Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp ngành Điện dễ hiểu nhất
Những năm gần đây, tự do hóa ngành điện đã làm cho cổ phiếu ngành điện trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên không phải cứ cầm cổ phiếu công ty điện nào cũng thắng. Anh em không thể nhắm mắt chọn bừa mà cần có cái nhìn tổng quan cả ngành điện. Cũng như phân tích riêng lẻ từng doanh nghiệp. Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp là bước đầu tiên, quan trọng nhất khi quyết định đầu tư. Cụ thể, anh em cần làm những gì? Hãy theo dõi bài viết của Cú nhé!
Mở đầu
Năm 2022, có 38 doanh nghiệp điện được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp này trải dài từ Bắc vào Nam với các mức giá cổ phiếu khác nhau. Làm sao để có thể chọn một hoặc một vài mã trong số đó để cho vào danh mục của mình. Chắc hẳn ngoài yếu tố phân tích kỹ thuật. Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp cũng là một kỹ năng cơ bản cần có.
Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp giúp anh em có cái nhìn sâu, rộng nhất về một doanh nghiệp:
– Công ty này có bao nhiêu tài sản?
– Tài sản này đang ở đâu, là cơ sở vật chất gia tăng sản xuất?
– Hay đang được thế chấp tại ngân hàng?
– Số nợ này có nằm trong tỷ lệ an toàn?
…
Và còn nhiều câu hỏi nữa. Từ đó anh em sẽ tự mình đánh giá được rằng liệu có nên mua hay không mua mã cổ phiếu này hay không. Hãy cùng Cú đi vào chi tiết các hạng mục khi phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp ngành điện nhé!
Phần 1: Báo cáo tài chính doanh nghiệp là gì?
Trong phần này, Cú sẽ gửi đến anh em những khái niệm chung về báo cáo tài chính doanh nghiệp. Đây là những kiến thức cơ bản nhất, có trong bất kỳ một báo cáo tài chính nào. Sẽ có khá nhiều lý thuyết. Nhưng Cú tin rằng các ví dụ sẽ khiến anh em dễ hiểu hơn, dễ nhớ hơn.
Tuy nhiên, Cú cũng rất mong nhận được những tin nhắn từ anh em qua trang page https://www.facebook.com/CuThongThai.VNInvestor/ để thảo luận kỹ hơn nữa nhé!
1.1. Khái niệm báo cáo tài chính là gì?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật Kế toán số 88/2015/QH13. Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán. Được trình bày theo mẫu biểu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Nói cách khác, báo cáo tài chính giúp cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp. Phòng kế toán của doanh nghiệp sẽ tạo ra những bảng biểu này. Thông qua các quy tắc, chuẩn mực phù hợp với quy định của Nhà nước.
Cũng theo pháp luật, mọi doanh nghiệp đều phải lập và trình bày báo cáo tài chính năm. Thông thường, khi xem nhanh trên Cafef, Vietstock, anh em sẽ thấy số liệu theo quý, theo năm. Nhưng duy nhất có báo cáo tài chính năm là bắt buộc.
1.2 Thời hạn nộp báo cáo tài chính
Thời hạn nộp báo cáo tài chính được chia làm hai loại. Phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Và cũng được phân chia theo báo cáo tài chính năm hay báo cáo tài chính quý. Cụ thể như sau:
1.2.1 Thời hạn nộp báo cáo tài chính của Doanh nghiệp Nhà nước
+ Thời hạn nộp báo cáo tài chính quý: Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý. Các công ty mẹ, tổng công ty Nhà nước: chậm nhất là 45 ngày. Các đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước sẽ nộp báo cáo tài chính cho công ty mẹ theo thời hạn do công ty mẹ quy định.
+ Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm: Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Các công ty mẹ, tổng công ty Nhà nước: Chậm nhất là 90 ngày. Các đơn vị kế toán trực thuộc sẽ nộp báo cáo tài chính cho công ty mẹ theo thời hạn quy định.
1.2.2 Thời hạn nộp báo cáo tài chính của Doanh nghiệp khác
+ Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Các đơn vị kế toán khác chậm nhất là 90 ngày.
+ Đơn vị kế toán trực thuộc nộp báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn quy định.
Anh em lưu ý rằng, doanh nghiệp sẽ bị phạt khi nộp chậm báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Mức phạt cụ thể sẽ giao động từ 5 triệu tới 30 triệu đồng tùy thuộc vào sai phạm. Tuy nhiên dưới góc nhìn của nhà đầu tư, một doanh nghiệp luôn chậm trễ trong việc công bố báo cáo tài chính. Sẽ mất tín nhiệm nhiều hơn số tiền phạt mà doanh nghiệp phải chịu.
1.3. Quy định công bố thông tin về báo cáo tài chính
Đối với những nhà đầu tư như anh em mình, thời hạn về công bố thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Trước và sau thời điểm công bố thông tin này, sẽ có rất nhiều biến động về giá. Dựa vào những thông tin thu thập được, những nhận định, đánh giá về công ty, anh em có thể đưa ra những quyết định mua/bán khi dự đoán báo cáo tài chính tích cực hay tiêu cực. Cụ thể được chia ra như sau:
– Báo cáo tài chính năm: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính (trường hợp được UBCKNN gia hạn tối đa không quá 100 ngày).
– Báo cáo tài chính bán niên: Trong vòng 05 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét/kiểm toán nhưng không vượt quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính (trường hợp được UBCKNN gia hạn tối đa không quá 60 ngày).
– Báo cáo tài chính quý hoặc Báo cáo tài chính quý đã được soát xét/kiểm toán (nếu có):
- 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý (trường hợp được UBCKNN gia hạn tối đa không quá 30 ngày)
- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét/kiểm toán (trường hợp là BCTC quý đã được soát xét/kiểm toán)
– Báo cáo thường niên: Trong vòng 20 ngày sau ngày công bố BCTC năm được kiểm toán nhưng không vượt quá 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
– Báo cáo tình hình quản trị công ty (06 tháng và năm): Trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo.
– Họp Đại hội đồng cổ đông: Công bố tài liệu họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc họp ĐHĐCĐ.
– Báo cáo sử dụng vốn: Trường hợp huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư: Báo cáo định kỳ 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cho đến khi hoàn thành dự án; hoặc cho đến khi đã giải ngân hết số tiền huy động được (báo cáo UBCKNN).
1.4. Báo cáo tài chính doanh nghiệp bao gồm những gì?
Báo cáo tài chính doanh nghiệp được lập nên bởi các kế toán viên. Nhằm mục đích đưa ra những quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Căn cứ theo mục đích sử dụng của báo cáo tài chính. Thông thường có thể chia thành 4 loại phổ biến như sau:
- Báo cáo kết quả kinh doanh
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu
- Bảng cân đối kế toán
Mỗi loại báo cáo tài chính có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Anh em cần phân tích, hiểu cả 4 loại báo cáo tài chính này để nắm rõ cơ bản của doanh nghiệp.
