Hướng dẫn cách sử dụng margin trong đầu tư chứng khoán cho F0
Cách sử dụng margin trong đầu tư chứng khoán cho F0 là bài viết Cú đã muốn chia sẻ từ lâu. “Vay margin” là cụm từ chắc chắn anh em sẽ thường xuyên nghe thấy khi tham gia thị trường. Đây là thứ công cụ rất mạnh mẽ giúp chúng ta kiếm lời nhanh chóng. Nhưng nếu dùng sai cách, đó cũng có thể là con dao 2 lưỡi khiến anh em mệt mỏi. Thậm chí lỗ rất nhiều tiền. Anh em chưa hiểu rõ và chưa biết cách sử dụng margin hiệu quả, đọc ngay bài viết này của Cú Thông Thái.
Chủ đề ngày hôm nay sẽ giúp anh em hiểu rõ margin là gì? 3 sai lầm thường gặp khi dùng margin:
- Sai lầm 1: Dùng margin ngay những lần đầu
- Sai lầm 2: Dùng margin để trung bình giá xuống
- Sai lầm 3: Chưa tính hết tổng các chi phí phải bỏ ra khi dùng margin
Đồng thời là những cách sử dụng margin trong từng trường hợp:
- Cách sử dụng margin để lướt sóng
- Cách sử dụng margin để lướt sóng trên trạng thái có sẵn
- Cách sử dụng margin để hold lâu dài
Nắm chắc những nội dung này, anh em sẽ không còn phải lo lắng về việc mất tiền oan. Đồng thời, tối ưu hóa được lợi nhuận của mình. Hy vọng những anh em chưa quen với công cụ này có thể rút cho mình những kiến thức, kinh nghiệm hữu tích.
Phần 1: Sử dụng margin – Margin là gì?
1.1 Khái niệm của margin
Margin hay còn gọi là giao dịch ký quỹ, đòn bẩy tài chính cho phép anh em vay tiền của công ty chứng khoán để mua thêm cổ phiếu.
Khoản vay này sẽ được thế chấp bằng cổ số cổ phiếu anh em đã mua.
1.2 Bản chất của margin
Margin thực chất là đòn bẩy tài chính. Margin sẽ giúp anh em tối đa hóa lợi nhuận và gia tăng cơ hội so với việc sử dụng vốn tự có. Hoặc ngược lại, nếu không kiểm soát tốt, margin có thể khiến anh em thua lỗ nặng nề hơn.
- Khuếch đại lực mua và lực bán.
- Khuếch đại thua lỗ và lợi nhuận.
1.3 Số tiền nhà đầu tư được vay và tỷ lệ đòn bẩy
Tỷ lệ cho vay của mỗi mã chứng khoán sẽ khác nhau.
Tùy thuộc vào mã chứng khoán, thời điểm và công ty chứng khoán.
Khi Cú viết bài này, Ủy ban chứng khoán nhà nước chỉ cho phép các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay tỷ lệ tối đa 50% với những cổ phiếu uy tín.
Ví dụ, anh em đang có tài sản là 100.000.000 đồng (cả cổ phiếu và cả tiền). Anh em sẽ được CTCK đó cho phép mua là 150.000.000 đồng. Tức 100.000.000 đồng có sẵn và 50.000.000 đồng vay thêm (50% của 100.000.000 đồng).
Tuy nhiên vẫn có một số các CTCK lách luật cho nhà đầu tư vay với tỷ lệ cao hơn, lên đến 1:3 hoặc 1:4. Một trong những cách phổ biến là các CTCK này cho nhà đầu tư vay ở kho ngoài. Việc này đem lại lợi nhuận hoặc rủi ro rất lớn cho cả CTCK và nhà đầu tư.
Khi tài sản ròng bị giảm xuống quá mức an toàn, các CTCK sẽ yêu cầu nhà đầu tư bổ sung thêm tài sản đảm bảo hoặc bán bớt cổ phiếu để giảm tiền vay. Đưa về đúng tỷ lệ đòn bẩy theo quy định. Việc này được gọi là “Call margin” mà anh em thường hay nghe thấy.
