Lập kế hoạch hưu trí (P2) – Tips kiểm soát chi phí sức khoẻ
Khi còn trẻ chúng ta quay cuồng trong cơm áo gạo tiền. 22 tuổi ra trường, lương bèo bọt chỉ vừa đủ ăn. 30 tuổi lương đã khá hơn nhưng con đang cần bỉm sữa. 40 tuổi vẫn gánh trên vai khoản nợ vay mua nhà. 50 tuổi con vẫn đang đi học. Cuộc đời chúng ta nhìn quanh quanh chẳng có lúc nào là dư giả cả. Ngân sách căng như dây đàn. Thậm chí chúng ta có khi phải liều mình. Làm ngày làm đêm, bán sức khỏe lấy tiền. Thì tiền đâu mà lo cho tuổi già. Thời gian đâu mà lập kế hoạch hưu trí.
Nhưng hãy chậm lại để suy nghĩ. Chẳng phải vô lý khi mà kế hoạch hưu trí lại luôn được các chuyên gia khuyên nên lập sẵn khi còn trẻ. Bởi thứ chờ ta ở tương lai là gì? Chẳng phải ta chỉ có thời gian để dành cho riêng mình khi ta nghỉ hưu sao. Nhưng ta lại chưa chuẩn bị gì cho nó. Ngoài việc tiêu hao sức khỏe cùng những thói quen không hề tốt để kiếm được tiền. Chính vì vậy, hiểu về sức khỏe của chúng ta ở hiện tại. Cùng những dự đoán về tình trạng, chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Là chủ đề mà Cú muốn gửi tới anh em trong bài viết này.
Mở đầu
Chi phí chăm sóc sức khỏe luôn là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt là khi về già, khả năng kiếm tiền của đại đa số chúng ta giảm sút. Do đó, đây cũng là loại chi phí cực kỳ quan trọng. Cần phải được hiểu và ước lượng một cách cẩn thận. Trước khi đi vào chi tiết lập kế hoạch hưu trí riêng cho mỗi anh em.
Chính vì vậy, qua bài viết chuyên sâu về quỹ hưu trí và kế hoạch hưu trí. Đặc biệt về phần chăm sóc sức khỏe. Cú mong rằng sẽ cung cấp tới anh em những kiến thức cần biết, những điểm cần lưu ý. Để có được một tuổi già an nhàn, bớt lo âu muộn phiền.
Phần 1: Tiền chăm sóc sức khỏe hưu trí sẽ đi về đâu?
Đây là một bài viết chuyên sâu tiếp nối chủ đề quỹ hưu trí và kế hoạch hưu trí. Do đó, có thể sẽ có những khái niệm, nội dung khá mới mà anh em chưa biết. Nếu vậy, hãy đừng ngần ngại inbox Cú theo trang page sau nhé. Cú sẽ cùng anh em phân tích nhé!
https://www.facebook.com/CuThongThai.VNInvestor/
Trong bài trước, anh em đã nắm được các chi phí cũng như rủi ro khi lập kế hoạch hưu trí. Trong đó, phải kể đến loại chi phí chăm sóc sức khỏe. Cú cũng đã giới thiệu qua rồi. Nhưng phần này sẽ là chi tiết hơn, cụ thể hơn. Giúp anh em không chỉ là xây dựng kế hoạch hưu trí. Mà còn có 1 phương án tối ưu nhất. Kết hợp nhiều nguồn hơn để có thể trang trải chi phí chăm sóc sức khỏe này khi ta về già.
Sau đây là những phương án, lựa chọn chi trả tiền khi chúng ta đi khám thực tế tại Việt Nam. Tiền đi viện sẽ dùng vào những việc gì? Có thể liệt kê ra 3 khoản chính như sau:
– Chi phí khám bệnh
– Chi phí chữa bệnh
– Chi phí tiền thuốc
Tuy nhiên, các loại bệnh khác nhau sẽ có chi phí khác nhau. Do đó, để có thể đưa ra phương án hợp lý tính toán và dự trù chi phí. Cú sẽ không chia theo 3 loại chi phí kia. Mà dựa trên hình thức khám chữa bệnh phổ biến của Việt Nam hiện nay.
Khi khám, chữa bệnh, sẽ được phân ra làm 2 loại. Đó là khám, chữa bệnh dùng bảo hiểm y tế. Và khám chữa bệnh dịch vụ (không dùng bảo hiểm y tế). Chi phí của 2 loại khám chữa bệnh này là hoàn toàn khác nhau. Bao gồm cả phí khám chữa bệnh và chi phí mua thuốc.
