Định giá cổ phiếu theo chỉ số PEG dễ hiểu nhất (P.5)
Mục tiêu hàng đầu của phân tích cơ bản là tìm ra giá trị hợp lý của cổ phiếu. Trên cơ sở đó có thể so sánh và đối chiếu với giá cổ phiếu trên thị trường. Để xem xét cổ phiếu đang được thị trường đánh giá cao hay bị đánh giá thấp. Từ đó giúp cho nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Định giá cổ phiếu hay xác định giá trị nội tại của cổ phiếu cần phải dựa trên cơ sở xem xét tình hình hiện tại và tương lai của doanh nghiệp.
Tiếp tục với series về các phương pháp định giá cổ phiếu phổ biến cho nhà đầu tư. Hôm nay Cú sẽ giới thiệu đến anh em một chỉ số tài chính được nhiều nhà đầu tư theo trường phái đầu tư tăng trưởng nghiên cứu. Và sử dụng để tìm kiếm những cơ hội đầu tư với giá hời. Đó chính là: Chỉ số PEG hay Price Earnings to Growth.
Các yếu tố tác động và công thức tính? Cũng như phương pháp định giá cổ phiếu dựa vào chỉ số PEG là gì? Hãy cùng Cú tìm hiểu và thử áp dụng ngay công thức định giá cổ phiếu dưới đây. Để giúp anh em đưa ra những quyết định hợp lý và đúng đắn hơn trong những cơ hội đầu tư nhé!
1. Tìm hiểu về chỉ số PEG
Chỉ số hay hệ số PEG là một trong những chỉ số quan trọng. Và có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán. Hệ số PEG được dùng để phân tích cơ bản nhằm mục đích tìm ra cổ phiếu tiềm năng để đầu tư. Để hiểu rõ hơn về chỉ số PEG là gì cũng như những ứng dụng thực tiễn của chỉ số PEG như thế nào. Hãy cùng Cú tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây nhé!
1.1 Chỉ số PEG là gì?
Chỉ số PEG là chỉ số định giá cổ phiếu giúp nhà đầu tư xác định những cổ phiếu tiềm năng. Trong đó, PEG là từ viết tắt của Price Earnings to Growth. Và được hiểu là tỷ số so sánh giữa P/E (Price to Earnings ratio) và tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS (EPS Growth Rate) của cổ phiếu.
Thỉnh thoảng PEG cũng được gọi là chỉ số tăng trưởng của P/E. Chỉ số PEG thường không được dùng để tính toán giá trị nội tại hoặc tỷ lệ hoàn vốn mà nó được dùng như là một phép ước lượng. Tỷ lệ PEG càng thấp thì nhà đầu tư có thể yên tâm rằng cổ phiếu đó đang dưới giá trị nội tại của nó.
Ví dụ 1: Giả sử anh em có cổ phiếu của công ty X có P/E là 10. Khi đó với G tương ứng như sau: G = 10%. G = 20%. G = 5%.
Anh em sẽ có các mốc PEG như sau: PEG = 1. PEG = 0,5. PEG = 2.
Cổ phiếu được xem là đúng với giá trị thật khi PEG bằng 1. Nếu PEG > 1 thì cổ phiếu đo được xem là có thị giá cao hơn so với nội tại của nó. Ngược lại với PEG < 1, cổ phiếu đó được xem là rẻ hơn so với giá trị nội tại.
Chỉ số này được phát triển lần đầu tiên bởi Peter Lynch. Và được đề cập trong cuốn sách “One Up On Wall Street – Trên đỉnh phố Wall” vào năm 1989. Đây là chỉ số dùng để đánh giá cổ phiếu dựa trên tốc độ tăng trưởng thu nhập của chính cổ phiếu đó. Peter Lynch đã viết rằng: Tỷ lệ P/E mà bằng một nửa tốc độ tăng trưởng là rất tích cực. Và ngược lại gấp đôi tốc độ tăng trưởng là rất tiêu cực. Vì thế ông khuyên hãy tìm những cổ phiếu có mức PEG dao động xung quanh 0,5. Và tránh xa những cổ phiếu có PEG > 2. Ông thường sử dụng phương pháp đo lường này để tìm các cổ phiếu tiềm năng cho quỹ của ông.
Trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán. PEG được sử dụng để định giá cổ phiếu dựa trên tốc độ tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó. Từ đó, nhà đầu tư có thể lọc các cổ phiếu tiềm năng từ nhiều loại cổ phiếu trên thị trường. Đưa nhà đầu tư đến gần hơn với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận hiệu quả. Ngoài ra, PEG giúp nhà đầu tư tìm ra những cổ phiếu đang bị thị trường định giá thấp. Từ đó đưa ra quyết định đầu tư sinh lời cao hơn.
Ví dụ 2: PEG thường được sử dụng để định giá cổ phiếu dựa trên mức độ tăng trưởng như thế nào? Các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao thường có mức định giá cao không kém. Vậy nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu nào để đầu tư. Hãy so sánh cổ phiếu PNJ và CTR dưới đây:
Cổ phiếu PNJ của công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận thời điểm quý 4/2021 được định giá lên tới tận 25,1 lần P/E. Với tốc độ tăng trưởng G khoảng 30%.
Cổ phiếu CTR – Công trình Viettel cũng có thời điểm định giá lên 23,5 lần P/E. Và tốc độ tăng trưởng G khoảng 25%.
Vậy nhà đầu tư nên mua PNJ hay CTR?
Nếu chỉ dựa vào chỉ số P/E thông thường sẽ rất khó đưa ra quyết định. Khi cả 2 cổ phiếu này đều có mức định giá tương đối cao (> 20 lần).
Tuy nhiên nếu như sử dụng chỉ số PEG anh em sẽ thấy PNJ có PEG là 0,83 lần (= 25,1 / 30). Thấp hơn CTR có PEG khoảng 0,94 lần (= 23,5 / 25), do đó nhà đầu tư nên mua PNJ.
