Lãi suất là gì? Lãi suất kép là gì? Tất cả về Lãi suất (P.2)
Trong nền kinh tế thị trường, người đi vay cũng như người cho vay. Có thể là các doanh nghiệp, các cá nhân, hộ gia đình, chính phủ hoặc người nước ngoài. Đối với người đi vay, lãi suất tạo nên chi phí, làm giảm lợi nhuận của người vay. Còn với người cho vay, lãi suất chính là thu nhập của họ. Vì thế lãi suất đóng vai trò to lớn trong các quyết định của các chủ thể kinh tế. Thông qua những quyết định của các chủ thể kinh tế. Lãi suất ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như cơ cấu kinh tế của một quốc gia.
Lãi suất có vai trò và ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển và ổn định kinh tế của một quốc gia. Lãi suất hợp lý sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất. Và lưu thông hàng hoá phát triển và ngược lại. Vì thế, việc hoạch định chính sách lãi suất phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Đảm bảo lãi suất thoả mãn các yêu cầu mà nền kinh tế đặt ra.
Vậy lãi suất là gì? Cách tính lãi như thế nào? Lãi suất có mối liên hệ như thế nào đối với các biến số kinh tế vĩ mô khác?… Tất cả những kiến thức xoay quanh chủ đề lãi suất sẽ được Cú giải đáp ngay sau đây. Hãy cùng Cú theo dõi trong bài viết dưới đây nhé!
1. Cách tính lãi
Tiền lãi được định nghĩa là khoản tiền mà người vay vốn phải trả cho người cho vay. Khi sử dụng vốn của người cho vay trong một thời kỳ nhất định.
Lãi suất (LS) có thể được hiểu một cách đơn giản là giá của việc sử dụng vốn. Đó là tỷ lệ phần trăm giữa tiền lãi vay trong một thời kỳ chia cho số vốn gốc vay ban đầu. Có hai cách tính lãi như sau:
1.1 Lãi đơn
Lãi đơn là phương pháp tính lãi trong đó tiền lãi trong mỗi thời kỳ chỉ tính trên khoản tiền cho vay ban đầu. Lãi đơn được tính theo công thức:
I = C0 * i * n
Trong đó:
I: là số tiền lãi đơn.
C0: là khoản tiền gốc cho vay tại thời điểm 0.
i: là lãi đơn trong 1 thời kỳ.
n: là số thời kỳ vay.
Ví dụ 1: Nếu bạn gửi 100 đồng vào ngân hàng với lãi đơn 8%/năm trong 10 năm.
Số tiền lãi thu được trong 10 năm là: I = 100 đồng × 8% × 10 năm = 80 đồng.
Để tính giá trị tương lai sau 10 năm của khoản tiền gửi. Anh em chỉ cần cộng tiền lãi với số tiền gửi ban đầu:
FVn = C0 + I = C0 * [1 + (i * n)]
Với FVn là tổng số tiền gốc và lãi thu được sau n thời kỳ.
Áp dụng vào ví dụ trên ta có: FV10 = 100 + 80 = 180 đồng.
1.2 Lãi kép hay lãi gộp
Lãi kép có ý nghĩa quan trọng trong các tính toán tài chính. Ý nghĩa của thuật ngữ này là việc lãi của kỳ trước được tính gộp vào khoản tiền gốc đầu kỳ. Và tổng này là cơ sở để tính lãi cho kỳ sau. Điều đó có nghĩa là lãi đươc sinh ra từ khoản tiền gốc ban đầu và từ các khoản tiền thu được từ những kỳ hạn trước đó. Điều này tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa lãi đơn và lãi kép.
Ví dụ 2: So sánh sự khác biệt giữa lãi đơn và lãi kép trong bảng sau:
Giá trị tương lai của $1 đầu tư với lãi suất 8%/ năm:
Lãi kép thường được sử dụng nhiều trong tính toán các vấn đề tài chính. Đặc biệt đối với các hoạt động tài chính dài hạn.
Công thức tính lãi kép:
FV1 = C0 × (1 + i)
FV2 = FV1 × (1 + i) = C0 × (1 + i)^2
FVn = C0 × (1 + I)^n
Trong đó:
FV: là số tiền thu được sau thời kỳ nào đó.
i: là lãi suất tính theo lãi kép.
C0: là số tiền cho vay ban đầu.
n: là số thời kỳ.
Trong các tình toán tài chính ngắn hạn, người ta sử dụng lãi đơn để tính toán cho đơn giản. Còn đối với các tính toán tài chính dài hạn (lớn hơn 1 năm), người ta thường dùng lãi kép.
1.3 Tính giá trị hiện tại
Một điều anh em dễ nhận thấy là giá trị của 100.000 đồng ngày hôm nay. Sẽ khác với giá trị của 100.000 đồng ở thời điểm trước đây hai năm. Và cũng khác với thời điểm sau hai năm trong tương lai. Điều này có nghĩa là tiền có giá trị theo thời gian. Ở những thời điểm khác nhau thì giá trị của tiền tệ cũng khác nhau.
Đó là vì ít nhất hai lý do. Một là lạm phát làm cho giá trị tiền tệ thay đổi. Hai là việc cho vay sẽ làm tiền sinh lãi. Anh em sẽ chọn phương án nào nếu bạn nhận được thưởng 10 triệu đồng vào hôm nay hoặc 10 triệu đồng sau 10 năm nữa? Thông thường anh em sẽ chọn 10 triệu đồng hôm nay chứ không phải sau 10 năm.
Loại trừ tất cả các yếu tố rủi ro khác, mức lạm phát chính là nguyên nhân. Đó là lý do vì sao mà giá trị của 10 triệu đồng nhận được hôm nay lớn hơn giá trị 10 triệu đồng nhận được sau 10 năm. Việc nhận ngay 10 triệu đồng cũng cho phép bạn có cơ hội dùng đầu tư 10 triệu đồng đó để thu được tiền lãi (gửi ngân hàng hoặc cho vay).