1.1 Chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Đầu tiên, cần nhắc tới bảo hiểm y tế. Đây là loại hình bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo đó, người mua bảo hiểm y tế sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí thăm khám, điều trị, phục hồi sức khỏe,… Nếu không may xảy ra tai nạn, ốm đau. Điều rất nhân đạo là bất kỳ ai cũng có thể mua và sử dụng bảo hiểm y tế. Người bệnh sẽ được hỗ trợ chi trả chi phí khám bệnh theo các mức 80%, 95%, 100%. Tùy vào từng đối tượng khác nhau nếu khám chữa bệnh đúng tuyến.
Do đó, đây được coi là bảo hiểm quan trọng nhất đối với tất cả chúng ta. Sử dụng bảo hiểm y tế có thể giúp anh em chỉ phải chi trả từ 0 – 60% toàn bộ chi phí khám bệnh.. Rất thiết thực và tiết kiệm. Tất nhiên, bảo hiểm y tế cũng có nhiều hạn chế. Như là chỉ được hưởng khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế cũng hạn chế hơn. Dịch vụ, phòng ốc… cũng còn nhiều điểm hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là loại bảo hiểm rẻ nhất, ít điều kiện mua và hưởng bảo hiểm nhất. Chỉ các trường hợp tự tử, say rượu, vi phạm pháp luật… mới không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Anh em cũng cần nhớ rằng, khi sử dụng bảo hiểm y tế. Anh em sẽ được cung cấp các dịch vụ cần và đủ. Theo đúng quy trình và thủ tục của bảo hiểm y tế. Những dịch vụ không nằm trong danh mục sẽ phải trả phí và không được hưởng bảo hiểm. Do đó, anh em hãy tìm hiểu kỹ, nhờ bác sỹ khám chữa bệnh tư vấn. Để tránh làm các dịch vụ không cần thiết mà chi phí cao. Gây lãng phí cũng như gia tăng áp lực cho chi phí chăm sóc sức khỏe của mình.
1.2 Chi phí khám chữa bệnh dịch vụ
Vì những điều kiện còn hạn chế của việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Không ít người trong chúng ta lựa chọn sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện. Lý do cơ bản nhất, mà như Cú cũng hay lựa chọn. Đó là chưa tin tưởng vào bệnh viện mình được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Thay vì khám ở bệnh viện huyện, chúng ta lại lựa chọn vượt tuyến. Không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám ở bệnh viện tỉnh. Và khi đó, mọi chi phí khám chữa bệnh dịch vụ đó sẽ do chúng ta tự chi trả.
Không những thế, chi phí khi khám chữa bệnh dịch vụ sẽ cao hơn nhiều so với khám bảo hiểm. Bởi khi không còn bị ràng buộc bởi các quy định, chúng ta sẽ thường mạnh tay hơn khi khám bệnh. Chúng ta có thể khám bất kỳ chỗ nào chúng ta nghi ngờ. Khám các loại bệnh mà không cần chờ ngày quy định như khi khám bảo hiểm y tế. Và một thực tế nữa là thuốc kê cho chúng ta khi khám dịch vụ sẽ khác xa so với bảo hiểm y tế. Đó thường là những loại thuốc ngoại với chi phí cao hơn và những công hiệu tốt hơn. Thường không nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
Ngoài ra anh em cũng cần phân biệt 2 loại khám chữa bệnh là khám chữa bệnh nội trú và khám chữa bệnh ngoại trú. Để có thể đánh giá và dự tính chi phí chăm sóc sức khỏe khi về hưu.
Điều trị nội trú là việc thực hiện điều trị khi có chỉ định điều trị nội trú của bác sĩ. Thuộc các cơ sở khám chữa bệnh, có giấy chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác với thời gian trên 24h.
Ngoại trú là việc người bệnh được điều trị y tế tại một cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám. Nhưng không cần nhập viện điều trị nội trú. Các trường hợp điều trị trong ngày, phẫu thuật, tiểu phẫu, nội soi chẩn đoán bệnh trong ngày. Được giải quyết theo quyền lợi điều trị ngoại trú.
Và theo đó, chi phí và mức độ hưởng bảo hiểm cũng khác nhau. Thông thường, điều trị nội trú thường tốn kém hơn nhiều so với điều trị ngoại trú. Chưa kể đến tiền sinh hoạt phí khi ở trong viện. Và một điều rất quan trọng khi điều trị nội trú khi về già là người chăm sóc. Nếu không có ai chăm sóc, anh em phải xác định một khoản chi phí không hề nhỏ. Hãy liệt kê chi phí này vào trong kế hoạch hưu trí của mình nhé.
1.3 Chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác
Bảo hiểm sức khỏe là một loại hình bảo hiểm tự nguyện. Được sử dụng trong trường hợp người được bảo hiểm gặp rủi ro. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ chi trả một phần hay toàn bộ chi phí điều trị. Theo thỏa thuận hợp đồng đã ký kết khi người được bảo hiểm gặp tai nạn, thương tật,..
Bảo hiểm nhân thọ (life insurance) là sản phẩm của công ty bảo hiểm nhân thọ nhằm bảo vệ tài chính cho người được bảo hiểm trước các rủi ro liên quan sức khỏe, thân thể và tính mạng.