Phần 2: 3 Sai lầm thường xuyên gặp khi sử dụng Margin
Việc sử dụng vay margin ngày càng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, Cú thấy rằng không ít anh em chưa tìm hiểu kỹ đã sử dụng loại đòn bẩy tài chính này. Dẫn đến việc thua lỗ nặng nề. Dưới đây là 3 sai lầm thường xuyên gặp phải khi sử dụng margin. Hãy hết sức lưu ý nhé !
2.1 Sai lầm 1: Dùng margin ngay từ những lần đầu
Rất nhiều anh em mới vào thị trường đã quan tâm tới margin. Mở tài khoản tại các CTCK và ngay sau đó, hỏi về cách vay margin.
Đây chính là sai lầm đầu tiên – dùng margin ngay những lần đầu. Không chỉ có những người đầu tư nhiều tiền. Những anh em đầu tư với số vốn nhỏ hơn cũng vậy. Có tâm lý chung rằng, TTCK dễ kiếm tiền, mình lãi 5%, 10% thì chẳng bõ bèn gì. Không biết bao giờ mới giàu được. Phải vay thêm để đến lúc lãi gấp 2, gấp 3 lần.
- Nguyên nhân dùng margin ngay từ những lần đầu rất rủi ro.
Vì nếu anh em full margin ngay từ đầu thì có nghĩa rằng đã đặt cược toàn bộ trạng thái giao dịch vào một deal duy nhất. Trong khi đó, mọi thứ trên TTCK chỉ là xác suất mà thôi. Nếu anh em rất giỏi thì cũng chỉ đúng 60%-70%. Để đạt được 60% anh em sẽ phải trải qua rất nhiều kinh nghiệm, phân tích vĩ mô, vi mô, kỹ thuật,.. Còn 70% là vô cùng hiếm và ít ai làm được.
Nhưng khi anh em đã full margin ngay lần đầu tiên thì nếu sai, sẽ không còn cơ hội sửa chữa nữa. Nó giống hệt như việc anh em mới tập lái xe đã bốc đầu luôn chứ không tập đi từ từ, đi cho vững rồi mới tăng tốc dần dần.
Tức là chúng ta không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra. Thị trường tài chính rất nhiều cơ hội nhưng luôn có rủi ro cao.
- Lời khuyên của Cú với những anh em đang margin từ những lần đầu.
Theo quan điểm của Cú, nên cắt bớt phần margin đi. Hoặc nếu có tiền mà vẫn tin tưởng vào deal đó, vào thị trường thì nên đóng tiền vào để giảm bớt chi phí margin xuống. Như vậy, sẽ hạn chế được việc thua lỗ nặng nề khi thị trường sụt giảm.
Ngoài ra, nên chia thành nhiều đợt và chỉ nên margin khi có lãi. Anh em đang có lãi và thấy thị trường ủng hộ, cổ phiếu diễn biến đúng, dòng tiền tốt thì mới tiếp tục dùng margin.
Cuối cùng, có thể là sử dụng margin nhưng không phải ngay những lệnh đầu tiên. Ví dụ anh em mua HPG ở giá 14.000 đồng/ cổ phiếu với một số lượng nhất định. Sau đó tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường. Thấy thị trường tiếp tục tăng thì có thể mua tiếp và sử dụng margin ở T2, T3. Khi HPG ở mức giá 15.000 đồng/ cổ phiếu – 16.000 đồng/ cổ phiếu. Như vậy, anh em vẫn có lãi và giảm thiểu được rủi ro khi sử dụng margin.
Sai lầm 2: Dùng margin để trung bình giá xuống (DCA)
- Rủi ro khi dùng margin để trung bình giá xuống (DCA)
Ví dụ, với mục đích lướt sóng, anh em mua HGP ở giá 52.000 đồng/ cổ phiếu. Thị trường điều chỉnh và rớt xuống mức giá 45.000 đồng/ cổ phiếu – 46.000 đồng/ cổ phiếu. Anh em sẽ không bán được hoặc không muốn bán và bị kẹt vốn. Lúc này anh thường sẽ làm gì?