Để có thể so sánh được những khoản tiền khác nhau ở thời điểm khác nhau. Anh em thường tính ra các giá trị tương đương của các khoản tiền đó ở thời điểm hiện tại để có thể so sánh được với nhau. Việc làm này gọi là hiện tại hóa hay chiết khấu một khoản tiền. Công thức tính giá trị hiện tại được suy ra từ công thức tính giá trị tương lai theo lãi kép như sau đây:
C0 = FVn / (1 + i)^n
Ví dụ 3:
Giá trị hiện tại một khoản thu nhập 110 đồng sau một năm với lãi suất chiết khấu 10%/năm là:
C0 = 110 / (1+0,1)^1 = 100.
Giá trị hiện tại của dòng thu nhập trong 3 năm lần lượt là 10, 10, 110 với lãi suất chiết khấu 10%/năm là:
C0 = 10 / (1+0,1)^1 + 10 / (1+0,1)^2 + 110 / (1+0,1)^3 = 100.
2. Các phân biệt về lãi suất
2.1 Lãi suất với giá cả
Lãi suất được coi là hình thái bí ẩn của giá cả vốn vay. Vì nó trả cho giá trị sử dụng của vốn vay. Đó chính là khả năng đầu tư sinh lời hoặc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Lãi suất cũng biến động theo quan hệ cung cầu trên thị trường vốn như giá cả hàng hoá thông thường. Nhưng LS là giá cả cho quyền sử dụng mà không phải quyền sở hữu. Hơn nữa không phải quyền sử dụng vĩnh viễn mà chỉ trong một thời gian nhất định. Thêm vào đó, LS không phải là biểu hiện bằng tiền giá trị vốn vay như giá cả hàng hoá thông thường. Mà nó độc lập tương đối – thường nhỏ hơn nhiều so với giá trị vốn vay.
2.2 Lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực
- Lãi suất danh nghĩa: là LS nêu lên trong các hợp đồng vay vốn. Hoặc nêu lên trong thuộc tính của một số loại chứng khoán như trái phiếu.
Ví dụ 4 : Một người vay ngân hàng món vay đơn (vay đầu kỳ, cuối kỳ trả gốc và lãi) với LS 10%. Như vậy ở đây, 10% là LS danh nghĩa. LS trả hàng năm của một trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm là 6%/năm cũng là LS danh nghĩa.
- Lãi suất thực:
Trong các phân biệt LS nêu trên, tất cả các khái niệm LS đều chưa đề cập tới tác động của lạm phát tới LS. Và do vậy, các khái niệm LS ở trên vẫn là LS danh nghĩa để phân biệt với LS thực.
LS thực là LS được tính ở dạng hiện vật. Là LS được điều chỉnh loại bỏ tác động của những thay đổi dự tính về mức giá ra khỏi LS danh nghĩa. Và do đó phản ánh chính xác hơn chi phí của việc vay mượn.
Ví dụ 5: Đầu năm ngân hàng cho vay 100 triệu LS 10%/năm (LS danh nghĩa). Nếu tính số tiền cho vay ra thóc, đầu năm giá thóc là 5 triệu/tấn. Tương đương với cho vay 20 tấn thóc. Cuối năm dự kiến tăng lên 5,2 triệu/tấn. Như vậy số thóc cuối năm dự kiến thu về là 110/5,2 = 21,15 tấn. LS tính theo thóc là:
(21,15 – 20) / 20 x 100% = 5,75%.
Đây là LS thực của việc cho vay tiền sau khi đã loại bỏ tác động của lạm phát.
Mối quan hệ giữa LS danh nghĩa, LS thực và tỷ lệ lạm phát dự kiến được thể hiện qua Phương trình Fisher (Để kỷ niệm tên người đầu tiên nêu lên quan hệ này):
Trong đó: i là lãi suất danh nghĩa, ir là lãi suất thực và Πe là tỷ lệ lạm phát dự kiến.
LS thực phản ánh tiền lãi theo hiện vật nghĩa là theo số lượng hàng hoá dịch vụ mà bạn mua được.
2.3 Tỷ suất lợi nhuận và lãi suất hoàn vốn
- Tỷ suất lợi nhuận:
Tỷ suất lợi nhuận của một khoản đầu tư = Thu nhập (Tiền lãi + Chênh lệch giá mua bán) / Số tiền đã bỏ ra đầu tư, cho vay x 100%
Ví dụ 7: Nếu đầu năm một người mua 1 trái phiếu LS 10%/năm với giá 95.000$. Giữ nó một năm và bán đi với giá 100.000$. Như vậy tỷ suất lợi nhuận của khoản đầu tư này trong một năm là:
R = (100.000$ – 95.000$ + 10.000$) / 95.000$ x 100% = 15,79%.
Như vậy tỷ suất lợi nhuận không nhất thiết luôn luôn phải bằng LS hoàn vốn. Đặc biệt đối với các loại trái phiếu dài hạn (30 năm, trái phiếu vĩnh cửu, hay cổ phiếu). Ít khi nhà đầu tư giữ nó đến lúc đáo hạn để có được LS hoàn vốn. Mà quan trọng hơn họ quan tâm tới tỷ suất lợi nhuận trên số vốn bỏ ra.
Công thức tính tỷ suất lợi nhuận là:
R = [P(t+1) – Pt + C] / Pt x 100%
Trong đó:
R: là tỷ suất lợi nhuận
P(t+1) , Pt: là giá chứng khoán ở thời điểm t + 1 và thời điểm t.
C: là khoản thu nhập do nắm giữ tài sản đó trong thời gian từ t đến t + 1.