Bảo hiểm nhân thọ sẽ tích lũy phí đóng bảo hiểm hằng năm và hoàn lại khi kết thúc hợp đồng, trong khi đó phí đóng hàng năm mất đi.
Có nhiều điểm khác nhau giữa bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Cú sẽ tóm tắt một vài ý chính như sau:
– Đối với bảo hiểm nhân thọ, có thể nói quan đến quyền lợi sống còn và cả tử vong cho chủ hợp đồng. Còn bảo hiểm sức khỏe chỉ cung cấp các quyền lợi về điều trị và chăm sóc y tế cho người người tham gia nếu chẳng may họ bị bệnh hay gặp tai nạn.
– Ngoài ra, bảo hiểm sức khỏe là bảo hiểm ngắn hạn theo từng năm một. Khi kết thúc hợp đồng sau 1 năm, cần phải tái ký hợp đồng để được bảo hiểm tiếp tục. Anh em có thể chọn mua năm này. Nhưng năm sau không mua nếu không đủ khả năng tài chính. Hoặc cũng có thể đổi gói bảo hiểm sức khỏe khác mức phí khác. Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ thường dài hạn, có thể 5, 10 hay 20, cả đời. Và anh em có thể chia thành nhiều đợt cho đến khi hoàn thành mức phí trong hợp đồng.
Tuy nhiên điểm chung của 2 loại bảo hiểm này đối với kế hoạch hưu trí của anh em. Đó chính là giúp anh em giảm bớt những chi phí khám chữa bệnh. Có thêm một nhà đồng thanh toán với anh em khi không may bị bệnh hay tai nạn… Mức hưởng bảo hiểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Như số tiền đóng góp, loại bệnh, bệnh viện…
Ngoài bảo hiểm y tế rất hữu ích, thì bảo hiểm sức khỏe, hay bất kỳ loại bảo hiểm nào cũng nên là 1 cân nhắc lựa chọn của anh em. Đặc biệt lúc về già, khi mà hầu như chúng ta đều cần chăm sóc sức khỏe. Thêm nữa, chi phí mua những loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, thực phẩm chức năng, dụng cụ hỗ trợ sức khỏe. Cũng là một trong những chi phí chăm sóc sức khỏe chiếm tỷ trọng đáng kể trong quỹ chăm sóc sức khỏe khi về hưu.
Đương nhiên, không có bất kỳ con số cụ thể nào được áp dụng chung cho tất cả mọi người. Nó thay đổi phụ thuộc vào độ tuổi của mỗi người. Bệnh tật, tai nạn người đó gặp phải. Cũng như mức độ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của từng người. Tuy nhiên, khi hiểu được các loại chi phí sức khỏe cũng như sự khác nhau giữa các chi phí khi sử dụng bảo hiểm, khi chữa bệnh… sẽ giúp cho anh em có thêm nhiều lựa chọn, phương án chăm sóc sức khỏe khi nghỉ hưu. Dự trù kinh phí khám chữa bệnh khi mình về già.
Phần 2: Làm thế nào để kiểm soát, giảm thiểu chi phí sức khỏe khi lập kế hoạch hưu trí
Tuổi già không thể tránh khỏi bệnh tật, ốm đau. Nhưng nếu biết chuẩn bị từ hôm nay, Cú tin rằng anh em sẽ sẵn sàng hơn cho một tuổi già khỏe mạnh, an nhàn. Và đặc biệt anh em có thể kiểm soát cũng như giảm thiểu được chi phí chăm sóc sức khỏe khi về già. Đây là trọng Cú muốn gửi tới anh em trong bài viết này. Hãy cùng theo dõi Cú nhé!
2.1 5 câu hỏi về sức khỏe cần được cân nhắc khi lập kế hoạch hưu trí
Hầu hết chúng ta đều mong ước, tuổi nghỉ hưu là thời gian để thay đổi cuộc sống trước đó. Bớt những lo toan bộn bề, sống chậm để tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống. Tuy nhiên, viễn cảnh tươi đẹp đó có thể bị đổi màu, thậm chí biến mất khi có một biến cố, cú shock khi nghỉ hưu. Đặc biệt là khi phải chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe. Anh em đã từng chuẩn bị cho những câu hỏi dưới đây chưa?
2.1.1 Ai sẽ là người chăm sóc bạn khi về già?
Đây là một câu hỏi liên quan đến bối cảnh của mỗi người. Nó phụ thuộc vào sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế và lựa chọn của riêng chúng ta.