Không ít anh em sẽ nghĩ rằng, để đợi giá lên 52.000 đồng/ cổ phiếu sẽ rất lâu. Chi bằng chúng ta mua luôn giá 45.000 đồng/ cổ phiếu thì trung bình giá sẽ là 47.500 đồng/ cổ phiếu. Giá lên đến 48.000 đồng/ cổ phiếu là hòa vốn và về bờ rồi.
Thế nhưng, thực tế thị trường nhiều lúc không như ta mong muốn. Một cổ phiếu tốt như HPG cũng có lúc rơi xuống giá 45.000 đồng/cổ phiếu – 46.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí là về giá hơn 10.000 đồng/ cổ phiếu (như trong hình). Chắc chắn những anh em mua trung bình giá cao sẽ rất đau đầu, thua lỗ nặng nề hoặc không biết bao giờ mới về bờ, thu hồi lại vốn. Nhất là vay Margin nữa thì càng mệt, vì có thêm áp lực nợ từ các CTCK.
Việc DCA trung bình giá xuống hay cưa chân bàn, nếu chúng ta đúng thì không sao, nhưng nếu chúng ta sai thì áp lực vô cùng lớn.
- Quy luật khi dùng margin để trung bình giá
DCA Trung bình giá xuống là điều rất nhiều anh em gặp phải.
Bởi lẽ anh em bị gắn kết với sự thua lỗ. Đặc biệt là khi lướt sóng, chúng ta cảm thấy việc thua lỗ vô cùng khó chịu. Một số anh em không chấp nhận việc thua lỗ. Vốn của mình ở một deal nào đó quá nhiều, quá lâu.
Trong khi chúng ta chưa hiểu rằng trong thị trường này, việc thua lỗ rất là bình thường. Mấu chốt là khi thua lỗ, làm sao lỗ ít thôi. Còn khi lãi thì lãi nhiều. Những anh em trader lâu năm hay những anh em làm quen với thị trường rồi, kiếm được nhiều tiền thì họ hiểu được cái quy luật này.
Lỗ thì cắt còn lãi thì DCA giá lên. Tức là mua trung bình giá lên.
Trung bình giá khi mình đúng, chứ không phải trung bình giá khi mình sai. Hầu hết chúng ta đều làm ngược. Khi giá xuống, cảm xúc dễ khiến cho chúng ta không thể cắt lỗ được. Thậm chí còn mua thêm. Cứ mua thêm và đợi. Khi giá tiếp tục xuống lại càng không thể cắt lỗ được vì đã rớt quá ngưỡng đau và sự kỳ vọng rồi. Đến khi đó, 1 là chúng ta tự cắt, 2 là chờ nộp tiền vào. Đấy là cảm xúc thông thường của những anh em không kiểm soát được việc mua trung bình giá xuống và cưa chân bàn.
Ngay cả bản thân Cú ngày xưa cũng từng bị như vậy. Cú khuyên anh em rằng: Cố gắng tránh việc này bằng cách không mua trung bình giá xuống. Tham gia thị trường với mục đích lướt sóng thì đặc biệt không được dùng margin, dùng tiền vay khi tài khoản đang lỗ.
Tài khoản đang lỗ thì mình hold, nếu mà cổ phiếu được đánh giá cơ bản là tốt.
Còn khi anh em đã bị lỗ rồi, không nên cố gắng dùng margin để cân bằng. Bởi lẽ sẽ tạo ra áp lực khủng khiếp đối với anh em. Chúng ta sẽ không đủ tỉnh táo để đưa ra quyết định đúng nữa. Một trong những nguyên nhân ban đầu của tình trạng bán đúng đáy là chính là trung bình giá xuống.
Vì vậy, hết sức lưu ý khi sử dụng margin để trung bình giá xuống (DCA).
Sai lầm 3: Không tính được hết các chi phí khi sử dụng margin
- Khoản phí 1: Tiền lãi vay khi sử dụng margin
Các khoản phí margin ban đầu tưởng chừng như khá hấp dẫn với nhà đầu tư. Ví dụ như thời điểm Cú viết bài viết này, Quý 1 năm 2023, techcombank đang có lãi suất phổ thông là 10,5%/năm. Thậm chí có những gói vay lãi suất 0,4%/năm hay 4,8%/năm với 30 ngày đầu.