Ví dụ 8: Một nhà đầu tư đầu năm mua cổ phiếu với giá 35.000đ/cổ phiếu. Cổ tức trả cho năm đó là 30% (Tính trên mệnh giá cổ phiếu là 10.000đ). Cuối năm giá cổ phiếu là 38.000đ/cổ phiếu. Như vậy tỷ suất lợi nhuận từ việc mua cổ phiếu mang lại là:
R = (38.000 – 35.000 + 3.000) / 35.000 x 100% = 17,14%.
- Lãi suất hoàn vốn: Là tỷ lệ LS mà nhà đầu tư được hưởng tính trên số vốn mà họ đã thực sự cho vay hay đầu tư.
Ví dụ 9: Một người gửi ngân hàng 100 triệu. LS 10%/năm nhưng ngân hàng trả lãi trước. Như vậy, LS mà nhà đầu tư thực sự được hưởng phải là:
i = (100 – 90) / 90 x 100% = 11,11%
Trong ví dụ này, LS hoàn vốn là 11,11%, LS danh nghĩa là 10%.
Ví dụ 10: LS hoàn vốn khi một người mua tín phiếu kho bạc mệnh giá 100.000 đồng.
Kỳ hạn 1 năm với giá 90.000 đồng thì LS hiệu quả được tính theo công thức: 90 = 100 / (1 + i)^1.
Giải ra anh em có được i ≈ 11,11%.
Ví dụ 11: Xác định LS hiệu quả khi nhà đầu tư mua một trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Mệnh giá 100.000 đồng, LS trả hàng năm 10%/năm với giá 95.000 đồng.
Công thức xác định LS hoàn vốn là:
95.000 = 10.000 / (1+k)^1 + 10.000 / (1+k)^2 + 10.000 / (1+k)^3 + 10.000 / (1+k)^4 + 110.000 / (1+k)^5
Tính ra k = 11,36%. k ở đây được gọi là lãi suất hoàn vốn.
Như vậy, lãi suất hoàn vốn là tỷ lệ LS mà nhà đầu tư được hưởng khi mua một trái phiếu và giữ nó cho tới khi đáo hạn. Nếu nhà đầu tư mua trái phiếu trên với giá 95.000 và giữ nó trong thời gian 5 năm thì LS hoàn vốn sẽ là 11,36%/năm trong 5 năm. Nếu ông ta mua và đến cuối năm thứ 3 bán đi với giá 1050 thì LS hoàn vốn là k = 13,59%. Công thức tính như sau:
95.000 = 10.000 / (1+k)^1 + 10.000 / (1+k)^2 + 115.000 / (1+k)^3.
LS hoàn vốn cũng chính là mức LS chiết khấu. Để làm cân bằng giá trị hiện tại của dòng thu nhập mà một loại chứng khoán sẽ thanh toán trong tương lại với thị giá của chứng khoán đó.
Khái niệm LS hoàn vốn là khái niệm LS phản ánh đầy đủ nhất ý nghĩa của LS mà các nhà kinh tế muốn nói tới. Thông thường, khi nói tới LS thị trường ở một kỳ hạn nào đó. Thì người ta thường hiểu đó là mức LS hoàn vốn. Là mức LS mà nhà đầu tư sẽ được hưởng khi mua tài sản. Hoặc cho vay và nắm giữ cho tới khi đáo hạn. Còn nếu nhà đầu tư lại bán tài sản đi trước khi đáo hạn. Thì người ta sẽ sử dụng tỷ suất lợi nhuận để đo mức LS trong thời gian nắm giữ tài sản đó.
Lưu ý: Lãi suất ở Việt Nam
Thị trường trái phiếu chính phủ ở Việt Nam chưa phát triển. Do vậy, LS của các loại trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính chưa phải là LS chuẩn trong nền kinh tế.
Loại LS quan trọng hơn nhiều đó là LS huy động vốn, LS cho vay của các ngân hàng thương mại. Thay đổi trong LS huy động, LS cho vay của các ngân hàng thương mại. Thể hiện sự tác động của cung, cầu vốn trên thị trường.
Lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng chịu ảnh hưởng bởi việc điều hành LS thị trường của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Thông qua cơ chế LS cơ bản. NHNN sẽ khống chế được trần LS huy động và cho vay của các NHTM không được vượt quá 150% LS cơ bản. Riêng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, các NHTM được phép áp dụng cơ chế LS thỏa thuận. Tức là ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận LS vay nợ. LS cho vay có thể vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố.
Ngoài LS cơ bản, NHNN cũng công bố LS tái chiết khấu, LS tái cấp vốn hàng tháng. Đây như là một công cụ để thực thi chính sách tiền tệ của NHNN.
Ngoài ra, LS thị trường cũng chịu ảnh hưởng của chính sách tỷ giá của NHNN. Do các NHTM có thể huy động và cho vay cả bằng nội tệ và ngoại tệ. Tình trạng thị trường ngoại hối, tỷ giá cũng sẽ tác động tới LS huy động và cho vay cả bằng nội tệ, ngoại tệ của các NHTM.
3. Vai trò và tác động của lãi suất trong nền kinh tế thị trường Việt Nam
3.1 Vai trò của lãi suất trong nền kinh tế thị trường
Lãi suất có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nó là trung tâm trong chính sách tiền tệ của chính phủ.
- Đối với sự phân bổ các nguồn lực: Lãi suất là một loại giá cả. Nó có vai trò phân bổ hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của xã hội. Và là yếu tố cần thiết ban đầu trước khi đi đến quyết định đầu tư vào một ngành kinh tế, một dự án hay một tài sản nào đó.
