Bật mí cách phân biệt và định giá các loại trái phiếu doanh nghiệp
Đầu tư trái phiếu liệu có phải chỉ đơn giản là mua và chờ ngày thu gốc lãi trái phiếu về? Câu trả lời rõ ràng là không rồi. Anh em cần nhiều kiến thức hơn thế để có thể đầu tư trái phiếu một cách an toàn và được nhiều lợi nhuận nhất. Một trong số đó chính là cách tính giá trái phiếu. Cũng như hiểu được mối quan hệ giữa các biến số vĩ mô và thị trường trái phiếu. Có như vậy thì anh em mới có thể tìm được điểm mua và điểm bán hợp lý. Cũng như có thể đưa ra phương án bảo vệ mình tốt nhất trước biến động của thị trường.
Vậy định giá trái phiếu như thế nào thì hợp lý? Biến số vĩ mô, cụ thể là lãi suất thị trường biến động ảnh hưởng như thế nào tới giá trái phiếu? Anh em hãy cùng Cú tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Mở đầu
“Giá trái phiếu luôn cố định và biết trước”. Đây có lẽ là sự hiểu nhầm tai hại nhất đối với một người đầu tư trái phiếu. Các khái niệm về trái phiếu không được truyền tải đúng và đủ tới người đọc. Khiến mọi người hay nhầm lẫn giá trái phiếu và mệnh giá trái phiếu. Nên đã gây ra sự hiểu nhầm này. Mệnh giá trái phiếu mới là giá trị cố định và được ghi rõ ràng trên trái phiếu.
Nhưng, giá trái phiếu thì khác. Có rất nhiều thứ ảnh hưởng tới giá trái phiếu. Như mệnh giá, kỳ hạn, lãi suất, thời điểm định giá, phương thức trả lãi… Do đó, giá trái phiếu là một con số luôn thay đổi.
Để hiểu rõ hơn, Cú giới thiệu tới anh em bài viết chuyên sâu về định giá trái phiếu. Cũng như các nhân tố khác tác động tới giá trái phiếu như thế nào? Giúp anh em có thêm nhiều kiến thức hơn và có một chiến lược đầu tư trái phiếu hợp lý nhé!
Phần 1: Định giá trái phiếu là gì?
Tiếp nối seri chủ đề đầu tư trái phiếu, trong bài viết này, Cú sẽ giới thiệu tới anh em chi tiết hơn về định giá trái phiếu. Đặc biệt là những khái niệm, nội dung liên quan lãi suất và giá cả. Sẽ có những khái niệm vừa lạ, vừa quen. Vì vậy nếu có khái niệm nào anh em chưa hiểu rõ, hãy đừng ngần ngại inbox Cú theo trang page sau nhé. Cú sẽ cùng anh em phân tích nhé!
https://www.facebook.com/CuThongThai.VNInvestor/
1.1 Định giá trái phiếu là gì?
Định giá trái phiếu là xác định giá trị thực hay còn gọi là giá trị kinh tế của một trái phiếu. Giá trị này bằng với giá trị hiện tại của một dòng tiền được kỳ vọng sẽ nhận được ở tương lai. Quá trình xác định giá của trái phiếu thông thường sẽ bao gồm 3 bước dưới đây:
– Ước tính giá trị dòng tiền được kỳ vọng sẽ được nhận trong tương lai.
– Xác định tỷ suất hợp lý dùng để chiết khấu dòng tiền – Hay còn gọi là lãi suất chiết khấu.
– Bằng tỷ suất chiết khấu, tính giá trị được kỳ vọng của dòng tiền trong tương lai. Công thức tính sẽ khác nhau phụ thuộc vào từng loại trái phiếu. Cú sẽ giới thiệu chi tiết ở phần sau.
Cũng giống như cổ phiếu, định giá mang đến cho anh em đánh giá về giá cả của loại chứng khoán đang như thế nào trên thị trường. Và vì tỷ suất sinh lợi yêu cầu của các nhà đầu tư là khác nhau. Nên giá của cùng 1 một trái phiếu sẽ khác nhau. Dẫn đến các quyết định đầu tư khác nhau.
1.2 Đặc điểm chính của trái phiếu
Để hiểu được cách tính giá trái phiếu, anh em cần nắm kỹ những đặc điểm chính của trái phiếu như sau:
– Tổ chức phát hành trái phiếu: Là tổ chức vay nợ thông qua việc phát hành trái phiếu. Là bên đi vay.
– Trái chủ: Là nhà đầu tư, người nắm giữ trái phiếu. Hay còn gọi là chủ nợ của tổ chức phát hành trái phiếu.
