Định giá cổ phiếu theo mô hình chiết khấu cổ tức dễ hiểu nhất (P.7)
Tiếp tục với series về các phương pháp định giá cổ phiếu phổ biến cho nhà đầu tư. Hôm nay Cú sẽ giới thiệu đến anh em một phương pháp định giá cổ phiếu được rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp ưa thích. Và được sử dụng phổ biến để tìm kiếm những cơ hội đầu tư với giá hời. Đó chính là: Mô hình chiết khấu cổ tức.
Mô hình chiết khấu cổ tức – bài toán định giá cổ phiếu doanh nghiệp hẳn đã không còn quá xa lạ đối với những nhà đầu tư chứng khoán. Chỉ cần một cú nhấp chuột có thể cho ra vô vàn công cụ giúp tính được giá trị nội tại của một cổ phiếu. Tuy nhiên, không phải công cụ nào cũng có thể hỗ trợ hiệu quả. Và nhanh chóng cho nhà đầu tư trong quá trình đưa ra quyết định.
Trong bài viết này, Cú sẽ chia sẻ tất cả các vấn đề quan trọng mà anh em cần hiểu về Mô hình chiết khấu cổ tức (DDM). Một trong những mô hình ưu việt giúp nhà đầu tư định giá được cổ phiếu.
Vậy mô hình chiết khấu cổ tức là gì? Cách tính toán trong mô hình này như thế nào? Cũng như phương pháp định giá cổ phiếu dựa vào mô hình chiết khấu cổ tức là gì? Hãy cùng Cú tìm hiểu và thử áp dụng ngay công thức định giá cổ phiếu dưới đây. Để giúp anh em đưa ra những quyết định hợp lý và đúng đắn hơn trong những cơ hội đầu tư nhé!
1. Tìm hiểu về cổ tức trong doanh nghiệp
1.1 Cổ tức là gì?
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng trả cho mỗi cổ phần. Bằng tiền mặt hoặc tài sản khác từ nguồn lợi nhuận được giữ lại của công ty. Sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ về tài chính.
Nói ngắn gọn: Mỗi năm công ty sẽ hoạt động sản xuất kinh doanh. Và tạo ra một số lợi nhuận sau thuế nhất định. Một phần của số lợi nhuận đó sẽ được công ty tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh, trích lập các quỹ dự phòng. Và được gọi là lợi nhuận được giữ lại. Phần lợi nhuận còn lại sẽ được trả cho cổ đông và được gọi là cổ tức.
Hàng năm, số tiền được trích ra để chi trả sẽ được thông qua trong Đại hội cổ đông.
Ví dụ trong Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2021 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát
1.2 Mục đích và ý nghĩa của cổ tức trong doanh nghiệp
Việc chi trả cổ tức dù đơn giản là phương thức để phân phối lại lợi nhuận. Nhưng lại có ý nghĩ quan trọng đối với cổ đông.
Cụ thể: Khi anh em là cổ đông, việc công ty trả cổ tức sẽ thể hiện rằng công ty vẫn đang hoạt động có lãi. Đối với nhiều nhà đầu tư, việc công ty trả cổ tức vẫn tốt hơn là công ty giữ lại tiền của cổ đông.
Ngoài ra, những năm gần đây, xu hướng đầu tư cổ phiếu để nhận cổ tức cũng được mọi người đón nhận, bởi:
- Mang lại nguồn thu nhập khá ổn định.
- Có thể giúp nhà đầu tư hưởng lợi nhuận kép nếu lãi suất giảm mạnh.
Trên thị trường, hầu hết những doanh nghiệp kinh doanh tốt đều chi trả cổ tức cho cổ đông.
Ví dụ 1:
- Lịch sử trả cổ tức của VNM (Vinamilk):
- Lịch sử trả cổ tức của FPT:
- Lịch sử trả cổ tức của VCB (Vietcombank):
- Lịch sử trả cổ tức của MBB (MBBank):
1.3 Quy trình chi trả cổ tức
Các Công ty ở Mỹ thường trả cổ tức hàng quý, còn ở Việt Nam thì các Công ty thường trả cổ tức theo năm. Cổ tức thường được đề xuất bởi Hội đồng quản trị và sau đó được thông qua bởi Đại hội đồng cổ đông. Sau đây là sơ đồ quá trình chi trả cổ tức:
Ngày công bố cổ tức (dividend declaration date): Là ngày Công ty công bố mức chi trả cổ tức. Đây là ngày quan trọng bởi vì thông qua việc công bố cổ tức. Nhà đầu tư sẽ đánh giá được mức cổ tức là tăng hay giảm, hay vẫn được duy trì. Qua đó, các nhà đầu tư sẽ đánh giá được những tín hiệu thông tin mà các Công ty phát ra. Vì vậy, nếu Công ty thay đổi cổ tức đột ngột. Thì đây là ngày mà phản ứng trên thị trường thường sẽ xuất hiện rất rõ.
Ngày giao dịch cuối cùng được hưởng quyền (ex-dividend date): Là ngày cuối cùng được hưởng cổ tức. Tức là ngày mà nhà đầu tư nên mua cổ phiếu để được hưởng cổ tức. Do đó, nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu sau ngày này thì sẽ không được hưởng cổ phiếu.
Ngày chốt giao dịch không hưởng quyền: Là ngày mà nếu các nhà đầu tư mua cổ phiếu sẽ không được hưởng cổ tức. Do đó, giá tham chiếu của cổ phiếu ngày này thường được điều chỉnh xuống tương ứng với số cổ tức để đảm bảo bình đẳng giữa các cổ đông. Tức là cổ đông được lợi về cổ tức thì bị thiệt về giá và ngược lại.
Ngày khóa sổ hay ngày đăng ký cuối cùng (record date): Là ngày Trung tâm lưu ký đóng sổ. Và chốt danh sách những cổ đông được hưởng cổ tức. Ở Việt Nam, do quy chế giao dịch là T+3. Nên ngày chốt danh sách cổ đông thường sau 3 ngày so với ngày giao dịch cuối cùng được hưởng quyền. Hay sau 2 ngày so với ngày giao dịch không hưởng quyền.
Ngày thanh toán cổ tức (dividend payment date): là ngày mà các cổ đông sẽ nhận được cổ tức (thường là 2 – 3 tuần sau ngày chốt danh sách cổ đông).
