Hướng dẫn đọc bảng cân đối kế toán dễ hiểu nhất cho F0
Ở bài viết trước, Cú đã giới thiệu với anh em về báo cáo kết quả kinh doanh. Dĩ nhiên anh em sẽ muốn đầu tư vào những công ty có lãi. Nhưng chỉ lợi nhuận thôi sẽ không đủ để anh em chọn chốn gửi tiền đúng không? Anh em còn cần đến bảng cân đối kế toán để biết về hiệu quả sử dụng và phương thức huy động vốn của công ty.
Vì vậy việc biết, hiểu và phân tích tốt một bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp là rất cần thiết với một NĐT. Nó đặc biệt quan trọng vì mang tính dự báo tương lai nhiều hơn báo cáo kinh doanh. Sau đây anh em hãy cùng Cú tìm hiểu xem bảng cân đối kế toán là gì và cách đọc nó nhé!
1. Giới thiệu về bảng cân đối kế toán
1.1. Định nghĩa bảng cân đối kế toán
Trong bài Bật mí cách xem báo cáo kết quả kinh doanh, Cú có hé lộ với anh em báo cáo tài chính có 3 loại. Và bảng cân đối kế toán thực chất là một trong 3 loại hình của báo cáo tài chính.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh, anh em sẽ thấy lãi – lỗ của doanh nghiệp theo thời gian. Bảng cân đối kế toán sẽ nói cho anh em doanh nghiệp có những tài sản gì và nợ phải trả của họ là gì. Ngoài ra, nó còn cho anh em biết giá trị phần cổ đông sở hữu trong doanh nghiệp là bao nhiêu.
Cụ thể bảng cân đối kế toán có 3 thành phần chính: Tài sản, Nợ phải trả, và Vốn chủ sở hữu.
Để anh em dễ hiểu, Cú sẽ lấy ví dụ công ty xe rất thân thuộc là Vinfast nhé!
“Tài sản” chỉ những thứ mà doanh nghiệp sở hữu và có giá trị. Đối với anh em thì loại tài sản thân quen nhất chính là tiền. Ngoài ra, Vinfast sản xuất ô tô nên trong bảng cân đối kế toán thì ô tô cũng là tài sản. Ô tô hiển nhiên có giá trị phải không anh em?
“Nợ phải trả” là những gì doanh nghiệp phải trả bên khác. Khi Vinfast xây một nhà máy, họ sẽ vay dài hạn của ngân hàng. Khoản vay này sẽ là một cục Nợ phải trả trong bảng cân đối kế toán của họ.
“Vốn chủ sở hữu” là cái anh em sẽ thấy hứng thú nhất. Đây chính là tổng giá trị chủ doanh nghiệp sở hữu. Nói cách khác, nó là giá trị cổ phiếu của anh em trong sổ của doanh nghiệp. Khi anh em góp tiền vào để mở công ty, số tiền đó sẽ được gọi là vốn chủ sở hữu. Anh em có thể dùng tiền đó để mua máy móc, thiết bị, trả nợ vay… cho công ty. Nếu cần thêm, anh em có thể bán cổ phần công ty. Khi đó thì cả vốn chủ sở hữu và tiền của anh em sẽ tăng.
Trên thực tế,
Vốn chủ sở hữu = Tài sản – Nợ phải trả
Lý do là vì giá cổ phiếu lên xuống thất thường, khó quyết định vốn chủ sở hữu. Việc giá cổ phiếu lên xuống thất thường cũng làm mất cân bằng bảng cân đối kế toán. Hệ quả việc mất cân bằng này Cú sẽ giải thích ở phần sau.
1.2. Vì sao gọi là bảng cân đối kế toán?
1.2.1. Công thức bảng cân đối kế toán
Trong tên gọi của báo cáo này, anh em sẽ thấy cụm từ “cân đối”. Vậy tại sao nó cần cân đối và không cân thì có hệ quả gì? Sau đây Cú sẽ cùng anh em vào tìm hiểu nhé!
Trước hết, ta gọi nó là “bảng cân đối” vì một quy luật đơn giản: Các thành phần của báo cáo phải có có tổng bằng nhau. Cú đã giới thiệu các thành phần cho anh em ở phần trên, anh em có thể áp chúng vào công thức:
Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu
Nguồn gốc của công thức này xuất phát từ nguyên lý ghi sổ kép trong kế toán. Mọi ngày khi anh em chi tiêu, để dễ nhớ anh em sẽ ghi lại các gia dịch đó. Việc ghi sổ sách trong kế toán cũng tương tự vậy. Tuy nhiên, mỗi giao dịch kế toán sẽ ghi 2 lần để dễ truy xét và kiểm tra.
1.2.2. Vì sao bảng cân đối kế toán phải cân bằng?
Anh em hãy tưởng tượng Cú là chủ một xí nghiệp ô tô. Cú muốn mua thêm một dây chuyền sản xuất. Có cách nào để Cú mua được nó?