1.2 Cách tính chỉ số PEG
Sẽ có sự khác biệt giữa chỉ số PEG thông thường và chỉ số PEG đã điều chỉnh cổ tức.
a) Công thức tính chỉ số PEG thông thường
PEG = P/E / Tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS (G)
Trong đó:
- P/E là tỷ lệ giá trên thu nhập của một cổ phiếu. Nó cho thấy mối quan hệ giữa giá thị trường và thu nhập trên mỗi cổ phiếu.
- Tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS (G): là chỉ số tốc độ tăng trưởng thu nhập được tính dựa trên kết quả dự báo EPS – tốc độ tăng trưởng cổ phiếu trong tương lai. Hay được tính theo kết quả dự phóng EPS (forward EPS).
Ví dụ 3:
- Cổ phiếu PNJ tại quý 3 – 2022 có P/E 25,1 lần. Và tốc độ tăng trường thu nhập EPS (G) khoảng 30%. Khi đó anh em có thể dễ dàng tính được PEG = 25,1 / 30 = 0,83.
- Nếu P/E của PNJ tăng lên 30 lần thì PEG = 30 / 30 = 1.
- Nếu G giảm xuống 15% thì PEG = 25,1 / 15 = 1,67.
Ví dụ 4: Tính chỉ số PEG của CTCP Vinhomes (VHM)
Chúng ta sẽ sử dụng số liệu P/E được tính sẵn trên vietstock.vn. Và dự phóng EPS năm 2023 được báo cáo bởi Công ty chứng khoán (CTCK) ACBS.
Chỉ số PEG của VHM = 7,72 / 6,7 = 1,15.
Thoạt nhìn thì công thức tính chỉ số PEG có vẻ đơn giản. Nhưng khi đào sâu vào dự phóng tăng trưởng, anh em sẽ nhận ra rằng thật khó để xác định yếu tố này. Cú sẽ hướng dẫn cách xác định tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS (G) ở phần dưới đây.
b) Công thức tính đối với PEG đã điều chỉnh
PEG đã điều chỉnh = P/E / (Tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS + Lợi suất cổ tức Y)
Lý do mà công thức này nên được sử dụng thay thế trong trường hợp điều chỉnh cổ tức? Vì trong một số trường hợp, chẳng hạn như các công ty ngành tiện ích và năng lượng có tốc độ tăng trưởng thu nhập thường rất thấp. Khiến tỷ lệ PEG lớn hơn 1.
Nếu chỉ nhìn vào điều này và đánh giá rằng tổ chức hoạt động không tốt và được định giá quá cao sẽ không đúng. Bởi thực tế là doanh nghiệp này kinh doanh ổn định, dòng tiền lớn, trả cổ tức, tiền mặt cao. Nếu tính chỉ số PEG theo cách tính thông thường. Nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào những cổ phiếu tiềm năng đó.
Ví dụ 5:
Tại thời điểm năm 2019, NT2 đang được giao dịch ở mức 18.500 đồng/cổ phiếu. EPS 2019 của doanh nghiệp là 2.540 đồng/cổ phiếu.
P/E = 18.500 / 2.540 = 7,3.
Tiếp theo, tổng hợp từ các phân tích của công ty chứng khoán. Thì EPS dự kiến sẽ tăng trưởng 4% trong 3 năm tới.
PEG của NT2 là: 7,3 / 4 = 1,8 > 1.
Nếu nhìn thoáng qua, anh em có thể dễ dàng kết luận đây là một cổ phiếu đang được định giá quá cao. Tuy nhiên, NT2 lại là doanh nghiệp có “truyền thống chi trả cổ tức tiền cao và ổn định”. Với tỷ suất cổ tức bình quân 5 năm là khoảng 9%.
Khi đó, chỉ số PEG được điều chỉnh cổ tức sẽ cho ra kết quả:
Chỉ số PEG điều chỉnh = 7,3 / (4 + 9) = 0,6.
Như vậy, sau khi điều chỉnh cổ tức. Cổ phiếu NT2 sẽ rẻ hơn anh em nghĩ nếu chỉ dựa vào chỉ số PEG.
*Lưu ý: Chỉ nên giới hạn cộng tỷ suất cổ tức khi tính PEG của các Blue-chip hoặc cổ phiếu dẫn đầu thị trường (Blue-chip là loại cổ phiếu của công ty có uy tín. Và có tình hình tài chính vững chắc, giá trị vốn hóa thị trường lớn).
1.3 Ý nghĩa của PEG trong định giá cổ phiếu
Trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào một cổ phiếu cụ thể. Các nhà đầu tư thường nhìn vào giá trị tương lai của nó. Và kỳ vọng vào sự tăng trưởng dài hạn. Tính tỷ lệ PEG giúp nhà đầu đánh giá tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Bằng cách theo dõi tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu.
Chỉ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đó sẽ cao trong tương lai.
Tuy nhiên, sẽ có những thời điểm sự kỳ vọng thái quá của nhà đầu tư. Và vượt quá mức tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai. Chỉ số PEG sẽ giúp đánh giá được nhà đầu tư có đang tự tin thái quá. Và họ có đang trả giá quá cao cho tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp hay không.
⋅ Vậy chỉ số PEG bao nhiêu là tốt?
Anh em hãy nhớ rằng, khi chúng ta mua cổ phiếu là mua giá trị tương lai. Chứ không phải mua những giá trị đã xảy ra trong quá khứ. Vì vậy, chúng ta phải nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận kết quả quá khứ. Vì đó là tiền đề để dự đoán tương lai của doanh nghiệp.
Chỉ số P/E thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư về việc cổ phiếu đó sẽ tăng trưởng trong tương lai. Và là thước đo thời gian hoàn vốn đầu tư (tương đối). Việc so sánh P/E với giả định tăng trưởng (G) của doanh nghiệp trong tương lai sẽ giúp anh em xác định được mức độ khả thi của chỉ số P/E.