Ví dụ 1: Nếu anh em đã có gia đình, hai vợ chồng khỏe mạnh và cùng trong một độ tuổi. Có lẽ câu trả lời hợp lý nhất là người bạn đời sẽ là người đồng hành cùng anh em khi về già. Tuy nhiên, khi cả 2 cùng già yếu hơn, việc chăm sóc này sẽ cần được dự tính trước. Liệu rằng những người trong gia đình, cụ thể là con, cháu của mình có đủ khả năng, sẵn lòng giúp đỡ không? Hay cần sự trợ giúp từ người ngoài đi kèm cùng 1 khoản chi phí không hề nhỏ.
Và rõ ràng chi phí người chăm sóc này sẽ không giống nhau cho tất cả chúng ta. Khi được người nhà chăm sóc, hoặc chia sẻ 1 phần gánh nặng chi phí chăm sóc. Phần chi phí dự tính cho khoản mục này sẽ ít hơn. So với việc anh em phải tự chi trả. Nhưng nó cũng phụ thuộc không phải chỉ 1 mình mình. Mà còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của con cái, tấm lòng hiếu thảo và đôi khi biến cố cuộc đời.
Tip đầu tiên mà Cú muốn gửi tới anh em. Đó là hãy sống vui sống khỏe, sống hết lòng vì gia đình. Chăm sóc và thương yêu mọi người là động lực, tấm gương cho những sự đối xử tốt đẹp tiếp theo. Đồng thời cũng dành thời gian cho con cái, giáo dục là phương pháp tốt nhất. Để mang lại tương lai tươi sáng hơn cho con em của chúng ta. Cũng là đảm bảo hơn cho một tuổi già vui vẻ, bớt lo toan, bệnh tật…
2.1.2 Các chị em sẽ phải chi trả nhiều hơn cho chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai?
Theo thống kê, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71 tuổi và của nữ giới là 76.4 tuổi. Điều này cũng đồng nghĩa kế hoạch hưu trí của nữ giới sẽ dài hơn so với nam giới là 5.4 năm. Kéo theo đó là chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe cũng tăng tương ứng. Hiện nay, các nước phát triển, không chỉ ở phương Tây, mà ngay cả ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuổi thọ trung bình cũng tăng lên rất nhiều do điều kiện sống, điều kiện y tế ngày một tăng cao. Như ở Nhật Bản, tuổi thọ hiện tại là 84.62 và họ sống rất khỏe mạnh. Chính vì vậy, cũng có nhiều kỳ vọng hơn đối với tuổi thọ của chính người Việt Nam chúng ta khi xã hội ngày càng phát triển hơn.
Không những thế, khi tuổi càng cao thì cơ thể con người càng kém khỏe mạnh hơn. Do đó, có thể chi phí chăm sóc sức khỏe của 5.4 năm về sau này, nữ giới sẽ phải chi trả nhiều hơn so với những năm trước đó. Nên điều rất quan trọng đối với chị em khi lập kế hoạch hưu trí. Đó là phải tính thêm một phần tiền dành riêng cho việc này. Tất nhiên một con số chính xác thì rất khó. Vì ta không thể đoán trước được tương lai. Nhưng một khoản bù đắp, hay một kế hoạch dự trù sẽ là vô cùng cần thiết.
2.1.3 Anh em sẽ sống trong bao lâu?
“Ai mà biết được!”
Chắc chắn là câu trả lời này rồi. Nếu biết trước mình có thể sống được bao lâu, cuộc đời chúng ta có thể sẽ bớt đi những biến cố, bất hạnh… Cú tin là vậy. Hay ai chẳng mong sống lâu, sống thọ. Nhưng liệu cuộc đời có như chúng ta ước muốn. Do đó, cách duy nhất để trả lời câu hỏi này khi lập kế hoạch hưu trí. Là dựa vào các con số thống kê và chiếu theo các điều kiện riêng của bản thân.
Ví dụ 2: Giả sử anh An là hiện là một nhân viên văn phòng. Với lịch sinh hoạt điều độ, hằng ngày đều dành 30 phút tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Không hút thuốc lá, ít khi rượu bia và ngủ đúng giờ. Gia đình anh An cũng có tiền sử bố mẹ, ông bà đều sống thọ trên 80 tuổi. Không có bệnh di truyền hay mãn tính nào cả. Anh An rất chú trọng chăm sóc sức khỏe và khám tổng quát định kỳ hàng năm. Anh An hoàn toàn có thể kỳ vọng và con số 80 tuổi và nên lập kế hoạch hưu trí cho tuổi nghỉ hưu kéo dài hơn 9 năm so với trung bình.
Ngược lại anh Ba cũng là nhân viên văn phòng. Nhưng đam mê ngủ muộn và chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, không tốt cho cơ thể và ăn uống không đúng giờ giấc… Khám sức khỏe định kỳ luôn trong tình trạng gan nhiễm mỡ, phổi, họng có vấn đề… Thì có lẽ anh Ba không thể kỳ vọng mình ở con số 80 nếu không tự cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.