Cách đơn giản nhất là Cú trả tiền túi của mình. Khi đó, lượng Tài sản mất đi (tiền mặt) sẽ bằng lượng Tài sản tăng lên (dây chuyền sản xuất). Như vậy bảng cân đối kế toán sẽ không đổi, lượng tiền mặt giảm xuống nhưng tài sản có giá trị tương đương tăng lên.
Hoặc Cú có thể đi vay ngân hàng. Khi đó, lượng Tài sản tăng lên (dây chuyền) sẽ bằng lượng Nợ phải trả tăng lên (khoản vay ngân hàng). Bảng cân đối kế toán vẫn cân bằng là như vậy.
Hoặc Cú có thể bán cổ phiếu để có tiền mua dây chuyền này. Khi đó, lượng Tài sản tăng lên (tiền mặt) sẽ bằng lượng Vốn chủ sở hữu tăng (cổ phiếu). Phương trình vẫn tiếp tục cân bằng. Sau khi bán được cổ phiếu, Cú dùng tiền này mua dây chuyền sản xuất. Khi đó sẽ quay về trường hợp đầu tiên.
Anh em có thể coi Tài sản là toàn bộ tài nguyên mà một công ty có thể sử dụng. Số tài nguyên đấy không tự dưng mà có, nó phải đến từ đâu đó đúng không anh em? Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu là 2 cách để công ty kiếm số tài nguyên đó.
1.3. Tại sao nhà đầu tư cần biết về bảng cân đối kế toán?
Đến đây chắc anh em cũng tự hỏi không biết vì sao bảng cân đối kế toán lại quan trọng?
Bảng cân đối kế toán giúp anh em hiểu rõ hơn về nguồn vốn đến từ đâu và ảnh hưởng của nó lên tài sản.
Ta hãy lấy ví dụ hai mã cổ phiếu HVN (Vietnam Airline) và VJC (Vietjet Air). Nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận, anh em sẽ thấy chúng đang trên đà lên. Hơn nữa, trong đại dịch giá cả hai mã đều rớt thê thảm. Phải chăng đây là cơ hội “bắt đáy” hiếm có?
Nhưng nhìn vào bảng cân đối, anh em sẽ thấy nguồn vốn cả hai đến từ những “cục nợ” khổng lồ. Có vay thì phải có trả vì lãi vay không quan tâm công ty làm ăn ra sao.
Kết hợp với lạm phát đang tăng, anh em nhận ra người dân sẽ “thắt lưng buộc bụng”. Khi cần cắt giảm chi tiêu thì thứ đầu tiên họ cắt sẽ là những chuyến du lịch bằng máy bay xa xỉ.
Trong bối cảnh doanh thu sắp “lao dốc” như vậy mà còn phải trả lãi vay khổng lồ, liệu anh em còn có muốn “bắt đáy” hai mã này không? Hay đấy sẽ là “bắt dao rơi”?
Hiểu rõ càng nhiều báo cáo, anh em càng có cái nhìn xuyên suốt và tránh sa bẫy thị trường. Sau đây anh em cùng Cú tìm hiểu bảng cân đối kế toán có những gì nhé!
2. Tìm hiểu về bảng cân đối kế toán
Nếu anh em google “bảng cân đối kế toán”, anh em sẽ thấy một bản báo cáo nhiều dòng chữ, mỗi dòng đi kèm nhiều con số.
Ngoài ra, bảng cân đối kế toán còn được chia theo các thành phần: Tài sản, Nợ phải trả, Vốn chủ sở hữu.
Mỗi dòng trong báo cáo là 1 đầu mục, và mỗi chữ số là giá trị của mục đó trong VND. Nhưng các mục đó có ý nghĩa gì? Sau đây anh em cùng Cú tìm hiểu nhé!
Để anh em dễ hiểu hơn, Cú sẽ lấy ví dụ là các công ty gần gũi với nhà đầu tư.
2.1. Tài sản trong bảng cân đối kế toán
Các mục trong phân khúc này được liệt kê từ trên xuống dưới theo thứ tự thanh khoản của chúng. Hiểu đơn giản thì thanh khoản là khả năng chuyển tài sản đó thành tiền mặt dễ hay khó. Cú sẽ đi sâu hơn về tính thanh khoản ở phần Tiền nhé.
Tài sản được chia thành tài sản lưu động ngắn hạn, tức có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong một năm hoặc ít hơn. Và tài sản dài hạn, tức không thể chuyển đổi thành tiền mặt trong một năm hoặc ít hơn.
2.1.1. Tiền và các khoản tương đương tiền
Mục đầu tiên của Tài sản là tiền và các khoản tương đương. Đây là khoản mà anh em chắc sẽ thấy gần gũi nhất với mình.
Để anh em dễ hiểu mục này, chúng ta sẽ đi từ tiền trước. Công ty cũng giống như người vậy, không có tiền thì không thể sống nổi. Người ta cần tiền để chi tiêu hàng ngày thì một công ty cũng vậy.
Đến đây, sẽ có nhiều anh em hỏi vì sao không đem tiền gửi ngân hàng? Tiền trong két không sinh ra lãi suất, không phải để tiền đẻ ra tiền tốt hơn ư?