Ví dụ 1: Năm 2022, Vinamilk thông báo trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ là 38,5%. Tương ứng 3.850 đồng/cp. Tổng giá trị cổ tức chi trả bằng tiền dự kiến là 8.046 tỷ đồng. Tương đương 83% lợi nhuận sau thuế. Trong đó, Vinamilk tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 là tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp). Ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 7/7, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 6/7, ngày hưởng quyền cuối cùng là 5/7 và ngày thanh toán dự kiến là 19/8.
Như vậy, làm thế nào để được nhận cổ tức?
Để được nhận cổ tức, nhà đầu tư chỉ cần nắm giữ cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền. Nếu cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ là cổ phiếu đã niêm yết. Thì cổ tức sẽ được trả trực tiếp vào tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư. Đặc biệt, với trường hợp công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu. Thì sau khoảng 30-60 ngày, cổ phiếu đó mới được chia về tài khoản của nhà đầu tư.
Trường hợp cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữa là cổ phiếu chưa niêm yết (OTC). Thì nhà đầu tư cần liên hệ và đến trực tiếp doanh nghiệp để nhận cổ tức.
1.3 Các hình thức trả cổ tức:
Có 2 hình thức chi trả phổ biến nhất, đó là:
- Trả bằng tiền: Trả bằng tiền là việc doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt trực tiếp vào tài khoản chứng khoán cho cổ đông. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, khi 1 doanh nghiệp công bố tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền. Thì tức là dựa trên mệnh giá cổ phiếu (tương ứng 10.000 đồng/CP).
Ví dụ 2: Ngày 12/11/2020, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 4%. Như vậy, 1 cổ phiếu PVT sẽ nhận được: 4% x 10.000 = 400 đồng.
Chú ý: Tỷ lệ cổ tức sẽ được tính trên mệnh giá 10.000đ/cổ phiếu (không tính trên giá thị trường giao dịch hàng ngày).
- Trả bằng cổ phiếu: Trả cổ tức bằng cổ phiếu khá phổ biến ở những doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng cao. Bởi lúc này doanh nghiệp đang có nhu cầu cao được giữ lại lợi nhuận để mở rộng kinh doanh. Họ có thể phát hành thêm cổ phiếu (zero-cost). Hoặc sử dụng cổ phiếu quỹ (nếu có) để trả cổ tức cho cổ đông.
Ví dụ 3: Ngày 12/11/2020, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) đồng thời trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 tỷ lệ 15%. Như vậy, cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu PVT sẽ nhận được thêm 15 cổ phiếu mới.
Ngoài ra, Công ty có thể trả cổ tức bằng tài sản khác. Tài sản khác ở đây có thể được biểu hiện dưới dạng các hàng hóa, thành phẩm, bất động sản, cổ phiếu. Hay các sản phẩm tài chính mà doanh nghiệp trả cho cổ đông. Đây là hình thức trả cổ tức rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có một vài công ty trên thế giới trả cổ tức bằng hình thức này.
1.4 Các chỉ số về cổ tức
Khi phân tích về cổ tức của doanh nghiệp anh em cần rất chú ý tới các chỉ số sau:
a) Tỷ lệ chi trả cổ tức
Tỷ lệ chi trả cổ tức là tỷ lệ phần trăm (%) giữa Cổ tức bằng tiền chia cho Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Hay chính là Cổ tức chi trả cho 1 cổ phiếu thường/ EPS (Earnings Per Share – Thu nhập trên mỗi cổ phiếu).
Tỷ lệ chi trả cổ tức (%) = Cổ tức bằng tiền / Lợi nhuận sau thuế = Cổ tức trên 1 cổ phần thường / EPS
Ví dụ 4: Trong trường hợp đối với CTCP Đường Quảng Ngãi – QNS:
Theo báo cáo tài chính năm 2019 anh em có được các chỉ tiêu sau:
- Trả cổ tức bằng tiền năm trước: 123.147.885.500 VNĐ.
- Tạm trả cổ tức bằng tiền năm nay: 150.702.675.000 VNĐ.
- Lợi nhuận sau thuế năm nay: 1.291.776.601.066 VNĐ.
Tỷ lệ chi trả cổ tức = (123.147.885.500 + 150.702.675.000) / 1.291.776.601.066 = 21,2%.
⋅ Tỷ lệ chi trả cổ tức bao nhiêu là hợp lý?
Tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ ở mức hợp lý khi 2 vấn đề sau đây được đảm bảo:
- Thứ nhất, công ty được bổ sung đủ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
- Thứ hai, công ty đảm bảo vẫn giữ được tỷ suất sinh lợi trên vốn (ví dụ như tỷ lệ ROE).
Giả sử công ty A có vốn chủ sở hữu là 100 tỷ. Lợi nhuận năm 2022 là 20 tỷ, tương ứng tỷ lệ ROE 20%. Công ty A dự kiến sẽ chi 10 tỷ để chi trả cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ chi trả cổ tức là 50%.
Sau khi trích quỹ khen thưởng phúc lợi là 2 tỷ (tương đương, 10% lợi nhuận). Số tiền còn lại bổ sung vào vốn chủ sở hữu là: 20 – 10 – 2 = 8 tỷ.
Vốn chủ sở hữu cho năm tiếp theo là 108 tỷ.
⋅ Công ty phải làm gì?
Trong trường hợp này, anh em chú ý rằng công ty đặt kế hoạch phù hợp đảm bảo tỷ lệ ROE vẫn giữ được là 20% hoặc cao hơn. Khi đó, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch của năm sau tối thiểu phải là: 20% * 108 = 21,6 tỷ.
Nếu công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn. Thì rõ ràng các cổ đông cần yêu cầu công ty tăng tỷ lệ chi trả cổ tức.
b) Tỷ suất cổ tức
Tỷ suất cổ tức (Dividend yield) là tỷ suất sinh lợi mà anh em có thể nhận được từ cổ tức nếu mua cổ phiếu ở mức giá hiện tại. Đây là một tỷ lệ tài chính cho biết một công ty mỗi năm trả bao nhiêu tiền cổ tức so với giá cổ phiếu của nó. Tỷ lệ này được biểu thị bằng phần trăm.