PEG cao hay thấp là tốt hay xấu tùy thuộc vào vị thế của nhà đầu tư là người bán hay người mua. Nhà đầu tư thường muốn bán cổ phiếu có PEG cao trong khi thích mua cổ phiếu có PEG thấp. Chỉ số PEG bao nhiêu là tốt tùy thuộc vào mục tiêu đầu tư của nhà đầu tư. Cụ thể hãy xem xét các trường hợp dưới đây:
a) Khi PEG > 1 hay PE > G
⋅ Chỉ số PEG lớn hơn 1, nó đồng nghĩa với việc:
(1) Điều này có thể hiểu rằng cổ phiếu đó đang được định giá quá cao. Các nhà đầu tư đang quá hào phóng. Hay nói cách khác là thị trường đang trả cho cổ phiếu mức giá quá cao cho tốc độ tăng trưởng tương lai của doanh nghiệp. Thông thường, anh em không nên mua vào cổ phiếu đang bị định giá quá cao.
Khi gặp những doanh nghiệp kiểu này tốt nhất là bạn không nên để ý tới. Bởi cổ phiếu lúc này như viên kim cương đã nằm trong tiệm kim hoàn. Nên giá cả sẽ rất đắt đỏ. Anh em sẽ không thu được gì từ những cổ phiếu kiểu này.
Ví dụ 6: Năm 2018, chỉ số P/E của CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) là 48,76 lần. Dù tỷ suất sinh lời đến quy mô tổng tài sản của công ty này còn khiêm tốn. Chủ tịch YEG và quỹ VinaCapital (cổ đông lớn của YEG) đưa ra mức tăng trưởng hàng năm dự kiến trên 40%.
Anh em có thể tính nhanh chỉ số PEG của YEG = 48,76 / 40 = 1,2. Với giả định mức tăng trưởng 40% là khả thi. Có lẽ cổ phiếu YEG đang nhận được thị giá quá cao so với khả năng tăng trưởng của nó. Sau cùng thì thị giá YEG sụt giảm mạnh là tất yếu. Khi thực tế hoạt động kinh doanh của YEG không được như kỳ vọng của thị trường.
Ví dụ 7: Cổ phiếu của CTCP Tập đoàn FPT (FPT):
Từ biểu đồ anh em có thể thấy: Tốc độ tăng trưởng EPS của cổ phiếu FPT trong 5 năm gần nhất là 17%.
Tuy nhiên định giá của doanh nghiệp cũng luôn có P/E lớn hơn 17 lần. Có thời điểm lên tới hơn 22 lần. Rõ ràng mức định giá không còn hấp dẫn với nhà đầu tư do PEG > 1.
Như vậy: PEG > 1, nghĩa là cổ phiếu đang được định giá quá cao so với giá trị hiện tại của nó. Các nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm thường ít mua những cổ phiếu này vì họ sợ mất tiền. Nếu anh em đang sở hữu cổ phiếu có PEG > 1 thì nên ưu tiên bán ra. Và không nên mua thêm.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp người ta chọn mua cổ phiếu có PEG cao. Nếu mã đó thuộc các công ty có vị thế đầu ngành, độc quyền, công nghệ, ngành đầu cơ… Để kỳ vọng vào tốc độ, mức tăng trưởng nhanh hơn trong tương lai. Cụ thể trong các trường hợp phân tích dưới đây.
(2) Nếu thực tế thị trường trong dài hạn vẫn chấp nhận trả cho một cổ phiếu thị giá cao. Chỉ số PEG luôn được duy trì > 1 thì anh em nên xem xét lại một số nguyên nhân sau:
- Liệu doanh nghiệp đó có một trong các yếu tố như: đầu ngành, lợi thế độc quyền, công nghệ. Hoặc ngành nghề mang tính chất đầu cơ hoặc chu kỳ như tài chính, bất động sản, vật liệu xây dựng?
Những cổ phiếu mang yếu tố trên, đặc biệt ngành nghề mang tính đầu cơ và chu kỳ. Thường những cổ phiếu đó có chỉ số PEG > 1. Bởi vì các nhà đầu tư sẵn lòng trả nhiều hơn cho một cổ phiếu được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Hãy lưu ý rằng những cổ phiếu mang tính đầu cơ và chu kỳ sẽ “thăng hoa” khi nền kinh tế ở giai đoạn hưng thịnh. Có thể chiếm từ 50 – 90% tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khi nền kinh tế bước sang giai đoạn suy thoái. Thì những cổ phiếu mang tính đầu cơ và chu kỳ sẽ như những “quả bóng xịt”. Hậu quả sẽ nghiêm trọng nếu như nhà đầu tư không kịp rút chân.
(3) Trường hợp thu nhập dự kiến thấp. Tốc độ tăng trưởng cũng không mấy hấp dẫn trong nhiều năm liền. Nhưng giá cổ phiếu, chỉ số PEG vẫn luôn “neo” ở mức cao. Thì khi đó anh em cần phải đặt ra nghi vấn: “phải chăng có hiện tượng “làm giá” cổ phiếu?”.
Đối với các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Chỉ số PEG từ 1 đến 1,5 có thể chấp nhận được đối với công ty cung cấp dịch vụ có ứng dụng công nghệ cao. Có hoạt động không giới hạn và cung cấp sản phẩm xuyên biên giới. Nhưng trên TTCK Việt Nam tìm mỏi mắt không có doanh nghiệp như vậy. Chỉ có CTCP FPT (FPT) là có ứng dụng công nghệ vào hoạt động cung cấp dịch vụ. Nhưng cũng không hẳn là một công ty công nghệ cao.
b) Khi PEG = 1 hay PE = G
Khi chỉ số P/E của doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng kỳ vọng (G) bằng nhau (hay PEG = 1). Điều này có nghĩa là thị trường đang định giá cổ phiếu hoàn toàn tương đồng với tốc độ tăng trưởng kỳ vọng của nó. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu đã được thị trường phản ánh đầy đủ vào giá của cổ phiếu.
Chẳng hạn cổ phiếu A có mức P/E = 15 lần và G = 15%/năm => PEG = 15 / 15 = 1.