Anh em bảo lãi suất như này thì quá ngon. Nhiều deal mình vừa mới vào đã lãi 5%, 7% rồi. Trong khi đó 1 năm có hơn 10% thì chẳng mấy chốc đã đủ trả lãi cả năm của margin rồi.
Nhưng mà không đúng đâu anh em ạ. Để Cú tính thử.
VD Anh em vay 1.000.000.000 đồng margin. Chúng ta phải trả lãi 10%/năm ở mức trung bình.
Anh em vay trong 2 tuần.
Công thức tính ra lãi vay margin sẽ là:
10% / 365 ngày x 14 ngày (2 tuần) = 0.0038%.
=> 0.0038% x 1.000.000.000 đồng = 3.800.000 đồng.
Như vậy, anh em vay 1.000.000.000 đồng margin trong 2 tuần đã mất 3.800.000 đồng tiền lãi vay.
- Khoản phí 2: Phí giao dịch
Có 2 thứ phí nữa mà chúng ta thường không để ý.
Phí thứ nhất là phí giao dịch. Thông thường khi mua, anh em sẽ mất 0,03%/ giá trị giao dịch – 0,15%/ giá trị giao dịch. Bán cũng tương tự. Tính cả thuế thu nhập cá nhân. Tức là cả mua cả bán, anh em sẽ phải trả cho CTCK thêm khoảng 0,06 – 0,3% của khoản vay. Tương đương với 600.000 đồng – 3.000.0000 đồng rồi.
- Khoản phí 3 : Phí chênh lệch mua bán
VD như HPG là một mã có thanh khoản cao. Anh em muốn bán thì phải bán ở mức giá 20.550 đồng/cổ phiếu. Còn muốn mua thì phải mua ở mức giá 20.600 đồng/ cổ phiếu. Đấy chính là chênh lệch mua bán. Đặc biệt là anh em mua với số lượng lớn hoặc mua vào thời điểm trong phiên liên tục thì mức giá này không chỉ chênh lệch 50 đồng/ cổ phiếu nữa. Mà có thể chênh lệch cả 100 đồng/ cổ phiếu hoặc 200 đồng/ cổ phiếu. Nếu anh em mua những con thanh khoản kém hơn thì mức giá này sẽ còn bị lệch nhiều hơn nữa.
Như mã GAS này, chênh lệch giá mua bán lên đến 800 đồng/ cổ phiếu.
Cú tính theo thông thường, mức chênh lệch khoảng 100 đồng/ cổ phiếu – 200 đồng/ cổ phiếu. Chiếm khoảng 1%- 2% cổ phiếu đấy thì anh em cũng mất thêm khoảng 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng sau mỗi lần mua bán rồi.
Cổ phiếu càng lớn, thanh khoản càng nhiều thì chênh lệch mua bán càng thấp. Cổ phiếu càng ít thanh khoản thì chênh lệch mua bán càng cao.
Tính tổng lại: 3.800.000 (tiền phí vay margin) + 3.000.0000 (phí giao dịch) + 2.000.000 (phí chênh lệch) = 8.800.000 đồng.
- Lưu ý về các khoản phí khi sử dụng margin
Công ty chứng khoán khi họ tính toán cho anh em mức lãi suất thấp như vậy một phần là họ cũng có nguồn vốn ưu đãi thật. Nhưng lý do quan trọng đằng sau đó là họ sẽ được hưởng phí giao dịch của anh em.
Vì khi chúng ta thấy lãi suất càng thấp, chúng ta lại càng tích cực margin và mua đi bán lại. Các CTCK càng có khách hàng trung thành hơn. Lúc này, phí giao dịch của họ cũng nhiều hơn.
Phần này khi anh em lướt thì cũng phải tính. Vì chúng ta nghĩ rằng lướt 1.000.000.000 đồng vay margin/ tháng chỉ hết 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng. Không đúng. Nhiều khi anh em lướt 5 lần/ tháng – 7 lần/ tháng. Mỗi lần như vậy, một tháng đã mất 40.000.000 đồng – 50.000.000 đồng rồi. Tức 5% – 7%. Chưa kể 3,4 các deal loss mất thêm 3%, 4% là mất hơn trăm triệu rồi.