Để quyết định đầu tư vào một ngành kinh tế một dự án hay một tài sản nào đó. Anh em đều phải quan tâm đến sự chênh lệch giữa giá trị tỷ suất lợi tức thu được với chi phí ban đầu. Điều này có nghĩa là phải xem việc đầu tư này có mang lại lợi nhuận hay không. Và có đảm bảo hiệu quả kinh doanh để trả khoản tiền lãi của số tiền vay cho chi phí ban đầu hay không. Khi quyết định đầu tư vào một ngành kinh tế, một dự án hay một tài sản. Anh em phải quan tâm tới chênh lệch giữa lợi nhuận đem lại và số tiền vay phải trả. Khi chênh lệch này là dương, thì nguồn lực sẽ được phân bổ tới đó và là sự phân bổ hiệu quả.
- Thu nhập của các hộ gia đình: Thường được chia làm hai bộ phận là tiêu dùng và tiết kiệm. Tỷ lệ phân chia này phụ thuộc vào nhiều nhân tố. Như thu nhập, tín dụng tiêu dùng, hiệu quả của việc tiết kiệm trong đó tiền tệ và LS có tác dụng tích cực tới các nhân tố khác. Vì vậy trong tiêu dùng và tiết kiệm, LS cũng có vai trò không nhỏ trong việc điều chỉnh thu nhập của kinh tế gia đình.
Khi LS thấp chi phí tín dụng tiêu dùng thấp. Người dân vay nhiều cho việc tiêu dùng hàng hoá nghĩa là tiêu dùng nhiều hơn. Khi LS cao đem lại thu nhập từ khoản tiền để dành nhiều hơn sẽ khuyến khích tiết kiệm, do đó tiết kiệm tăng.
- Với các hoạt động đầu tư: Do chịu nhiều ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố như thu nhập, chi phí trong kinh doanh… Nên khi LS cao, thì sẽ có ít khoản đầu tư vào vốn hiện vật sẽ mang lại thu nhập nhiều hơn chi phí lãi trả cho các khoản đi vay. Do vậy chi tiêu cho đầu tư giảm. Ngược lại khi LS thấp các doanh nghiệp sẽ quyết định đầu tư cho vốn hiện vật nhiều hơn, chi tiêu đầu tư sẽ tăng.
Trong môi trường tiền tệ hoàn chỉnh, ngay cả khi một doanh nghiệp thừa vốn. Thì chi tiêu đầu tư có kế hoạch vẫn bị ảnh hưởng bởi LS. Bởi vì thay cho việc đầu tư vào mở rộng sản xuất. Doanh nghiệp có thể mua chứng khoán hay gửi vào ngân hàng nếu LS của nó cao.
Đặc biệt trong thời kỳ nền kinh tế bị đình trệ, hàng hoá ứ đọng và xuống giá. Có dấu hiệu thừa vốn và áp lực lạm phát thấp cần phải hạ LS. Vì nguyên tắc cơ bản là LS phải nhỏ hơn lợi nhuận bình quân của đầu tư. Sự chênh lệch này sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư.
- Với tỷ giá hối đoái và hoạt động xuất nhập khẩu: Chịu nhiều ảnh hưởng của LS tiền gửi nội tệ và ngoại tệ. Sự thay đổi LS tiền gửi nội tệ ở đây là sự thay đổi trong LS danh nghĩa. Nếu LS danh nghĩa tăng do tỷ lệ lạm phát tăng (LS thực không đổi) thì tỷ giá giảm. Nếu LS danh nghĩa tăng do LS thực tế tăng (tỷ lệ lạm phát không đổi) thì tỷ giá tăng. Khi tỷ giá đồng ngoại tệ tăng đồng nội tệ sẽ giảm giá (tỷ giá giảm) và ngược lại.
Khi lãi suất thực tế tăng lên làm cho tỷ giá hối đoái tăng lên. Tỷ giá hối đoái cao hơn làm hàng hoá của nước đó ở nước ngoài trở nên đắt hơn. Và hàng hoá nước ngoài ở nước đó sẽ trở nên rẻ hơn, dẫn đến giảm xuất khẩu ròng.
- Lãi suất với lạm phát: Trong thời kỳ lạm phát, tăng LS sẽ cho phép hệ thống ngân hàng có thể thu hút phần lớn số tiền có nhiều trong lưu thông. Khiến cho đồng tiền trong lưu thông giảm. Khi đó lượng tiền cung ứng cũng sẽ giảm và lạm phát được kiềm chế. Như vậy, LS cũng góp phần chống lạm phát.
Tuy nhiên, dùng LS để chống lạm phát không thể duy trì lâu dài. Vì nó sẽ làm giảm đầu tư, tổng cầu, sản lượng. Do vậy phải kết hợp nó với các công cụ khác.
- Lãi suất ảnh hưởng đến việc huy động vốn: Lãi suất là chi phí huy động vốn của doanh nghiệp và ngân hàng. Các doanh nghiệp phải xem xét khả năng lợi nhuận thu được với chi phí huy động vốn bỏ ra. Để từ đó quyết định huy động vốn từ nguồn nào và đầu tư vào đâu để có lợi cho doanh nghiệp nhất. Còn ngân hàng phải xem xét giữa LS huy động với khả năng cho vay ở mức LS cao hơn. Để đưa ra phương hướng hoạt động đảm bảo mục tiêu của ngân hàng tồn tại và phát triển.
Việc áp dụng một chính sách LS hợp lý đảm bảo nguyên tắc: LS phải bảo tồn được giá trị vốn vay, đảm bảo tích luỹ cho cả người cho vay và người đi vay. Cụ thể:
+ Tỷ lệ lạm phát < lãi suất tiền gửi < lãi suất tiền vay < tỷ suất lợi nhuận bình quân.
+ Lãi suất ngắn hạn < lãi suất dài hạn (đối với cả tiền gửi và tiền vay).
- Vai trò của lãi suất đối với NHTM: NHTM với hai nghiệp vụ chính trong hoạt động kinh doanh của mình. Là huy động vốn và sử dụng vốn đã phản ánh quy mô hoạt động của các NHTM. Với phương châm “đi vay để cho vay”, NHTM huy động vốn tạm thời nhàn rỗi trong các doanh nghiệp và dân cư. Để cho vay phát triển kinh tế và các nhu cầu tiêu dùng khác của nhân dân.