Trừ khi cổ phiếu A xảy ra một sự kiện bất ngờ làm tốc độ tăng trưởng G tăng lên. Và làm PEG giảm xuống, như:
- Mở rộng nhà máy.
- Mở rộng đại lý phân phối.
- Cải tiến công nghệ.
- Xuất khẩu sang thị trường mới.
Nếu không, nhà đầu tư sẽ rất khó kiếm lời được từ những cổ phiếu có PEG = 1. Khi mức định giá đã tương phù hợp với doanh nghiệp.
Như vậy: Ở thời điểm này, giá cổ phiếu đã bằng với giá trị thật. Nhà đầu tư đang đánh giá đúng và có hoạt động hợp lý. Anh em sẽ không cần phải mua hoặc bán.
Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Vì hiện nay có nhiều thông tin, yếu tố tác động đến giá cổ phiếu. Như dòng tiền đổ vào công ty, tin tức, sự kiện, tâm lý nhà đầu tư… Có thể thay đổi đẩy giá cổ phiếu cao hơn hoặc thấp hơn giá trị hiện tại.
Lưu ý: Nếu chỉ số PEG = 1 có nghĩa là cổ phiếu được xem là đúng với giá trị thực. Từ đó chúng ta có thể rút ra công thức tính nhanh giá trị hợp lý của 1 cổ phiếu như sau:
Giá trị hợp lý (Fair Value) = EPS x G
Đây là công thức định giá cổ phiếu do Benjamin Graham nghiên cứu và đưa ra. Ở đây Cú không nói sâu về chi tiết này. Phần định giá của Benjamin Graham Cú sẽ dành 1 bài viết riêng về công thức này.
c) Khi PEG < 1 hay PE < G
Ngược lại, nếu chỉ số PEG nhỏ hơn 1. Đó là dấu hiệu cho thấy một trong các trường hợp sau:
(1) Có khả năng cổ phiếu đó đang bị định giá thấp. Hay nói cách khác là thị trường đang trả cho cổ phiếu mức thị giá thấp hơn khả năng tăng trưởng doanh nghiệp có thể đạt được trong tương lai.
Có rất nhiều cổ phiếu có mức định giá P/E rất cao (>20 lần) làm chùn bước những nhà đầu tư. Tuy nhiên nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm tới của doanh nghiệp còn cao hơn. Chẳng hạn tốc độ tăng trưởng G là 30 – 40%/năm. Điều này làm PEG < 1 thì mức P/E này vẫn còn rất rẻ.
Như vậy: Khi PEG < 1. Khả năng mã cổ phiếu đó đang bị thị trường định giá thấp. Nhà đầu tư không kỳ vọng nhiều vào sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai. Xu hướng chung là các nhà đầu tư sẽ chọn mua những cổ phiếu như vậy. Tất nhiên, ưu tiên nhất là của những doanh nghiệp trả cổ tức đều đặn. Kết hợp với việc xem xét các yếu tố tài chính của công ty.
Các nhà đầu tư lưu ý rằng các cổ phiếu mang tính đầu cơ và chu kỳ. Thì thường sẽ bùng nổ trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng. Ngược lại, nếu có dấu hiệu suy thoái, giá trị của cổ phiếu đó sẽ giảm xuống nhanh chóng. Hãy chọn những cổ phiếu này hết sức cẩn thận.
Nhưng liệu có phải: “PEG càng nhỏ (càng thấp) càng tốt” hay không?. Câu trả lời là không. Bởi có thể xảy ra trường hợp sau đây:
(2) Trường hợp PEG < 1 duy trì trong dài hạn. Điều này có khả năng thị trường nhận ra những điểm tiêu cực trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dự phóng tăng trưởng thiếu khả quan.
⋅ Vậy câu hỏi là: Anh em có nên mua vào cổ phiếu có PEG <1?
Nếu đó là những cổ phiếu thu nhập (thường thì loại cổ phiếu này sẽ có PEG <1). Anh em có thể mua vào sau khi đã xem xét kỹ các yếu tố về tài chính của công ty.
Nói thêm về cổ phiếu thu nhập (income stocks). Đây là cổ phiếu của những công ty có tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm đều đặn. Các nhà đầu tư giá trị thích nắm giữ những cổ phiếu dạng này. Vì mức độ biến động thị giá thấp, rủi ro thấp, tăng trưởng lợi nhuận ở mức trung bình nhưng ổn định. Và thật tuyệt vời khi nhà đầu tư có thêm một khoản thu nhập đến từ cổ tức hàng năm. Tóm lại, chúng mang lại cổ tức cao hơn trong mối quan hệ với giá thị trường.
Ví dụ 8: Những công ty có mức chi trả cổ tức tiền mặt tương đối cao (20-35%) trên TTCK và đều đặn hàng năm phải kể đến:
- Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB). Sabeco có chính sách trả cổ tức tiền mặt 35% bằng tiền mặt trong nhiều năm qua. Kể cả qua 2 năm hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Và Nghị định 100 liên quan đến điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng bia, rượu.
- Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (HOSE: RAL). Từ năm 2017 – 2020, Công ty liên tục chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông ở tỷ lệ 50% vốn điều lệ. Tương đương mức thanh toán 57,5 – 59 tỷ đồng mỗi năm. Cổ tức năm 2021 cũng là 50% bằng tiền mặt. Chia làm 2 đợt thanh toán vào tháng 9/2021 trả 25% và tháng 4/2022 trả phần còn lại.
- CTCP Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) cũng có truyền thống chia cổ tức tiền mặt mỗi năm 20%. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ chia thêm cổ phiếu thưởng tùy vào kết quả hoạt động kinh doanh. Như năm 2022, phương án chia cổ tức gồm 20% bằng tiền mặt. Đồng thời, doanh nghiệp cũng trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 20%.