1.3.1. Bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính
Bảng cân đối kế toán gồm 2 phần nguồn vốn và tài sản, liệt kê cụ thể thông tin về tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty vào một thời điểm (ngày), cuối tháng, cuối quý, cuối năm.
Cụ thể:
- Phần tài sản: phản ánh toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp. Dưới tất cả hình thái và ở mọi giai đoạn của quá trình kinh doanh đến cuối kỳ hạch toán.
- Phần nguồn vốn: phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản của doanh nghiệp vào thời điểm cuối kỳ. Thông thường sẽ là các khoản nợ và các khoản vốn của doanh nghiệp.
1.3.2 Báo cáo kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính
Là loại báo cáo thể hiện các khoản doanh thu, thu nhập khác và chi phí của doanh nghiệp. Thể hiện hoạt động của đơn vị trong 1 giai đoạn cụ thể cụ thể như tháng, quý, năm.
Là một báo cáo mang tính chất độc lập, cho thấy kết quả kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp. Thông thường anh em sẽ thấy báo cáo này được trình bày theo trình tự logic. Doanh thu sau khi trừ đi chi phí sẽ ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Lợi nhuận dương là doanh nghiệp làm ăn có lãi. Ngược lại, lợi nhuận âm thể hiện doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ.
1.3.3 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Là loại báo cáo thể hiện việc doanh nghiệp tạo ra, sử dụng dòng tiền trong 1 kỳ nhất định. Báo cáo cho thấy một cách cụ thể về hoạt động vào – ra của các dòng tiền trong một kỳ. Thông qua ba loại hoạt động như sau:
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh
- Dòng tiền từ các hoạt động đầu tư
- Dòng tiền từ các hoạt động tài chính.
Nhìn vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ, anh em có thể thấy. Dòng tiền của doanh nghiệp được tạo ra từ đâu. Doanh nghiệp sử dụng tiền của mình cho những mục đích gì. Tuy nhiên, không hẳn lúc nào dòng tiền âm cũng xấu. Cú sẽ giới thiệu chi tiết hơn trong phần phân tích cụ thể nhé!
1.3.4 Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính
Thể hiện sự thay đổi của vốn chủ sở hữu trong kỳ nhất định một cách ngắn gọn, cụ thể nhất.
Theo đó, vốn chủ sở hữu có thể tăng hoặc giảm:
- Tăng phát sinh do chủ sở hữu đầu tư và lãi thuần tăng trong kỳ
- Giảm do chủ sở hữu rút vốn hay từ lỗ thuần trong kỳ.
Từ đó, anh em có thể thấy được ý chí, đường lối của chủ đầu tư. Một công ty có ông chủ là người tâm huyết, tầm nhìn rộng sẽ đáng được đầu tư hơn nhiều. Đúng không anh em nhỉ?
Phần 2: Phân tích bảng cân đối kế toán doanh nghiệp ngành điện
Đầu tiên, anh em hãy cùng Cú phân tích bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp điện nhé.
– Bảng cân đối cụ thể bao gồm những phần gì?
– Anh em cần phải lưu ý những gì khi đọc báo cáo tài chính?
– Khi phân tích, những chỉ số nào là quan trọng nhất?
Cú sẽ trả lời theo trình tự nhé. Mong rằng anh em sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích qua phần này.
2.1. Thành phần của bảng cân đối kế toán ngành điện
Thông thường, bảng cân đối kế toán được chia làm 4 phần: A, B, C, D. Cú sẽ tóm lược lại để anh em dễ hình dung như sau:
A Tài sản ngắn hạn
- Tiền và các khoản tương đương tiền
- Đầu tư tài chính ngắn hạn
- Các khoản phải thu ngắn hạn
- Hàng tồn kho
- Tài sản ngắn hạn khác
B Tài sản dài hạn
- Các khoản phải thu dài hạn
- Tài sản cố định
- Tài sản dở dang dài hạn
- Tài sản dài hạn
Tổng tài sản= A+B
C Nợ phải trả
- Nợ ngắn hạn
- Nợ dài hạn
D Vốn chủ sở hữu
- Vốn chủ sở hữu
- Lợi nhuận sau thuế
Tổng nguồn vốn= C+D
Nguyên tắc cơ bản nhất của bảng cân đối kế toán là Tổng tài sản bằng Tổng nguồn vốn. Nghĩa là A+B=C+D
Ví dụ: Doanh nghiệp A có tổng tài sản là 100,000,000. Thì tổng nguồn vốn của doanh nghiệp đó cũng sẽ là 100,000,000.
Tại sao bảng cân đối kế toán luôn cân bằng. Điều đó có thể được giải thích như sau:
- Khi có nghiệp vụ kinh tế phát sinh xảy ra thì luôn luôn ghi 2 tài khoản. Một bên ghi nợ và 1 bên ghi có và số tiền hai bên phải bằng nhau. Đây là nguyên tắc kế toán kép khi ghi sổ kế toán.
- Và bất kỳ 1 nghiệp vụ kinh tế phát sinh nào xảy ra trong công ty. Cho dù ghi nhận như thế nào đi chăng nữa. Cuối cùng cũng làm cho giá trị của tài sản tăng lên hoặc giá trị của tài sản giảm xuống. Tài sản thì luôn có nguồn hình thành. Nên một khi giá trị của tài sản tăng lên hay giảm xuống. Nguồn vốn cũng phải tăng lên hay giảm xuống bằng giá trị của tài sản tăng lên hay giảm xuống.
Như anh em trước khi quyết định đầu tư, sẽ sử dụng báo cáo tài chính được lập sẵn. Để tiến hành phân tích tình hình tài chính, hoạt động của công ty. Đó là những báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo quy định của pháp luật. Nên có mức độ tin cậy khá cao. Và chắc chắn rằng chúng ta sẽ không gặp một bảng cân đối kế toán nào không cân bằng cả.
2.2. Sự cần thiết của việc phân tích bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp điện
– Phân tích bảng cân đối kế toán là dùng các kỹ thuật phân tích. Để biết được mối quan hệ của các chỉ tiêu trong bảng cân đối kế toán. Dùng số liệu đó để đánh giá tình hình tài chính, khả năng và tiềm lực của doanh nghiệp. Giúp người sử dụng thông tin đưa ra các quyết định tài chính, quyết định quản lý phù hợp.
– Phân tích bảng cân đối kế toán cung cấp thông tin về nguồn vốn, tài sản, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản hiện có. Giúp cho chủ doanh nghiệp tìm ra điểm mạnh và điểm yếu trong công tác tài chính. Từ đó có những biện pháp thích hợp cho quá trình phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Cú thiết nghĩ, cũng giống như khi đi vay ngân hàng. Anh em ngoài việc chứng minh khả năng trả nợ của mình còn phải có tài sản đảm bảo. Đầu tư chứng khoán cũng thế, khi anh em quyết định mua cổ phiếu của một doanh nghiệp. Thì việc đầu tiên chắc hẳn là phải xem doanh nghiệp đó có bao nhiêu tài sản. Doanh nghiệp đang nợ bao nhiêu? Như một phương pháp đảm bảo cho khoản đầu tư của mình trong trường hợp xấu nhất.