Anh em hãy tưởng tượng Cú là sếp một doanh nghiệp lớn. Hàng ngày Cú chạy quảng cáo sản phẩm trên TV phải trả tiền. Mỗi tuần Cú đi họp với đối tác cũng cần tiền. Cuối tháng trả lương cho nhân viên cũng vậy.
Dĩ nhiên, mua và bán chịu (nợ trả sau) là hoàn toàn có thể. Khi đó thì tiền Cú sẽ không bị trừ. Nhưng Cú sẽ làm tăng nợ phải trả lên và chỉ trì hoãn việc không tránh khỏi.
Hơn nữa không phải chi gì cũng trì hoãn được. Mua chịu thì có thể đối tác Cú còn chấp nhận, nhưng anh em nghĩ có nhân viên nào chịu một tháng làm không công không?
Cứ để tiền trong ngân hàng thì anh em có thể kiếm lãi suất. Nhưng khi đến hạn trả mà anh em không rút tiền ra kịp thì nguy to! Do đó các công ty luôn giữ một lượng tiền nhất định nằm trong tài khoản không sinh lời để tiện việc thanh toán.
Từ đây, anh em chắc cũng đã nhận thấy một sự đánh đổi giữa lợi nhuận và khả năng sử dụng ngay của tài sản. Người ta gọi khả năng này là tính thanh khoản. Nó mô tả khả năng anh em có thể trao đổi một tài sản lấy tiền mặt.
Tiền mặt có thanh khoản cao nhất, vì giá trị của nó luôn là 100% mệnh giá. Các loại tiền gửi tiết kiệm hay giấy ghi nợ có thanh khoản thấp hơn.
Tương tự, các khoản tương đương tiền bao gồm ký quỹ ngân hàng và trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Chúng ít thanh khoản hơn vì chủ sở hữu vẫn phải đổi ra tiền, nhưng bán chúng rất dễ và anh em khó bị ép giá nếu bán.
2.1.2. Đầu tư tài chính ngắn hạn
Xếp tiếp theo trong bảng cân đối kế toán là đầu tư tài chính ngắn hạn hay còn gọi là chứng khoán dễ tiêu thụ. Tương tự như anh em, khi các doanh nghiệp mua cổ phiếu họ sở hữu 1 phần công ty khác. Khi họ mua cổ phiếu, nó được tính vào tài sản trên bảng cân đối kế toán của họ.
Vì anh em là nhà đầu tư nên Cú cần anh em phân biệt loại tài sản này với đầu cơ. Đầu tư ngắn ngày không có nghĩa là Cú sẽ mua thấp – bán cao trong 1 tháng trở lại. “Ngắn ngày” ở đây nên được hiểu là thời gian để chuyển chứng khoán đó ra tiền.
Để anh em dễ hiểu, chúng ta sẽ lấy ví dụ tập đoàn bất động sản FLC. Ta sẽ giả sử bình quân một tháng FLC bán được 100 căn nhà. Mỗi căn có giá 3 tỷ và chi phí xây dựng hết 2 tỷ. Như vậy sau 1 tháng, FLC lãi ròng là:
(3 tỷ – 2 tỷ) * 100 = 100 tỷ VND
Vì phải trả lương cho nhân viên, FLC không thể đem hết số tiền này đi gửi tiết kiệm. Ngược lại, chi phí lao động cũng không lên đến 100 tỷ. Khoảng 50 tỷ thì trả hết lương xong có thể FLC còn dư đến 50 tỷ VND.
Nếu cứ giữ lợi nhuận là tiền mặt thì chi phí cơ hội sẽ rất cao. 50 tỷ đồng trong két là 50 tỷ đồng đang không sinh lời cho chủ. Nếu kinh doanh phát triển mà họ cứ giữ tiền trong két, lợi nhuận sẽ bị hao mòn dần bởi lạm phát và chi phí lãi vay.
Nhưng nếu chủ tịch FLC đem 50 tỷ đó đi gửi tiết kiệm để có lãi suất thì sao? Khi đó nếu kinh doanh ế ẩm họ sẽ không có lương nhân viên, mà chắc anh em cũng biết ngành BĐS nó thời vụ thế nào.
Để giải quyết vấn đề này, FLC sẽ đem tiền đó đi mua chứng khoán. Nếu chọn cổ phiếu, chúng sẽ thuộc các ngành bền vững như năng lượng hay nhu yếu phẩm. Nếu chọn trái phiếu, chúng sẽ là trái phiếu chính phủ hoặc công ty lớn xếp hạng tín nhiệm tốt. Đặc điểm chung là chúng có thể nhanh chóng chuyển thành tiền mặt qua bán lại cho bên khác.
Khi đó, FLC vẫn có thể hưởng lời từ cổ tức hoặc lãi suất trái phiếu. Gần đến kỳ thanh toán, nếu thiếu tiền FLC có thể bán chúng đi. Vì chúng có thị trường sôi động và thanh khoản khá cao nên có thể nhanh chóng chuyển thành tiền.