Có thể nói việc xác định số năm hưu trí là một bước vô cùng quan trọng. Nhưng hầu hết chúng ta lại không thể đưa ra được một con số chính xác. Nếu dự trù quá xa so với số năm hưu trí. Đồng nghĩa với việc anh em phải tiết kiệm nhiều hơn ở hiện tại. Nhưng lại không tiêu đến ở tương lai. Đó là một điều lãng phí vì đôi khi để tiết kiệm khoản tiền đó, chúng ta đã bớt đi những nhu cầu, sở thích của mình trong hiện tại. Còn nếu chúng ta dự trù thấp hơn nhiều so với số năm hưu trí. Thì những năm cuối đời của chúng ta liệu có còn an nhàn?
Tìm một con số ước tính mà mình cho là phù hợp nhất dựa trên các điều kiện cụ thể của bản thân. Là tip thứ 2 Cú mong muốn gửi đến anh em khi đọc bài viết này.
2.1.4 Lạm phát y tế có là một phần trong kế hoạch hưu trí không?
Hiểu một cách đơn giản, lạm phát y tế là tình trạng gia tăng giá cả sản phẩm, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Lạm phát y tế đẩy chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao theo 2 cách:
a, Thay đổi chi phí các thành phần cấu tạo nên chi phí khám chữa bệnh. Từ đó dẫn đến gia tăng giá thành khám chữa bệnh. Như là:
– Thay đổi chi phí nhân viên bệnh viện bao gồm tiền lương, phúc lợi, tăng nhân viên tư vấn, hướng dẫn…
– Chi phí vật tư tiêu hao của bệnh viện gồm khẩu trang, áo blue, bông, băng…
– Tăng chi phí trang thiết bị, dụng cụ y tế…
b, Thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ y tế
Xã hội ngày càng phát triển, con người cũng mong muốn được sử dụng các dịch vụ tốt hơn, tiên tiến hơn. Do đó, các chi phí để có thể đáp ứng các nhu cầu dịch vụ cũng tăng cao hơn.
Các số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy: Tổng chi tiêu cho y tế ở Việt Nam đã tăng đáng kể, đặc biệt là trong thập kỷ vừa qua. Thống kê cũng cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ chi trả tiền túi từ người sử dụng dịch vụ y tế còn cao. Ở mức 43%, gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Gấp 2 – 2,5 lần so với các nước phát triển. Việc chi tiền túi cao thậm chí khiến nhiều gia đình bị nghèo hóa, hoặc tái nghèo sau điều trị. Chi tiêu cho y tế có xu hướng tăng theo thu nhập, và chi tiêu công cho y tế có vẻ tăng nhanh hơn so với tăng trưởng GDP.
Lạm phát y tế khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe, đặc biệt 20-30 năm nữa sẽ tăng cao. Chính vì vậy thêm biến số riêng cho lạm phát y tế có lẽ là điều vô cùng cần thiết. Để chúng ta không bị choáng ngợp khi thực sự phải đi bệnh viện.
2.1.5 Liệu khi về già anh em có thay đổi nơi khám chữa bệnh không?
Câu hỏi này có thể không mấy anh em để ý đến. Nhưng nó cũng là câu hỏi ảnh hưởng tới chi phí chăm sóc sức khỏe khi về già. Bởi khi bạn thay đổi cơ sở chăm sóc sức khỏe sẽ kéo theo thay đổi các chi phí. Bao gồm chi phí dịch vụ, chi phí di chuyển, ăn uống…
Nếu anh em ở thành phố, nơi có điều kiện khám chữa bệnh tốt. Thì có lẽ sự thay đổi sẽ không quá tốn kém khi anh em vẫn dùng bảo hiểm. Vì chỉ cần một cuốc xe là đã giải quyết được vấn đề. Nhưng mà đối với anh em ở những nơi xa, có khi từ tỉnh lên thành phố đã mất cả 1 ngày. Thêm vào đó là chi phí tàu xe, ăn uống… Thực sự là cũng rất đáng để tính vào kế hoạch nếu tần suất trở nên dày đặc hơn. Chưa kể khi vượt tuyến, anh em phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.
2.2 Hiểu về các lựa chọn bảo hiểm sức khỏe – Kế hoạch hưu trí
Bảo hiểm sức khỏe ở đây nói chung toàn bộ các loại bảo hiểm có thể sử dụng để chăm sóc sức khỏe. Bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác liên quan.
Như Cú đã giới thiệu ở phần 1, anh em đã hiểu được ưu nhược điểm sơ bộ của các loại bảo hiểm này. Và việc lựa chọn loại hình bảo hiểm là tùy thuộc vào nhu cầu cũng như điều kiện riêng của mỗi người. Tuy nhiên, để kiểm soát, giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khỏe khi về già. Anh em cần hiểu rõ các lựa chọn bảo hiểm này. Từ phần chi phí, quyền lợi, đơn vị bảo hiểm và độ tuổi.