– Mệnh giá, nợ gốc (F): Face Value, giá trị mà bên phát hành cam kết hoàn trả khi đáo hạn. Đây cũng là giá trị làm cơ sở để tính lãi coupon.
– Lãi suất coupon (c): Lãi suất mà tổ chức phát hành cam kết chi trả theo định kỳ.
– Lãi coupon (C): Lãi trả định kỳ tính bằng lãi suất coupon nhân với mệnh giá.
– Ngày đáo hạn: Ngày hoàn trả nợ gốc cuối cùng.
– Kỳ hạn (n): Thời gian từ khi phát hành cho đến khi trái phiếu đáo hạn.
– Giá trái phiếu (P): Giá trị hiện tại (PV) của trái phiếu.
– Lợi suất đến khi đáo hạn (YTM): Suất sinh lợi nội tại (IRR) nếu mua trái phiếu bây giờ và giữ cho tới khi đáo hạn.
– Lãi suất chiết khấu (y): Vừa là lãi suất của một trái phiếu cụ thể trên thị trường, vừa là lãi suất được nhà đầu tư yêu cầu.
Nó cho biết phần thưởng tối thiểu mà nhà đầu tư mong muốn từ khoản đầu tư này. Khi phải đối mặt với rủi ro ẩn chứa trong những luồng tiền trong tương lai của tài sản. Do đó, đây là tỷ lệ lợi tức cân bằng với rủi ro. Tỷ lệ lãi suất yêu cầu của nhà đầu tư được xác định bởi tỷ lệ lãi suất phi rủi ro cộng với phần bù rủi ro. Mà nhà đầu tư cho là cần thiết để bù đắp cho những rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu trong việc sở hữu tài sản này.
Khi giá trị trái phiếu thay đổi thì đồng nghĩa với tỷ suất chiết khấu trái phiếu cũng thay đổi. Giá trị của trái phiếu tỷ lệ nghịch với tỷ suất trái phiếu. Khi tỷ suất trái phiếu tăng thì giá trị trái phiếu sẽ giảm và ngược lại. Khi trái phiếu gần đến ngày đáo hạn thì giá trị của nó sẽ tiến về gần hơn với mệnh giá.
Trong phạm vi chuyên sâu về giá trái phiếu, Cú không nhắc lại những đặc điểm và lưu ý của các thuật ngữ trên. Nhưng anh em có thể tham khảo thêm trong bài Hướng dẫn cách chọn mua trái phiếu an toàn – hiệu quả nhất. Để nắm rõ và hiểu sâu hơn nhé.
1.3 Công thức chung tính giá trái phiếu
Cú sẽ giới thiệu tới anh em công thức chung nhất áp dụng cho định giá trái phiếu doanh nghiệp. Đây có thể coi là công thức cơ bản nhất. Từ đó sẽ thay đổi dựa vào những đặc điểm khác nhau của trái phiếu cần tính toán. Anh em hãy ghi nhớ công thức này nhé.
Xuất phát điểm từ công thức tính giá trị của dòng tiền nhận về qua các năm. Giá trị của trái phiếu sẽ là giá trị hiện tại của những khoản lãi định kỳ © và nợ gốc (FV), với lãi suất chiết khấu (y) qua các năm (n).
P = C/(1 + y) + C/( 1 + y)^2 + … + C/(1 + y)^n + FV/(1 + y)^n
=> P = C/y * [1 – 1/(1 + y)^n] + FV/(1 + y)^n
Trong đó :
P: Giá trái phiếu tại thời điểm hiện tại.
FV: Mệnh giá trái phiếu.
C: Lãi coupon nhận định kỳ.
y: Lãi suất chiết khấu.
n: Kỳ hạn trái phiếu.
Phân tích công thức giá trái phiếu:
Theo định nghĩa, giá trái phiếu bằng với giá hiện tại của các dòng tiền trong tương lai. Vậy để xác định giá hiện tại của một dòng tiền cần làm như thế nào. Để tiếp cận khái niệm giá hiện tại (giá trị của thời điểm hiện tại) của dòng tiền. Anh em cần bắt đầu với một khái niệm đó là giá trị tương lai.
Giá trị tương lai sau n năm của một số tiền C ở thời điểm hiện tại là C (1 + r)^ n. Với r là lãi suất thị trường. Công thức này được hiểu rất đơn giản như sau: Giả sử anh em có $50. Và thay vì cất giữ, anh em gửi số tiền đó vào ngân hàng hoặc đầu tư vào một lĩnh vực nào đó. Với lãi suất cố định nhận được hàng năm là 10%.
Sau thời gian một năm, số tiền nhận được sẽ bằng tiền gốc cộng với lãi. Cụ thể sẽ bằng 50 + 50 * 0.1 = 50 * (1+0.1) = 55$.