Lý thuyết thì thế, nhưng thực tế thì phải phân tích như thế nào? Doanh nghiệp điện có những đặc điểm nào cần lưu ý hơn so với các doanh nghiệp khác. Anh em hãy đọc phần tiếp theo đây nhé!
2.3 Phân tích bảng cân đối kế toán doanh nghiệp điện
2.3.1 Phân tích theo chiều ngang bảng cân đối kê toán trong báo cáo tài chính
Thông thường khi xem nhanh trên các trang chuyên cung cấp dữ liệu chứng khoán. Anh em sẽ thấy các số liệu được sắp xếp như sau:
– Chiều dọc: theo thứ tự bảng cân đối kế toán A B C D.
– Chiều ngang: Số liệu theo các năm/quý.
Từ đó có thể dễ dàng nhìn thấy sự thay đổi của cùng một hạng mục kế toán theo thời gian. Để dễ hình dung, Cú xin lấy ví dụ về phân tích báo cáo tài chính Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, mã giao dịch POW. Giới thiệu tổng quan, POW xếp thứ 4 các nhà sản xuất điện lớn nhất Việt Nam, sở hữu và vận hành 6 nhà máy điện với tổng công suất là 4,205 MW, trong đó 3 nhà máy nhiệt điện khí (2,700MW), 01 nhà máy nhiệt điện than (1200MW) và 02 nhà máy thủy điện công suất 305 MW.4
Bước 1: So sánh là tổng tài sản thay đổi như thế nào qua các năm.
Như ví dụ ở trên, Tổng tài sản của POW giảm dần qua các năm. Năm 2018 là 58,111 nghìn tỷ giảm xuống còn 52,976 nghìn tỷ năm 2021. Chưa cần biết nguyên nhân do đâu, nhưng một xu hướng giảm nghe có vẻ là một dấu hiệu không tốt. Chúng ta vẫn luôn muốn hướng đến những doanh nghiệp có quy mô tài sản tăng dần qua các năm.
Bước 2: Phân tích chi tiết các khoản mục kế toán.
Tiếp theo anh em cần đi tìm nguyên nhân cho sự tăng/giảm tổng tài sản này. Xét phần A Tài sản ngắn hạn và phần B tài sản dài hạn để biết chính xác sự thay đổi này đến từ đâu. Trở lại với POW: Tài sản ngắn hạn A tăng dần qua các năm. Tài sản dài hạn B giảm dần qua các năm thông qua việc giảm dần các khoản phải thu dài hạn.
Điều này có thể nói là một trong những đặc trưng của một doanh nghiệp ngành điện. Khách hàng chủ yếu của các doanh nghiệp điện là công ty mua bán điện EPTC. Đây là công ty độc quyền mua bán điện của Tổng công ty điện lực Việt Nam EVN. Những năm gần đây, EPTC có vẻ đã tích cực trả tiền trực tiếp thay vì trả sau. Do đó, không chỉ khoản phải thu dài hạn mà khoản phải thu ngắn hạn của các doanh nghiệp điện cũng giảm đáng kể. Bù lại, lượng tiền của doanh nghiệp cũng tăng lên khá nhiều.
Bình thường khi một doanh nghiệp có khoản phải thu giảm qua các năm phần nào nó báo hiệu một tương lai hợp tác kinh doanh mua bán lâu dài với khách hàng khá ảm đạm. Tuy nhiên, anh em không cần lo lắng điều này đối với doanh nghiệp ngành điện.Vì EPTC đã bao thầu tất cả. Cũng như nhu cầu về điện của Việt Nam luôn vượt trên khả năng sản xuất.
Tương tự Tổng tài sản, cơ cấu Tổng nguồn vốn cũng cần được xem xét.
Xét ví dụ trên, Nợ phải trả của POW giảm từ 31,296 nghìn tỷ năm 2018 còn 21,851 nghìn tỷ năm 2021. Vốn chủ sở hữu tăng lên từ 26, 815 nghìn tỷ lên 31,125 nghìn tỷ. Đây hoàn toàn là những con số tích cực. Vốn chủ sở hữu tăng, Nợ phải trả giảm.
Tuy nhiên xét trong bối cảnh tổng nguồn vốn giảm thì có lẽ cần phải phân tích thêm. Tiếp theo thì anh em cũng cần phân tích nguồn nợ, tăng giảm do đâu. Sự tăng giảm đó là tích cực hay tiêu cực. Theo xu hướng hay đột ngột. Như trong báo cáo của POW, nợ ngắn hạn thay đổi không đáng kể qua các năm. Nợ dài hạn giảm chủ yếu do giảm vay nợ từ các ngân hàng, tổ chức tài chính. Sự thay đổi này mang tính xu hướng qua các năm và không có gì đột biến hay bất thường cả.
Sau cùng anh em cũng cần phải phân tích cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu. Tổng nguồn vốn tăng do nguyên nhân nào? Đa phần vốn góp chủ sở hữu thường không thay đổi qua các năm. Sự thay đổi phần nhiều đến từ các quỹ đầu tư và lợi nhuận chưa phân phối. Sự thay đổi tăng là tín hiệu tích cực cho lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như triển vọng phát triển trong tương lai.
Bước 3: Phân tích các chỉ số
- Chỉ số đòn bẩy tài chính
Một cách trực quan, ai mà mong mình lắm nợ đúng không anh em? Nhưng khi biết đến khái niệm Đòn bẩy tài chính. Tức là tỷ lệ Nợ/Tổng tài sản Cú tin rằng anh em sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác. Một đòn bẩy tài chính phù hợp sẽ gia tăng khả năng sản xuất của một công ty.
Ví dụ, một doanh nghiệp với số vốn hiện có sẽ duy trì hoạt động kinh doanh rất tốt. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đó có nhu cầu mở rộng sản xuất. Số vốn hiện tại không thể đáp ứng được. Vay nợ, tức sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ giúp cho doanh nghiệp huy động được vốn. Gia tăng sản xuất, mở rộng quy mô.
Nhưng lý do tại sao Cú lại sử dụng từ phù hợp cho đòn bẩy tài chính. Vì vay nợ luôn kèm theo lãi suất và năng lực trả nợ. Nếu tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực trả nợ, lãi. Dẫn đến nguy cơ phá sản hoặc làm giảm hiệu quả của việc kinh doanh. Ngược lại nếu tỷ lệ đòn bẩy quá thấp, doanh nghiệp không tận dụng được nguồn vốn một cách có hiệu quả để phát triển thêm nhiều dự án mới, sản phẩm mới. Tỷ lệ này ổn định qua các năm cũng phần nào thể hiện sự nhất quán của doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Xét riêng với doanh nghiệp điện, nợ thường bao gồm chủ yếu là vay nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng như nhà cung cấp. Vì là ngành cung cấp năng lượng cho cả nước, nên các doanh nghiệp điện thường được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ dành riêng cho ngành điện.