Nói một cách dễ hiểu hơn. Đây là tỷ lệ phản ánh lợi nhuận chỉ dựa vào cổ tức của một khoản đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý không phải lúc nào tỷ suất cổ tức cao cũng đồng nghĩa với khoản đầu tư hấp dẫn. Nếu cổ tức không đổi, tỷ lệ sẽ tăng khi giá cổ phiếu giảm. Vì vậy đôi lúc tỷ lệ sẽ cao bất thường là do cổ phiếu đang giảm giá mạnh.
Công thức tính Dividend Yield:
Dividend Yield = Cổ tức trên 1 cổ phiếu / Giá thị trường của cổ phiếu
Ví dụ 5:
Cổ phiếu VNM dự kiến trả cổ tức trong năm 2022 tổng cộng là 14%. Tương ứng 1.400đ/cổ phiếu. Giá đóng cửa của VNM tại ngày 30/12/2022 là 76.100đ/cổ phiếu.
Khi đó: Dividend Yield = 1.400/76.100 = 1,83%.
Tâm lý chung của nhà đầu tư là: “Cổ phiếu trả cổ tức tiền mặt bao giờ cũng tốt hơn cổ phiếu không trả cổ tức tiền mặt”.
Do đó, một cổ phiếu có tỷ lệ Dividend Yield càng cao thì giá trị định giá cũng cao tương ứng. Chẳng hạn, một cổ phiếu có tỷ lệ Dividend Yield cao hơn so với trung bình ngành. Thì cổ phiếu đó cũng được coi là “rẻ” tương đối.
2. Định giá cổ phiếu bằng chiết khấu dòng cổ tức
Mô hình chiết khấu cổ tức – một trong những mô hình khá phổ biến trong việc định giá cổ phiếu. Nó đặc biệt quan trọng không chỉ riêng những người đang giao dịch chứng khoán. Mà hơn cả đó là những doanh nghiệp phát hành cổ phiếu. Cùng Cú tìm hiểu mô hình này như thế nào, có công thức tính ra sao trong bài viết dưới đây nhé.
2.1 Khái niệm mô hình chiết khấu cổ tức trong định giá cổ phiếu
Mô hình chiết khấu cổ tức (DDM) là một phương pháp định lượng để định giá giá cổ phiếu của một công ty. Dựa trên giả định rằng giá hợp lý hiện tại của cổ phiếu bằng tổng tất cả cổ tức trong tương lai của công ty được chiết khấu trở lại giá trị hiện tại của chúng.
Hay diễn giải theo cách khác là mô hình chiết khấu cổ tức được phát triển theo giả định rằng. Giá trị nội tại hiện tại của cổ phiếu phản ánh giá trị hiện tại của tất cả các dòng tiền trong tương lai do một chứng khoán tạo ra. Đồng thời, cổ tức về bản chất là dòng tiền dương được tạo ra bởi một công ty. Và được phân phối cho các cổ đông.
Về bản chất, cổ tức trong tương lai được xem là tiền mà cổ đông kỳ vọng sẽ nhận được khi nắm giữ cổ phiếu. Căn cứ vào nguyên tắc chiết khấu dòng tiền. Giá trị hiện tại của dòng cổ tức trong tương lai chính là giá trị căn bản của cổ phiếu.
Ví dụ 6: Nhà đầu tư dự đoán sẽ hưởng được cổ tức từ cổ phiếu ABC trong 5 năm như sau:
- Năm 1: 1.000 VNĐ/ cổ phần – cổ tức.
- Năm 2: 0 VNĐ/ cổ phần – cổ tức, nhưng được thưởng thêm cổ phần (tỉ lệ 1 được 1). Tức sẽ có thêm 1 cổ phần và tổng cộng sẽ có 2 cổ phần.
- Năm 3: 1.500 VNĐ/ cổ phần – cổ tức (tức là 3.000 VNĐ cho 2 cổ phần).
- Năm 4: 2.000 VNĐ/ cổ phần – cổ tức (tức là 4.000 VNĐ cho 2 cổ phần).
- Năm 5: 45.000 VNĐ từ việc bán cổ phiếu, (tức là 90.000 VNĐ cho 2 cổ phần).
Giả sử, tỷ lệ lãi suất để chiết khấu là 15%/năm. Xin lưu ý, việc chọn tỷ lệ lãi suất chiết khấu, hay trong trường hợp này cũng chính là chi phí vốn chủ sở hữu rất quan trọng trong việc định giá. Cú sẽ giới thiệu vấn đề này trong một bài viết khác. Nhưng thông thường tại Việt Nam, nhà đầu tư thường sử dụng lãi suất ngân hàng cho vay làm tỷ suất chiết khấu.
Toàn bộ dòng tiền này xảy ra vào thời điểm cuối năm, công thức tính giá trị hiện tại như sau:
PV = FV / (1 + r)^n
Trong đó:
- PV: giá trị hiện tại.
- FV: giá trị tương lai.
- r: lãi suất chiết khấu.
- n: số năm.
Sau đây là bảng tính giá trị hiện tại của cổ phiếu ABC như sau:
- Năm 1 (n = 1): PV1 = 1.000đ / (1+15%)^1 = 869 đồng.
- Năm 2 (n=2): PV2 = 0đ / (1+15%)^2 = 0 đồng.
- Năm 3 (n=3): PV3 = 3.000đ / (1+15%)^3 = 1.973 đồng.
- Năm 4 (n=4): PV4 = 4.000đ / (1+15%)^4 = 2.287 đồng.
- Năm 5 (n=5): PV5 = 90.000đ / (1+15%)^5 = 44.746 đồng.
Như vậy, tổng giá trị hiện tại (PV) = 869 + 0 + 1.973 + 2.287 + 44.746 = 49.875 đồng.
Mức 49.875 đồng/cổ phiếu sẽ là giá trị thực của cổ phiếu. Nếu giá cổ phiếu trên thị trường còn cao hơn mức giá này. Thì cổ phiếu ABC đã được thị trường định giá cao hơn so với giá trị nội tại (overpriced). Ngược lại, nếu giá thấp hơn. Thì cổ phiếu ABC được định giá thấp hơn so với giá trị nội tại (underpriced).
