Bật mí các loại gian lận báo cáo tài chính Phần 2 – Gian lận tài sản
Để phát triển doanh nghiệp, pháp luật Việt Nam được điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Để các chủ thể trong xã hội có điều kiện thuận lợi tốt nhất khi tham gia vào nền kinh tế. Điều này mang đến nhiều tác động tích cực. Như tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng các điều kiện thuận lợi của luật doanh nghiệp để thành lập các “công ty ma”, “công ty hình nộm” nhằm gian lận báo cáo tài chính. Di chuyển dòng tiền một cách mờ ám nhằm lũng loạn thị trường để thu lợi bất chính. Thậm chí, một số trường hợp dẫn đến vi phạm pháp luật. Buộc cơ quan quản lý phải xử lý nghiêm khắc.
Một tập đoàn bất động sản thường có rất nhiều công ty con. Thậm chí họ còn thành lập công ty chỉ để phục vụ cho một dự án nhỏ. Hoặc để tiện cho việc huy động vốn. Sau khi dự án hoàn thành thì công ty con đó cũng cho vào quên lãng. Để nhằm gian lận báo cáo tài chính.
Tiếp sau bài “Nhận biết gian lận doanh thu trong báo cáo tài chính (P.1)” trong chuỗi series về gian lận báo cáo tài chính. Trong bài viết, hãy cùng Cú tiếp tục tìm hiểu về một số thủ thuận gian lận báo cáo tài chính điển hình dưới đây nhé!
1. Gian lận báo cáo tài chính với hàng tồn kho
1.1 Giới thiệu về gian lận gian lận báo cáo tài chính với hàng tồn kho
Gian lận về định giá tài sản chiếm gần một nửa số trường hợp về gian lận báo cáo tài chính. Trong đó, các sai phạm về hàng tồn kho chiếm phần lớn về các gian lận định giá tài sản. Nhìn chung, khi hàng tồn kho được bán, số tiền này sẽ được ghi nhận vào giá vốn hàng bán. Và nằm trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Như một khoản giảm trừ trực tiếp của doanh thu bán hàng. Định giá hàng tồn kho cuối kỳ cao hơn thực tế sẽ làm giảm giá vốn hàng bán. Và hệ quả là doanh thu ròng cũng bị phóng đại lên.
Gian lận về hàng tồn kho có thể được chia làm 3 loại:
- Khống số lượng hàng tồn kho.
- Khống giá trị của hàng tồn kho bằng cách:
+ Trì hoãn việc ghi nhận những hàng tồn kho bị lỗi thời.
+ Điều chỉnh các đơn vị đo lường để làm tăng giá trị (Ví dụ: thay vì tính theo đơn vị thùng thì sẽ tính theo đơn vị hộp, giả sử 1 thùng có 10 hộp).
+ Báo cáo ít đi các khoản dự phòng cho hàng tồn kho bị giảm giá trị. Đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mà sản phẩm được cập nhật hoặc có thời hạn sử dụng ngắn.
+ Thay đổi các phương pháp tính giá trị hàng tồn kho (Tính giá trung bình, nhập trước xuất trước…).
- Gian lận do vốn hóa chi phí không phù hợp vào hàng tồn kho.
Các dấu hiệu thể hiện khả năng xảy ra gian lận hàng tồn kho là:
- Biên lợi nhuận gộp cao hơn dự kiến.
- Hàng tồn kho tăng nhanh hơn doanh thu bán hàng.
- Doanh thu từ hàng tồn kho giảm từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo.
- Chi phí vận chuyển giảm so với tỷ lệ phần trăm của hàng tồn kho.
- Tồn kho so với tỷ lệ phần trăm của tổng tài sản tăng nhanh hơn dự kiến.
- Giảm chi phí của doanh thu so với tỷ lệ phần trăm doanh thu.
- Giảm chi phí vận chuyển trong khi tăng tổng số hàng tồn kho hoặc chi phí doanh thu bán hàng.
- Các phân tích về xu hướng biến động của số dư hàng tồn kho chỉ ra sự tăng đột biến vào cuối năm.
1.2 Các dạng gian lận hàng tồn kho
a) Khống số lượng hàng tồn kho (Inflating Inventory Quantity)
Cách đơn giản nhất để phóng đại số lượng hàng tồn kho là thêm vào những hàng hóa “ảo”.
Các doanh nghiệp có thể thực hiện việc này bằng cách:
- Ghi nhận sai các bút toán.
- Làm giả các báo cáo vận chuyển và nhận hàng.
- Làm giả các đơn giá mua hàng.
- Khai khống số lượng trên biên bản kiểm kê.
Các doanh nghiệp có thể tham gia vào việc này nhằm mục đích làm giảm chi phí của doanh thu bán hàng theo tỷ lệ phần trăm của doanh thu.
Các dấu hiệu mà kiểm toán viên có thể dựa vào để nghi ngờ về làm giả hàng tồn kho là:
- Hàng tồn kho mà không thể dễ dàng kiểm tra trực tiếp.
- Hàng tồn kho có các chi phí đi kèm. Như chi phí doanh thu bán hàng hoặc các bút toán khác về các khoản phải trả.
- Các báo cáo vận chuyển và nhận hàng bất thường và đáng nghi.
- Các hóa đơn mua hàng bất thường và đáng nghi.
- Chênh lệch đáng kể khi kiểm kê.
- Hàng tồn kho không hiện hữu chỉ được sử dụng vài lần. Hoặc thường xuyên được lưu trữ ở các địa điểm khác.
- Một số lượng lớn các hàng hóa có chi phí cao trong tổng số hàng tồn kho.
- Thủ tục kiểm tra tính đúng kỳ chỉ ra sự không rõ ràng hoặc không hiệu quả.
- Điều chỉnh các bút toán mà làm tăng hàng tồn kho qua thời gian.
- Bút toán đảo trọng yếu liên quan tới tài khoản hàng tồn kho sau khi kết thúc kỳ kế toán.
- Hàng tồn kho mà không bắt buộc phải kiểm kê trực tiếp vào cuối năm.