Như vậy anh em thấy loại tài sản này là không thể thiếu của doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “làm 3 tháng ăn cả năm”. Nguyên nhân là vì lợi nhuận của các doanh nghiệp đó có tính thời vụ mà chi phí thì không đổi mỗi tháng.
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp thường giữ rất ít tiền. Tài sản thanh khoản cao của doanh nghiệp chủ yếu là chứng khoán dễ tiêu thụ.
2.1.3. Phải thu khách hàng
Ở mục tiền, Cú có giới thiệu qua với anh em về việc mua và bán chịu. Trong đó, bán chịu là bán hàng cho khách hàng và chịu trả sau. Hay còn gọi Phải thu khách hàng, được tính là một loại tài sản của doanh nghiệp.
Bán chịu hoặc bán dựa trên tín dụng là hình thức mua trước trả sau của khách hàng. Khi đó doanh nghiệp sẽ ghi một khoản nợ vào tài sản. Khoản nợ này vừa ít thanh khoản và trong một số trường hợp lại khó thu hồi. Vì sao doanh nghiệp có chính sách này?
Để trả lời, Cú sẽ lấy ví dụ về chuỗi cửa hàng FPT shop của FPT. Họ bán đồ điện tử phục vụ khách hàng từ cá nhân đến doanh nghiệp.
Với khách hàng cá nhân, bán chịu giúp họ tăng lợi nhuận. Thứ nhất, khách hàng trả luôn sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng khách hàng không có tiền ngay hiện tại vẫn có thể mua. Như vậy đối tượng mục tiêu bán hàng đã tăng lên. Dùng vợt to hơn chắc chắn sẽ bắt được nhiều “cá” hơn.
Thứ hai, nếu anh em chọn mua trước trả sau, anh em phải chi nhiều hơn là trả ngay. FPT shop chấp nhận trì hoãn lợi nhuận 1-2 tháng để nhận lại nhiều hơn. Dĩ nhiên, việc này đi kèm rủi ro khách hàng không trả nổi. Do đó, doanh nghiệp phải phân tích kỹ rủi ro và lợi nhuận mới đưa ra chính sách này.
Với khách hàng doanh nghiệp, bán chịu giúp đối tác có thêm thời gian chuẩn bị tiền. Nếu đối tác đã có tiền thì cho phép đối tác hưởng lợi từ gửi tiền ngắn hạn. Ngược lại, FPT shop sẽ giữ quan hệ tốt với các khách hàng này. Lợi cả đôi đường đúng không anh em!
Khi đến hạn nhận tiền, anh em sẽ trừ mục Phải thu khách hàng và cộng mục Tiền. Vì cả hai là tài sản nên bảng cân đối kế toán lại một lần nữa cân bằng.
2.1.4. Hàng tồn kho
Phải thu khách hàng là một khoản nợ anh em sở hữu trên bảng cân đối kế toán. Dù có là nợ khó đòi anh em cũng có thể tìm được người mua lại, chỉ có giá sẽ giảm xuống thôi.
Nhưng đến Hàng tồn kho, chúng ta đã bắt đầu sang tới tài sản thanh khoản thấp đến mức có thể không có người mua. Vậy nó là gì?
Hàng tồn kho là mục trong bảng cân đối để chỉ hàng có trong kho nhưng chưa bán được. Có thể nó là hàng mới làm của doanh nghiệp sản xuất. Nhưng cũng có thể nó là hàng mua về chờ bán lại, như của tiệm tạp hóa hay doanh nghiệp BĐS.
Anh em hãy nghĩ đến một mã như HPG của tập đoàn Hòa Phát. Đây là một công ty điển hình trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng. Hàng tồn kho của họ do đó cũng chủ yếu là sắt thép.
Thanh khoản là tốc độ một tài sản có thể đổi ra tiền mà không mất giá trị. Hàng tồn kho có thanh khoản thấp vì thị trường của chúng rất giới hạn.
Nhà đầu tư nào cũng có thể kiếm tiền từ trái phiếu nếu công ty cần bán ra. Nhưng chỉ có các công ty thép hay xây dựng khác mới kiếm được tiền từ thép của Hòa Phát. Do đó hàng tồn kho thanh khoản thấp hơn chứng khoán và tiền.
Tuy nhiên, thực tế không đơn giản vậy. Một số ngành có hàng tồn kho thanh khoản rất tốt. Điển hình là đồ điện tử gia dụng hay may mặc. Các ngành như BĐS hay sản xuất ô tô có hàng tồn kho giá trị lớn từng sản phẩm. Vì thế thanh khoản thấp hơn. Để đánh giá đúng ảnh hưởng của Hàng tồn kho, anh em cần xem xét ngành của công ty.
Khi nhìn vào bảng cân đối kế toán, hàng tồn kho cho anh em biết nhiều điều. Nếu anh em thấy hàng tồn kho tăng theo lợi nhuận, dễ thấy doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất. Ngược lại, nếu hàng tồn kho tăng mà lợi nhuận giảm, doanh nghiệp đang gặp khó khăn đầu ra.