- Chỉ số thanh toán
Các chỉ số trong loại này được tính toán và sử dụng để quyết định xem liệu một doanh nghiệp nào đó có khả năng thanh toán các nghĩa vụ phải trả ngắn hạn hay không?
- Chỉ số thanh toán hiện hành
Đây là chỉ số đo lường khả năng doanh nghiệp đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn. Nhìn chung, với các công ty ngành điện thì chỉ số này ở mức 1.5-3 được xem là tốt. Chỉ số này càng thấp ám chỉ doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đối với việc thực hiện các nghĩa vụ của mình. Nhưng một chỉ số thanh toán hiện hành quá cao cũng không luôn là dấu hiệu tốt. Vì nó cho thấy tài sản của doanh nghiệp bị cột chặt vào “tài sản lưu động” quá nhiều. Và như vậy thì hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp là không cao.
Công thức tính:
Chỉ số thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/ Nợ ngắn hạn
Ví dụ ở POW năm 2021:
– Tài sản ngắn hạn: 15,251 nghìn tỷ
– Nợ ngắn hạn: 17,570 nghìn tỷ
– Chỉ số thanh toán hiện hành = 15,251/17,570 = 0.87
Cho thấy POW sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của mình. Nói nôm na thì, khi tất cả các khoản nợ ngắn hạn đồng loạt đến hạn. POW dù có huy động mọi tài sản ngắn hạn cũng chỉ không thể trả được hết nợ.
- Chỉ số thanh toán nhanh
Chỉ số thanh toán nhanh cho biết liệu công ty có đủ các tài sản ngắn hạn. Để trả cho các khoản nợ ngắn hạn mà không cần phải bán hàng tồn kho hay không. Chỉ số này phản ánh chính xác hơn chỉ số thanh toán hiện hành. Thông thường một công ty có chỉ số thanh toán nhanh nhỏ hơn 1.Sẽ khó có khả năng hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn và phải được xem xét cẩn thận. Ngoài ra, nếu chỉ số này nhỏ hơn hẳn so với chỉ số thanh toán hiện hành thì điều đó có nghĩa là tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào hàng tồn kho.
Tuy nhiên, với các công ty điện, chỉ số này thường không cao và nhiều công ty dưới 1. Do đặc trưng sản xuất điện cần rất nhiều tài sản cố định. Và hàng tồn kho của doanh nghiệp điện cũng không chiếm tỷ trọng quá lớn. Nên chỉ số này thường không quá khác biệt so với chỉ số thanh toán hiện hành.
Công thức:
Chỉ số thanh toán nhanh: (Tiền và các khoản tương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn+Phải thu ngắn hạn)/ Nợ ngắn hạn
Xét chỉ số thanh toán nhanh của POW năm 2021:
– Tiền và các khoản tương đương tiền: 3,185 nghìn tỷ
– Đầu tư tài chính ngắn hạn: 176 nghìn tỷ
– Phải thu ngắn hạn: 7,530 nghìn tỷ
– Nợ ngắn hạn;: 17,570 nghìn tỷ
– Chỉ số thanh toán nhanh= (3,185+176+7,530)/17,570=0.62
Do chỉ số thanh toán hiện hành nhỏ hơn 1 nên chỉ số thanh toán nhanh nhỏ hơn 1 là điều dễ hiểu.
- Chỉ số thanh toán tiền mặt
Tỷ số thanh toán tiền mặt cho biết một công ty có thể trả được các khoản nợ của mình nhanh đến đâu, vì tiền và các khoản tương đương tiền là những tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Tuy nhiên chỉ số này thường sẽ thấp trong các doanh nghiệp điện.
Công thức:
Chỉ số thanh toán tiền mặt = (Tiền và các khoản tương đương tiền + Đầu tư ngắn hạn)/Nợ ngắn hạn
Ví dụ về chỉ số thanh toán tiền mặt ở POW
– Tiền và các khoản tương đương tiền: 3,185 nghìn tỷ
– Đầu tư tài chính ngắn hạn: 176 nghìn tỷ
– Nợ ngắn hạn;: 17,570 nghìn tỷ
– Chỉ số thanh toán tiền mặt= (3,185+176)/17,570=0.19
Anh em thấy không? Chỉ số này rất thấp đúng không? Tuy nhiên, khi lựa chọn đầu tư vào doanh nghiệp điện nào. Anh em cần so sánh chỉ số này giữa các doanh nghiệp điện. Để biết rằng chỉ số thấp này có đáng lo ngại hay không.
Ngoài ra, liên quan đến bảng cân đối kế toán còn rất nhiều chỉ tiêu cần xem xét. Nhưng cần kết hợp với các báo cáo tài chính khác như báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo dòng tiền… Do đó, Cú sẽ giới thiệu với anh em ở phần sau nhé!
2.3.2 Phân tích theo chiều dọc bảng cân đối kê toán trong báo cáo tài chính
Phân tích theo chiều dọc, hay nói cách khác là phân tích theo tỷ trọng. Là phương pháp phân tích số liệu của báo cáo tài chính theo tỷ lệ với tổng tài sản. Cụ thể, anh em có thể lấy các khoản mục chia cho tổng tài sản để dưới dạng phần trăm. Từ đó có cái nhìn tổng thể về cơ cấu của các khoản mục. Nhận biết được phần tài sản nào chiếm tỷ trọng lớn/nhỏ. Xét trong bối cảnh ngành điện, cơ sở hạ tầng và máy móc là rất lớn. Nên tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng từ 55-70% tổng tài sản là một con số hợp lý.
Cũng chính vì chi phí sản xuất là rất lớn, nên các doanh nghiệp ngành điện cũng có tỷ trọng nợ là khá lớn.
Trở lại với POW, chúng ta cũng có thể tạo biểu đồ những mục cần quan sát để có cái nhìn trực quan nhất. Khi phân tích một bảng cân đối kế toán. Anh em cũng có thể kết hợp cả phân tích chiều dọc và chiều ngang. Để cho ra một kết quả khách quan nhất, toàn diện nhất nhé!
Phần 3: Phân tích báo cáo kết quả kinh doanh
Báo cáo kết quả kinh doanh là bản báo cáo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán. Nội dung báo cáo bao gồm hoạt động kinh doanh chính và các hoạt động khác của doanh nghiệp. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ nắm được tình hình kinh doanh của công ty. Cũng như tình hình thuế và bảo hiểm. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cũng rất quan trọng. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu không chỉ với doanh nghiệp mà còn với những bên có liên quan. Lợi nhuận càng cao chứng tỏ hoạt động kinh doanh càng có hiệu quả. Và điều này sẽ giúp doanh nghiệp thu hút số vốn lớn từ các nhà đầu tư.