- Công ty cổ phần CIC39 (HOSE: C32): Hơn 10 năm qua, đều đặn trả cổ tức tỷ lệ 24% bằng tiền mặt mỗi năm. Trong đó 12% luôn được tạm ứng trước và 12% được thanh toán ngay sau kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên. Cổ đông của công ty từng đề nghị tăng tỷ lệ cổ tức bằng tiền lên 30-60% vốn điều lệ. Song ban lãnh đạo từ chối và mong cổ đông thông cảm. Bởi lợi nhuận còn lại công ty tái đầu tư để tiếp tục phát triển.
- Gây sốc nhất chính là Vinacafe Biên Hòa (HOSE: VCF). Vào năm 2017, công ty bất ngờ công bố phương án chia cổ tức tiền mặt 660%. Tương đương 66.000 đồng/cp sau nhiều năm không chia. Năm 2018, đơn vị trả tiếp cổ tức tiền mặt tỷ lệ 240%. Năm 2019 không chia nhưng đến 2020 – 2021 lại thanh toán 250% mỗi năm.
Do vậy, các nhà đầu tư dài hạn có thể tìm đến những doanh nghiệp có chính sách chi trả cổ tức tiền mặt ổn định và tiềm năng tăng trưởng để đầu tư. Tránh sự chi phối của thị trường trong ngắn hạn.
2. Những lưu ý khi sử dụng chỉ số PEG định giá cổ phiếu
PEG là một chỉ số tài chính quan trọng mà mọi nhà đầu tư trên thị trường nên tìm hiểu và áp dụng trong quá trình đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã tìm thấy những cơ hội tuyệt vời bằng cách tính toán chỉ số PEG. Và kết hợp nó với các phương pháp chọn cổ phiếu truyền thống khác.
Nếu đọc tới đây, nhiều anh em sẽ thấy chỉ số PEG thật đơn giản và dễ sử dụng. Chỉ cần mua khi PEG < 1 là được thì xin chia buồn, mọi việc không đơn giản như thế. Sau đây là một vài chú ý nếu anh em muốn sử dụng chỉ số PEG chuẩn xác nhất.
2.1 Hướng dẫn xác định tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS (G) của doanh nghiệp trước khi định giá cổ phiếu
Trong 2 cấu thành của chỉ số PEG. Thì P/E đã quá quen thuộc với đa số nhà đầu tư. Và chỉ cần áp dụng đúng công thức là anh em có thể tính được dễ dàng. Nếu quên, anh em hãy xem lại bài viết về “Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E” của Cú nhé.
Tuy nhiên: Tốc độ tăng trưởng trong dài hạn G đa phần đều là giả định. Và cực kỳ khó để xác định chính xác chỉ số này!
Anh em nên biết rằng dự phóng càng dài hạn thì càng khó chuẩn xác. Rất nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng không thể dự phóng kết quả kinh doanh quá 2 năm. Vậy một người không hiểu doanh nghiệp như lãnh đạo doanh nghiệp. Liệu có thể dự phóng tăng trưởng của doanh nghiệp trong 5 – 10 năm sau?
Làm thế nào để xác định nhân tố tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS (G) trong phép tính dự phóng chỉ số PEG? Đây thực sự là câu hỏi rất thú vị và có phần khó để trả lời.
Tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS được tính theo kết quả dự phóng EPS. Tức là sẽ không có cách nào giúp nhà đầu tư tính ra được con số tuyệt đối. Thậm chí cả ban lãnh đạo của doanh nghiệp cũng không dám tự tin rằng có thể phỏng đoán chính xác được doanh nghiệp mình sẽ tăng trưởng bao nhiêu % trong 5 năm tới. Dù sao đi nữa, tuy không thể dự phóng chính xác. Nhưng vẫn có cách để lựa chọn G một cách trận trọng và có thể sử dụng được. Cú cũng gợi ý 3 cách mà anh em có thể xác định được tương đối về yếu tố “G” này:
a) Dựa vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hoặc EPS trong quá khứ
Cách thứ nhất để xác định “G” là thông qua lịch sử quá khứ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tương đối dài. Có thể qua một chu kỳ kinh tế 5 – 7 năm. Mục đích là để tránh những biến động trong ngắn hạn khiến lợi nhuận sau thuế hoặc EPS tăng/giảm đột biến.
Ví dụ 9: Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình của TRA – Công ty cổ phần Traphaco trong 5 năm gần nhất là khoảng 14,8%/năm. Công ty hiện đặt kế hoạch tăng trưởng trong 5 năm tới là 13%/năm doanh thu và 15%/năm lợi nhuận.
Dựa vào biểu đồ và kết quả phân tích, anh em sẽ có:
- Lợi nhuận sau thuế của TRA đã tăng trung bình 14,78% mỗi năm, trong 5 năm qua.
- Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 12 tháng của TRA là 10,36% thấp hơn mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân 5 năm gần nhất (14,78%).
- Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 12 tháng của TRA (10,36%) thấp hơn mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình ngành Dược phẩm Việt Nam (19,58%).
Do đó anh em có thể lấy G = 14,8%. Tuy nhiên để cho an toàn nhà đầu tư thường sẽ chỉ lấy G = 10,3% (mức tăng trưởng 12 tháng gần nhất).
Tuy nhiên cách này cũng có điểm hạn chế. Đó là tốc độ tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng trong quá khứ. Mà còn dựa vào:
- Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thị phần.
- Lợi thế cạnh tranh.
- Kế hoạch đầu tư và phát triển mở rộng trong tương lai.
Không có gì chắc chắn công ty sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng như quá khứ. Do đó Cú cho rằng anh em có thể lấy trung bình kết quả kinh doanh trong quá khứ. Và kế hoạch đã đặt ra, kết quả sẽ đáng tin cậy hơn rất nhiều.
Với trường hợp của TRA, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp là:
G = (10% + 15%) /2 = 12,5%.
Chỉ số PEG tại 14/4/2023 sẽ bằng:
PEG = 13,76 / 12,5 = 1,1 (> 1). Do đó nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi mua cổ phiếu TRA thời điểm này.