Để huy động vốn và cho vay có hiệu quả. NHTM phải xác định LS tiền gửi và LS tiền vay một cách hợp lý. Nếu LS huy động tiền gửi quá thấp thì không khuyến khích các doanh nghiệp và dân cư gửi tiền vào. Dẫn đến NHTM không đủ vốn cho vay để đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Lãi suất ngân hàng là nhân tố quan trọng quyết định kết quả hoạt động kinh doanh của NHTM và khách hàng. Nếu LS hợp lý sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hoá phát triển và ngược lại. Bởi vậy LS ngân hàng vừa là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước. Vừa là công cụ điều hành vi mô của các NHTM.
Do vậy, khi huy động tiền gửi mà với LS thấp. Thì không khuyến khích doanh nghiệp và dân cư gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng. Sẽ dẫn đến hậu quả là NHTM không đủ vốn để cho vay đáp ứng yêu cầu vay vốn của khách hàng. Ngược lại, nếu LS cho vay cao, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không có lãi. Hoặc lãi quá thấp sẽ thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động để gửi vốn vào ngân hàng.
Tóm lại, LS là một trong những vấn đề trung tâm của nền kinh tế vì nó tác động đến chi phí đầu tư. Do đó nó là yếu tố quan trọng quyết định tổng mức đầu tư và tổng mức cầu về tiền tệ (GNP).
Để tìm hiểu thêm về vai trò của LS chúng ta hãy theo dõi tình hình LS qua một số năm tại Việt Nam.
3.2 Tình hình lãi suất của Việt Nam qua các giai đoạn
a) Giai đoạn từ 1989 – 1993
Chính sách LS thực dương đã phát huy hiệu quả với LS tiết kiệm không kỳ hạn là 109%/năm. LS 3 tháng là 12%/tháng, tức 144%/ năm huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư. Tạo thế ổn định tương đối về tiền tệ một tiền đề quan trọng để ổn định và phát triển xã hội.
* Tác động tích cực của chính sách lãi suất dương:
- Đối với NHTM: Lãi suất cho vay tín dụng > Lãi suất tiền gửi tiết kiệm > Tỷ lệ lạm phát. Cho nên NHTM không còn phải bao cấp đối với các doanh nghiệp vay vốn thông qua tín dụng nữa. LS thực dương cao đã thu hút một số lượng tiền gửi lớn vào các ngân hàng. Làm lượng tiền dự trữ của các ngân hàng tăng cao đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
- Đối với Doanh nghiệp: Khi LS tiền gửi cao dẫn đến LS cho vay cao. Buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc việc vay vốn đầu tư. Phải xem xét và lựa chọn các phương án đầu tư có hiệu quả tốt nhất. Cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp được tổ chức một cách hợp lý hơn. Giảm thiểu bộ phận quản lý cồng kềnh để giảm thiểu chi phí.
* Tác động tiêu cực của chính sách lãi suất dương:
- Đối với NHTM: Do LS tiền gửi cao dẫn đến LS cho vay cao. Nên càng khuyến khích gửi tiền hơn là vay tiền. LS thực dương cao của ngân hàng đem lại khả năng thu được lợi nhuận lớn hơn là đưa tiền vào đầu tư mà rủi ro lại thấp. Nên cũng khuyến khích các doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng hơn là vay vốn để kinh doanh. Đến một lúc do lượng tiền gửi vẫn tăng, khối lượng vay giảm. Dẫn đến tài sản nợ trong bảng cân đối của NHTM lớn hơn tài sản có.
- Đối với doanh nghiệp: LS vay vốn không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Mà các doanh nghiệp tích cực gửi tiền vào ngân hàng hơn. Trong tổng số vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, một phần lớn là đi vay của ngân hàng. Bởi LS vốn cao dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh lớn. Do đó giá thành phẩm cao, giá hàng hoá cao. Và như vậy hàng hoá sẽ giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
b) Giai đoạn 1993 – 1996
Thời gian này NHNN vừa cần lãi suất trần, vừa cần lãi suất thoả thuận.
– Trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là 1,8% tháng. Kinh tế ngoài quốc doanh là 2,1% tháng.
– Thoả thuận trường hợp ngân hàng không huy động đủ vốn để cho vay theo lãi suất quy định phải trả phát hành kỳ phiếu với lãi suất cao hơn thì được cầu lãi suất. Lãi suất huy động có thể cao hơn lãi suất tiết kiệm cùng thời hạn là 0,2% tháng. Và cho vay cao hơn mức lãi suất trần là 2,1% tháng. Chế độ lãi suất này đã ít nhiều giúp cho hoạt động của NHTM và doanh nghiệp có những chuyển biến tốt.
– Tăng lãi suất tiền gửi, lãi suất cao làm cho người kinh doanh chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất có lợi nhuận cao tức thời và thu hồi vốn nhanh như: Dịch vụ, thương mại, sản xuất nhỏ tạo nên sự mất cân bằng trong nền kinh tế.
* Tác động tích cực:
- Nhờ những định mức trần LS mà hạn chế được phần nào tình trạng LS thực dương quá cao trong thời kỳ trước. Và do đó trong các NHTM cũng dần cân bằng giữa tài sản nợ và tài sản có. Đảm bảo được lợi nhuận. Các doanh nghiệp cũng cần có thêm cơ hội vay vốn kinh doanh và mở rộng quy mô vốn đầu tư.
- Nhờ có LS thoả thuận mà hoạt động tín dụng giữa NHTM và doanh nghiệp linh hoạt hơn. phù hợp với các đặc điểm hoạt động và tình hình cung cầu vốn, chính sách khách hàng và cạnh tranh của từng tổ chức tín dụng. Và chủ động điều hoà quan hệ cung cầu về vốn kinh doanh bằng công cụ LS.