2.1.5. Tài sản cố định
Vậy là giờ chúng ta đã chạm đáy của bậc thang thanh khoản trong Tài sản. Loại tài sản thanh khoản thấp nhất chính là tài sản cố định. Chúng có tên khác là tài sản dài hạn do chúng thường là nhà xưởng, máy móc, đất đai… phục vụ mục đích kinh doanh lâu dài.
Khi anh em bán hàng tồn kho đi, anh em sẽ giảm hàng tồn kho bằng một lượng tương ứng với giá vốn hàng bán. Đây là cách ta tính chi phí tài sản trên báo cáo tài chính.
Nhưng đó là với tài sản ngắn hạn – được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ bán đi hoặc sử dụng trong vòng dưới 1 năm. Tài sản dài hạn có cách tính chi phí khác.
Đối với 1 hãng sản xuất xe như Vinfast, tài sản dài hạn của họ sẽ là dây chuyền, nhà xưởng, máy móc,…
Sau 1 thời gian sử dụng, chúng bị hao mòn dần và cần phải thay thế. Doanh nghiệp sẽ ước tính tuổi đời của chúng, và khấu trừ một khoản tương ứng vào mỗi năm.
Mục đích của việc này là để đảm bảo khi tài sản hết giá trị sử dụng thì chi phí khấu trừ bằng đúng giá trị gốc. Anh em có thể coi nó như một giao dịch diễn ra trong 10 năm vậy.
Tương tự các tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn cũng khác nhau theo ngành và doanh nghiệp. Các ngành dịch vụ như luật, môi giới, IT,… có rất ít tài sản cố định. BĐS, xây dựng, sản xuất cần nhiều tài sản cố định. May mắn cho anh em nào định đầu tư BĐS, đất đai không bị tính khấu hao!
2.2. Nợ phải trả trong bảng cân đối kế toán
Ta đã tìm hiểu về tài sản ở trên, giờ anh em cùng Cú tìm hiểu làm sao doanh nghiệp gây dựng số tài sản đó nhé!
Hình thức đầu tiên là qua vay nợ. Trong vay nợ, doanh nghiệp có thể chọn giữa vay ngắn hạn và vay dài hạn.
2.2.1. Nợ ngắn hạn
Nợ ngắn hạn là các khoản doanh nghiệp phải trả có thời hạn từ một năm trở xuống. Chúng bao gồm nợ doanh nghiệp mua chịu (Phải trả người bán), Phải trả người lao động, doanh thu chưa thực hiện,…
Nhìn chung, anh em có thể coi nợ ngắn hạn là dầu mỡ của bánh xe. Nó không trực tiếp khiến bánh xe chuyển động, nhưng nó giúp mọi việc vận hành được trơn tru.
Ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp có nợ vay ngắn hạn khá cao. Nguyên nhân là do cấu trúc thị trường Việt Nam có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các doanh nghiệp này thường có rất ít vốn tự có. Họ hoạt động theo kiểu “làm đến đâu vay đến đó”. Họ vay tiền ngân hàng để thực hiện dự án, đến khi có lãi thì trả ngân hàng luôn.
Khi thấy nợ ngắn hạn của doanh nghiệp tăng trong bảng cân đối, anh em phải nghĩ đến khả năng nó đang hoạt động cầm hơi. COVID là minh họa rõ nhất cho những gì Cú nói. Khi đó, nhiều doanh nghiệp đóng cửa không có tiền trả nhân công. Họ buộc phải thế chấp tài sản cố định để vay ngắn hạn mới không phải sa thải nhân viên.
Một yếu tố nữa của nợ ngắn hạn là trái phiếu. Vì đặc tính của trái phiếu (như mệnh giá phải trên 100,000,000 VND và chỉ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp) nên trái phiếu thường nằm trong mục Nợ dài hạn. Tuy vậy, doanh nghiệp phát hành trái phiếu ắt phải trả lãi. Lãi suất trái phiếu sẽ nằm trong Nợ ngắn hạn.
Như các chỉ số khác, anh em phải xét nợ ngắn hạn theo ngành. Các ngành dịch vụ có tính thời vụ một lần nữa có nợ ngắn hạn cao hơn như du lịch. Nguyên nhân là vì các ngành này chi phí chủ yếu đến từ nhân công.
2.2.2. Nợ dài hạn
Nợ dài hạn là các khoản doanh nghiệp phải trả có thời hạn từ một năm trở lên. Chúng bao gồm trái phiếu phát hành, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phải trả,…
Là nhà đầu tư, anh em chắc cũng quan tâm nhiều tới trái phiếu. Câu hỏi đầu tiên anh em đặt ra khả năng cao sẽ là: Vì sao Cú để trái phiếu nằm ở Nợ dài hạn mà không ở ngắn hạn? Không phải trái phiếu có kỳ hạn tùy theo doanh nghiệp ư?
Trên thực tế, Nghị định 65 vừa được thông qua đã giới hạn doanh nghiệp nào có thể phát hành trái phiếu. Tóm tắt lại, các doanh nghiệp bị giới hạn về mục đích sử dụng, minh bạch trong hồ sơ, và quan trọng nhất, tổng giá trị tài sản.