Nói chung, mô hình chiết khấu cổ tức cung cấp một cách dễ dàng để tính giá cổ phiếu hợp lý từ góc độ toán học với các biến đầu vào tối thiểu được yêu cầu. Tuy nhiên, mô hình dựa trên một số giả định mà không thể dễ dàng dự báo được.
Tùy thuộc vào sự thay đổi của mô hình chiết khấu cổ tức. Nhà phân tích yêu cầu dự báo các khoản chi trả cổ tức trong tương lai. Mức tăng trưởng của các khoản chi trả cổ tức và chi phí vốn cổ phần. Dự báo chính xác tất cả các biến là điều gần như không thể. Do đó, trong nhiều trường hợp, giá cổ phiếu hợp lý trên lý thuyết khác xa với thực tế.
2.2 Các bước thực hiện một mô hình chiết khấu cổ tức để định giá cổ phiếu
Mô hình chiết khấu cổ tức được xác định qua ba bước. Gồm: Xác định tỷ lệ chiết khấu; Tính tốc độ tăng trưởng của cổ tức. Và tính toán giá trị hiện tại của dòng cổ tức.
Bước 1: Xác định tỷ lệ chiết khấu
Về lý thuyết có 3 cách ước lượng tỷ lệ chiết khấu bao gồm:
- Sử dụng mô hình định giá tài sản vốn.
- Sử dụng mô hình tăng trưởng cổ tức.
- Sử dụng tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro cộng thêm với phần bù rủi ro của dự án.
Trong ba cách trên thì cách thứ nhất và thứ hai cho phép xác định một cách chính xác hơn cách thứ ba. Nhưng không thể áp dụng được ở các nước có điều kiện thị trường tài chính chưa phát triển. Vì thế ít khi nhà đầu tư áp dụng cách thứ nhất và thứ hai. Mà thay vào đó là sử dụng lãi suất ngân hàng làm tỷ suất chiết khấu. Sự thay thế này vô tình bỏ qua mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro.
Để khắc phục nhược điểm trên, cách thứ 3 là tối ưu nhất sử dụng Tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro cộng với Phần bù rủi ro xem xét cụ thể cho từng loại tài sản và dự án. Thông thường tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro được lấy từ lãi suất trái phiếu chỉnh phủ. Vì rủi ro mất khả năng thanh toán của chính phủ là rất thấp.
Ví dụ 7: Lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 20 năm ở mức 4,2%/năm (lãi suất phi rủi ro). Phần bù rủi ro đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là 9,8%. Do vậy, tỷ suất sinh lợi kỳ vọng (tỷ suất chiết khấu) của thị trường chứng khoán Việt Nam là:
Tỷ suất chiết khấu = 4,2% + 9,8% = 14%/năm.
Bước 2: Tính tốc độ tăng trưởng cổ tức
Công thức tính tốc độ tăng trưởng cổ tức như sau:
g = ROE * b = ROE * (1 – DIV/EPS)
Trong đó:
- g: tốc độ tăng trưởng cổ tức
- b là tỷ lệ phần trăm lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, được xác định bằng công thức:
b = 1 – Tỷ lệ chia cổ tức = 1 – DIV / EPS
- DIV: cổ tức được chia trên 1 cổ phiếu
- EPS: Lợi nhuận ròng trên 1 cổ phiếu
- ROE = Lợi nhuận ròng / Vốn cổ đông = Thu nhập trên 1 cổ phiếu / Giá trị sổ sách của 1 cổ phiếu .
Việc tính tỷ lệ tăng trưởng cổ tức của công ty phải dựa trên đánh giá tiềm năng phát triển công ty về lâu dài. Chứ không chỉ đơn thuần trong một số năm tới. Vì tốc độ tăng trưởng g được giả định là mức tăng trưởng đều đặn của công ty trong suốt thời gian hoạt động. Do vậy các số liệu để tính toán g phải là mức dự đoán bình quân lâu dài.
Ví dụ 8: Công ty A có tổng tài sản 200 tỷ. Hệ số nợ là 0,75. Lãi ròng dự kiến là 15 tỷ, trong đó lợi nhuận dành chia cổ tức là 3 tỷ.
Suy ra, Vốn chủ sở hữu (VCSH) của công ty = (1 – 0,75) * 200 tỷ = 50 tỷ.
Vậy, dự báo mức tăng trưởng cổ tức trong tương lai là:
G = ROE * (1 – DIV/EPS) = 15/50 * (1 – 3/15) = 0,3 * 0,8 = 0,24.
Bước 3: Tính toán giá trị hiện tại của dòng cổ tức
Giá trị hiện tại của cổ tức được xác định theo từng mô hình chiết khấu cổ tức cụ thể bao gồm:
- Mô hình chiết khấu cổ tức 1 giai đoạn
- Mô hình chiết khấu cổ tức 2 giai đoạn
- Mô hình chiết khấu cổ tức 3 giai đoạn
Để có thể cắt xẻ và tìm hiểu sâu hơn về 3 mô hình này. Hãy cùng Cú đến với phần thứ 3 của bài viết này “Các mô hình chiết khấu cổ tức”. Ở phần này, mỗi mô hình sẽ đi kèm cùng các ví dụ và mô hình cụ thể. Để hỗ trợ anh em thực hành trực tiếp trong việc định giá cổ phiếu.
3. Các mô hình chiết khấu cổ tức để định giá cổ phiếu
Đối với các nhà đầu tư giá trị, khi họ đầu tư mua cổ phiếu, họ sẽ kỳ vọng nhận được hai loại dòng tiền. Đó là, dòng tiền cổ tức nhận được trong thời gian nắm giữ và dòng tiền nhận được khi bán cổ phiếu.
Nhưng giá bán của cổ phiếu lại phụ thuộc vào dòng cổ tức mà cổ phiếu đó đem lại trong tương lai. Do đó, giá trị nội tại của cổ phiếu chính là giá trị hiện tại của toàn bộ cổ tức mà cổ phiếu đó mang lại trong thời gian vô thời hạn. Hay nói một cách khác, có thể giả sử nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu và hưởng cổ tức vô thời hạn. Giá trị hiện tại của toàn bộ cổ tức này chính là giá trị nội tại của cổ phiếu.