Anh em cũng có thể lấy con số tăng trưởng dự phóng của trung bình ngành trên báo chí, hoặc trong các báo cáo phân tích của công ty chứng khoán. Và điều chỉnh lại hợp lý với vị thế cạnh tranh của công ty bạn đang phân tích.
Tuy nhiên, xét cho cùng, tốc độ tăng trưởng tương lai mới là yếu tố quyết định đến chỉ số PEG. Do vậy, nhiều nhà đầu tư ưa thích dựa vào kế hoạch kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp để có thể xác định được tương đối về yếu tố “G” này.
b) Dựa vào kế hoạch kinh doanh được doanh nghiệp công bố
Cách thứ hai anh em có thể lấy dự phóng tăng trưởng của ban lãnh đạo trong kế hoạch tương lai. Cái này một số công ty sẽ có, một số thì không. Hoặc sử dụng báo cáo dự phóng kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trên thị trường.
Thông thường, ban lãnh đạo công ty chỉ dự phóng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. Nếu họ công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, ESOP… Thì đó là căn cứ để anh em dự phóng EPS.
Tuy nhiên, đừng vội tin tưởng kế hoạch mà ban lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra. Đôi khi, số liệu họ dự phóng rất thiếu thực tế. Và thường có phần đẹp hơn so với khả năng công ty sẽ làm được. Đây là một cách để tạo thêm kỳ vọng cho giá cổ phiếu trên thị trường.
Vì vậy, để chỉ số PEG có kết quả hợp lý. Anh em hãy điều chỉnh dự phóng lợi nhuận sau thuế sao cho phù hợp với tình hình thực tế và quá khứ của doanh nghiệp.
Ví dụ 10: Như cổ phiếu TRA của Công ty cổ phần Traphaco. Công ty hiện đặt kế hoạch tăng trưởng trong 5 năm tới là 13%/năm doanh thu và 15%/năm lợi nhuận.
Nhưng đó là kế hoạch của ban lãnh đạo công ty. Để chỉ số PEG có kết quả hợp lý. Anh em có thể lấy G ở đây < 15%, khoảng 8 – 10% là hợp lý.
Tất cả kế hoạch kinh doanh lớn hơn 1 năm thông thường đều là để làm báo cáo. Vì dù có cố gắng đến mấy thì doanh nghiệp cũng sẽ phụ thuộc nhất định vào thị trường chung. Và điều kiện vĩ mô cũng như tác động của các doanh nghiệp khác trong ngành.
Do đó kế hoạch kinh doanh đặt trong năm sẽ là chuẩn xác nhất. Và kế hoạch càng xa (3 – 5 năm) sẽ không có độ tin cậy cao.
c) Tham khảo báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán
Anh em không phải là những chuyên gia phân tích tài chính. Vì vậy tham khảo báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán (CTCK) là một cách hay. Để từ đó có cái nhìn chuyên sâu về doanh nghiệp.
Ví dụ 11: Dưới đây là Báo cáo phân tích cổ phiếu HPG của Công ty chứng khoán BSC:
Các CTCK sẽ dựa vào kế hoạch kinh doanh mà doanh nghiệp công bố. Sau đó tiến hành phân tích những yếu tố sau:
- Mức độ khả thi của các dự án được doanh nghiệp đang hoặc sẽ đầu tư trong tương lai.
- Các yếu tố tài chính như thế nào?
- Lợi thế cạnh tranh và rủi ro của doanh nghiệp.
- Môi trường kinh doanh, kinh tế vĩ mô, chu kỳ kinh doanh. Và cả cơ chế, chính sách của nhà nước tác động gì đến doanh nghiệp.
Anh em có thể tự phân tích các yếu tố trên. Nhưng Cú nghĩ với năng lực có hạn của cá nhân thì khó để có những nhận định chính xác. Còn các CTCK có cả một đội ngũ để làm việc này.
Kết hợp các yếu tố sau khi đã phân tích, CTCK sẽ điều chỉnh giảm mức dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (hoặc EPS) so với con số doanh nghiệp công bố. Một số CTCK còn đưa ra chỉ số PEG để nhà đầu tư có thể tham khảo.
Nhưng Cú phải nhắc lại: Hãy cẩn thận! Chỉ cần các CTCK muốn (hoặc doanh nghiệp muốn). Thì vỏn vẹn với một vài thay đổi trong nhận định và phân tích, họ có thể đổi trắng thay đen. Chuyển những dự phóng tiêu cực thành tích cực một cách dễ dàng.
Cú không có ý quy chụp rằng tất cả báo cáo phân tích của CTCK là vô dụng. Một người đọc hay một nhà đầu tư thông minh, có suy nghĩ phản biện sẽ biết chọn lọc dữ liệu, kiến thức. Thay vì chỉ đơn thuần đi kiếm tìm khuyến nghị/ giá mục tiêu/ số liệu dự phóng của CTCK.
⋅ Các nguồn báo cáo phân tích doanh nghiệp anh em có thể tham khảo ở đâu? Hiện nay có rất nhiều website tài chính và công ty chứng khoán cho phép tra cứu miễn phí các báo cáo phân tích cổ phiếu của công ty. Nhà đầu tư có thể tham khảo tại các trang sau đây:
- Báo cáo phân tích cổ phiếu của doanh nghiệp tại vietstock: Xem tại đây
- Tổng hợp báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán tại stockbiz: Xem tại đây
- Tổng hợp báo cáo phân tích tại cafef: Xem tại đây
- Báo cáo phân tích cổ phiếu của doanh nghiệp tại CTCP chứng khoán Vndirect: Xem tại đây
- Báo cáo phân tích cổ phiếu của doanh nghiệp tại CTCP chứng khoán SSI: Xem tại đây
- Báo cáo phân tích cổ phiếu của doanh nghiệp tại CTCP chứng khoán VPS: Xem tại đây
- Báo cáo phân tích cổ phiếu của doanh nghiệp tại CTCP chứng khoán BSC: Xem tại đây
Lưu ý: Những lưu ý khi dự phóng tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS (G) của doanh nghiệp
(1) Nếu có thể, hãy thực hiện đầy đủ cả 3 cách trên để đối chiếu giữa kết quả dự phóng của anh em, với kết quả của chuyên gia và kỳ vọng của lãnh đạo doanh nghiệp. Nhờ vậy, phép tính chỉ số PEG sẽ ra kết quả hợp lý hơn là chỉ dựa vào một nguồn thông tin.