* Tác động tiêu cực:
- Trong điều kiện lạm phát gia tăng LS thực không còn bao nhiêu. Và nhiều loại tiền gửi không còn được bảo toàn giá trị khi gửi.
- Nguồn vốn để cho vay trung hạn không có.
- Loại tiết kiệm 12 tháng LS cao hơn LS cho vay trung hạn. Nên các NHTM không huy động loại tiết kiệm này.
- LS cho vay trung hạn thấp hơn LS cho vay ngắn hạn là trái với thông lệ quốc tế. Đối lập với huy động vốn có thời hạn 6 tháng.
c) Giai đoạn thực hiện chính sách lãi suất trần (1996 – 2000)
Sau khi có Quyết định số 381/QĐNH1 ngày 28/2/1995 của Thống đốc NHNN. Từ ngày 1/1/1996 chính sách LS trần được đưa vào thực hiện. Cụ thể: Từ ngày 1/1/1996 LS trần được áp dụng.
* Trần LS cho vay: Ngắn hạn là 1,75%. Địa bàn nông thôn là 2%. Địa bàn thành thị là 1,75%.
Đồng thời khống chế LS chênh lệch LS cho vay và huy động là 0,35% tháng.
Sau đó năm 1997 – 1999 có sự thay đổi cho phù hợp:
+ Trần LS cho vay ngắn hạn 1,2% tháng.
+ Trần LS cho vay trung và dài hạn 1,25% tháng.
+ Trần LS tín dụng cho vay thành viên 1,5% tháng.
Bỏ mức LS huy động chênh lệch vốn 0,35%tháng.
– Ngày 21/10/1998:
+ Tăng trần LS cho vay ngắn hạn lên 1,1% – 1,2% tháng.
+ Trần LS cho vay trung và dài hạn 1,2- 1,25% tháng.
Năm 1999 LS có xu hướng giảm.
* Tác động tích cực:
- Việc tổ chức quản lý LS trần cho phép các tổ chức tín dụng được tự do ổn định các mức LS cho vay và tiền gửi trong phạm vi trần do NHNN cho phép. Chính sách LS trần đã chấm dứt thị trường NHNN quy định các mức dư nợ LS cụ thể. Xoá bỏ LS cho vay theo thoả thuận và từng bước tiến hành tự do hoá LS.
- Để nâng cao lợi nhuận các NHTM phải nâng cao mức dư nợ cho vay. Và huy động vốn gấp nhiều lần.
- Doanh nghiệp không phải vay với mức LS vượt trần. Tức là các doanh nghiệp không bị các ngân hàng ép khi đi vay tiền.
- Đáp ứng tốt nhu cầu vốn sản xuất cho doanh nghiệp. Trong thời kỳ hàng cả nước có 6000 doanh nghiệp nhà nước. Hơn 1000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Và 230.000 doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Hầu hết các doanh nghiệp này được vốn ngân hàng hỗ trợ 80-90 % trong sản xuất kinh doanh cải tiến và đổi mới công nghệ.
* Tác động tiêu cực:
- Do LS cho vay và LS huy động (ngắn, trung, dài hạn) liên tục giảm. Nhiều NHTM không lường trước được đã huy động vốn có thời hạn 1-3 năm để cho vay trung và dài hạn. Năm 1999, NHNN 5 lần cắt giảm LS cho vay tối đa. Vì vậy rủi ro LS luôn đặt gánh nặng lên các NHTM. NHTM sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn vào trung và dài hạn. Hậu quả là làm suy yếu khả năng an toàn thành toán khi có một dòng tiền gửi bị rút ra.
- Việc giảm LS là điều kiện cần nhưng không đủ để tạo vốn cho doanh nghiệp. LS còn cao, khó khăn trong thủ tục vay ngân hàng. Cho dù LS cho vay đã giảm khá mạnh. Song các doanh nghiệp vẫn không dám vay tiền. Vì tỷ lệ LS cho vay ngân hàng vào khoảng 10% – 11% năm.
- Nhiều doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả do trang thiết bị cũ kỹ, công nghệ lạc hậu. Nhưng muốn cơ cấu vốn lớn, bắt buộc phải đi vay. Với số vốn lớn doanh nghiệp phải trả lãi lớn trong khi lợi nhuận thu được lại chưa ổn định. Do vậy LS giảm doanh nghiệp vẫn không dám vay.
- Các ngân hàng cạnh tranh dẫn đến tăng mức LS tiền gửi. Các doanh nghiệp cắt giảm tất cả những khoản đầu tư không đưa lại lợi nhuận cao bằng tiền gửi vào ngân hàng.
- Việc vay vốn trung và dài hạn của các DN không thuận lợi. Vì các ngân hàng cho vay dễ gặp rủi ro từ việc huy động vốn NH cho vay trung và dài hạn. Trong khi mức chênh lệch giữa LS cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn bị xoá bỏ.
d) Từ năm 2000 đến nay
Lãi suất cơ bản là LS do NHNN công bố. Làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định LS kinh doanh. Nó được ban hành lần đầu theo quyết định số 241/QĐ ngày 2/8/2000 về LS cơ bản.
* Định hướng điều chỉnh lãi suất cơ bản: Lãi suất cơ bản xác định trên các cơ sở:
– Chỉ tiêu tăng trưởng dự kiến hàng năm.
– Chỉ số lạm phát dự kiến hàng năm.
– Tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm.
– LS thực của người gửi tiền thoả mãn điều kiện: Lạm phát < LS tiền gửi tiết kiệm < Tỷ suất lợi nhuận bình quân.
– Tình hình cung cầu vốn trên thị trường trong từng thời kỳ.
– LS bình quân trên thị trường nội tệ liên ngân hàng.
– LS đấu thầu, tín phiếu, trái phiếu kho bạc Nhà nước.