Vì vậy, nhà đầu tư cần nắm vững cách chiết khấu dòng cổ tức về hiện tại như thế nào nhé.
Phương pháp chiết khấu có 2 mô hình chính gồm:
- Mô hình chiết khấu cổ tức một giai đoạn.
- Mô hình chiết khấu cổ tức nhiều giai đoạn.
Mô hình chiết khấu cổ tức có thể có nhiều biến thể tùy thuộc vào các giả định đã nêu. Các biến thể bao gồm những điều sau:
3.1 Mô hình chiết khấu cổ tức 1 giai đoạn (Mô hình tăng trưởng Gordon) để định giá cổ phiếu
Mô hình này được gọi theo tên nhà kinh tế học người Mỹ Myron J. Gordon, người đã đề xuất sự thay đổi. Mô hình tăng trưởng Gordon hỗ trợ nhà đầu tư đánh giá giá trị nội tại của cổ phiếu dựa trên tỷ lệ tăng trưởng không đổi của cổ tức tiềm năng.
GGM dựa trên giả định rằng dòng cổ tức trong tương lai sẽ tăng trưởng với tốc độ không đổi trong tương lai trong một thời gian vô hạn. Mô hình này hữu ích trong việc đánh giá giá trị của các doanh nghiệp ổn định với dòng tiền mạnh và mức tăng trưởng cổ tức ổn định. Thay vì tính giá trị hiện tại của từng dòng cổ tức và cộng lại. Giáo Sư Myrin Gordon đã phát triển công thức tính giá trị nội tại hết sức đơn giản.
Về mặt toán học, mô hình được thể hiện theo cách sau:
Giá trị nội tại của cổ tức = Cổ tức kỳ vọng năm tới / (Tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng – Tỷ lệ tăng trưởng của cổ tức)
Hay:
P = D1 / (k – g) = D0 * (1 + g) / (k – g)
Trong đó:
- P : Giá trị nội tại của cổ tức
- D1 : Cổ tức kỳ vọng năm tới. Trong đó: D1 = D0 * (1+g)
- D0: Cổ tức năm hiện tại
- k : Tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng. Là tỷ lệ hoàn vốn tối thiểu mà nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận khi lựa chọn mua cổ phiếu của công ty.
- g : Tỷ lệ tăng trưởng của cổ tức không đổi của công ty
Bất kể tình hình thị trường, yếu tố chi trả cổ tức và lợi nhuận dự kiến như thế nào. Thì mô hình này luôn cố gắng tính giá trị hợp lý của một cổ phiếu. Nếu giá trị thu được từ mô hình cao hơn giá giao dịch hiện tại của cổ phiếu. Thì điều này được hiểu là cổ phiếu đã bị định giá thấp – đủ điều kiện để mua vào. Và ngược lại.
Ví dụ 9:
Công ty cổ phần A năm trước đã trả mức cổ tức là 3.500 VNĐ/cổ phiếu. Tình hình sản xuất kinh doanh đang rất thuận lợi. Và công ty dự tính mức tăng cổ tức đều đặn hàng năm là 4%.
Nhà đầu tư yêu cầu mức sinh lời đối với cổ phiếu A là 22%. Nếu thị giá cổ phiếu A hiện đang là 23.100 VND/ cổ phiếu. Thì nhà đầu tư có nên mua cổ phiếu A không?
Suy ra, giá cổ phiếu A ước tính là:
P = 3.500 * (1+4%) / (22% – 4%) = 20.222 đồng.
Vậy giá trị thực của cổ phiếu A bé hơn giá trị hiện tại trên thị trường (23.100 đồng). Nhà đầu tư không nên mua cổ phiếu A.
⋅ Lưu ý: Khi dự đoán tỷ lệ tăng trưởng, nhà đầu tư phải lưu ý rằng. Không chỉ một mình cổ tức tăng trưởng với tốc độ đó. Mà các chỉ số tài chính quan trọng khác, quan trọng nhất là lợi nhuận cũng phải phải tăng trưởng với cùng tốc độ. Khi đó tỷ lệ tăng trưởng của cổ tức sẽ được lợi nhuận và các chỉ số khác hỗ trợ. Và vì thế được duy trì bền vững.
Ngoài ra nhà đầu tư phải lưu ý rằng tỷ lệ tăng trưởng bền vững này chỉ có thể nhỏ hơn. Hay cao nhất là bằng tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế. Không có doanh nghiệp nào có thể tăng trưởng mãi mãi với tốc độ cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
⋅ Điều kiện áp dụng: Áp dụng đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định. Cụ thể là:
- Mô hình tăng trưởng Gordon phù hợp nhất đối với những công ty có chính sách chi trả cổ tức trong dài hạn hợp lý. Hoặc áp dụng đối với các doanh nghiệp mà lợi nhuận tạo ra hàng năm đều chia cổ tức hết cho cổ đông. Không giữ lại để nhằm mục đích có thể tái đầu tư nên không có sự tăng trưởng.
- Mô hình tăng trưởng Gordon đặc biệt phù hợp đối với những công ty dịch vụ công ích có tăng trưởng ổn định.
- Để áp dụng được mô hình này, điều kiện kiên quyết và bắt buộc là lãi suất sinh lời yêu cầu phải luôn luôn lớn hơn tốc độ tăng trưởng của dòng tiền (k > g).
⋅ Ưu nhược điểm của mô hình Gordon:
- Ưu điểm: Là một phương pháp ước tính giá trị doanh nghiệp đơn giản và tiện lợi.
- Nhược điểm:
+ Một trong những hạn chế chính của mô hình này nằm ở các giả định về sự tăng trưởng liên tục của dòng tiền. Thực tế, do tác động của chu kỳ kinh doanh hoặc rủi ro thị trường. Nên rất hiếm doanh nghiệp có thể tăng trưởng một cách liên tục và ổn định. Do đó, mô hình tăng trưởng Gordon sẽ cho kết quả chính xác hơn nếu được áp dụng với các công ty có tốc độ tăng trưởng ổn định. Và không chịu ảnh hưởng bởi tính chu kỳ kinh doanh.
+ Mô hình này rất nhạy cảm đối với tỷ lệ tăng trưởng. Khi tỷ lệ tăng trưởng bằng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng thì giá trị sẽ không tính toán được.