3.1 Thành phần của báo cáo kết quả kinh doanh
Trong báo cáo kết quả kinh doanh có 4 phần chính. Trong đó phần đầu tiên phản ánh doanh thu, chi phí của các hoạt động trong kỳ. Sau đó là phần 2, phản ánh doanh thu và chi phí từ các hoạt động khác của doanh nghiệp. Tiếp theo là phần 3 với nội dung là trình bày lợi nhuận và nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Cuối cùng là trình bày lãi cơ bản và suy giảm trên cổ phiếu. Cụ thể, anh em hãy cùng Cú phân tích những nội dung sau đây nhé!
Báo cáo kết quả kinh doanh
– Doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ: Là doanh thu được ghi nhận thông qua các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ chính của doanh nghiệp. Xét riêng doanh nghiệp điện, doanh thu đến từ các hoạt động chính. Doanh thu bán điện, doanh thu cung cấp dịch vụ. Doanh thu bán hàng hóa, doanh thu bán nguyên liệu, phế phẩm và doanh thu hợp đồng xây dựng.
– Giá vốn hàng bán: Chỉ bao gồm các chi phí trực tiếp liên quan tới nguyên liệu thô, nhân công và chi phí vận chuyển nhằm tạo ra doanh thu cho mặt hàng kinh doanh chính của Doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp điện, giá vốn cũng được chia làm giá vốn bán điện, giá vốn cung cấp dịch vụ, giá vốn bán hàng hóa, giá vốn hợp đồng xây dựng. Ngoài ra luôn có 1 khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Tùy theo mỗi năm mà số này có thể âm hay dương. Nếu là số dương, có nghĩa là doanh thu sẽ bị giảm 1 phần bằng với số dự phòng này. Ngược lại nếu là số âm, nghĩa là doanh thu sẽ tăng. Thông thường khi dự phòng giảm giá là số âm, thì là do năm ngoái trích lập dự phòng nhiều quá không giảm hết, nên hoàn nhập vào năm nay. Cú nghĩ đây cũng là một phần đáng lưu ý khi đọc báo cáo tài chính. Để thực sự hiểu được bản chất của doanh thu và chi phí.
– Lợi nhuận gộp: Sau khi lấy doanh thu bán hàng trừ đi chi phí giá vốn hàng bán. Sẽ thu được Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Khoản mục này sẽ cho biết khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Trước khi tính tới các chi phí hoạt động và các chi phí khác.
– Chi phí hoạt động: bao gồm các chi phí như chi phí quản lý và vận hành. Chi phí bán hàng, chi phí nhân công và các chi phí khác cần thiết. Để duy trì hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
– Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh: Chỉ tiêu này cho thấy khả năng tạo lợi nhuận. Từ các hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp. Nếu lợi nhuận từ các hoạt động cốt lõi của đơn vị chiếm tỷ trọng càng cao trong tổng lợi nhuận thì chất lượng của lợi nhuận càng cao và càng bền vững.
– Chi phí lãi vay: Để duy trì hoạt động liên tục, các doanh nghiệp sẽ sử dụng vốn vay được tài trợ từ ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác. Chi phí lãi vay là toàn bộ chi phí lãi mà doanh nghiệp phải trả cho các chủ nợ. Trong kỳ kinh doanh mà báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh ghi nhận.
-Thu nhập trước thuế: Khoản thu nhập trước khi phải nộp thuế cho các cơ quan quản lý.
-Thuế thu nhập và Lợi nhuận sau thuế: Sau khi nộp thuế cho cơ quan quản lý. Phần còn lại chính là Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong năm tài chính đó.
Báo cáo kết quả kinh doanh sẽ thể hiện tuần tự qua các thành phần trên. Anh em có thể dễ dàng đọc và suy luận logic. Ở trên các trang dữ liệu doanh nghiệp, thông tin này sẽ được tóm gọn. Tuy nhiên, khi phân tích doanh nghiệp, chúng ta buộc phải đọc và lấy thông tin từ bảng thuyết minh báo cáo tài chính. Để có cái nhìn tổng quan mọi hoạt động của doanh nghiệp. Để hiểu rõ doanh thu từ đâu, tỷ trọng bao nhiêu. Cần chú ý những khoản mục gì? Có sự ghi nhận đột biến ở mục nào không? Hãy cùng Cú phân tích chi tiết trong phần sau nhé!
3.2. Phân tích báo cáo kết quả kinh doanh
3.2.1 Phân tích báo cáo kết quả kinh doanh theo chiều ngang
Đầu tiên anh em cũng cần so sánh các mục của báo cáo kết quả kinh doanh theo các kỳ năm hoặc quý. Một xu hướng tăng thể hiện sự tích cực trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi có sự biến động mạnh qua các năm. Giả sử với POW, doanh thu năm 2018 từ 14,835 nghìn tỷ tăng lên 2019 là 35,374 nghìn tỷ. Nhưng năm 2020 và 2021 lại giảm tương ứng là 29,731 nghìn tỷ và 25,560 nghìn tỷ. Sự sụt giảm này là không mong muốn nhưng có thể giải thích hợp lý được. 2020 và 2021 là 2 năm dịch covid 19 bùng nổ, với các biện pháp kiểm soát mạnh, khiến toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn. Nhu cầu sử dụng, tiêu thụ điện và các dịch vụ điện vì đó cũng giảm mạnh. Tuy nhiên năm 2022, dịch covid 19 kết thúc sẽ giúp cho doanh thu của các doanh nghiệp ngành điện tăng lên. Báo hiệu một khởi đầu cho 1 chu kỳ tăng doanh thu mới của toàn ngành.
Tiếp theo cần chú ý sự tương quan giữa giá vốn hàng bán và doanh thu, thông thường là quan hệ cùng chiều. Doanh thu tăng tương ứng giá vốn tăng, doanh thu giảm tương ứng với giá vốn hàng bán giảm. Tuy nhiên, nếu có sự thay đổi ngược chiều, doanh thu giảm nhưng giá vốn tăng. Thể hiện sự khó khăn trong kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ như doanh nghiệp không thể tăng giá bán hàng hóa dịch vụ. Hoặc doanh nghiệp đang phải chịu chi phí đầu vào quá cao. Anh em cần cân nhắc khi đầu tư vào những doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp còn phải chi rất nhiều loại chi phí khác (cụ thể ở phần trên). Cũng như có thêm doanh thu từ những nguồn khác. Nên thứ anh em nên quan tâm cuối cùng là lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Doanh thu tăng qua các năm, nhưng lợi nhuận không tăng theo các năm cũng rất đáng quan ngại. Điều đó thể hiện lỗ hổng trong quản lý, sử dụng vốn không hiệu quả.