- Các khoản doanh thu không phù hợp hoặc tự phát đã được trả lại. Và bao gồm trong hàng tồn kho. Nhưng không được tính khi tiến hành kiểm kê (Ví dụ: một doanh nghiệp “vô tình” chuyển hàng cho một khách hàng. Rồi thông báo với khách hàng đó về sự nhầm lẫn đó. Đồng thời yêu cầu khách hàng đó trả lại hàng).
- Sự dịch chuyển quá mức của hàng tồn kho từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Từ địa điểm này sang địa điểm khác mà ít có hoặc không có sự kiểm soát cũng như các tài liệu làm bằng chứng.
Tuy nhiên trong thực tế, kể cả khi kiểm toán viên đi kiểm tra trực tiếp. Doanh nghiệp vẫn có thể gian lận bằng cách:
- Theo dõi quá trình kiểm kê của kiểm toán viên. Và thêm hàng tồn kho “ảo” vào các mục không được kiểm tra.
- Thu thập các thông báo trước về thời gian và địa điểm của các cuộc kiểm kê. Từ đó cho phép việc che giấu những thiếu sót ở các địa điểm không được kiểm tra.
- Lắp các thùng rỗng trong nhà kho mà không được kiểm tra trong quá trình kiểm kê.
- Nhập số lượng bổ sung vào bảng tính, thẻ, máy quét… Mà không tồn tại hoặc thêm một chữ số ở phía trước số thực tế.
- Làm giả các chứng từ vận chuyển để chứng minh hàng tồn kho đang trong quá trình vận chuyển đến địa điểm khác.
- Làm sai lệch các tài liệu để thể hiện hàng tồn kho được đặt tại các nhà kho chung. Hoặc các địa điểm khác không do doanh nghiệp kiểm soát.
- Bao gồm cả các hàng hóa ký gửi như một phần trong kiểm kê hàng tồn kho.
- Bao gồm cả những mặt hàng được giữ cho khách hàng như một phần trong kiểm kê hàng tồn kho.
b) Khống giá trị hàng tồn kho (Inflating Inventory Value)
Các Doanh nghiệp làm khống giá trị hàng tồn kho vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó một lý do điển hình là để có được khả năng huy động vốn. Bằng cách sử dụng hàng tồn kho như một tài sản cho mục đích thế chấp. Giá trị của hàng tồn kho càng cao. Doanh nghiệp càng thu hút và huy động được nhiều vốn hơn từ các tổ chức tín dụng.
Việc khống giá trị hàng tồn kho thông qua các bút toán “ảo” sẽ làm tăng quy mô tài sản và nguồn vốn. Quản lý có thể thực hiện việc này một cách đơn giản bằng cách tạo các bút toán ảo này vào số dư cuối kỳ. Hoặc thông qua các giao dịch nhập kho không có thật. Cách phổ biến khác để tăng giá trị hàng tồn kho là trì hoãn việc ghi nhận hàng tồn kho đã lỗi thời hoặc luân chuyển chậm. Vì việc ghi nhận này sẽ khiến chi phí dự phòng cho hàng tồn kho tăng lên. Từ đó giảm lợi nhuận trong kỳ của doanh nghiệp.
Do đó, kiểm toán viên nên nhận thức đầy đủ về các hạng mục bao gồm hàng tồn kho và thời gian tồn tại của chúng. Cụ thể là liên quan đến ngành đó. Hơn nữa, trong quá trình kiểm kê trực tiếp hàng tồn kho. Kiểm toán viên phải tìm kiếm và hỏi về các hàng hóa cũ đã lỗi thời để tiến hành lập dự phòng.
Trường hợp có ít hoặc không có văn bản chứng minh. Không có dự phòng về hàng hóa đã cũ trong doanh nghiệp. Hoặc đã có sự thay đổi về dòng sản phẩm hoặc công nghệ. Hoặc sự sụt giảm nhanh chóng trong doanh thu. Thị trường thì đòi hỏi kiểm toán viên phải có thêm điều tra về lý do tại sao Doanh nghiệp không tính đến sự suy giảm như vậy. Ngay cả khi hàng tồn kho có thể còn tương đối mới.
Ví dụ 1: CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) – Từng là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ. Nhưng vì những sai lầm trong chiến lược kinh doanh, TTF đã phải trả giá. Với những khoản vay liên tục tăng, kỳ hạn vay thì liên tục đến gần. Trong khi tiền mặt lại không đủ để trả. Trước tình hình này, Tân Liên Phát – một công ty con của Vingroup đã quyết định thâu tóm TTF. Tính đến tháng 3 năm 2016, Tân Liên Phát đã nắm giữ hơn 32% cổ phần tại TTF.
Nhưng đến ngày 19/7/2016, cổ đông của TTF nhận được thông báo Vingroup tạm dừng chuyển đổi khoản vay trị giá 1202 tỷ đồng. Do phát hiện một số “sai lệch nghiêm trọng” giữa thông tin, số liệu thực tế với thông tin, số liệu được công bố.
Ngày 2/8/2016, TTF công bố báo cáo tài chính quý 2/2016. Và giáng một đòn choáng váng vào các cổ đông của doanh nghiệp với khoản lỗ bất ngờ lên đến cả nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu TTF đã giảm sàn 13 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành giảm 60,3%. Từ 43.600 đồng/CP xuống 17.300 đồng/CP. Sau khi Công ty bị phát hiện thiếu 980 tỷ đồng hàng tồn kho, dẫn đến khoản lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý 2/2016.
Cú sốc hàng tồn kho của TTF một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức kinh doanh. Cũng như tính minh bạch trên thị trường chứng khoán. Thông tin đầu tiên đưa ra thị trường là cổ đông lớn Tân Liên Phát sau khi phát hiện “sai lệch nghiêm trọng” giữa số liệu thực tế so với số liệu báo cáo. Chủ yếu trong khoản mục hàng tồn kho, khoản phải thu của Công ty. Với giá trị hàng tồn kho bị thiếu lên tới gần 1.000 tỷ đồng so với báo cáo đã khiến giới đầu tư giật mình.