(2) Hãy cảnh giác với những cổ phiếu có tăng trưởng trong quá khứ quá cao. Như là cổ phiếu đầu cơ và chu kỳ. Vì chưa chắc trong tương lai cổ phiếu đó duy trì được “phong độ” như vậy.
(3) Tăng trưởng lợi nhuận không phải là yếu tố duy nhất thể hiện hiệu quả kinh doanh. Anh em cần có cái nhìn tổng quan hơn về các yếu tố tài chính của doanh nghiệp. Từ đó để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng hàng năm nhưng cổ phiếu vẫn xuống giá?”.
(4) Dự phóng tăng trưởng thu nhập EPS là điều không hề dễ dàng. Phương án thay thế đơn giản hơn là dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế. Khi làm vậy, anh em phải chấp nhận giả định rằng khối lượng cổ phiếu bình quân lưu hành trong kỳ không đổi.
(5) Ngay cả ban lãnh đạo của công ty cũng không thể dự phóng lợi nhuận sau thuế (hoặc EPS) một cách chính xác. Họ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng dựa vào quá khứ/ trung bình ngành/ dự án mới. Và cố gắng thực hiện nó một cách tích cực. Ở đây, Cú không nói đến những kẻ sử dụng thủ thuật “book khống”. “Dàn trải lợi nhuận” phổ biến trong ngành bất động sản và ngân hàng để “vẽ vời” bức tranh lợi nhuận.
(6) Không nên đặt nặng chuyện phải tìm kiếm số liệu dự phóng lợi nhuận sau thuế (hoặc EPS) “chuẩn”. Vì dự phóng không đi đôi với chính xác. Hãy suy nghĩ nhiều hơn về triển vọng và kế hoạch của công ty trong tương lai. Để anh em có thể nắm giữ những khoản đầu tư lâu dài bất chấp biến động của thị trường.
(7) Khi dự phóng tăng trưởng, anh em có thể thêm vào các giá trị vô hình. Như lợi thế cạnh tranh để làm điểm cộng cho dự phóng.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) có những lợi thế cạnh tranh lớn nhất mà ít người công khai nhắc đến. Đó là thương hiệu và mối quan hệ liên quan (inter-relationships) với các đơn vị trực thuộc Quân Đội:
- Thương hiệu liên quan đến Quân Đội (thuộc Nhà nước). Điều này sẽ giúp MBB huy động vốn và gầy dựng niềm tin ở khách hàng dễ dàng hơn rất nhiều.
- MBB sẽ có nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn từ các tập đoàn Quân đội quy mô lớn, sinh lãi cao. Như Viettel, Tân Cảng SG, TCT 36, TCT 319, Bệnh viện quân đội…
- Sự chia sẻ dữ liệu từ các đơn vị liên quan. Đặc biệt là Viettel sẽ giúp MBB kiểm soát rủi ro. Và có nguồn đầu vào khách hàng khổng lồ.
2.2 Nhà đầu tư nên làm gì khi PEG âm – Lưu ý khi định giá cổ phiếu?
Như các anh em đã biết, PEG liên quan mật thiết đến PE và G. Nên khi chỉ số PEG âm có nghĩa là xảy ra một trong hai trường hợp sau:
- Giá trị P/E bị âm, tức là doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ. Doanh nghiệp có khả năng giải thể, phá sản cao, không có ý nghĩa về mặt định giá, hay kinh tế.
- Giá trị G âm. Tức là mọi người đang dự đoán mức tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai có thể thấp hơn mức tăng trưởng của hiện tại và quá khứ.
Cách xử lý khi chỉ số PEG âm như sau:
⋅ Khi PEG âm do chỉ số P/E âm:
Thực tế, giá trị P/E âm không có ý nghĩa gì về mặt kinh tế hay định giá. Bởi lẽ, sẽ không ai bỏ ra một số tiền âm để mua cổ phiếu của một doanh nghiệp cả. Và cũng không ai vừa trả tiền vừa trao doanh nghiệp của mình cho người khác.
⋅ Khi PEG âm do G âm:
Khi mà G âm tức là mức độ tăng trưởng trong tương lai thấp hơn ở hiện tại và quá khứ. Trong trường hợp này, anh em cũng không nên vội vàng đưa ra quyết định. Khi mà chỉ mới dự đoán giá trị G trong ngắn hạn. Mà hãy xem xét nó trong dài hạn, từ 3 đến 5 năm, thậm chí là 10 năm. Bên cạnh đó thì các nhà đầu tư cũng nên xem xét G âm nhẹ hay âm nhiều. Cũng như nguyên nhân khiến giá trị G âm rồi hãy đưa ra kết luận cuối cùng.
Thông thường thì mức độ tăng trưởng âm xảy ra do một số nguyên nhân như:
- Doanh nghiệp mới thành lập, tình hình kinh doanh chưa ổn định.
- Doanh nghiệp gặp phải những khó khăn nào đó hoặc biến động của nền kinh tế vi mô, vĩ mô…
- Do sự thay đổi của ngành. Như chuyển từ hình thức kinh doanh truyền thống sang hiện đại, áp dụng công nghệ…
- Do đối thủ cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Do những vấn đề xảy ra trong nội tại công ty.
Vì vậy, khi nhận thấy giá trị G âm. Anh em có thể sử dụng thêm những công cụ khác để định giá đúng về cổ phiếu. Đồng thời để đảm bảo an toàn vốn cho bản thân mình, như công cụ P/E, P/B, P/S, ROE… Và các công cụ khác Cú đã hướng dẫn từ những bài trước.