Để dễ hình dung, doanh thu giống như lương của anh em. Nhưng lợi nhuận chính là khoản anh em tiết kiệm được. Nếu kiếm được nhiều nhưng không để ra được bao nhiêu, thì rõ ràng là cần xem lại khả năng quản lý của mình. Đúng không anh em. Doanh nghiệp có thể tăng thêm lợi nhuận từ các hoạt động tài chính. Nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu doanh thu của doanh nghiệp luôn tăng. Vì hoạt động kinh doanh mới là hoạt động chính của doanh nghiệp. Theo Cú, anh em nên chọn những doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng qua các năm.
3.2.2 Phân tích các chỉ số trong báo cáo kết quả kinh doanh
– Biên lợi nhuận gộp.
Là chỉ số cơ bản đầu tiên đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết với mỗi đồng doanh thu tạo ra thì doanh nghiệp thu về được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp, sau khi đã trừ đi giá vốn hàng bán.
Công thức cụ thể như sau:
Biên lợi nhuận gộp = (Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán)/Doanh thu thuần
Về lý thuyết, biên lợi nhuận gộp càng cao thì doanh nghiệp hoạt động càng hiệu quả. Tuy nhiên, để đánh giá được mức độ hiệu quả tới đâu sẽ phụ thuộc vào bối cảnh của mỗi doanh nghiệp và đặc thù ngành kinh doanh.
Quay lại ví dụ về POW
– Biên lợi nhuận gộp năm 2021
– Doanh thu thuần: 24,560 nghìn tỷ
– Giá vốn hàng bán: 22,020 nghìn tỷ
– Biên lợi nhuận gộp = (24,560-22,020)/24,560=0.14
Biên lợi nhuận gộp là 14%. Hiểu đơn giản, doanh nghiệp chỉ bán được hàng với giá cao hơn 14% so với giá gốc đầu vào. Vì chưa tính các chi phí bán hàng khác, nên 14% có thể coi là thấp so với mặt bằng chung các doanh nghiệp. Nhưng với các doanh nghiệp ngành điện, liệu con số này có phải quá thấp không? Anh em hãy để lại bình luận nhé!
– Biên lợi nhuận ròng
Là thông số đo lường mức lợi nhuận mà một công ty kiếm được từ một đồng doanh thu. Sau khi đã trừ đi tất cả các loại chi phí. cũng như bao gồm cả các khoản chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Phần lợi nhuận ròng này chính là phần thu nhập mà cổ đông có thể nhận được. Và cũng là cơ sở để doanh nghiệp tính toán chi trả cổ tức cho cổ đông.
Công thức
Biên lợi nhuận ròng = Lợi nhuận ròng/Doanh thu thuần
Do vậy, doanh nghiệp có biên lợi nhuận ròng càng lớn thì khả năng sinh lời càng tốt, doanh nghiệp hoạt động càng hiệu quả và có khả năng mang lại thu nhập cho cổ đông. Biên lợi nhuận ròng có thể dùng để so sánh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành. Để tìm ra doanh nghiệp có mức sinh lời tốt nhất trong ngành. Ngoài ra chỉ số này còn cần được so sánh với dữ liệu trong quá khứ. Để tìm ra chiều hướng của doanh nghiệp. Để thấy được sự thay đổi theo thời gian.
Anh em cùng Cú tính toán biên lợi nhuận ròng năm 2021 của POW nhé
– Lợi nhuận ròng: 1,798 nghìn tỷ
– Doanh thu thuần: 24,560 nghìn tỷ
– Biên lợi nhuận ròng= 1,798/24,560=7.32%
Nhìn vào đây, anh em có thể nói rằng không bằng lãi suất ngân hàng. Tuy nhiện vì là ngành đảm bảo an ninh quốc gia, nên các doanh nghiệp có được những lợi thế nhất định. Cũng như phần nào được đảm bảo, hỗ trợ đầu ra, đầu vào sản xuất. Nên đây vẫn là ngành hấp dẫn khi lựa chọn 1 cổ phiếu để đầu tư đúng không anh em?
Như Cú đã giới thiệu ngay từ đầu, chúng ta không thể phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp một cách riêng lẻ. Chúng ta cần kết hợp các dữ liệu ở các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Để phân tích các chỉ số tài chính. Mang tới cái nhìn khách quan hơn và tổng thể hơn. Sau đây là một số kết hợp như vậy
- Chỉ số vòng quay khoản phải thu
Thường được sử dụng như một thước đo giúp đo lường mức độ hiệu quả. Khi một công ty thu các khoản phải thu và nợ từ khách hàng của mình.
Tỷ số này cũng đo lường số lần các khoản phải thu của một công ty. Được chuyển đổi thành tiền mặt trong một khoảng thời gian nhất định. Vòng quay khoản phải thu được tính theo năm, quý hoặc tháng.
Công thức:
Vòng quay khoản phải thu = Doanh thu thuần/ Trung bình khoản phải thu
Trung bình khoản phải thu = (Khoản phải thu cuối kỳ + khoản phải thu đầu kỳ)/2
Tỷ số Vòng quay khoản phải thu càng cao thể hiện rằng các phương thức thu nợ của công ty là có hiệu quả với những khách hàng chất lượng. Ngược lại, nếu tỷ lệ này thấp. Có thể là kết quả của quy trình thu nợ không hiệu quả, chính sách tín dụng không đầy đủ. Hoặc khách hàng không đủ khả năng tài chính hoặc tín dụng để thanh toán.
Xét chỉ số vòng quay khoản phải thu năm 2021 ở POW:
– Doanh thu thuần: 24,560 nghìn tỷ
– Khoản phải thu năm 2021: 5,799 nghìn tỷ
– Khoản phải thu năm 2020: 7,195 nghìn tỷ
– Trung bình khoản phải thu= (5,799+7,195)/2=6,497 nghìn tỷ
– Vòng quay khoản phải thu= 24,560/6,497=3.78. Đây được coi là hệ số tích cực của doanh nghiệp. Thể hiện doanh nghiệp có những khách hàng chất lượng và quy trình thu nợ tốt.
- Chỉ số vòng quay hàng tồn kho
Là số liệu kinh doanh cho bạn biết mức độ lành mạnh của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nó không chỉ ảnh hưởng đến lượng hàng tồn kho mà công ty bán ra. Mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả chuỗi cung ứng, dòng tiền, lợi nhuận. Và hiệu quả của các nỗ lực quản lý và kiểm soát hàng tồn kho của doanh nghiệp.
Công thức:
Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán/ Trung bình hàng tồn kho
Trung bình hàng tồn kho = (Hàng tồn kho cuối kỳ + hàng tồn kho đầu kỳ)/2
Vòng quay hàng tồn kho cao nói chung có nghĩa là hàng hóa được bán nhanh hơn. Tỷ lệ vòng quay thấp cho thấy doanh số bán hàng yếu và hàng tồn kho dư thừa. Điều này có thể là thách thức đối với doanh nghiệp.
