượng tiền bơm vào thị trường lớn như vậy, lạm phát là chuyện không thể tránh. Anh em cứ nghĩ mà xem: tiền thì tăng mà của cải vật chất lại giảm vì đóng cửa phòng dịch. Xảy ra lạm phát cũng dễ hiểu thôi!
Khi đó ảnh hưởng của lạm phát thế nào? Mọi người tranh nhau mua hàng hóa lâu bền hoặc khó hư hỏng. Việc này giúp tránh thiệt hại do sức mua của đồng tiền giảm sút. Nhưng chính tâm lý tích trữ này kết hợp với dịch bệnh đã tạo ra sự thiếu hụt hàng hóa.
(Nguồn: bbc.com)
Tương tự, các hàng hóa quy đổi ra tiền nhanh chóng nhưng vẫn giữ được giá trị sẽ “lên ngôi”. Giờ chắc anh em cũng mường tượng được ra Cú đang nói đến gì. Chính là vàng đó.
Khi lạm phát trên đà tăng, người dân đổ xô đi mua vàng. Lý do vì vàng bán lại rất dễ mà lại ít rớt giá.
4.3 Bất ổn xã hội do lạm phát là gì?
Không chỉ thế, ảnh hưởng của lạm phát còn là bất ổn xã hội. Khi nó lên quá cao, người dân sẽ gặp vấn đề trong việc chi trả chi phí sinh hoạt cơ bản.
Để lạm phát là gì ở khía cạnh này, anh em hãy theo Cú đến Đức những năm 1930.
Khi đó, do thua chiến tranh thế giới Ⅰ, chính phủ Đức phải trả nợ và đền bù phe thắng. Nhưng để đẩy nhanh việc này, họ đã in thêm tiền vượt kiểm soát. Kết quả là lạm phát tăng chóng mặt đã diễn ra.
Một ổ bánh mì ở Berlin có giá khoảng 160 Mark vào cuối năm 1922. Cuối năm 2023 đã lên 200 triệu tỷ Mark. Một tờ giấy để in tiền có giá trị hơn tiền!
(Nguồn: Wikipedia)
Trong tình cảnh này, người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Các vụ bạo động xảy ra liên miên. Anh em mà phải đẩy 1 xe tiền để mua 1 mẩu bánh mì thì chắc cũng bạo động.
Chính tình cảnh này đã khiến các thành phần chống chính phủ được dịp lên ngôi. Đảng phát xít, Hitler… đã tận dụng lạm phát cao để gây ra bạo động hòng dành chính quyền. Do đó mà kiểm soát lạm phát gắn liền với ổn định xã hội.
4.4 Ảnh hưởng tích cực của lạm phát là gì?
Tuy vậy, các ảnh hưởng của lạm phát không chỉ toàn tiêu cực.
Để hiểu ảnh hưởng tích cực của lạm phát là gì, anh em thử tưởng tượng nhé. Anh em vay Cú một khoản 100 triệu đồng, lãi suất 5%. Rõ ràng anh em thấy 5 triệu năm 2010 sẽ là một khoản rất khác với 5 triệu năm 2022. Như vậy, lạm phát giảm gánh nặng của con nợ.
Hầu hết người dân Việt Nam đều phải vay 1 khoản nào đó như mua nhà, xe, mở công ty… Về lý thuyết, lạm phát vừa phải sẽ giúp đa phần dân trả nợ thấp hơn.
Trên thực tế, hầu hết các khoản vay ngân hàng đều có thời hạn đàm phán lại lãi suất. Ngân hàng cho chúng vào để tránh thiệt hại do lạm phát đó anh em.
5. Cách đối phó với lạm phát là gì?
Lạm phát có ảnh hưởng như vậy, người ta làm gì để đối phó với lạm phát? Thường có vài cách sau.
5.1 Kim bản vị
Chúng ta quay lại với ví dụ về đồng vàng mà Cú cho đúc. Sau khi đã biết ảnh hưởng của lạm phát, Cú không tận thu vàng nữa.
Ngược lại, để đối phó với lạm phát Cú phải giữ giá trị cho tiền của anh em. Cú sẽ ban lệnh cho phép người dân đổi tiền ra vàng. Dĩ nhiên tỉ giá tiền:vàng sẽ được cố định. Đây chính là kim bản vị, tức là neo giá tiền với 1 kim loại quý, như vàng hoặc bạc.
(Nguồn: Wikipedia)
Lệnh này sẽ cho phép lợi cả đôi đường.
Với người dân, nó cho phép họ đổi tiền của Cú ra vàng ở bất cứ ngân hàng nào. Tiền của họ cũng sẽ không bao giờ mất giá. Với Cú, nó cho phép Cú đúc tiền đồng, chỉ cần xuất kho vàng khi dân có nhu cầu.
Dĩ nhiên, điều này nghĩa là nếu Cú đào quá nhiều vàng, giảm phát sẽ xảy ra. Giảm phát là trái ngược của lạm phát. Nó xảy ra vì giá trị của hàng hóa quá tăng mà tiền không tăng.