Và một điều đặc biệt lưu ý đó chính là. Rất nhiều anh em được công ty mua bảo hiểm sức khỏe cho khi còn là công nhân viên của công ty đó. Nhưng từ khi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không còn được công ty mua cho bảo hiểm sức khỏe nữa. Có lẽ rất ít công ty có thể cung cấp phúc lợi này sau khi nghỉ hưu. Chính vì chi phí bảo hiểm sức khỏe sẽ cần được tính toán trong chi phí chăm sóc sức khỏe của chúng ta. Bao gồm tối thiểu là chi phí bảo hiểm y tế.
Ngoài ra để có thể giảm bớt chi phí chăm sóc sức khỏe lúc ấy khi về già. Anh em có thể mua thêm bảo hiểm sức khỏe. Và dự trù 1 khoản chi phí có thể dễ dàng ước lượng hơn so với rủi ro bệnh tật ập đến.
Với 1 kế hoạch nghỉ hưu sớm, nghỉ hưu trước tuổi. Chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ tăng lên. Không chỉ do thời gian hưu trí tăng lên. Mà còn do anh em không thể được tiếp tục với các phúc lợi y tế của công việc hiện tại đang làm. Thay vào đó là tự mình chi trả mọi chi phí.
Chưa kể đến các chi phí thuốc thang ngoài danh mục bảo hiểm như thực phẩm chức năng, làm đẹp… cũng sẽ là một loại chi phí đáng kể khi chăm sóc sức khỏe khi về già.
2.3 Thêm chi phí chăm sóc sức khỏe vào bảng kế hoạch hưu trí
Sau khi đã hiểu và lựa chọn được phương án bảo hiểm sức khỏe khi về già của mình. Anh em cần tính toán cụ thể và thêm nó vào là một loại chi phí thiết yếu khi lập kế hoạch hưu trí.
Theo Thông cáo báo chí kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022. Chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh năm 2022 cũng giảm so với 2020. Cụ thể năm 2022 là 2,5 triệu đồng trong khi năm 2020 là hơn 3 triệu đồng. Năm 2022, chi tiêu bình quân một người có khám chữa bệnh nội trú xấp xỉ 9 triệu đồng. Và một người có khám chữa bệnh ngoại trú là gần 1,4 triệu đồng. Thành thị có mức chi y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh cao hơn nông thôn. (2,8 triệu đồng so với 2,3 triệu – chênh lệch gần 500 nghìn/người có khám chữa bệnh).
Đây là con số thống kê bình quân cho năm 2022. Chi phí y tế cho người cao tuổi gấp 7-10 lần so với người trẻ. Và con số này sẽ tăng lên rất nhiều sau 20-30 năm nữa phụ thuộc vào lạm phát thực tế. Chi phí này buộc phải được tính toán và đưa vào chi phí thiết yếu khi lập kế hoạch hưu trí. Sau khi cộng trừ đi chi phí mua và hưởng quyền lợi bảo hiểm.
Ví dụ 4: Chi phí y tế trung bình cho một người ở năm 2022 là 2.5 triệu đồng/năm. Chi phí y tế cho người già gấp 7 -10 lần người trẻ. Vậy chi phí bình quân của một người già sẽ vào khoảng hơn 20-25 triệu đồng. Do số lượng người già ít hơn so với người trẻ. Giả sử chi phí đó sẽ tăng gấp 2,5 lần vào 20-30 năm sau. Vậy khi về hưu, anh em cần phải chi khoảng 50-60 triệu đồng cho chi phí chăm sóc sức khỏe.
Chi phí này sẽ do anh em tự chi trả hoàn toàn nếu anh em không có ý định sử dụng bảo hiểm sức khỏe. Tuy nhiên chi phí này sẽ được giảm thiểu rất nhiều nếu anh em sử dụng bảo hiểm sức khỏe.
Trường hợp khi đó anh em dành 10 triệu/năm để mua gói bảo hiểm y tế và sức khỏe. Theo đó anh em sẽ có 10 lần thăm khám với hạn mức 2 triệu đồng/lần. Hỗ trợ 60% chi phí khám chữa, điều trị nội trú…Và được hỗ trợ 80% chi phí khi khám đúng tuyến dùng thẻ bảo hiểm y tế. Vậy con số mà anh em có thể tiết kiệm đã lên đến từ 20-40 triệu đồng. Ngoài ra chuẩn bị 1 khoản tiền cho các dịch vụ ngoài bảo hiểm 5 triệu đồng. Số tiền mà anh em cần dành cho chăm sóc sức khỏe sẽ là 10 triệu bảo hiểm + 5 triệu dịch vụ ngoài bảo hiểm + số tiền tự chi trả khoảng 10 triệu đồng = 25 triệu đồng.
Lưu ý đây chỉ là con số giả định và cần được nghiêm túc xem xét lại. Cùng với người tư vấn tài chính cá nhân của anh em. Dựa trên các cơ sở thực tiễn sát hơn và điều kiện sức khỏe bản thân.