Chúng ta không kiếm được thêm các deal lãi lớn thì có phải mệt không?
Như vậy, hãy tính hết phần phí mà chúng ta phải chịu. Đặc biệt lưu ý 3 loại phí: phí margin, phí giao dịch và phí chênh lệch mua bán.
Cú đã chia sẻ chi tiết về 3 sai lầm thông thường của chúng ta. Anh em cần ghi nhớ để nắm cho kỹ. Anh em nào đang phạm phải các sai lầm này thì thay đổi càng sớm càng tốt nhé.
Phần 3: Cách sử dụng margin trong từng trường hợp
3.1 : Cách sử dụng margin để lướt sóng
Lướt sóng trong chứng khoán mang lại vô vàn cảm xúc thú vị. Nhưng cũng cực kỳ rủi ro. Nhất là dùng margin để lướt sóng hay đầu cơ phái sinh.
Vậy thì khi dùng margin để lướt sóng cổ phiếu đầu cơ hoặc phái sinh, anh em cần ghi nhớ những lưu ý rất quan trọng.
- Phí giao dịch và bản chất của lướt sóng
Thứ nhất, phí giao dịch như Cú vừa nói, khoảng 1% mỗi lần lướt. Là chi phí chúng ta vào ra.
Trước tiên, ý thức được là chúng ta sẽ mất từng đấy tiền. Sau đó, xác định rằng, lướt sóng là cuộc chơi xác suất. Xác suất thì đúng 60%,70% là giỏi lắm rồi. Tính tổng 10 lần, tức là mất khoảng 10% phí giao dịch. Anh em đúng được 6 lần thì mỗi lần phải lãi được ít nhất 2% mới là hòa phí giao dịch.
- Sử dụng margin hiệu quả với tỷ lệ Risk/ Reward.
Thứ 2, anh em phải tính được tỷ lệ Risk/ reward. Tức là tính được tỷ lệ cắt lỗ và tỷ lệ sinh lời.
Ví dụ 2: anh em đã thực hiện 10 giao dịch/ tháng. Có 6 giao dịch có lợi nhuận và 4 giao dịch thua lỗ. Tỷ lệ winrate là 60%
Nếu tổng 6 lệnh thắng đem đến lợi nhuận 900.000.000 đồng, thì lợi nhuận trung bình là 150.000.000 đồng. Nếu tổng 4 lệnh thua là 500.000.000 đồng, thì thua lỗ trung bình là 125.000.000 đồng.
Áp dụng số liệu vào công thức trên ta được:
E = [1+ (150.000.000/ 125.000.000)] x 0,6 – 1 = 0.32 hoặc 32%.
Trong ví dụ này, kỳ vọng của chiến lược giao dịch là 32% (một kỳ vọng tích cực).
Tính chi tiết được tỷ lệ Risk/Reward rất quan trọng giúp anh em kiểm soát được tình trạng lãi lỗ trong cuộc đầu cơ đầy xác suất của mình.
- Các lưu ý khác khi sử dụng margin để lướt sóng
Nhất là khi lướt sóng, phải rất chú trọng đến việc tính được tỷ lệ thắng thua này. Sau đó, xem mỗi lần thắng được bao nhiêu. Thua bao nhiêu và chi phí vào lệnh là bao nhiêu. Tính cực kỳ chi tiết như vậy thì mới có lãi được. Không thì anh em chỉ mang tiền nộp cho các CTCK hết thôi, không được bao nhiêu cả.
Hồi mới đầu, có đợt Cú giao dịch, cứ nghĩ tháng này mình lãi lắm. Đến cuối tháng, tổng kết toàn là phí giao dịch. Khi mình chưa tối ưu được thì “béo” nhất là các CTCK. Vì phí giao dịch của mình quá nhiều.