Hiện nay ở Việt Nam, chỉ các doanh nghiệp lớn mới có thể phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp này vay ngân hàng trong ngắn hạn rất dễ dàng và không thiếu “kênh”. Do đó trái phiếu sẽ chủ yếu nằm trong Nợ dài hạn.
Khác với Nợ ngắn hạn, Nợ dài hạn được vay chủ yếu vì tài sản cố định/lâu dài. Logic của các doanh nghiệp là nợ dài hạn sẽ phải trả lãi vay trong lâu dài. Do đó nó chỉ nên được dùng để đầu tư các khoản tạo doanh thu lâu dài. Nhìn vào Tài sản, anh em sẽ thấy các khoản đó hầu hết là tài sản cố định.
Vì bản chất như vậy nên Nợ dài hạn có lãi suất cao hơn nhưng anh em có thể vay nhiều hơn.
Nếu tài sản cố định là động cơ đẩy bánh xe về phía trước thì Nợ lâu dài giống như nhiên liệu vậy. Bánh xe không dầu thì xe đi dễ hỏng, xe không nhiên liệu thì nổ máy cũng không xong.
Khi thấy nợ dài hạn tăng, anh em phải đối chiếu xem doanh thu có tăng hơn chi phí lãi vay không. Nếu có thì tức là doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất và anh em có thể yên tâm. Nếu không thì doanh nghiệp đang hoạt động kém hiệu quả và anh em nên xem xét rút vốn.
2.3. Vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối kế toán
Anh em nào đầu tư cổ phiếu thì đây chính là mục anh em quan tâm nhất. Như Cú nói ở phần giới thiệu, có hai kênh để doanh nghiệp huy động vốn. Giờ chúng ta sẽ đi tìm hiểu về kênh còn lại – huy động vốn qua vốn chủ sở hữu.
Cách gọi vốn qua vốn chủ sở hữu quen thuộc với anh em nhất là hình thức bán cổ phần. Bằng cách bán cổ phiếu, doanh nghiệp bán quyền sở hữu trong công ty của họ để đổi lấy tiền. Không như đi vay, nguồn tiền này không đi kèm lãi suất. Do đó, được niêm yết là mơ ước của nhiều công ty.
Vốn chủ sở hữu được chia làm 2 loại: Vốn góp ban đầu và vốn huy động hàng năm.
Vốn góp ban đầu, như Cú đã nói ở trên, là tiền anh em bỏ ra để thành lập công ty. Nó còn có tên vốn điều lệ.
Ưu điểm của loại vốn này là nó không có chi phí đi kèm. Dĩ nhiên, anh em đang là chủ công ty thì tính chi phí cũng chỉ là tiền từ túi này sang túi nọ mà thôi.
Nhược điểm của nó là hạn chế về quy mô. Trừ khi anh em giàu như các “bầu” thì số vốn ban đầu anh em có sẽ rất nhỏ. Do đó, việc sử dụng vốn điều lệ làm nguồn lực tài chính chỉ phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ.
Hầu hết các doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp hơn nhiều so với tài sản hay giá trị thị trường. Một phần điều này là vì trong cuộc đời mình doanh nghiệp phát triển và giá trị tăng lên. Nhưng phần lớn là vì vốn điều lệ không đáp ứng được đủ nhu cầu doanh nghiệp. Khi đó họ sẽ phải vay nợ như Cú đã giới thiệu ở trên, hoặc bán cổ phiếu để huy động vốn.
Khi anh em mua cổ phiếu, anh em đang tham gia vào hình thức huy động vốn này của doanh nghiệp. Cú sẽ giải thích về huy động vốn chủ sở hữu ở mục sau nhé!
Nếu anh em muốn tìm hiểu kỹ hơn về cổ phiếu, Cú có cung cấp 1 khóa học chứng khoán. Tại đó, anh em sẽ được cung cấp những kiến thức từ vỡ lòng đến nâng cao. Ngoài ra, nếu có hứng thú với chứng khoán cơ sở hay riêng nhóm ngành cổ phiếu BĐS, anh em cũng có thể đăng ký khóa học riêng. Mỗi khóa đều có kiến thức và phương pháp chủ đạo riêng cho anh em trải nghiệm.
Anh em có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú để biết thêm thông tin nhé!
2.3.1. Huy động vốn qua chào bán cổ phiếu công khai
Điển hình nhất phải kể đến hình thức IPO – Initial public offering, hay phát hành lần đầu ra công chúng. Thuật ngữ này để chỉ lần đầu doanh nghiệp phát hành cổ phiếu và lên sàn chứng khoán để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Công ty sau khi IPO sẽ được gọi là một công ty đại chúng.
Trong lịch sử Việt Nam và thế giới, IPO nổi tiếng với việc huy động được hàng tỉ dollar từ các nhà đầu tư như chúng ta. Nổi bật nhất là những cái tên như Facebook, Google ở nước ngoài, hay Vinamilk, Vinhomes… ở Việt Nam.