2.4 Tận dụng hết các nguồn tài trợ có thể – Kế hoạch hưu trí
Đây có lẽ là bước mà ít anh em nghĩ tới nhất. Bởi nó cũng chưa thực sự quá phổ biến. Nhưng thực sự đây là một tip rất hữu ích. Thay vì phủ nhận giá trị của các nguồn tài trợ này. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và lựa chọn phương án phù hợp nhất với mỗi cá nhân nhé.
Ngoài bất kỳ phúc lợi nào do nhà tuyển dụng tài trợ, tiền tiết kiệm cá nhân, bảo hiểm xã hội. Anh em có thể có các nguồn khác để giúp đáp ứng chi phí chăm sóc sức khỏe khi nghỉ hưu. Có thể kể đến như quỹ hưu trí tự nguyện. Bên cạnh các ưu đãi về thuế, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng có các quyền lợi bổ trợ. Như chăm sóc y tế, hỗ trợ nằm viện… Do đó, tận dụng tốt nguồn phúc lợi này, cũng là một phương án đáng xem xét để chuẩn bị cho kế hoạch hưu trí của mình.
Không những thế, nghỉ hưu cũng có thể được hiểu rộng ra là được tự do làm những việc mình thích. Anh em có thể cân nhắc đến các phương án làm việc linh động hơn, đúng với sở trường, đam mê của mình hơn. Chứ không bắt buộc phải ngồi không, không được làm gì. Khi đó, để tận dụng toàn diện, anh em có thể xem xét các công việc có thêm quyền lợi chăm sóc sức khỏe. Như là:
– Công việc bán thời gian: Ưu tiên lựa chọn công việc có những phúc lợi y tế.
– Công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe y tế cộng đồng…
2.5 Trở thành một nhà tiêu dùng thông thái trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe – Kế hoạch hưu trí
Bước cuối cùng trong cẩm nang kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe. Đó là hãy trở thành một nhà tiêu dùng thông thái. Khi ta tiêu dùng đúng đắn, hợp lý và thông minh. Thứ chúng ta nhận có thể sẽ nhiều hơn cả tiết kiệm chi phí. Bởi khi đó cũng là lúc sức khỏe của chúng ta đảm bảo hơn. Tiền đề cho một cuộc sống an yên, bớt bộn bề hơn.
Dưới đây là một số cách giúp anh em tiêu dùng thông thái trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe:
– Đầu tiên hãy có một chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ. Giúp các cơ quan trong cơ thể được hoạt động và nghỉ ngơi phù hợp. Chăm tập thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe. Nâng cao sức khỏe, độ dẻo dai của cơ thể, giúp chống lại nhiều loại bệnh tật. Không nên quá tiết kiệm các chi phí dành cho mục đích này. Bởi chi phí phòng trừ bệnh thường sẽ nhỏ hơn so với chi phí khám chữa bệnh.
– Sử dụng bảo hiểm sức khỏe, bao gồm bảo hiểm y tế và có thể kết hợp thêm bảo hiểm sức khỏe. Chọn bệnh viện đăng ký bảo hiểm y tế uy tín, thuận tiện và có kinh nghiệm đối với các bệnh của mình. Sử dụng thẻ bảo hiểm đúng tuyến, đúng quy định để có thể nhận được các quyền lợi chăm sóc sức khỏe.
– Khi đi khám chữa bệnh, anh em nên cung cấp những thông tin cụ thể và đầy đủ về tình trạng sức khỏe của mình. Để bác sỹ có thể dễ dàng hơn trong việc chuẩn đoán sơ bộ. Và đưa ra các yêu cầu xét nghiệm, thăm khám chính xác hơn. Giúp tiết kiệm chi phí và thời gian hiệu quả. Những lần tái khám, anh em lưu ý nên mang sổ khám bệnh của những lần trước đó đi. Để bác sỹ có thể dựa vào những kết quả lần trước để cắt giảm các chi phí xét nghiệm, thủ thuật không cần thiết…
– Khi thăm khám, được tư vấn, anh em nên đặt ra những câu hỏi. Để có thể hiểu rõ về bệnh tình của mình. Cũng như các kế hoạch chăm sóc, chữa trị của bác sỹ. Đề nghị giải thích và tư vấn mức độ cần thiết của các xét nghiệm trước khi thực hiện. Hỏi về lợi ích và rủi ro của các thủ thuật và kết quả mong đợi. Xem liệu có phương pháp điều trị thay thế nào có sẵn. Và so sánh chi phí cũng như kết quả của những lựa chọn đó.