+ Mô hình khó áp dụng trong thực tế. Vì cổ tức thường không chia hết cho cổ đông, mà để lại một phần để có thể tái đầu tư.
Có thể thấy, đây là cách tiếp cận đơn giản nhất của mô hình chiết khấu cổ tức. Tuy nhiên, thực tế, doanh nghiệp thông thường trải qua ít nhất 2 giai đoạn trở lên.
⋅ Lưu ý: Đối với cổ phiếu ưu đãi cổ tức
Khác với cổ phiếu thường. Cổ phiếu ưu đãi cổ tức cho chủ sở hữu sẽ được nhận một khoản cổ tức không đổi định kỳ. Do đó khi định giá cổ phiếu ưu đãi cổ tức. Nhà đầu tư thường áp dụng phương pháp chiết khấu cho chuỗi các dòng tiền không đổi.
Người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được nhận một khoản cổ tức không đổi hàng năm. Do đó anh em có công thức định giá cổ phiếu ưu đãi sẽ được tính theo mô hình tăng trưởng Gordon với tốc độ tăng trưởng “g = 0’’. Anh em có công thức định giá như sau:
Trong đó:
- Ppf: là giá trị hiện tại của cổ phiếu ưu đãi cổ tức.
- D: là cổ tức định kỳ hằng năm.
- ke: tỷ suất lợi nhuận mà nhà đầu tư kỳ vọng nhận được khi mua cổ phiếu.
Ví dụ 11: Tính giá của cổ phiếu ưu đãi của công ty X. Với cổ tức được nhận mỗi năm là 1.500 đồng/cổ phiếu. Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu là 12%.
Giá trị hiện tại của các dòng cổ tức của cổ phiếu ưu đãi trên được tính như sau:
Giá trị hiện tại của cổ phiếu ưu đãi của công ty X được tính theo phương pháp DDM là 12.500 đồng/cổ phiếu.
3.2 Mô hình chiết khấu cổ tức nhiều giai đoạn để định giá cổ phiếu
Giả định về một cổ phiếu trả cổ tức trong thời gian vô hạn. Và giữ được mức tăng trưởng ổn định trong nhiều năm liên tục là không thực tế. Do vậy, mô hình cổ tức chiết khấu nhiều giai đoạn được ra đời. Dựa trên giả định rằng sự tăng trưởng có thể thuộc 1 trong 3 giai đoạn:
- Giai đoạn phát triển: lợi nhuận tăng cao đột biến, biên lợi nhuận cao, gần như không trả cổ tức. Dòng tiền thuần âm do đẩy mạnh đầu tư vào tài sản vốn cho mục đích mở rộng.
- Giai đoạn chuyển giao: tăng trưởng lợi nhuận cao hơn mức trung bình, biên lợi nhuận cao, nhu cầu vốn giảm. Và dòng tiền thuần dương, bắt đầu xuất hiện dòng tiền cổ tức.
- Giai đoạn bão hòa: biên lợi nhuận, tỷ lệ tăng trưởng, tỷ lệ trả cổ tức duy trì ở mức ổn định. Đây là giai đoạn có thể sử dụng mô hình Gordon.
Các loại mô hình chiết khấu nhiều giai đoạn bao gồm:
a) Mô hình 2 giai đoạn
Mô hình chiết khấu cổ tức 2 giai đoạn áp dụng cho cổ phiếu có cổ tức tăng trưởng cao trong một số năm. Sau đó trở về tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững trong dài hạn. Sự chênh lệch về mức tăng trưởng của 2 giai đoạn tương đối rõ ràng. Mô hình trên phù hợp với các công ty được bảo hộ thương hiệu, công nghệ trong một giai đoạn. Đến khi sự bảo hộ kết thúc cũng là lúc công ty đạt trạng thái bão hòa.
Khi đó, chúng ta có công thức tính giá trị nội tại của cổ phiếu như sau:
Giá trị nội tại của cổ phiếu = Giá trị hiện tại của cổ tức trong thời gian tăng trưởng nóng (giai đoạn 1) + Giá trị hiện tại của cổ tức trong thời gian tăng trưởng ổn định (giai đoạn 2)
Trong đó:
- P : Giá trị nội tại của cổ phiếu
- D0 : Cổ tức công ty chi trả ở thời điểm hiện tại
- k : Tỷ suất sinh lời kỳ vọng
- t, T : số năm
- g : tỷ lệ tăng trưởng cổ tức hằng năm giai đoạn 1
- Ghg : tỷ lệ tăng trưởng cổ tức hằng năm giai đoạn 2
Ví dụ 12:
Công ty cổ phần A vừa công bố trả cổ tức là 1.000đ/cổ phiếu. Đại hội đồng cổ đông cũng thông qua định hướng phân chia cổ tức trong thời gian tới như sau:
- 3 năm tới, mức tăng cổ tức mỗi năm là 12%.
- Bắt đầu từ năm thứ 4 trở đi, mức tăng cổ tức hàng năm ổn định là 6%.
- Tỷ suất sinh lời kỳ vọng của cổ đông là 15%/năm.
Vậy, suy ra giá trị thực của cổ phiếu A tại thời điểm hiện hành là:
b) Mô hình 3 giai đoạn trở lên
Vận dụng cách tính cơ bản của hai mô hình nói trên. Chúng ta có thể áp dụng cho những cổ phiếu có cổ tức phát triển theo nhiều giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn như mô hình 3 giai đoạn: cổ tức tăng trưởng cao, giảm dần và trở lại tăng trưởng ổn định.
Công thức định giá cổ phiếu doanh nghiệp là:
Tổng quát hóa:
Giá trị nội tại của cổ phiếu = Giá trị hiện tại của dòng cổ tức trong từng giai đoạn + Giá trị cuối cùng quy về hiện tại
Cụ thể hóa cho 3 giai đoạn:
Giá trị nội tại của cổ phiếu = Giá trị hiện tại của cổ tức trong thời gian tăng trưởng nóng (giai đoạn 1) + Giá trị hiện tại của cổ tức trong thời gian giảm dần (giai đoạn 2) + Giá trị hiện tại của cổ tức trong thời gian tăng trưởng ổn định (giai đoạn 3)
Trong đó:
- P : Giá trị nội tại của cổ phiếu
- D0 : Cổ tức công ty chi trả ở thời điểm hiện tại
- k : Tỷ suất sinh lời kỳ vọng
- T : số năm
- g : tỷ lệ tăng trưởng cổ tức hằng năm giai đoạn 1
- Ghg : tỷ lệ tăng trưởng cổ tức hằng năm giai đoạn 2
- Gst : tỷ lệ tăng trưởng cổ tức hằng năm giai đoạn 3
Ví dụ 13: Trong 3 năm tới, cổ phiếu ABC được kỳ vọng sẽ chi trả cổ tức lần lượt là:
- Năm 1: trả cổ tức bằng tiền là 2.000 đồng/cổ phiếu.