Giảm phát là 1 đồng ngày mai giá trị hơn 1 đồng hôm nay. Khi đó dân sẽ tích trữ tiền thay vì hàng hóa. Không ai tiêu tiền thì kinh tế sẽ đình trệ.
Như thế tức là mức độ lạm phát của Cú sẽ phụ thuộc vào năng lực đào vàng của Cú. Thật rủi ro nếu năng lực này gặp sự cố phải không anh em?
5.2 Điều chỉnh giá
Một cách khác để đối phó với lạm phát là điều chỉnh giá. Lạm phát xảy ra khi giá cả mọi thứ đều tăng. Chính phủ có thể “cắt từ ngọn” bằng cách đặt giá trần. Mức giá này khiến hàng hóa không tăng “phi mã” nữa.
Anh em đã bao giờ tự hỏi tại sao nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu mà ít điều chỉnh giá trứng, sữa… chưa?
Vì lạm phát có thể chỉ nằm trong 1 món hàng của giỏ hàng, nhưng món đó lại liên quan đến các ngành khác.
Ví dụ trong quá trình tìm hiểu lạm phát anh em thấy giá dầu tăng. Nếu giá dầu tăng dài, giá xăng và phân bón sẽ lên cao, đẩy giá lương thực và vận tải. Từ thịt, trứng, sữa… đều “đu theo” xăng dầu. Do đó điều chỉnh giá xăng dầu sẽ là “1 mũi tên trúng trăm đích”!
(Nguồn: laodong.vn)
Nhưng Cú biết là khi nhổ cỏ phải “trừ tận gốc”. Lạm phát cũng tương tự. Chính phủ mà chỉ “cắt từ ngọn” sẽ có hệ quả lâu dài.
Nếu giá trần thấp, cầu sẽ tăng lên mà cung vẫn giữ nguyên. Như ví dụ về bát phở, giá tăng nhiều khi là do chủ quán không đủ hàng. Do đó phải tăng giá để giới hạn số người được ăn. Nếu bị đặt giá trần, chẳng mấy chốc phở sẽ “bốc hơi” ngay.
Điều chỉnh giá phải dựa vào thực lực cung cầu của ngành và người dân. Ngoài ra phải phối hợp với các biện pháp chống lạm phát khác.
Nhổ cỏ phải cắt từ ngọn, diệt tận gốc cỏ mới chết.
5.3 Bitcoin
Không chỉ có chính phủ mới đối phó với lạm phát anh em nhé. Nhiều cá nhân quyết định “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến này! Điển hình là các nhà sáng lập ra tiền kỹ thuật số.
Chắc tiền kỹ thuật số (hay tiền ảo) anh em cũng nghe đến rồi. Nó rất hay xuất hiện trên các tiêu đề báo chí. Khi thì “lên đỉnh” 65,000 USD/đồng, lúc lại sụp đổ thị trường còn dưới 10,000 USD/đồng.
(Nguồn: forbes.com)
Ít ai ngờ rằng thứ tiền này được sinh ra để đối phó với lạm phát đó. Sau đây hãy cùng Cú tìm hiểu nhé!
Một số người coi tiền như một loại hàng hóa. Họ cho rằng tiền cũng có cung cầu. Từ đó họ lập luận khi nguồn cung lên cao, giá của tiền sẽ giảm đi, dẫn đến lạm phát.
Các loại tiền kỹ thuật số, mà ở đây Cú sẽ lấy ví dụ là Bitcoin, sinh ra từ đó. Chúng được lập trình để không thể tăng cung lên. Khi được tạo ra, Bitcoin được mã hóa để không bao giờ có trên 21 triệu BTC.
Nhà sáng lập Satoshi Nakamoto cho rằng việc không thể in thêm tiền sẽ tránh lạm phát cho Bitcoin. Về mặt nào đó, ông đã đúng. Bitcoin có đường giá trị đi lên theo dài hạn.
Nhưng cũng vì thế mà tiền của ông đối mặt với giảm phát liên tục. Do giá trị tiền quá cao mà lại ít giảm, không ai tiêu nó cả. Người ta tích trữ Bitcoin để bán lại chứ không dùng cho mua sắm. Vì thế, nó khó có thể được chấp nhận rộng rãi và thay tiền thật.
Lời kết
Qua bài viết này, Cú mong các bạn đã hiểu lạm phát là gì, cách đo lạm phát, các ảnh hưởng của lạm phát, và cách đối phó với lạm phát.
——————
Cú muốn chia sẻ một cách chi tiết để anh em dễ hình dung ngay từ đầu. Bài viết “Lạm phát là gì? Giải thích đơn giản – dễ hiểu cho nhà đầu tư mới bắt đầu” có mục lục, anh em có thể bấm đến những nội dung muốn tìm hiểu. Đồng thời đọc đi đọc lại những phần chưa hiểu rõ.
Nếu còn điều gì thắc mắc về lạm phát hay những chỉ số kinh tế khác, anh em có thể inbox cho Cú.
>> Là nhà đầu tư mới tìm hiểu về chứng khoán, đọc ngay bài viết này: Hướng dẫn đầu tư chứng khoán từ A-Z cho người mới bắt đầu
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://vt.tiktok.com/ZSJJKgbU4/
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969