Ví dụ 5: Khi được tư vấn 2 gói điều trị cho cùng 1 loại bệnh. Anh em cần hiểu rõ nội dung của cả 2 gói đó. So sánh các lợi ích cũng như rủi ro giữa 2 gói điều trị. Cũng như chi phí cần bỏ ra để sử dụng. Các lưu ý về chi phí có thể bao gồm giá thành, quyền lợi bảo hiểm, chi phí ngoài bảo hiểm… Đặc biệt nên hỏi thêm chi phí thuốc trong và sau điều trị. Bởi có khả năng, chi phí này nằm ngoài danh mục bảo hiểm.
Anh em cần phải biết mình đang trả tiền cho những gì. Các khoản phí, lệ phí và chi phí tự trả dự kiến cho kế hoạch điều trị được đề xuất là gì? Có bất kỳ yếu tố nào anh em nên biết có thể làm tăng chi phí dự kiến không? Đó là quyền lợi của bệnh nhân. Anh em có quyền biết càng nhiều càng tốt về các dịch vụ y tế được đề xuất và chi phí của chúng.
– Trở thành một nhà tiêu dùng chăm sóc sức khỏe thông thái. Cũng giúp anh em giảm chi phí tự trả cho các loại thuốc được kê. Đây cũng là một khoản khá tốn. Khi có rất nhiều thuốc được kê lại không nằm trong danh mục bảo hiểm. Vì vậy, hãy kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sỹ. Để xem liệu có những lựa chọn thay thế an toàn, hiệu quả và chi phí thấp hơn. Cho bất kỳ loại thuốc chính hiệu nào mà bạn đang sử dụng hay không. Ngoài ra, anh em cũng nên tham khảo giá thuốc ở những địa chỉ uy tín khác nhau. Để có thể tìm ra một mức giá tốt nhất.
Lập kế hoạch cho các chi phí chăm sóc sức khỏe khi nghỉ hưu chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Bằng cách xem xét cẩn thận các nhu cầu, chi phí và nguồn tài chính của mình trước khi nghỉ hưu. Anh em có thể có một vị thế tốt hơn để xử lý các chi phí khi kỳ nghỉ hưu cuối cùng cũng đến.
Kết luận
Trên đây là những bước cơ bản trong việc lập kế hoạch chi phí chăm sóc sức khỏe khi nghỉ hưu. Không có một con số cụ thể chung cho tất cả mọi người. Nhưng khi hiểu được các chi phí và lựa chọn bảo hiểm. Sẽ giúp anh em xây dựng một kế hoạch hoàn thiện hơn, sát với thực tế hơn.
Tất nhiên, rủi ro và chi phí trong tương lai không thể tính toán 1 cách chắc chắn. Nhưng khi ta hiểu về nó, và đưa ra các dự phòng. Thì chúng ta có thể làm chủ được những ngày tháng sau này của mình. Có thể không thể trang trải được toàn bộ chi phí. Nhưng mà cũng phần nào đóng góp cho cuộc sống, chi phí tối thiểu của anh em khi về già.
Hy vọng rằng từ những kiến thức trên, anh em có thể xâu chuỗi với những với những kiến thức thực tế khác. Để đưa ra những đánh giá khách quan, nhiều chiều về kế hoạch, dự định nghỉ hưu của anh em. Cũng như lập ra được một kế hoạch sát nhất với thực tiễn trong tương lai.
Ngoài ra, còn nhiều kiến thức bổ ích khác về chứng khoán mà Cú có chia sẻ trên kênh Youtube. Anh em có thể ghé kênh youtube của Cú để tham khảo thêm nhiều kiến thức về chứng khoán – tài chính.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về cách đầu tư cổ phiếu nói riêng, chứng khoán nói chung. Đặc biệt là với những anh em vừa chân ướt chân ráo bước vào thị trường. Anh em có thể tham khảo những bài hướng dẫn đầu tư chứng khoán cơ bản như:
>>Hướng dẫn đầu tư chứng khoán từ A-Z cho người mới bắt đầu
>>5 Bước hướng dẫn đầu tư chứng khoán cho F0 tuổi 30 (Nên biết)
Những bài viết này đều được Cú tổng hợp từ những kinh nghiệm đầu tư thực chiến của mình. Anh em có thể tham khảo hoặc có bất cứ thắc mắc gì có thể inbox cho Cú.
Ngoài ra, nếu anh em có nhu cầu được tư vấn về Lập kế hoạch hưu trí cho bản thân và gia đình. Hãy liên lạc với Cú qua fanpage Cú thông thái.
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Như đã nhắc ở phía trên, hiện tại Cú có cung cấp 3 khóa học chứng khoán từ cơ bản đến nâng cao. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Khóa học sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc về đầu tư và khóa học cho anh em nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Ngoài ra, anh em cũng có thể tham khảo thêm các nguồn dữ liệu khác về họ. Thông qua sự đánh giá của nhân sự có chuyên môn về ban lãnh đạo. Hay những người tiếp xúc trực tiếp với họ hàng ngày.
Các kênh thông tin của Cú
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về tài chính – chứng khoán, anh em có thể theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/1760947773896