Những nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu trong đợt IPO của các công ty này đã thấy tài sản tăng x3, x5, thậm chí là x10 chỉ trong vài năm. Do đó, IPO của các công ty có triển vọng luôn là dịp được nhà đầu tư trông đợi.
Ở Việt Nam, một IPO thành công điển hình là của Vinhomes, với giá trị lên tới hơn 1.35 tỷ USD. Điều này không chỉ tạo dựng cho Vinhomes một lượng vốn giá rẻ quan trọng, mà còn giúp nhà đầu tư tự tin hơn về lựa chọn của mình.
Nhưng đây không phải cơ hội duy nhất để anh em sở hữu cổ phiếu từ công ty. Trong quá trình hoạt động, họ có thể phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn.
2.3.2. Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Nhưng còn đối với các startup chưa đủ khả năng IPO thì sao? Họ có thể huy động vốn qua bán cổ phần được không?
Nếu anh em theo dõi các chương trình đầu tư như Shark Tank thì sẽ biết câu trả lời là “Có”. Startup sẽ vẫn bán cổ phần cho tổ chức hay cá nhân khác. Nó được gọi là Private offering – phát hành riêng lẻ, vì họ không chào bán cổ phiếu công khai.
Doanh nghiệp startup có thể không đủ điều kiện để chào bán cổ phiếu ra công chúng. Nhưng họ hoàn toàn có thể gọi vốn từ các quỹ hoặc nhà đầu tư mạo hiểm.
Cụ thể hơn, họ sẽ thuyết trình về năng lực cũng như ý tưởng của công ty mình. Các nhà đầu tư sau đó sẽ quyết định chi tiền để trở thành cổ đông. Mục đích là tìm được những startup có thể “đẻ trứng vàng”, giúp họ tăng giá trị khoản đầu tư nhiều lần. Các startup thành công được gọi là “unicorn” – kỳ lân, bởi chúng hiếm không khác gì loài sinh vật trong truyền thuyết này đó anh em!
3. Cách đọc đồ thị bảng cân đối kế toán
Để anh em dễ tìm hiểu về đồ thị, Cú thấy Techcombank có kênh nghiên cứu rất tốt qua ứng dụng TCBS.
Trên ứng dụng, anh em được truy cập vào các báo cáo tài chính mới nhất của các công ty. Ngoài ra, ứng dụng còn tính toán và vẽ hộ anh em các đồ thị của nhiều chỉ số quan trọng.
Tất cả thông tin nhà đầu tư cần biết, từ so sánh ngành tới định giá cổ phiếu đều được cập nhật trong thời gian thực. Vì vậy nên anh em luôn nắm thông tin nhanh và nhạy nhất thị trường.
Link mở tài khoản App TCBS Cú để sẵn ở đây: https://iwp.tcbs.com.vn/105C912839
Mã giới thiệu của Cú, anh em có thể nhập vào để cùng tích lũy điểm khi sử dụng nhé: 105C912839
Dưới đây, Cú sẽ giới thiệu một số đồ thị quan trọng cho anh em.
3.1. Đồ thị Tài sản
Khi nhắc đến bảng cân đối kế toán, không thể thiếu Tài sản. Với vai trò như vậy, Cú sẽ cùng anh em tìm hiểu một mã nằm trong VN30 – top 30 cổ phiếu hàng đầu Việt Nam nhé.
Để Cú lấy ví dụ thực tế cho anh em dễ hình dung. Mã chúng ta sẽ đi vào hôm nay là công ty BĐS Vinhomes (VHM).
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Ta có thể thấy dù tổng tài sản tăng, có sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu của nó. Từ năm 2019 trở đi, Vinhomes bắt đầu giảm % tài sản ngắn hạn và thay bằng tài sản dài hạn. Từ đó anh em có thể suy luận gì về tình hình hoạt động của Vinhomes?
Ta biết VHM là 1 mã BĐS. Tài sản của doanh nghiệp BĐS sẽ chủ yếu là đất đai, dự án, công trình…
Việc tổng tài sản và tài sản dài hạn tăng cho thấy Vinhomes đang mở rộng kinh doanh rất tốt. Việc tài sản ngắn hạn giảm cho thấy Vinhomes không cần thanh khoản cao để trang trải chi phí. Do vậy ta có thể thấy Vinhomes rất tự tin về năng lực kiểm soát chi phí của mình.
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Minh chứng cho những gì Cú nói chính là đồ thị cấu trúc tài sản của VHM. Anh em có thể thấy hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm đa số. Hơn nữa hình dáng chúng luôn đi song hành với nhau. BĐS là thị trường mà người mua hàng có thể trả tiền trong nhiều năm. Do đó đồ thị này thể hiện Vinhomes tìm người mua khá nhanh, tránh được tình trạng tồn đọng dự án.
Khoảng thời gian 2019-2020 là năm duy nhất hàng tồn kho bị ứ đọng do COVID-19 làm giảm cầu và chậm tiến độ các công trình của Vinhomes. Tuy nhiên từ năm 2021 trở đi công ty đã thanh lý được số BĐS tồn kho đó.