Với nhà đầu tư, bài học mà nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett chia sẻ: “Chọn lãnh đạo để đầu tư” luôn có giá trị. Bên cạnh các con số về doanh thu, lợi nhuận, EPS hay triển vọng được vẽ ra bởi chính doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp coi trọng đạo đức, tầm nhìn và sự minh bạch của Ban lãnh đạo. Như một yếu tố tiên quyết khi rót vốn. Tất nhiên, đây là yếu tố không dễ đánh giá và khẳng định, ngay cả với những nhà đầu tư “cáo già”.
c) Vốn hóa chi phí không phù hợp vào hàng tồn kho (Improper Inventory Capitalization)
Đối với gian lận hàng tồn kho, các Doanh nghiệp đôi khi sẽ cố gắng tìm cách làm khống hàng tồn kho. Bằng cách vốn hóa các khoản chi phí nhất định có liên quan đến hàng tồn kho. Như chi phí bán hàng, chi phí chung và chi phí quản lý. Các khoản này thay vì ghi nhận vào chi phí trong kỳ. Thì được ghi nhận vào giá trị hàng tồn kho (tài sản) trên bảng cân đối kế toán.
Kiểm toán viên cần phải hiểu rõ về chính sách vốn hóa của doanh nghiệp. Cũng như thực tiễn của ngành đối với các chi phí. Từ đó xem chi phí nào được phép vốn hóa còn chi phí nào không được phép vốn hóa. Hơn nữa, kiểm toán viên nên cân nhắc liệu các chính sách kế toán trước đây có đủ chặt chẽ về vốn hóa hay không. Cuối cùng, kiểm toán viên nên tìm kiếm những thay đổi để chuẩn hóa lượng chi phí nào đã làm tăng lượng hàng tồn kho bị vốn hóa. Thông qua phân tích các chỉ số liên quan đến hàng tồn kho.
2. Gian lận báo cáo tài chính trong vốn hóa chi phí
2.1 Giới thiệu về gian lận trong vốn hóa chi phí
Một trong những gian lận phổ biến nhất trong việc gian lận báo cáo tài chính. Là cải thiện lợi nhuận thông qua vốn hóa chi phí không được phép vốn hóa. Đây là một cách trì hoãn hoặc nhập nhằng trong việc ghi nhận chi phí. Với thủ thuật này, các chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ sẽ được ghi nhận lên bảng cân đối thay vì báo cáo lỗ lãi. Các dự án triển khai không thành công sẽ không đủ điều kiện ghi nhận là tài sản. Vì không đem lại lợi ích trong tương lai. Từ đó khiến cho chi phí giảm, lợi nhuận tăng, nguồn vốn và tài sản tăng do chuyển đổi chi phí thành tài sản.
Một số loại chi phí có nhiều khả năng dễ bị gian lận khi vốn hóa chi phí, bao gồm:
- Chi phí khởi nghiệp.
- Chi phí nghiên cứu và phát triển.
- Chi phí sửa chữa và bảo dưỡng.
- Chi phí phát triển phần mềm.
- Chi phí xây dựng websites.
- Chi phí phát triển tài sản cố định vô hình.
- Chi phí quảng cáo.
- Chi phí lãi vay.
- Chi phí hoãn lại và chi phí trả trước khác.
2.2 Các dạng gian lận trong vốn hóa chi phí
a) Gian lận trong vốn hóa chi phí phát triển tài sản cố định vô hình (Improper intangible fixed assets capitalization)
Khoản chi phí phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau để đủ điều kiện vốn hóa chi phí phát triển tài sản cố định vô hình (Development costs). Theo chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 38/VAS 03:
- Chắc chắn mang lại lợi ích trong tương lai cho doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp có dự định hoàn thành để sử dụng hoặc bán nó.
- Doanh nghiệp có đủ nguồn lực để hoàn thành.
- Doanh nghiệp có năng lực để hoàn thành và sử dụng hoặc bán nó.
- Doanh nghiệp có đủ tính khả thi về mặt kỹ thuật để hoàn thành.
- Chi phí bỏ ra có được đo lường chính xác và đáng tin cậy.
Thông thường các doanh nghiệp rất dễ nhập nhằng trong việc ghi nhận các chi phí nghiên cứu và phát triển. Các chi phí nghiên cứu trong kỳ phải được tính là chi phí hoạt động trên Báo cáo thu nhập. Chi phí phát triển phải có đủ cả 6 điều kiện vốn hóa như trên. Mới được phép vốn hóa và ghi nhận là tài sản trên bảng cân đối kế toán.
Ví dụ 2: Mapple đang phát triển hệ điều hành mới JOS với tổng giá trị 10 triệu USD. Khoản đầu tư 10 triệu USD này được các chuyên gia đo lường một cách chính xác và đáng tin cậy. Doanh nghiệp có dự định hoàn thành nó để sử dụng trong các thiết bị điện tử mới của Mapple. Mapple có đội ngũ lập trình viên đủ năng lực, đủ tính khả thi về mặt kỹ thuật. Và có đủ nguồn lực (trang thiết bị, nhân lực, tài chính…) để hoàn thành và sử dụng nó. Sau khi hoàn thành phát triển hệ điều JOS, Mapple dự kiến nó sẽ chắc chắn mang lại doanh thu cho doanh nghiệp trị giá khoảng 2 tỷ USD.
Với đủ các điều kiện như trên, Mapple được phép vốn hóa khoản chi phí 10 triệu USD này vào chi phí vốn hóa. Được ghi nhận trên bảng cân đối và sẽ khấu hao chi phí này trong khoảng thời gian sử dụng hữu ích của JOS. Mặt khác, nếu Mapple đủ các điều kiện về vốn hóa khác. Trừ việc doanh nghiệp không có đủ nguồn lực (không đủ nhân lực) để hoàn thành phát triển JOS. Thì Mapple phải ghi nhận khoản 10 triệu USD này là chi phí giảm trừ vào doanh thu trên Báo cáo thu nhập.