Hãy tính toán chi tiết như Cú vừa hướng dẫn. Lưu ý, cần thống kê lại hàng tháng. Xem số lần mình lướt, tổng phí giao dịch, những lần cắt lỗ/ có lãi là bao nhiêu. Để đến tháng sau, chúng ta nhìn lại sẽ tiết chế được cái đó. Không còn vào ra lệnh quá nhiều. Thay vào đó, anh em sẽ lựa chọn những deal chắc ăn rồi mới vào. Thậm chí về sau, sẽ vào ít deal thôi nhưng các deal này có tỷ lệ thắng cao hơn rất nhiều.
Ngoài ra, khi dùng margin lướt sóng và vào lệnh, anh em nên vào từng bước thôi. Tuyệt đối không “liều”, quyết 5 ăn 5 thua thì sớm muộn cũng thất bại. Vì lướt sóng là chúng ta đang đấu với nhà cái, với thị trường. Và nếu không bảo vệ được mình, rất dễ hy sinh sớm. Đặc biệt, chỉ khi nào đúng mới gia tăng số lượng.
Những điều này là kinh nghiệm sống còn mà Cú có được khi dùng margin để lướt sóng. Cú mong rằng anh em sẽ ghi nhớ và luyện tập hàng ngày để trở thành những tay “lướt sóng” lão luyện.
3.2 : Cách sử dụng margin để lướt sóng trên trạng thái có sẵn
Ở Việt Nam, rất nhiều anh em theo trường phái đầu tư lâu dài.
Thế nhưng khi thị trường đang trong đà tăng, những anh em này cũng bị hấp dẫn bởi sức hút của thị trường và mong muốn tham gia lướt sóng. Lúc này, anh em có thể vay thêm margin để đầu cơ.
Vì nếu anh em mua cổ phiếu từ vùng đáy nền tốt, đang điều chỉnh và giảm kha khá thì hoàn toàn có thể mua để lướt trên trạng thái có sẵn. Tức là mua xong rồi bán. Bán T0, bán T1, bán T2 là có lãi.
Tuy nhiên khi lướt các mã này, Cú có 2 chú ý:
- Lướt hàng T khi thị trường tăng thì dễ hơn nhiều lướt hàng T khi thị trường giảm
- Lướt hàng T phải có kỷ luật nghiêm ngặt. Bởi vì anh em luôn cần nhớ, chi phí vào lệnh là 1%. Nếu anh em lướt trong trường hợp thị trường biến động mạnh thì giá mua và giá bán còn chênh lệch nhau nhiều hơn.
Nhiều trường hợp, anh em vừa mua xong thì thị trường giảm, lỗ ngay 3% – 5%… và khiến bản thân hoang mang. Không biết thị trường có đi theo đúng những gì mình dự báo hay sẽ tiếp tục giảm và khiến ta bị lỗ.
Vậy phải có nguyên tắc. Đặt ra kịch bản là nhỡ mua xong mà thị trường không như mình nghĩ. Hoặc chúng ta phải đặt ngay ra ngưỡng, chúng ta kỳ vọng bao nhiêu, đến giá bao nhiêu thì bán.
Trong trường hợp thị trường biến động mạnh về mặt tâm lý, hoàn toàn có thể xảy ra nhiều trường hợp. Thì anh em phải có kịch bản để cắt lỗ. Chứ nhỡ anh em dùng margin để lướt ngắn hạn và bị kẹp luôn hàng. Biến cái đấy thành đầu tư dài hạn thì rất sai. Tự nhiên gây áp lực cho mình. Anh em phải thận trọng dùng margin để lướt trong trạng thái có sẵn. Hãy nhớ rằng, trong ngắn hạn thì thị trường mang tính xác suất và cái tâm lý của thị trường là bất hợp lý và không đoán được.
3.3: Cách sử dụng margin để hold lâu dài
Vay margin lãi suất trung bình hơn 10%/năm. Trong khi không ít anh em kỳ vọng, sẽ lãi được 15%/năm – 20%/năm. Như vậy, việc vay margin để hold lâu dài cũng hợp lý đúng không nào?