- Năm 2: trả cổ tức bằng tiền là 2.100 đồng/cổ phiếu.
- Năm 3: trả cổ tức bằng tiền là 2.200 đồng/cổ phiếu.
- Giá cổ phiếu được kỳ vọng là 20.000 đồng tại thời điểm cuối năm thứ 3.
Biết lợi suất yêu cầu (ke) của cổ phiếu này là 10%. Tính giá trị P0 của cổ phiếu.
Giá trị hiện tại của các dòng cổ tức trong tương lai của cổ phiếu trên được tính như sau:
P0 = 20.230 đồng.
Như vậy, Giá trị hiện tại của cổ phiếu ABC theo phương pháp DDM là 20.230 đồng.
Ví dụ 14:
Trong ví dụ bên dưới đây, CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (HOSE: TCL) đang được định giá với việc nẵm giữ cổ phiếu trong nhiều giai đoạn. Ở đây có thể gọi cho dễ hiểu là các giai đoạn chi tiết (không ổn định) và giai đoạn thường xuyên (ổn định và bền vững). Với giả định tỷ suất sinh lợi kỳ vọng của nhà đầu tư ở mức 12%. Và tỷ lệ tăng trưởng dài hạn ở mức 5%. Sau khi chiết khấu cổ tức tiền mặt trong tương lai về giá trị hiện tại. Giá trị hợp lý của cổ phiếu của TCL nằm ở mức 56,487 đồng/cổ phiếu.
Điều kiện áp dụng: Thông thường, mô hình nhiều giai đoạn sẽ áp dụng đối với một số công ty có thể kiểm soát hoặc được bảo hộ giúp chúng đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong giai đoạn vài năm tới. Và dự kiến có mức tăng trưởng đặc biệt trong suốt thời gian đó. Sau đó khi sự bảo hộ kết thúc hoặc do ảnh hưởng của sự gia tăng mức độ cạnh tranh trong ngành. Dẫn tới mức độ tăng trưởng giảm dần cho đến giai đoạn bão hòa. Và công ty sẽ quay về mức tăng trưởng ổn định.
⋅ Ưu điểm:
- Phù hợp với thực tế chi trả cổ tức của các doanh nghiệp trên thị trường.
⋅ Nhược điểm:
- Thực chất thì việc xác định chính xác độ dài thời gian tăng trưởng trong giai đoạn đầu là rất khó.
- Giả thiết về sự tăng trưởng ổn định ở giai đoạn sau là rất nhạy cảm. Bởi vì tỷ lệ tăng trưởng này cao hay thấp cũng có thể dẫn đến giá trị doanh nghiệp tính theo mô hình tăng trưởng Gordon ở giai đoạn này sai lệch rất lớn.
4. Ưu điểm và nhược điểm của các mô hình chiết khấu cổ tức để định giá cổ phiếu
⋅ Ưu điểm:
- Mô hình chiết khấu cổ tức đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ sử dụng. Và là cơ sở cho các mô hình khác.
- Giống với các phương pháp khác trong mô hình định giá chiết khấu dòng tiền DCF. Mô hình DDM được chấp nhận rộng rãi trong việc định giá doanh nghiệp. Vì thể hiện được đúng giá trị của các doanh nghiệp dựa trên các khoản lợi nhuận từ cổ tức được chi trả cho nhà đầu tư.
- Mô hình này áp dụng để định giá cổ phiếu trong các trường hợp tốc độ tăng trưởng cổ tức bằng 0 hoặc bằng g không đổi. Và ngay cả trong trường hợp tốc độ tăng trưởng cổ tức thay đổi qua từng thời kỳ.
- Mô hình đặc biệt phù hợp để định giá các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng chậm. Có chính sách trả cổ tức đều đặn và ổn định qua các năm.
⋅ Nhược điểm:
- Hạn chế lớn nhất của phương pháp này nằm ở chỗ các dòng cổ tức phải được dự phóng. Việc này thường không đơn giản. Do tính không ổn định trong các chính sách phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp. Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp áp dụng chính sách không chi trả cổ tức trong nhiều năm mặc dù vẫn làm ăn có lãi.
- Một thiếu sót của mô hình chiết khấu cổ tức là tuân theo giả định tỷ lệ tăng trưởng cổ tức không đổi vĩnh viễn. Giả định này không lý tưởng đối với các công ty có tỷ lệ tăng trưởng cổ tức dao động. Hoặc chi trả cổ tức không thường xuyên.
- Mô hình này không phù hợp với các công ty có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng cổ tức.
- Tùy thuộc vào sự thay đổi của mô hình chiết khấu cổ tức. Nhà phân tích yêu cầu dự báo các khoản chi trả cổ tức trong tương lai, mức tăng trưởng của các khoản chi trả cổ tức và chi phí vốn cổ phần. Dự báo chính xác tất cả các biến là điều gần như không thể. Do đó, trong nhiều trường hợp, giá cổ phiếu hợp lý trên lý thuyết khác xa với thực tế.
⋅ Kết luận:
Phương thức chiết khấu dòng cổ tức dễ sử dụng và đem lại độ chính xác khá cao. Thế nhưng phương pháp cũng có một số khuyết điểm. Đó là nó đánh giá không chính xác, và thường là hạ thấp giá trị của những công ty đang tăng trưởng, không chia cổ tức hoặc chia cổ tức với tỷ lệ thấp so với lợi nhuận. Mô hình này cũng không xác định hết giá trị của các công ty có nhiều tài sản không hoạt động. Nghĩa là tài sản không đóng góp vào việc tạo ra cổ tức.