Hiện tại lợi nhuận trước thuế của Mapple (chưa tính đến khoản đầu tư trên) là 8 triệu USD. Vì không đủ điều kiện vốn hóa khoản chi phí phát triển JOS 10 triệu USD. Nên lợi nhuận trước thuế của Mapple sau khi trừ khoản này là âm 2 triệu USD. Trường hợp, Mapple gian lận không muốn ghi nhận khoản chi phí phát triển này vào Báo cáo thu nhập. Sẽ nhập nhằng trong việc ghi nhận chi phí và ghi nhận khoản đó là tài sản cố định vô hình trên bảng cân đối. Giữ lợi nhuận cao nhằm làm đẹp Báo cáo tài chính. Và giữ giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
b) Gian lận trong vốn hóa chi phí lãi vay (Improper borrowing cost capitalization)
Theo chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 16 (VAS 16) và chuẩn mực Kế toán Quốc tế số 23 (IAS 23). Chi phí lãi vay được vốn hoá khi có đủ các điều kiện quy định sau:
- Chi phí lãi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang.
- Chi phí lãi vay được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó.
- Chi phí lãi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy.
Tương tự như vốn hóa chi phí phát triển. Chi phí lãi vay cũng là một loại chi phí rất dễ bị gian lận. Trong việc ghi nhận giữa chi phí thông thường và chi phí vốn hóa. Gian lận có thể được thực hiện bằng cách doanh nghiệp vay một khoản vay có giá trị lớn. Cho cả mục đích đầu tư xây dựng và hoạt động kinh doanh. Nhưng phần lớn giá trị khoản vay được sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh (giả sử khoảng 90% giá trị hợp đồng). Và một phần nhỏ được sử dụng cho hoạt động đầu tư xây dựng (10% giá trị hợp đồng).
Thay vì ghi nhận chi phí vốn hóa theo đúng tỷ lệ lãi vay dành cho hoạt động đầu tư xây dựng (10%). Doanh nghiệp sẽ thực hiện vốn hóa toàn bộ chi phí lãi vay (100%) nhằm mục đích gian lận làm tăng lợi nhuận.
Ví dụ 3: Wincom vay một khoản trị giá 20 triệu USD với lãi suất 8%/năm. Để đầu tư xây dựng một nhà xưởng sản xuất A. Khoản vay này đáp ứng đầy đủ các điều kiện vốn hóa trên như liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng nhà xưởng A. Nhà xưởng A sau khi xây dựng được chuyên gia xác định chắc chắn mang lại lợi ích trong tương lai. Chi phí lãi vay này được xác định một cách đáng tin cậy. Khoản lãi vay 1,6 triệu USD một năm này sẽ được vốn hóa vào nguyên giá nhà xưởng A.
Trường hợp khoản vay 20 triệu USD này, chỉ có 15 triệu USD là liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng nhà xưởng A. 5 triệu USD còn lại liên quan đến hoạt động kinh doanh thông thường của Wincom. Thì doanh nghiệp chỉ được phép vốn hóa chi phí lãi vay 1,2 triệu USD (15 triệu USD x 8%). Khoản chi phí lãi vay 0,4 triệu USD trên 5 triệu USD sẽ được tính là chi phí kinh doanh trong kỳ trên Báo cáo thu nhập. Trường hợp gian lận làm tăng lợi nhuận. Wincom sẽ ghi nhận toàn bộ chi phí lãi vay 1,6 triệu USD là chi phí vốn hóa. Nhằm làm đẹp Báo cáo tài chính, che mắt nhà đầu tư và ngân hàng.
Ví dụ 4: Thủ thuật này cũng được vận dụng bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai. Theo báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019.
Cụ thể, tại BCTC hợp nhất năm 2019, Công ty vẫn thực hiện vốn hóa chi phí lãi vay. Mặc dù các hoạt động xây dựng của Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Tân Mai Quảng Ngãi đã chấm dứt. Số chi phí lãi vay vốn hóa không đúng theo quy định hiện hành năm 2018 và năm 2019 lần lượt là: 198.466.217.903 đồng và 306.015.400.188 đồng.
Nếu số chi phí lãi vay ghi nhận đúng theo quy định hiện hành. Thì trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Khoản mục Chi phí xây dựng cơ bản dở dang và Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2018 và năm 2019 sẽ giảm đi tương ứng số tiền nêu trên. Đồng thời trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Khoản mục Chi phí lãi vay tăng và Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm tương ứng với số tiền khổng lồ nêu trên.
3. Gian lận báo cáo tài chính với tài sản cố định
3.1 Giới thiệu về gian lận với tài sản cố định
Các kiểm toán viên thường xem tài sản cố định như một phần hành lớn và có hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp. Nên khoản mục này được coi là ít rủi ro. Tuy vậy, có rất nhiều vụ gian lận báo cáo tài chính lớn đã xảy ra do các sai sót trọng yếu về số dư tài sản cố định trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Mặc dù có ít rủi ro, tài sản cố định phải được theo dõi sát sao. Nhằm đảm bảo các ghi nhận của công ty là chính xác và các biện pháp kiểm soát là hiệu quả. Gian lận tài sản cố định bao gồm 3 loại chính:
- Biển thủ hàng tồn kho, hàng bán và trang thiết bị.
- Nhân viên sử dụng trái phép tài sản cố định cho mục đích cá nhân.
- Lấy cắp các bí mật kinh doanh, bằng sáng chế và bản quyền sản phẩm.
3.2 Các dạng gian lận với tài sản cố định
a) Làm giả các khoản liên quan đến tài sản cố định (Fictitious fixed asset recognition)
Các doanh nghiệp sẽ ghi nhận các tài sản ảo để cải thiện bảng cân đối kế toán. Cũng như làm tăng doanh thu. Các dấu hiệu có thể có tài sản ảo bao gồm:
- Tài sản cố định trên sổ kế toán và sổ quản lý tài sản mà không có sự liên quan rõ ràng đến Doanh nghiệp.
- Thiếu các chính sách và thủ tục để xác định liệu xem tài sản và trang thiết bị có được nhập. Và ghi nhận một cách phù hợp hay không.
- Thiếu các thủ tục kế toán đối với tài sản cố định mà được di chuyển sang địa điểm khác.
- Có sự tồn tại của các kho hàng chứa tài sản cố định có thời hạn sử dụng nhưng để không.
- Thiếu các chính sách và thủ tục lên sổ về cách ghi nhận, hết hạn hay địa điểm đặt tài sản cố định.