2.3 Những lưu ý quan trọng khi sử dụng chỉ số PEG trong định giá cổ phiếu
Chỉ báo PEG rất phổ biến trong quá trình đầu tư của nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nó đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên nếu lấy chỉ số này làm cơ sở để đánh giá chủ quan. Thì không phải lúc nào kết quả cũng chính xác.
Khi sử dụng PEG, điều quan trọng cần lưu ý:
- Nhà đầu tư nên kết hợp PEG với các thông tin liên quan khác. Để có được bức tranh toàn cảnh về tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.
- Chỉ nên sử dụng chỉ số PEG và dữ liệu dự báo để tham khảo và đánh giá khách quan về triển vọng và chất lượng của công ty trong tương lai. Không tự ý định giá theo chủ quan cá nhân.
- Đừng nhìn quá xa vào tương lai và đưa ra quyết định mua một số lượng lớn cổ phiếu có PEG cao. Anh em nên chọn phương án mua an toàn với điểm PEG vừa phải. Từ đo để giảm thiểu rủi ro đầu tư.
- Chỉ số PEG được tính toán dựa trên dự đoán về tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu. Mà tốc độ tăng trưởng thì chỉ có thể ước lượng một cách tương đối. Hoặc một số cổ phiếu không thể tính toán được tốc độ tăng trưởng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Chỉ số PEG không nên sử dụng độc lập mà nên kết hợp với các chỉ số định giá khác. Vì cũng như các chỉ số tài chính khác, nếu chỉ sử dụng mỗi PEG anh em sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Bởi lẽ, việc sử dụng PEG độc lập, nhà đầu tư không có được cái nhìn đầy đủ nhất về công ty và triển vọng đầu tư của mình. Do đó anh em nên kết hợp PEG với một số chỉ số khác để tìm ra những cổ phiếu có lợi thế cạnh tranh lớn. Và có thể tăng trưởng trong dài hạn. Như: Chỉ số P/E, ROE, Biên lợi nhuận gộp, Biên lợi nhuận ròng, Chỉ số P/B…
Trên đây là những thông tin quan trọng về chỉ số PEG mà Cú muốn mang đến cho anh em. Từ đó giúp nhà đầu tư hiểu được PEG trong chứng khoán là gì? Và áp dụng hiệu quả chỉ số này để đạt được thành công trong chiến lược đầu tư của mình. Đây là chỉ số quan trọng, giúp nhà đầu tư đánh giá cổ phiếu dựa trên tốc độ tăng trưởng. Từ đó giúp đưa ra hướng đầu tư đúng đắn và hiệu quả nhất.
Tổng kết bài định giá cổ phiếu
Trên đây là bài viết chia sẻ của Cú về phương pháp định giá cổ phiếu theo PEG. Định giá cổ phiếu là một trong những kỹ năng quan trọng khi đầu tư cổ phiếu. Sau khi định giá, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định mua nếu giá cổ phiếu rẻ hơn giá trị thực. Và có thể bán ra nếu giá cổ phiếu cao hơn giá trị thực. Đây là nguyên lý cơ bản cho việc lời lãi khi đầu tư, mua bán cổ phiếu.
Anh em hãy sử dụng chỉ số PEG và số liệu dự phóng với góc nhìn tham khảo. Để từ đó đánh giá triển vọng tương lai và chất lượng công ty một cách khách quan. Song không nên lấy nó làm nền tảng cho các định giá chủ quan của mình.
Cú cũng tin rằng các nhà đầu tư thông minh chỉ nên mua cổ phiếu có kết quả PEG vừa phải. Để giảm thiểu rủi ro chiều xuống. Hơn là kỳ vọng quá nhiều vào tương lai bằng cách mua cổ phiếu với định mức PEG quá cao.
Hãy nghiên cứu và tìm hiểu thật kỹ về định giá cổ phiếu theo PEG nhé. Đây là công thức định giá hiệu quả mà các nhà đầu tư đều có thể dễ dàng áp dụng. Trên cơ sở đó đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả nhất nhé.
Để cập nhật thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán bổ ích. Hãy ghé thăm Cú thường xuyên nhé!
Nếu còn điều gì thắc mắc về chủ đề này, anh em có thể inbox cho Cú. Cú luôn sẵn sàng trao đổi và đón nhận những thông tin kiến thức mới đến từ anh em.
Ngoài ra, anh em cũng nên trang bị cho mình các kiến thức vĩ mô khác hữu ích với nhà đầu tư.
Anh em có thể bắt đầu từ series Thao túng thị trường chứng khoán của Cú như:
Anh em có thể tham khảo bài viết khác về Định giá cổ phiếu của Cú như:
- Phương pháp định giá cổ phiếu hiệu quả cho nhà đầu tư chứng khoán (P1)
- Định giá cổ phiếu theo chỉ số P/E dễ hiểu nhất (P.2)
- Định giá cổ phiếu theo chỉ số P/B dễ hiểu nhất (P.3)
- Định giá cổ phiếu theo chỉ số P/S dễ hiểu nhất (P.4)
- Định giá cổ phiếu theo chỉ số PEG dễ hiểu nhất (P.5)
- Định giá cổ phiếu theo chỉ số EV/EBITDA dễ hiểu nhất (P.6)
- Định giá cổ phiếu theo mô hình chiết khấu cổ tức dễ hiểu nhất (P.7)
- Định giá cổ phiếu bằng cách chiết khấu dòng tiền tự do FCFF (P.8)
- Định giá cổ phiếu bằng cách chiết khấu dòng tiền tự do FCFE (P.9)
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Ngoài ra để hiểu rõ hơn cách phân tích chuyên sâu 1 báo cáo kết quả kinh doanh. Anh em có thể học thêm. Hiện tại Cú có cung cấp khóa học chứng khoán. Với những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho anh em. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Cú sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh. Cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh liên lạc
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://www.facebook.com/CuThongThai.VNInvestor/
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969