3.2. Đồ thị Nợ phải trả
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Với Nợ phải trả, chỉ liếc nhìn là anh em thấy xu hướng đảo chiều rõ rệt. Từ năm 2017 đến 2021, các khoản vay dài hạn của Vinhomes lên tới cả chục nghìn tỷ. Ngược lại, vay ngắn hạn của công ty giảm xuống con số gần như bằng 0.
Ở mục Nợ phải trả, Cú có nói về việc doanh nghiệp muốn khoản vay có cùng kỳ hạn với tài sản mà khoản vay đó tạo ra. Vì thi công một công trình mất nhiều năm, vay dài hạn tăng tức Vinhomes đang tăng trưởng ổn định. Đây là một minh chứng khác cho đánh giá của Cú ở mục đồ thị Tài sản.
Ngược lại, vay ngắn hạn có xu hướng giảm. Với các doanh nghiệp như Vinhomes, vay ngắn hạn sẽ thường được dùng để trả lãi suất kỳ hạn của vay dài hạn. Điều này cũng dễ hiểu vì người ta mua BĐS theo kỳ trong năm, nhất là cuối/đầu năm. Nhưng không ngân hàng nào cho anh em “khất” lãi vay đến khi có tiền cả.
Việc vay ngắn hạn giảm gần bằng 0 chứng tỏ chi phí lãi vay không phải vấn đề với VHM. Dòng tiền sẽ được bảo toàn và lợi nhuận của VHM sẽ tăng.
3.3. Đồ thị Vốn chủ sở hữu
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Nhìn vào đồ thị vốn chủ sở hữu, anh em thấy Vinhomes khá thành công trong huy động. Vốn chủ sở hữu của VHM ngày một tăng. Chỉ trong 5 năm, vốn chủ sở hữu đã tăng gần 13 lần.
Nhìn lại lịch sử, VHM là một mã “kỳ lân” đích thực. Được bảo trợ bởi tập đoàn Vingroup, lại có IPO thành công nhất châu Á trong 2018, chỉ mất 5 năm Vinhomes đã khẳng định địa vị mình trong ngành BĐS. Nhìn vào đồ thị, anh em cũng thấy 2018-2019 là giai đoạn vốn chủ sở hữu tăng mạnh nhất.
Sự thành công này đã dẫn đến thay đổi cấu trúc vốn của công ty.
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Như anh em thấy trên hình, xu hướng chung Vinhomes là tăng tỷ trọng vốn từ vốn chủ sở hữu. Ở trên, Cú có nói về việc vốn từ chủ sở hữu là nguồn vốn giá rẻ vì nó không có lãi suất. Phải chăng VHM đang định tài trợ các dự án tương lai bằng cách phát hành thêm cổ phiếu?
Nếu đúng thì VHM sẽ là doanh nghiệp BĐS duy nhất tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ. Tiếc thay, việc tăng vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn không đến từ đó. Nó đến từ việc Vinhomes trả cổ tức bằng cổ phiếu. Khi đó vốn chủ sở hữu sẽ tăng nhưng Vinhomes không nhận được tiền. Đây là một cách thỏa hiệp với nhà đầu tư để họ vẫn có cổ tức còn Vinhomes giữ lại tiền cho tương lai.
Từ đó ta thấy để có cái nhìn tổng thể, anh em phải dựa vào cả đồ thị lẫn các thông báo của công ty.
Lời kết
Qua bài viết này, Cú mong anh em đã hiểu bảng cân đối kế toán là gì, cách tìm hiểu về bảng cân đối kế toán, đồ thị của bảng cân đối kế toán đọc thế nào, và sự khác nhau giữa các ngành ảnh hưởng gì tới báo cáo này.
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về bảng cân đối kế toán cũng như các tác dụng của nó. Cú muốn chia sẻ một cách chi tiết để anh em dễ hình dung ngay từ đầu. Bài viết “bảng cân đối kế toán ” có mục lục, anh em có thể bấm đến những nội dung muốn tìm hiểu. Đồng thời đọc đi đọc lại những phần chưa hiểu rõ.
Nếu còn điều gì thắc mắc về hội nghị này, anh em có thể inbox cho Cú.
Ngoài ra, anh em cũng nên trang bị cho mình các kiến thức vĩ mô khác hữu ích với nhà đầu tư.
Anh em có thể bắt đầu từ series Các chỉ số vĩ mô cần chú ý của Cú như:
GDP là gì? Những điều nhà đầu tư chứng khoán mới cần biết 2022
Tỷ giá hối đoái là gì? Tất tần tật từ A-Z cho nhà đầu tư mới
Chỉ số CCI là gì? Tìm hiểu về CCI từ A-Z cho nhà đầu tư mới bắt đầu 2022
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Ngoài ra để hiểu rõ hơn chứng năng cũng như cách phân tích chuyên sâu 1 báo cáo kết quả kinh doanh anh em có thể học thêm. Hiện tại Cú có cung cấp khóa học chứng khoán với những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho anh em. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Cú sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh liên lạc
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://vt.tiktok.com/ZSJJKgbU4/
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969