- Sổ cái chi tiết không được đối chiếu với sổ cái chung.
b) Khấu hao và hao mòn (Depreciation and amortization)
Một trong những cách đơn giản làm tăng giá trị của tài sản là kéo dài thời gian khấu hao của tài sản cố định. Để ghi nhận trên sổ trong thời gian dài. Mặt khác, khấu hao là phần mà nhà quản lý có thể tự do lựa chọn. Bất kỳ phương pháp ghi nhận nào để phân bổ chi phí theo cách phù hợp và hệ thống.
Ví dụ 5: Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu (HJS) thông báo Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2010. Điều đáng lưu ý trong Báo cáo kiểm toán đó là: Nguyên giá tài sản cố định và chi phí khấu hao của nhà máy Thủy điện Nậm Ngần có thể thay đổi khi quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản được duyệt.
Trong bảng thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất. Dự án công trình Thủy điện Nậm Ngần được đầu tư theo Quyết định số 28ACT/HĐQT ngày 01/12/2004 của Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu. Dù đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được duyệt quyết toán vốn đầu tư. Công ty căn cứ vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản thực tế, tạm tính nguyên giá để hạch toán tăng tài sản cố định.
Để loại trừ các gian lận báo cáo tài chính cần bắt đầu với việc xem xét chính sách ghi nhận khấu hao của doanh nghiệp. Thiếu những chính sách này sẽ làm gia tăng khả năng bộ phận quản lý lạm dụng. Để ghi nhận theo một cơ chế đặc biệt mà không có mục đích cụ thể. Tương tự, bất cứ sự thay đổi nào về chính sách khấu hao của doanh nghiệp. Cũng nên được kiểm tra cẩn thận về mục đích cũng như sự tác động lên tài sản.
Kiểm toán viên nên cân nhắc thực hiện các thủ tục sau:
- Soát xét những ghi nhận tài sản mà khấu hao chậm hoặc có thời gian khấu hao dài.
- So sánh cách khấu hao các năm trước với khấu hao của năm hiện tại.
- Nhận dạng những thay đổi trong chính sách làm ảnh hưởng tỷ lệ khấu hao mà làm tăng doanh thu.
- Xét hỏi về các chính sách khấu hao trước đây để xác định mức độ chặt chẽ.
- Xem lại danh sách chi tiết các tài sản cố định và thời gian tồn tại tương ứng với các tài sản đó. Sau đó chọn ngẫu nhiên một số tài sản cố định nhất định rồi tình toán lại giá trị sổ sách tại ngày báo cáo. Dựa trên thời gian đã ghi nhận khấu hao của tài sản.
4. Gian lận báo cáo tài chính với các khoản đầu tư
4.1 Giới thiệu về gian lận với các khoản đầu tư
Đầu tư là mọi hoạt động bỏ vốn ở hiện tại nhằm mục đích sinh lợi ở tương lai. Hoạt động bỏ vốn có thể là đầu tư ngắn hạn khi được thực hiện trong một thời gian ngắn, hoặc cũng có thể là đầu tư dài hạn khi được thực hiện trong một thời gian dài. Các hoạt động đầu tư ngắn hạn không tác động nhiều đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ngược lại những hoạt động đầu tư dài hạn ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và thay đổi cơ cấu của nền kinh tế nói chung.
Trong doanh nghiệp, lợi nhuận là chỉ tiêu chính chứng minh mức độ hiệu quả hoạt động kinh doanh chính. Nếu lợi nhuận kế toán cao, nhưng lại đóng góp chủ yếu từ đầu tư tài chính thì điều này không nói lên tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong dài hạn. Thậm chí khi thị trường đổi chiều, lợi nhuận kế toán có thể chuyển thành con số “âm” do phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư.
Đối với khoản mục đầu tư, hành động gian lận nhằm mục đích phóng đại giá trị của tài sản. Có hai loại gian lận phổ biến với các khoản đầu tư bao gồm:
- Làm giả các khoản đầu tư.
- Khống giá trị các khoản đầu tư.
4.2 Các dạng gian lận khoản mục đầu tư
a) Làm giả các khoản đầu tư (Fictitious Investments)
Việc làm giả các khoản đầu tư sẽ khiến các nhà đầu tư phải trả tiền cho một khoản mục thực tế không tồn tại. Trong hầu hết các trường hợp, nhà đầu tư sẽ mất một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đầu tư.
Trên bảng cân đối kế toán của báo cáo tài chính, đầu tư là các khoản mục tài sản. Có thể kể đến bao gồm: “Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn”, “Bất động sản đầu tư”. Hay “Đầu tư vào công ty con”, “Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết”, “Đầu tư khác”.
Loại hình gian lận này được tiến hành như sau: Nhân viên kế toán, tài chính liên quan đến bộ phận đầu tư. Khi biết được thông tin công ty sắp tiến hành đầu tư một khoản mục. Như tài chính, bất động sản, hoặc các khoản đầu tư vào công ty con. Sẽ thông đồng cùng với các nhân viên có quyền quyết định về khoản đầu tư này để làm giả các khoản mục trên. Nguyên nhân có thể kể đến bao gồm:
- Chứng từ bị làm giả.
- Thiếu các báo cáo từ các đơn vị môi giới.
- Các khoản đầu tư bất thường. Hoặc được tổ chức ở những nơi xa xôi hẻo lánh, thiếu sự kiểm soát từ bên thứ ba.
Ảnh hưởng báo cáo tài chính: Các khoản đầu tư trên báo cáo tài chính sẽ không được phản ánh đúng giá trị phù hợp. Ảnh hưởng đến việc trích lập dự phòng của doanh nghiệp.
b) Khai khống giá trị các khoản đầu tư (Manipulating the Value of Investments)
Doanh nghiệp cũng có thể làm đẹp báo cáo tài chính của họ bằng cách khai khống giá trị của khoản đầu tư. Bằng hai phương pháp chính sau:
- Cố tình phân loại sai.
- Không ghi nhận theo giá thị trường của các khoản đầu tư.