Vòng quay hàng tồn kho có thể được so sánh với tỷ lệ đó trong lịch sử lịch sử, tỷ lệ kế hoạch và trung bình ngành. Để đánh giá khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động nội ngành. Vòng quay hàng tồn kho có thể thay đổi đáng kể theo ngành.
Xét riêng ngành điện, với đặc trưng hàng tồn kho ít nên tỷ lệ này thường rất cao.
Ví dụ: chỉ số vòng quay hàng tồn kho năm 2021 ở POW:
– Giá vốn hàng bán: 22,020 nghìn tỷ
– Khoản phải thu năm 2021: 1,837 nghìn tỷ
– Khoản phải thu năm 2020: 1,727 nghìn tỷ
– Trung bình khoản phải thu= (1,837+1,727)/2=1,782 nghìn tỷ
– Vòng quay khoản phải thu= 22,020/1,782=11.23.
Tỉ số này thể hiện việc bán hàng rất nhanh và tích cực.
- Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA)
Đây là một chỉ số thể hiện mức tương quan giữa mức sinh lời của công ty so với tài sản của chính nó. ROA sẽ cho biết hiệu quả của công ty trong việc sử dụng tài sản để kiếm lời. Bình quân cứ một đồng tài sản sử dụng thì sẽ tạo ra được bao nhiêu lợi nhuận. Chỉ tiêu này đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Thể hiện tính hiệu quả của quá trình tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh. Mà không quan tâm tới cấu trúc tài chính của doanh nghiệp.
Công thức
ROA= Lợi nhuận ròng/Tổng tài sản
ROA càng cao thì khả năng sử dụng tài sản càng có hiệu quả. Nhà đầu tư như chúng ta thì đều thích những doanh nghiệp có ROA cao. Và đương nhiên, doanh nghiệp có ROA càng cao thì giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó càng cao.
Theo quy chuẩn quốc tế, ROA>7.5 % được đánh giá là 1 doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính. Tuy nhiên, trong ngành điện, nhiều doanh nghiệp có ROA nhỏ hơn nhiều như PEC với ROA năm 2021 là -0.1% hay GEG năm 2021 là 2.8%. Số liệu lấy từ TCInvest năm 2022. Do đó, khi phân tích 1 doanh nghiệp ngành điện hãy quên con số 7.5% này đi. Và chọn ra doanh nghiệp có ROA càng lớn càng tốt nhé.
ROA của POW năm 2021 là bao nhiêu?
– Lợi nhuận sau thuế: 1,798 nghìn tỷ
– Tổng tài sản: 52,976 nghìn tỷ
⇒ ROA = 1,798/52,976= 3.4%
Có thể nói trong ngành điện thì đây là một con số trung bình. Thể hiện khả năng trung bình của POW so với toàn ngành trong việc sử dụng tài sản để sinh lời.
- Tỷ suất lợi sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)
Cho thấy khả năng doanh nghiệp trong việc biến các khoản đầu tư cổ phần thành lợi nhuận. Từ đó giúp cổ đông biết được vốn của họ được sử dụng và sinh lời như thế nào, có hiệu quả không. ROE sẽ khác nhau tùy theo từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
Với ROE, cổ đông sẽ biết được liệu họ có nhận được lợi nhuận tốt từ số tiền góp vốn thông qua hình thức sở hữu cổ phiếu của công ty không. Bằng cách so sánh chỉ số ROE của công ty với ROE trung bình của ngành, anh em có thể xác định lợi thế cạnh tranh. Chỉ số này sẽ cung cấp thông tin về cách thức ban lãnh đạo công ty sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để phát triển doanh nghiệp.
Công thức tính:
ROE = Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu
Chỉ số ROE tăng trưởng bền vững theo thời gian chứng tỏ công ty phát huy tốt việc tạo giá trị cho cổ đông, biết cách tái đầu tư thu nhập, tăng năng suất, lợi nhuận. Ngược lại nếu ROE giảm có nghĩa ban lãnh đạo đưa ra quyết định kém hiệu quả, không sinh lời tốt.
Chỉ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu của POW năm 2021:
– Lợi nhuận sau thuế: 1,798 nghìn tỷ
– Tổng vốn chủ sở hữu: 31,125 nghìn tỷ
– ROE= 1,798/31,125= 5.8%
Tương tự như ROA, ROE theo quy chuẩn quốc tế phải lớn hơn 15%. Nhưng xét riêng với ngành điện, con số này nhỏ hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp điện thường duy trì mức ROE thấp. Anh em có thể tham khảo thêm số liệu ROE cho mỗi doanh nghiệp điện ở các trang dữ liệu chứng khoán.
Ngoài các chỉ số trên, còn có rất nhiều chỉ số khác khi phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp. Anh em hãy để lại bình luận trực tiếp trên trang page của Cú để cùng phân tích nhé!
Phần 4: Phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Nếu bỏ qua bước phân tích báo cáo này, anh em sẽ dễ dàng bị qua mặt bởi các báo cáo lợi nhuận tốt đẹp mà không hiểu được tính bền vững của các lợi nhuận này. Quá trình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp được thực hiện thông qua các hoạt động mà DN tiến hành. Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính.
Dòng tiền phát sinh từ hoạt động kinh doanh bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra liên quan đến quá trình thanh toán với người mua, người bán, người lao động… Dòng tiền phát sinh từ hoạt động đầu tư bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra có liên quan đến việc đầu tư, mua sắm, xây dựng, nhượng bán, thanh lý tài sản cố định và các tài sản dài hạn cùng các khoản đầu tư tài chính khác không thuộc các khoản tương đương tiền.
Về bản chất, quá trình lưu chuyển tiền tệ trong DN dựa trên quan hệ cân đối của dòng tiền trong kỳ và được thể hiện qua công thức:
Tiền tồn đầu kỳ + Tiền thu trong kỳ = Tiền chi trong kỳ + Tiền tồn cuối kỳ
Đối với doanh nghiệp, dòng tiền (luồng tiền vào, ra trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ) đặc biệt quan trọng. Nhờ có dòng tiền, doanh nghiệp mới có thể thực hiện được các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư, có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, thay thế và trang bị các tài sản cần thiết, tận dụng được các cơ hội của thị trường. Cũng nhờ có dòng tiền, doanh nghiệp mới đảm bảo khả năng thanh toán và tránh lâm vào tình trạng phá sản.