– Mối quan hệ giữa LS và tỷ giá.
* Nội dung cơ chế điều hành lãi suất:
Lãi suất cơ bản được hình thành trên nguyên tắc thị trường nhưng với bước đi phù hợp, thận trọng. Phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường tiền tệ từng bước tiến tới tự do hoá LS. Quốc tế hoá hoạt động chính trong nước. Đồng thời các biện pháp phát triển tiền tệ và nâng cao năng lực tài chính. Và nâng cao năng lực vận hành của các tổ chức tín dụng, xử lý LS Việt Nam trong mối quan hệ với LS ngoại tệ và chính sách tỷ giá.
- Đối với LS cho vay bằng đồng Việt Nam: LS cho vay cao nhất của tổ chức tín dụng = LS cơ bản + % tỷ lệ.
Mức LS cơ bản của ngân hàng nhà nước năm 2023 vẫn được áp dụng theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Thống đốc NHNN. Theo đó mức LS cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm.
- Đối với LS cho vay bằng ngoại tệ. Cho vay bằng USD bỏ qua quy định trần LS cho vay, LS cho vay ngắn hạn không vượt qua mức Sibor (Lãi suất liên ngân hàng Singapore) kỳ hạn 3 tháng + 1%/năm, LS trung và dài hạn không vượt quá mức Sibor kỳ hạn 6 tháng + 2,5% tháng.
Cho vay bằng ngoại tệ khác, NHTM tự xem xét LS tiền gửi, cho vay theo LS thị trường quốc tế… NHTM và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của chính sách LS này.
* Tác động của lãi suất cơ bản đến hoạt động của NHTM:
- Cơ chế LS linh hoạt hơn càng tạo điều kiện cạnh tranh giảm chi phí hoạt động ngân hàng. Đa dạng hoá các loại hình dịch vụ: thẻ tín dụng… LS tiếp tục theo xu hướng giảm xuống cả LS tiền vay và LS huy động giảm.
- Tuy nhiên cuối tháng 8/2001 LS huy động tiền gửi tiết kiệm bằng VND tăng đột biến. Nhất là tại các NHTM cổ phần. So với cuối tháng 6/2001 LS huy động tăng từ 0,05% lên 0,17% tháng. Đưa LS huy động bằng VND xấp xỉ LS cho vay cơ bản do NHNN công bố.
* Tác động của lãi suất cơ bản đối với các doanh nghiệp:
- LS giảm đã khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn. Số lượng doanh nghiệp nhất là sau khi có luật doanh nghiệp ban hành tăng mạnh. Làm cho nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng nhanh. Tuy nhiên có sự chênh lệch LS giữa đồng nội tệ. Do đó mà thiếu VND để phục vụ sản xuất kinh doanh. Điều này làm cho tình trạng đô la hoá của nền kinh tế càng trầm trọng.
- Cuối năm 2000 đầu năm 2001, các NHTM đã đưa ra các mức LS tiền gửi như nhau đối với VND và USD. Việc mặt bằng LS của VND và USD bằng nhau đã khuyến khích thêm quá trình USD hoá. Và về lâu dài có thể dẫn tới việc VND bị lấn át hoàn toàn.
3.3 Chính sách lãi suất Việt nam hiện nay và tác động tới các doanh nghiệp
Sau khi FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) liên tục tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Trong năm 2022-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những động thái nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Cụ thể, cả 3 công cụ đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện để ổn định tỷ giá. Đó là: Bán dự trữ ngoại hối, tăng tỷ giá trung tâm và tăng lãi suất điều hành.
Trong đó, việc bán USD làm giảm mạnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam. Từ 110 tỷ USD, tương đương khoảng 16 tuần nhập khẩu xuống còn 85 – 90 tỷ USD. Tương đương khoảng 12 tuần nhập khẩu. Đã đến ngưỡng không thể bán thêm. Tỷ giá trung tâm cũng đã được gia tăng biên độ từ 3% lên 5%. Buộc Ngân hàng Nhà nước phải dựa nhiều hơn vào kênh can thiệp lãi suất với 2 lần tăng lãi suất điều hành trong tháng 10. Tác động của việc tăng lãi suất đối với các doanh nghiệp như thế nào?
Đầu tiên là với các ngân hàng thương mại.
Ngân hàng Nhà nước tăng LS điều hành và LS huy động. Khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng thương mại gia tăng. Nhưng lại muốn giữ ổn định LS cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Điều đó khiến biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, làm giảm lợi nhuận kỳ vọng. Tuy nhiên mức độ tác động với từng ngân hàng không giống nhau. Như các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ chống chịu tốt hơn trước xu hướng gia tăng chi phí vốn.
Tuy nhiên “ổn định” LS cho vay là kỳ vọng lý tưởng của Ngân hàng Nhà nước. Trần LS cho vay mà Ngân hàng Nhà nước nêu ở đây. Là mức LS cho vay ngắn hạn tối đa cho năm lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước. Với mức trần hiện tại là 4,5%/năm.
Cần biết thêm là cho vay các lĩnh vực ưu tiên, theo ước tính chỉ chiếm từ 20-25% tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Còn lại, các ngân hàng thương mại và khách hàng có quyền thỏa thuận về LS cho vay theo cung cầu vốn thị trường. Nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Vì thế các ngân hàng thương mại cũng khó lòng đánh đổi lợi ích trông thấy được. Trong bối cảnh LS huy động đang tăng nhanh như hiện nay. Nhiều ngân hàng cũng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng trong khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cao. Đặc biệt là dịp cuối năm, khi nhu cầu về vốn phục vụ cho sản xuất tăng mạnh. Nên việc LS cho vay tăng là điều tất yếu.
Tiếp theo là đối với các doanh nghiệp.