Về phương pháp cố tình phân loại sai các khoản đầu tư. Doanh nghiệp làm đẹp báo cáo tài chính nhằm qua mắt nhà đầu tư về việc ghi nhận một khoản doanh thu. Và trì hoãn việc ghi nhận các khoản mục chi phí. Ví dụ, công ty có thể phân loại sai một khoản chứng khoán nợ là chờ đến ngày đáo hạn. Nhằm tránh việc phải ghi nhận việc giảm giá trị trong kỳ kế toán hiện tại. Để tránh rủi ro xảy ra gian lận này. Bộ phận kiểm soát nội bộ của công ty cần xem xét tất cả các sự thay đổi trong việc phân loại khoản mục đầu tư. Để tránh rủi ro bị lạm dụng.
Về phương pháp không ghi nhận theo giá thị trường của các khoản đầu tư. Doanh nghiệp sẽ cân nhắc không ghi nhận khi khoản đầu tư đó bị giảm giá trị trong thời gian dài. Qua đó, chỉ tiêu lợi nhuận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sẽ bị giảm. Để tránh rủi ro xảy ra gian lận này. Doanh nghiệp cần có các quy định cùng hệ thống phân công phân nhiệm rõ ràng về việc ghi nhận các khoản mục đầu tư. Đặc biệt các khoản mục liên quan đến chứng khoán nợ.
5. Gian lận báo cáo tài chính liên quan đến giấu nợ
5.1 Giới thiệu chung về giấu nợ
Một trong những thủ thuật khác để gian lận báo cáo tài chính được sử dụng bởi các công ty. Là giấu đi các khoản nợ hiện có của mình để cải thiện tình trạng tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có càng ít các khoản nợ thì tính thanh khoản càng cao. Và càng ít rủi ro có thể gặp phải. Vì bảng cân đối kế toán luôn cân bằng nên khi một khoản nợ bị giấu đi. Thông thường một khoản chi phí tương ứng cũng sẽ bị ghi giảm giá trị.
Gian lận xảy ra khi các khoản nợ bị ghi nhận thiếu (giấu nợ) toàn phần hoặc một phần được thực hiện một cách cố ý. Bất kỳ khoản nợ nào cũng có thể bị ghi nhận thiếu hoặc giảm giá trị. Nếu doanh nghiệp quyết định làm như vậy.
Ví dụ 6: Thời điểm giữa năm tài chính, công ty sản xuất trà xanh Adon ký một hợp đồng quảng cáo trị giá 100.000 USD với công ty quảng cáo Delon. Thời hạn thanh toán một năm kể từ khi ký hợp đồng. Adon quyết định không ghi nhận giao dịch này lên hệ thống kế toán. Như vậy số dư tài khoản phải trả nhà cung cấp của Adon bị ghi nhận thiếu 100.000 USD. Chi phí quảng cáo bị ghi nhận thiếu 100.000 USD dẫn đến làm tăng lợi nhuận 100.000 USD. Việc Adon gian lận trong việc ghi nhận khoản nợ này nhằm mục đích làm tăng tính thanh khoản và tính sinh lợi của công ty. Điều này ảnh hưởng đến tính minh bạch và trung thực của Báo cáo tài chính. Và ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư, ngân hàng…
Thông thường kiểm toán viên sẽ khó phát hiện những khoản mục phải được ghi nhận. Mà không được ghi nhận trên báo cáo tài chính hơn là các khoản mục bị ghi nhận sai giá trị. Nếu một khoản mục được ghi nhận nhưng sai giá trị. Nó vẫn có cơ hội xuất hiện trên các mẫu được chọn bởi kiểm toán viên. Ngược lại, nếu khoản mục đó không được ghi nhận. Nó sẽ không thể được chọn làm mẫu để kiểm tra tính đúng đắn bởi kiểm toán viên. Kiểm toán chỉ có thể phát hiện những sai phạm này bằng các kỹ thuật kiểm toán khác.
5.2 Các dạng gian lận liên quan đến giấu nợ
a) Giấu các khoản nợ tiềm tàng (provision liabilities concealment)
Theo Các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung GAAP (General accepted accounting principles) chỉ ra rằng. Các khoản nợ tiềm tàng phải được ghi nhận khi doanh nghiệp chắc chắn phải có nghĩa vụ thanh toán tiền cho một bên khác trong tương lai. Và giá trị khoản nợ phải được đo lường một cách chính xác và đáng tin cậy. Doanh nghiệp trong trường hợp muốn gian lận nhằm làm tăng chỉ số thanh khoản. Và làm giảm mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Sẽ cố tình nhập nhằng trong việc ghi nhận các khoản nợ tiềm tàng trên Báo cáo tài chính.
Ví dụ 7: Công ty Adell bán 8.000 laptop trị giá 16 triệu USD cho công ty lập trình Dkav. Có bảo hành một đổi một trong vòng 6 tháng. Và bảo hành sửa chữa toàn bộ trong vòng 3 năm. Trong thời hạn hợp đồng, Adell có nghĩa vụ phải bảo hành sửa chữa. Hoặc cung cấp laptop mới cho Dkav khi có laptop bị lỗi. Hoặc hỏng hóc mà nguyên nhân là từ phía Adell. Dựa trên kinh nghiệm từ quá khứ, cứ 100 laptop cung cấp cho thị trường thì có 2 máy phải đổi mới. Và 5 máy phải bảo hành sửa chữa 20%. Trường hợp này, Adell phải tự đo lường có căn cứ giá trị bảo hành ước tính. Và ghi nhận khoản nợ tiềm tàng này vào Báo cáo tài chính như một khoản nợ thông thường.
Adell hiện tại đang làm thủ tục vay vốn ngân hàng để đầu tư một nhà xưởng sản xuất máy tính bảng. Bên phía ngân hàng sẽ thực hiện đánh giá Báo cáo tài chính của Adell qua các năm. Đặc biệt là năm gần nhất dựa trên các tiêu chí: Chỉ số sinh lời, chỉ số thanh khoản và mức độ rủi ro để quyết định số tiền cho bên Adell vay.