Thực tế cho thấy rằng, hiểu và thực hành công cụ mô hình chiết khấu cổ tức thôi là chưa đủ để giúp anh em đưa ra được những quyết định đầu tư hiệu quả. Việc định giá cổ phiếu của một doanh nghiệp cần linh hoạt. Áp dụng các mô hình khác nhau cho từng thời kỳ cụ thể. Đồng thời nhà đầu tư phải có thêm các kỹ năng về đọc hiểu BCTC, xây dựng dự báo, phát hiện các khoản mục gian lận…
5. Một số lưu ý khi áp dụng ở Việt Nam
⋅ Nhà đầu tư cần quan sát lịch sử chia cổ tức
Các công ty thích hợp với DDM thường có tốc độ tăng trưởng chậm. Và có chính sách trả cổ tức rất phóng khoáng. Ví dụ điển hình là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (HOSE: DPM). Bởi vì công ty không cần đầu tư quá nhiều tiền để mở rộng kinh doanh. Điều này có thể nhìn thấy rõ qua chính sách chi trả cổ tức tiền mặt của công ty. Trong 5 năm qua, DPM trung bình trả hết 95% lợi nhuận ròng của mình để trả cổ tức tiền mặt cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, giá cổ phiếu của công ty cũng không biến động nhiều. Là một điểm đáng quan tâm với các nhà đầu tư ưa thích sự an toàn. Đây có thể xem là một cổ phiếu phòng thủ lý tưởng khi mà tình hình kinh tế vẫn còn diễn biến khó lường.
⋅ Loại công ty nào thường chia cổ tức đều?
Các doanh nghiệp đã trưởng thành và không còn nhiều không gian để phát triển bùng nổ thường sẽ hướng đến vấn đề cổ tức nhiều hơn. Tuy nhiên, người viết nhận thấy có một yếu tố nữa mà các nhà đầu tư có thể bỏ qua.
Tỷ phú Lee Shau Kee của Hong Kong, “bố già” của giới đầu tư châu Á. Từng đề cập đến việc ông thích đầu tư vào những doanh nghiệp có “chỗ dựa”. Trong một nền kinh tế mà doanh nghiệp nhà nước được xác định là đóng vai trò chủ đạo. Thì chúng sẽ nhận được các nguồn lực hỗ trợ mạnh mẽ như đất đai, nguyên vật liệu sản xuất, chính sách ưu đãi… từ chính quyền.
Điều này dẫn đến hệ quả là các doanh nghiệp này sẽ khó c.h.ế.t trong những thời kỳ khó khăn. Và dễ bứt phá hơn trong những giai đoạn bùng nổ của nền kinh tế. Điều này đem lại sự an toàn cũng như khả năng sinh lời cho các khoản đầu tư của Lee Shau Kee. Những phi vụ điển hình của ông như PetroChina, China Shenhua đã chứng minh cho điều này.
Các doanh nghiệp nhà nước hoặc có gốc nhà nước cũng có chính sách cổ tức rất ổn định. Có thể kể ra những ví dụ điển hình như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (DPM). Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEA)… Điều này vô hình chung làm cho chúng trở nên rất phù hợp với mô hình DDM. Để có thể phát hiện được vấn đề này, nhà đầu tư có thể tham khảo Hồ sơ doanh nghiệp của cổ phiếu để nắm rõ và cập nhật hơn.
Lời kết
Trên đây là bài viết chia sẻ của Cú về phương pháp định giá cổ phiếu theo mô hình chiết khấu cổ tức. Định giá cổ phiếu là một trong những kỹ năng quan trọng khi đầu tư cổ phiếu. Sau khi định giá, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định mua nếu giá cổ phiếu rẻ hơn giá trị thực. Và có thể bán ra nếu giá cổ phiếu cao hơn giá trị thực. Đây là nguyên lý cơ bản cho việc lời lãi khi đầu tư, mua bán cổ phiếu.
Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức là một phương pháp có vai trò quan trọng. Và được ứng dụng nhiều trong thực tiễn. Để nhằm mục đích có thể xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần định giá.
Hãy nghiên cứu và tìm hiểu thật kỹ về định giá cổ phiếu theo mô hình chiết khấu cổ tức nhé. Đây là công thức định giá hiệu quả mà các nhà đầu tư đều có thể áp dụng. Trên cơ sở đó đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả nhất nhé.
Để cập nhật thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán bổ ích. Hãy ghé thăm Cú thường xuyên nhé!
Nếu còn điều gì thắc mắc về chủ đề này, anh em có thể inbox cho Cú. Cú luôn sẵn sàng trao đổi và đón nhận những thông tin kiến thức mới đến từ anh em.
Ngoài ra, anh em cũng nên trang bị cho mình các kiến thức vĩ mô khác hữu ích với nhà đầu tư.
Anh em có thể bắt đầu từ series Thao túng thị trường chứng khoán của Cú như:
Anh em có thể tham khảo bài viết khác về Định giá cổ phiếu của Cú như:
- Phương pháp định giá cổ phiếu hiệu quả cho nhà đầu tư chứng khoán (P1)
- Định giá cổ phiếu theo chỉ số P/E dễ hiểu nhất (P.2)
- Định giá cổ phiếu theo chỉ số P/B dễ hiểu nhất (P.3)
- Định giá cổ phiếu theo chỉ số P/S dễ hiểu nhất (P.4)
- Định giá cổ phiếu theo chỉ số PEG dễ hiểu nhất (P.5)
- Định giá cổ phiếu theo chỉ số EV/EBITDA dễ hiểu nhất (P.6)
- Định giá cổ phiếu theo mô hình chiết khấu cổ tức dễ hiểu nhất (P.7)
- Định giá cổ phiếu bằng cách chiết khấu dòng tiền tự do FCFF (P.8)
- Định giá cổ phiếu bằng cách chiết khấu dòng tiền tự do FCFE (P.9)
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Ngoài ra để hiểu rõ hơn cách phân tích chuyên sâu 1 báo cáo kết quả kinh doanh. Anh em có thể học thêm. Hiện tại Cú có cung cấp khóa học chứng khoán. Với những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho anh em. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Cú sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh. Cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh liên lạc
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://www.facebook.com/CuThongThai.VNInvestor/
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA?sub_confirmation=1
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969