Trong môi trường LS tăng, doanh nghiệp vay vốn tất yếu phải chịu mức lãi vay cao hơn. Doanh nghiệp sẽ là chủ thể bị tác động mạnh nhất do họ phải đối mặt với khó khăn ở cả 2 khu vực. Sản xuất (cung) và thị trường (cầu).
(1) Về thị trường, tăng LS sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm. Bởi LS huy động tăng lên làm giá trị VND tăng. Từ đó sẽ khuyến khích tiết kiệm và giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết.
(2) Về sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, hoặc tăng chi phí vốn. Một trong những yếu tố trực tiếp tác động vào giá thành sản phẩm, dịch vụ. Làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh thương mại toàn cầu. Mức LS cho vay cao ở đầu vào sẽ được doanh nghiệp – người vay tự động chuyển vào giá cả ở đầu ra.
Tuy nhiên trong bối cảnh nhu cầu suy giảm, không phải doanh nghiệp thiết yếu nếu tăng giá sẽ khó trong khâu tiêu thụ, dẫn đến hàng tồn kho. Ngoài ra, các doanh nghiệp thường vay tiền từ NHTM để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh. Khi LS đi vay tăng, doanh nghiệp có thể phải trì hoãn các kế hoạch mở rộng sản xuất. Ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận trong tương lai.
Doanh nghiệp phải tăng giá bán hàng hóa, đồng thời nhu cầu tiêu dùng giảm. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến quy mô sản xuất và làm giảm nhu cầu tuyển dụng lao động. Từ đó thành một vòng tròn thắt chặt. Vừa tiếp cận nguồn tín dụng khó, còn chịu thêm LS cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối năm. Nếu LS tiếp tục cao, càng nhiều doanh nghiệp hạn chế đi vay nhất có thể. Doanh nghiệp không dám làm các dự án mới đầu tư cho sản xuất, mở rộng kinh doanh… Họ sẽ vay mượn ngắn hạn, tập trung vào những dự án đang có. Và hạn chế vay dài hạn, điều này về lâu về dài không tốt cho tăng trưởng kinh tế.
Liệu có doanh nghiệp nào hưởng lợi khi lãi suất tăng?
Câu trả lời là có. Về mặt lý thuyết thì nhóm Bảo hiểm sẽ hưởng lợi chính. Vì là đây là những doanh nghiệp cầm tiền và gửi tiết kiệm nhiều nhất. Tiếp theo đó là các đơn vị đang có quy mô tiền ròng lớn nhất (Tiền, tương đương tiền trừ đi các khoản vay nợ có lãi suất). Do cần bù trừ với tác động từ khả năng ngân hàng tăng lãi suất đầu ra. Đây là những nhóm ngành chúng ta có thể chú ý trong môi trường lãi suất cao.
Cuối cùng, tăng lãi suất cũng không hẳn là “ngày tận thế” với các doanh nghiệp.
Nếu có tăng một vài điểm phần trăm thì mức LS cho vay vẫn chưa phải cao đột biến so với diễn biến trong quá khứ. Đã từng có lúc LS cho vay lên đến gần 20%/năm. Ngoài ra, để biết doanh nghiệp có chịu được mức LS vay cao hay không. Thì cần nhìn vào triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ chịu được LS vay cao, nếu họ chuyển được chi phí vay đắt đỏ này vào giá bán. Và tiêu thụ được sản phẩm của mình. Cũng tương tự như khi lạm phát cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sống được. Thêm vào đó số liệu lạm phát mới được công bố thấp hơn dự báo làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ chậm lại trong việc tăng LS.
Về phía doanh nghiệp (người đi vay), cần chủ động rà soát các kế hoạch đầu tư, cân nhắc kỹ quy mô, chi phí. Đồng thời, đa dạng hóa các kênh huy động vốn. Ưu tiên các dòng vốn huy động trực tiếp và vốn chi phí thấp. Cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình theo hướng loại bỏ tối đa các thao tác dư thừa. Tăng năng suất lao động, tối ưu chi phí. Doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận là động lực tăng trưởng của thị trường.
Lời kết
Bài viết là chia sẻ của Cú với anh em về những kiến thức cơ bản của LS. Và các yếu tố tác động tới biến động của LS. Mong rằng qua bài viết, anh em đã hiểu về LS là gì? Vai trò và ý nghĩa của LS đối với doanh nghiệp? Cũng như cách tính các loại LS được các ngân hàng, doanh nghiệp áp dụng trong thực tế. Đây là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá sức khỏe tài chính. Và sự ổn định phát triển trong tương lai của nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp. Hãy nghiên cứu và tìm hiểu thật kỹ về các kiến thức vốn lưu động. Trên cơ sở đó đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả nhất nhé.
Để cập nhật thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán bổ ích. Hãy ghé thăm Cú thường xuyên nhé!
Nếu còn điều gì thắc mắc về chủ đề này, anh em có thể inbox cho Cú. Cú luôn sẵn sàng trao đổi và đón nhận những thông tin kiến thức mới đến từ anh em.
Anh em cũng nên trang bị cho mình các kiến thức vĩ mô khác hữu ích với nhà đầu tư.
Anh em có thể tìm hiểu thêm về lãi suất tại bài viết khác của Cú như:
1. Lãi suất là gì? Lãi suất kép là gì? Tất cả về Lãi suất (P.1)
2. Lãi suất và quan hệ với Lạm phát, Tỷ giá, Đầu tư, Tăng trưởng kinh tế (P.3)
3. Lãi suất và quan hệ với Chứng khoán, Vàng và Bất động sản (P.4)
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Ngoài ra để hiểu rõ hơn cách phân tích chuyên sâu 1 báo cáo kết quả kinh doanh. Anh em có thể học thêm. Hiện tại Cú có cung cấp khóa học chứng khoán. Với những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho anh em. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Cú sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh. Cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh liên lạc
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://www.facebook.com/CuThongThai.VNInvestor/
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969