Adell cố gắng làm đẹp Báo cáo tài chính để tiếp cận nguồn vốn từ của ngân hàng. Họ quyết định nhập nhằng trong việc ghi nhận (Ghi nhận giá trị bảo hành thấp hơn nhiều so với giá trị được đo lường chính xác). Hoặc cố tình giấu đi các khoản nợ tiềm tàng. Nhằm mục đích làm giảm số dư nợ phải trợ, làm giảm chi phí bảo hành ghi nhận trong kỳ.
b) Giấu khoản doanh thu chưa thực hiện (Deferred revenue concealment)
Một dạng gian lận khác trong việc giấu nợ (làm giảm giá trị phải trả). Là cố tình giấu đi các khoản doanh thu chưa thực hiện (unearned revenues). Doanh thu chưa phát sinh khi doanh nghiệp nhận tiền từ khách hàng trước khi bán hàng hóa. Hoặc cung cấp dịch vụ. Khoản doanh thu này chưa được ghi nhận là doanh thu trên Báo cáo thu nhập. Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Hoặc bồi hoàn lại số tiền đã ứng trước trong trường hợp không có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.
Trường hợp gian lận, doanh nghiệp sẽ ghi nhận tăng vào tài khoản tiền. Và ghi tăng vào tài khoản doanh thu. Thay vì ghi giảm vào tài khoản phải thu khách hàng.
Ví dụ 8: Công ty DFC đặt hàng 1000 cái bàn và 4.000 cái ghế từ công ty GlobalWood (GW). Trị giá 10 triệu USD giao hàng vào ngày 30/06/20X8. Thời điểm hiện tại ngày 20/06/20X7, DFC thanh toán trước cho GW 20% giá trị hợp đồng. Trường hợp GW không giao hàng đúng hạn GW sẽ phải trả lại DFC số tiền đã nhận trước. Khoản 2 triệu USD GW nhận trước từ DFC chưa được ghi nhận vào doanh thu. Vì hàng hóa (bàn, ghế) chưa được chuyển giao quyền sở hữu cho DFC.
Lúc này, GW chỉ được ghi nhận tăng tài khoản tiền. Và ghi nhận giảm tài khoản phải thu khách hàng. Trường hợp gian lận nhằm mục đích làm tăng doanh thu theo đó làm tăng lợi nhuận. GW sẽ ghi tăng vào doanh thu thay vì ghi giảm vào tài khoản phải thu khách hàng.
Gian lận này dẫn đến lợi nhuận làm tăng lợi nhuận của GW. Vì doanh thu được ghi nhận sớm trước một năm. Trường hợp khoản tiền 2 triệu USD này được đem đi đầu tư với thời hạn lớn hơn 1 năm (long – term investments). Do ghi nhận sai nguồn gốc dòng tiền, doanh nghiệp gặp phải rủi ro về tính thanh khoản. Khi vì một lý do bất khả kháng nào đó (hỏa hoạn, không đủ nguồn cung cấp gỗ, không đủ nhân công sản xuất…) mà không giao hàng đúng hẹn.
c) Giấu các khoản nợ phải trả nhà cung cấp (Account payable concealment)
Các khoản phải trả nhà cung cấp rất dễ bị giấu đi bởi doanh nghiệp một cách cố ý. Bằng cách không ghi nhận hợp đồng mua chịu hàng hóa hoặc dịch vụ vào hệ thống kế toán. Khi doanh nghiệp mua chịu hàng từ nhà cung cấp, bút toán phải ghi là ghi nhận tăng tài sản. Và ghi nhận tăng phải trả nhà cung cấp. Tương tự nếu sử dụng dịch vụ sẽ ghi tăng chi phí và ghi nhận tăng phải trả nhà cung cấp.
Để giấu đi các khoản nợ này khi gian lận. Doanh nghiệp sẽ không ghi nhận cả hai bút toán nợ và có. Sai phạm này tác động tới cả số dư nợ và số dư có của bảng cân đối kế toán. Vì thế bảng cân đối kế toán là vẫn cân bằng dẫn đến việc phát hiện sai phạm là rất khó.
Ví dụ 9: Công ty Tepsi mua gói dịch vụ dọn dẹp và làm sạch máy móc, nhà xưởng và văn phòng từ công ty vệ sinh Cleaner trong vòng 24 tháng. Trị giá 400.000 USD bắt đầu từ ngày 01/06/20X7, thời hạn thanh toán sau 2 năm. Tại thời điểm lập báo cáo tài chính 31/12/20X7.Tepsi phải ghi nhận chi phí dọn dẹp là 100.000 USD. Và ghi tăng phải trả nhà cung cấp là 100.000 USD. Tuy nhiên để làm đẹp Báo cáo tài chính, Tepsi không ghi nhận khoản chi phí và khoản nợ này lên Báo cáo tài chính. Gian lận này làm giảm số dư tài khoản phải trả nhà cung cấp. Dẫn đến làm tăng tính thanh khoản của công ty. Mặt khác, chi phí bị ghi giảm làm cho lợi nhuận doanh nghiệp tăng dẫn đến làm tăng chỉ số sinh lợi.
Gian lận này rất khó phát hiện bởi kiểm toán. Vì dịch vụ không có tính chất hữu hình như tài sản cố định.
Ví dụ 10: Công ty JP mua 10 tấn hạt cafe từ công ty Đan Nguyên chuyên thu mua cà phê ở Việt Nam. Với giá trị hợp đồng trị giá 3 triệu USD. Thời hạn thanh toán sau 18 tháng kể từ khi nhận hàng. Thời điểm JP nhận số hàng 10 tấn cà phê trên. Công ty phải ghi nhận tăng giá trị tài sản và ghi tăng nợ phải trả nhà cung cấp 3 triệu USD. Trường hợp gian lận, JP quyết định không ghi nhận giao dịch này vào hệ thống kế toán. Dẫn đến làm giảm số dư nợ tài sản. Và làm giảm số dư có nợ phải trả đồng thời đi 3 triệu USD. Gian lận này chỉ làm ảnh hưởng tới chỉ số thanh khoản, không làm ảnh hưởng tới tính sinh lợi của JP.
Sai phạm này có thể phát hiện bởi kiểm toán nhờ kiểm kê hàng tồn kho. Tuy nhiên trường hợp JP lưu trữ số cà phê trên ở một nơi khác. Mà không phải trong kho bãi của JP thì sai phạm sẽ rất khó phát hiện.
d) Lập công ty con để giấu nợ (Special purpose entity)
Một trong những phương thức tinh vi và khá phức tạp được thực hiện bởi các doanh nghiệp khi gian lận Báo cáo tài chính. Là lập các công ty con để giấu nợ. Hình thức này đã có từ lâu trên thế giới. Nhưng có vẻ còn lạ với nhiều nhà đầu tư Việt Nam.