Ban đầu có vẻ là vậy, nhưng khi đã tham gia rồi, anh em cũng cần chuẩn bị rất kỹ:
Thị trường luôn luôn khó đoán, nó có nhịp tăng, có nhịp giảm. Khi anh em hold lâu dài, chúng ta sẽ bị tăng gấp đôi sự căng thẳng lên. Bởi lẽ, nếu dùng tiền của mình thì đôi khi sự lì đòn rất cao. Còn sử dụng tiền vay thì tâm lý rất dễ bị ảnh hưởng. Nhất là khi thị trường biến động. Anh em có thể bán ra khi chưa đạt được kỳ vọng và chấp nhận thua lỗ.
Đấy là điều thường gặp phải và anh em cần chuẩn bị kỹ. Nếu anh em rơi vào tình huống này và không tỉnh táo được thì cố gắng viết ra. Tất cả những thông tin đấy sẽ rành mạch hơn và chúng ta dễ dàng đưa cho mình những quyết định phù hợp hơn.
Ngoài ra, cũng có một trường hợp khác là, anh em mua cổ phiếu margin nhưng cổ phiếu đấy lại bị chốt quyền mua. Khi mà chốt quyền, cổ phiếu đấy điều chỉnh giảm anh em lại phải bán để nộp tiền trả margin. Đây cũng là một lỗi cơ bản. Chúng ta chú ý rằng, một số cổ phiếu có quyền mua thì khi anh em mua cần xác định rõ khi nào mua vào và khi nào bán ra, Nếu mà muốn vào full thì chốt quyền xong phải bán, bán bớt để nộp tiền.
Tóm lại, thị trường chứng khoán cơ vô vàn tiềm năng. Nguy của người này là cơ hội của người khác. Cẩn trọng với margin và margin có kiểm soát chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận cho anh em. Đặc biệt áp dụng những cách sử dụng margin của Cú:
- Thứ nhất, chỉ margin khi mà mình đã lãi thôi. Hãy làm ngược cảm xúc, trung bình giá lên, lì đòn khi lãi. Còn giá xuống thì phải cắt, không thì phải hold, phải chờ. Tuyệt đối không nên theo cảm xúc, chốt non, lên một chút là bán ngay, còn lì đòn khi lỗ.
- Thứ 2, luôn luôn có kịch bản xấu khi thị trường không đúng như mình nghĩ.
- Thứ 3 cố gắng chọn điểm vào đẹp. Anh em không cần phải thắng mọi cơ hội, vào mọi con sóng của thị trường. Chỉ cần vào đúng 1 vài con sóng quan trọng nhất – khi anh em đã tìm hiểu kỹ, tìm hiểu sâu là đủ. Còn những con sóng khác, không hiểu có thể bỏ qua. Thà nuốt nước miếng còn hơn lau nước mắt.
Hy vọng bài viết hướng dẫn cách sử dụng margin trong đầu tư chứng khoán cho F0 này của Cú Thông Thái sẽ giúp anh em hiểu rõ và sử dụng hiệu quả margin trong quá trình đầu tư.
Ngoài ra, còn nhiều kiến thức bổ ích khác về chứng khoán mà Cú có chia sẻ trên kênh Youtube. Anh em có thể ghé kênh youtube của Cú để tham khảo thêm nhiều kiến thức về chứng khoán – tài chính.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về cách đầu tư cổ phiếu nói riêng, chứng khoán nói chung. Đặc biệt là với những anh em vừa chân ướt chân ráo bước vào thị trường. Anh em có thể tham khảo những bài hướng dẫn đầu tư chứng khoán cơ bản như:
>>Hướng dẫn đầu tư chứng khoán từ A-Z cho người mới bắt đầu
>>5 Bước hướng dẫn đầu tư chứng khoán cho F0 tuổi 30 (Nên biết)
Những bài viết này đều được Cú tổng hợp từ những kinh nghiệm đầu tư thực chiến của mình. Anh em có thể tham khảo hoặc có bất cứ thắc mắc gì có thể inbox cho Cú.
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Như đã nhắc ở phía trên, hiện tại Cú có cung cấp 3 khóa học chứng khoán từ cơ bản đến nâng cao. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Khóa học sẽ giúp anh em
Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc về đầu tư và khóa học cho anh em nhé !
Các kênh thông tin của Cú
Đểcập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về tài chính – chứng khoán, anh em có thể theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://www.facebook.com/CuThongThai.VNInvestor/
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969