4.1 Phân tích biến động dòng tiền
Tình hình biến động (tăng, giảm) của dòng tiền lưu chuyển thuần theo thời gian. Phản ánh kết quả lưu chuyển tiền thuần từ các hoạt động mà doanh nghiệp tiến hành trong kỳ. Bao gồm các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính. Sự biến động của dòng tiền lưu chuyển thuần theo thời gian. Không chỉ đơn thuần làm thay đổi về quy mô. Mà còn kéo theo sự thay đổi về chất lượng, xu hướng và nhịp điệu tăng trưởng của dòng tiền. Biến động của dòng tiền, bao gồm các chỉ tiêu:
- Tổng dòng tiền lưu chuyển thuần:
Tổng dòng tiền lưu chuyển thuần của doanh nghiệp được tạo thành từ 3 bộ phận: dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh. Dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động đầu tư, dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính. Dùng kỹ thuật so sánh để xem xét sự biến động về quy mô và tốc độ biến động của chỉ tiêu này. Xu hướng tăng qua các năm là một chỉ báo tốt của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không phải lúc nào dòng tiền âm cũng xấu, anh em cần phân tích kỹ nguyên nhân gây ra dòng tiền âm đó. Nếu là để đầu tư một dự án kinh doanh tiềm năng với mức lợi nhuận kỳ vọng cao. Thì đó là một điều tốt đúng không anh em?
Xét dòng tiền của POW qua các năm từ 2018 đến 2021
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh khá tốt (đều dương qua các năm). Nhưng dòng tiền từ hoạt động tài chính thì âm nhiều hơn so với dòng tiền hoạt động kinh doanh nên năm 2018 dòng tiền này là âm. Cú đánh giá đây là một điều không tốt. Tuy nhiên, con số này đã được cải thiện qua các năm. Thể hiện sự tổ chức, quản lý tốt của ban lãnh đạo. Nếu dòng tiền thuần trong năm cứ tiếp tục âm, đây sẽ là chỉ số đáng báo động với doanh nghiệp.
- Tỷ suất an toàn của dòng tiền:
Tỷ suất an toàn của dòng tiền dùng để đo lường khả năng đáp ứng các khoản chi tiêu vốn, vốn đầu tư vào hàng tồn kho và chi trả cổ tức bằng dòng tiền tạo ra từ hoạt động kinh doanh.
Công thức:
Tỷ suất an toàn của dòng tiền = Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh/ lợi nhuận thuần
Xét cho POW năm 2021:
– Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh: 5,146 nghìn tỷ
– Lợi nhuận thuần: 1,798 nghìn tỷ
– Tỷ suất an toàn của dòng tiền= 5,146/1,798=2.86
Chỉ số này khá cao, cho thấy khả năng đáp ứng tốt của doanh nghiệp. Với dòng tiền sẵn có, doanh nghiệp có thể dễ dàng thanh toán bất kỳ khoản chi tiêu vốn nào.
- Dòng tiền tự do:
Dòng tiền tự do được sử dụng để ước tính tình hình hoạt động của bất kì doanh nghiệp nào. FCF sẽ cho biết hoạt động tài chính của doanh nghiệp đó và liệu dòng tiền hiện tại có đủ để hỗ trợ cho việc mở rộng hoạt động trong tương lai hay không. Dòng tiền tự do cũng cho nhà đầu tư biết rằng doanh nghiệp có sẵn dòng tiền dồi dào để để lo cho các hoạt động trong tương lai hay tỷ lệ chia trả cổ tức…
Công thức tính:
Dòng tiền tự do = Thu nhập ròng + khấu hao – thay đổi trong vốn lưu động – chi phí vốn
Dòng tiền tự do = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) x (1 – thuế suất thuế TNDN) + khấu hao – Chi phí vốn – tăng/giảm vốn lưu động
Nếu dòng tiền tự do âm trong nhiều năm, cho thấy công ty không có khả năng sử dụng chi tiêu vốn của mình một cách hợp lý. Đồng thời cũng cho biết vốn lưu động không được quản lý đúng cách, điều này đang ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nó cũng cung cấp thông tin chi tiết về các xu hướng như liệu các khoản phải thu và khoản phải trả có đang được quản lý hiệu quả hay không.
Dòng tiền tự do cũng là một tiêu chí quan trọng được sử dụng để định giá toàn bộ công ty.
Dòng tiền tự do cũng được các nhà đầu tư sử dụng như một đại diện cho giá cổ phiếu. Nguyên tắc cơ bản cơ bản là liệu công ty có thể tạo ra đủ tiền mặt cho hoạt động của mình hay không. Do đó, nếu bất kỳ công ty cụ thể nào có dòng tiền cao hoặc cải thiện trong những năm qua, nhưng cổ phiếu của công ty đó được định giá thấp hơn đủ hoặc nếu có sự chênh lệch, thì công ty đó đáng để đầu tư vì thị trường chưa tính đến hoạt động hiệu quả của công ty.
Cú chỉ giới thiệu sơ qua về dòng tiền tự do để anh em hiểu được mức độ cần thiết của việc phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Để tính toán được chỉ số này, anh em sẽ cần những kiến thức cao hơn. Không đơn thuần chỉ là kiến thức cơ bản. Có lẽ sẽ cần một bài chuyên sâu hơn. Cú sẽ gửi tới anh em sau nhé!
Kết luận bài hướng dẫn phân tích báo cáo tài chính
Bài viết chuyên sâu về phân tích báo cáo tài chính ngành điện khá dài. Nhưng Cú mong rằng đã mang đến cho anh em cái nhìn tổng quan nhất, bao quát nhất. Và đặc trưng nhất về các doanh nghiệp ngành điện. Để trở thành những nhà đầu tư thông thái.
Nhà nước đang nỗ lực để lành mạnh hóa thị trường. Điều đó cũng thúc đẩy sự trong sạch của thị trường chứng khoán. Các kỹ thuật phân tích sẽ ngày càng phát huy được giá trị sử dụng trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Trong đó, phải kể đến kỹ thuật phân tích cơ bản. Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp sẽ trở thành một bước vô cùng quan trọng. Anh em hãy cùng Cú nắm bắt và là những người tiên phong áp dụng những phương pháp này nhé.
Ngoài ra, còn nhiều kiến thức bổ ích khác về chứng khoán mà Cú có chia sẻ trên kênh Youtube. Anh em có thể ghé kênh youtube của Cú để tham khảo thêm nhiều kiến thức về chứng khoán – tài chính. Kênh Youtube của Cú
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về cách đầu tư cổ phiếu nói riêng, chứng khoán nói chung. Đặc biệt là với những anh em vừa chân ướt chân ráo bước vào thị trường. Anh em có thể tham khảo những bài hướng dẫn đầu tư chứng khoán cơ bản như:
>>Hướng dẫn đầu tư chứng khoán từ A-Z cho người mới bắt đầu
>>5 Bước hướng dẫn đầu tư chứng khoán cho F0 tuổi 30 (Nên biết)
Những bài viết này đều được Cú tổng hợp từ những kinh nghiệm đầu tư thực chiến của mình. Anh em có thể tham khảo hoặc có bất cứ thắc mắc gì có thể inbox cho Cú.
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Như đã nhắc ở phía trên, hiện tại Cú có cung cấp 3 khóa học chứng khoán từ cơ bản đến nâng cao. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Khóa học sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
3 Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc về đầu tư và khóa học cho anh em nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh thông tin của Cú
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về tài chính – chứng khoán, anh em có thể theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969