Điển hình là các ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm, hay tập đoàn tài chính. Họ lập các công ty con SPE nhằm mục đích xử lý nợ xấu để làm sạch Báo cáo tài chính. Công ty con được thành lập để thực hiện một nhiệm vụ nào đó cho công ty thành lập nó. Vì được để ngoài bảng cân đối kế toán của công ty thành lập. SPE thường được dùng để tách riêng một tài sản hay một khoản nợ nào đó của công ty thành lập.
Mục đích chính khi thành lập SPE có thể là dùng để tách biệt rủi ro, bán/chuyển nhượng các tài sản liên quan hay chứng khoán hóa. SPE trong những năm gần đây bị lên án bởi nó phục vụ cho mục đích giấu nợ khỏi bảng cân đối kế toán. Hay khuếch đại lợi nhuận, làm đẹp báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Ví dụ 11: Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008. Bắt nguồn từ bong bóng bất động sản nổ ra đã khiến giới tài chính chú ý tới loại hình công ty SPE. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là do các ngân hàng ở Mỹ cho vay dưới chuẩn tràn lan. Theo thống kê, các ngân hàng này đã cho vay với lãi suất thấp trong suốt một thời gian dài. Đặc biệt lãi suất chỉ 1%/ năm trong giai đoạn từ giữa năm 2003 đến giữa năm 2004.
Lãi suất thấp dẫn đến người dân đổ xô vay tiền mua nhà đất. Hệ quả của việc này dẫn đến giá bất động sản bị thổi phồng lên nhanh chóng. Nhằm mục đích tăng lợi nhuận, các ngân hàng sẵn sàng cho vay dưới chuẩn (các đối tượng không đủ tiêu chuẩn vay tiền). Vấn đề đặt ra là những khoản cho vay như vậy chứa đựng rủi ro khá cao. Các ngân hàng sau khi gom các khoản nợ này lại sẽ chia nhỏ ra thành các cổ phần. Và bán lại cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ hưởng phần lớn lãi suất trả định kỳ từ người vay. Ngân hàng chỉ nhận một phần nhỏ coi như phí quản lý.
Các ngân hàng sau khi bán các khoản nợ đã lập ra các công ty con SPE chỉ để quản lý và điều phối các khoản nợ này. Trường hợp người vay không trả được nợ. Các công ty SPE và nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu rủi ro. Vậy là báo cáo tài chính của ngân hàng đã sạch. Thậm chí các ngân hàng còn có lợi nhờ có thêm nguồn tiền mới để tiếp tục cho vay.
Về mặt kế toán, ngân hàng chỉ sở hữu dưới 50% cổ phần ở các công ty con SPE này. Nhằm không phải giải thích thêm trong báo cáo tài chính. Do đó về mặt pháp luật, ngân hàng và SPE chỉ là khoản đầu tư dài hạn. Nhưng về mặt bản chất ngân hàng có khả năng chi phối toàn bộ hoạt động của SPE.
Ví dụ 12: Công ty Poshiba bán chịu 1000 máy giặt cho công ty Bcoins. Giá trị hợp đồng trị giá 2 triệu USD, thời hạn thanh toán 2 năm. Công ty Bcoins cho công ty Acoins thuê 1000 máy giặt trên. Với thời hạn 6 tháng trị giá 100.000 USD. Hết hợp đồng 6 tháng tiếp tục ký kết lại hợp đồng (Acoins là công ty mẹ của Bcoins). Khi lập báo cáo tài chính hợp nhất. Acoins không tiến hành hợp nhất báo cáo của Bcoins vào báo cáo tài chính hợp nhất của Acoins.
Với giao dịch đường vòng như trên, Acoins được phép sử dụng 1000 máy giặt trên trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của chúng. Thông qua hợp đồng cho thuê 6 tháng 1 lần. Acoins chỉ việc ghi nhận khoản chi phí đi thuê 200.000 USD (tương ứng với chi phí khấu hao 10 năm) vào báo cáo thu nhập. Mà không phải ghi nhận khoản nợ phải trả Poshiba 2 triệu USD trên bảng cân đối kế toán.
Lời kết
Bài viết là chia sẻ của Cú với anh em về các thủ thuật gian lận báo cáo tài chính phổ biến. Mong rằng qua bài viết, anh em đã hiểu về gian lận là gì? Động cơ nào khiến các doanh nghiệp gian lận báo cáo tài chính? Cũng như những thủ thuật gian lận báo cáo tài chính thông thường trong doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư phát hiện rủi ro, đánh giá sức khỏe tài chính. Và tiềm năng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp. Hãy nghiên cứu và tìm hiểu thật kỹ về các thủ thuận gian lận báo cáo tài chính. Trên cơ sở đó đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả nhất nhé.
Để cập nhật thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán bổ ích. Hãy ghé thăm Cú thường xuyên nhé!
Nếu còn điều gì thắc mắc về chủ đề này, anh em có thể inbox cho Cú. Cú luôn sẵn sàng trao đổi và đón nhận những thông tin kiến thức mới đến từ anh em.
Anh em cũng nên trang bị cho mình các kiến thức vĩ mô khác hữu ích với nhà đầu tư.
Anh em có thể tìm hiểu bài vi về gian lận báo cáo tài chính của Cú như:
1. Nhận biết gian lận doanh thu trong báo cáo tài chính (P.1)
2. Gian lận sử dụng tài sản và dòng tiền trong doanh nghiệp – Phần 3
3. Các tình huống về gian lận báo cáo tài chính trên thế giới – Phần 4
4. Các gian lận báo cáo tài chính thực tế tại Việt Nam – Phần 5
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Ngoài ra để hiểu rõ hơn cách phân tích chuyên sâu 1 báo cáo kết quả kinh doanh. Anh em có thể học thêm. Hiện tại Cú có cung cấp khóa học chứng khoán. Với những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho anh em. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Cú sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh. Cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh liên lạc
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://www.facebook.com/CuThongThai.VNInvestor/
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969