Sau thời gian hai năm, số tiền nhận được sẽ là 55 + 55 * 10% = 50 * (1+0.1) + 50 (1+0.1) * 0.1 = 50 * (1+0.1) * (1+0.1) = 50 * (1+0.1)^2$.
Tương tự, sau n năm, số tiền người gửi nhận được sẽ là 50 * (1+0.1)^n$.
Theo đó, giá trị tương lai của 50$ sau một năm là 50 * (1+0.1)$. Sau hai năm sẽ là 50 * (1+0.1)^2$ và sau n năm sẽ là 50 * (1+0.1)^n$.
Chính vì vậy, cùng 1 số tiền C như nhau, nhưng giá trị của số tiền đó ở hiện tại luôn lớn hơn trong tương lai. Do anh em có thể gửi tiết kiệm để sinh thêm lãi C * (1+r). Do đó, khi tính giá trị hiện tại của dòng tiền, anh em cần phải chiết khấu với lãi suất hợp lý với thời gian.
Từ đó có thể thấy:
Giá trị hiện tại của khoản tiền C ở năm thứ 1 sẽ là C/(1 + y)
Giá trị hiện tại của khoản tiền C ở năm thứ 2 sẽ là C/(1 + y)^2
Tương tự, giá trị hiện tại của khoản tiền C ở năm thứ n sẽ là C/(1 + y)^n
Giá trị hiện tại của khoản tiền gốc nhận được khi đáo hạn sẽ là FV/(1 + y)^n
Tổng tất cả các dòng tiền nhận được trong thời gian nắm giữ trái phiếu sẽ cho ra giá trị hiện tại của trái phiếu.
P = C/(1 + y) + C/(1 + y)^2 + … + C/(1 + y)^n + FV/(1 + y)^n
=> P = C/y * [1 – 1/(1 + y)^n] + FV/(1 + y)^n
Giá trái phiếu sẽ thay đổi khi thời gian và tỷ suất lợi nhuận thay đổi.
Ví dụ 1: Định giá trái phiếu lúc phát hành.
Trái phiếu A có mệnh giá 100,000 đồng. Phát hành ngày 10/1/2023, kỳ hạn 5 năm. Lãi suất coupon 10.5% và trả lãi định kỳ năm 1 lần (vào ngày 10/1 hàng năm). Trả nợ gốc khi đáo hạn. Lãi suất chiết khấu là 12%.
Khi đó:
– FV = 100,000 đồng
– Lãi coupon C = 100,000 * 10.5% = 10,500 đồng
– Lãi suất chiết khấu y = 12%
– Kỳ hạn n = 5 năm
=> Giá trái phiếu khi phát hành là
P = C/(1 + y) + C/(1 + y)^2 + … + C/(1 + y)^n + FV/(1 + y)^n
= 10,500/(1+12%) + 10,500/(1+12%)^2 + … + 10,500/(1+12%)^5 + 100,000/(1+12%)^5
=> P = C/y * [1 – 1/(1 + y)^n] + FV/(1 + y)^n
P = 10,500/12% * [1-1/(1 + 12%)^5] + 100 ,000/(1 + 12%)^5 = 94,592.83 đồng.
Ví dụ 2: Định giá trái phiếu vào thời điểm bất kỳ.
Tiếp tục ví dụ 1, giả sử vào đầu tháng 1 năm 2024, anh em muốn định giá để bán trái phiếu này. Giá TP lúc này sẽ là bao nhiêu?
Vì trái phiếu đã phát hành được 1 năm, nên tính tới thời điểm đáo hạn. Kỳ hạn còn lại của trái phiếu là 5 – 1 = 4 năm.
Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu cũng thay đổi là 13% thay vì 12% như ban đầu.
=> Giá TP lúc này sẽ là
P = C/y * [1 – 1/(1 + y)^n] + FV/(1 + y)^n
P = 10,500/13% * [1-1/(1 + 13%)^4] + 100 ,000/(1 + 13%)^4 = 92,563.82 đồng.
Phần 2: Phân biệt các loại trái phiếu phổ biến
2.1 Trái phiếu Coupon
2.1.1 Trái phiếu coupon là gì?
Trái phiếu Coupon là loại trái phiếu được trả lãi định kỳ. Thường là 6 tháng một lần (đối với thị trường chứng khoán Hoa Kỳ). Hoặc hàng năm (đối với thị trường chứng khoán Châu Âu và các nước khác). Với một tỷ lệ cố định hay được gọi là lãi suất coupon.
2.1.2 Lãi suất coupon là gì?
Lãi suất trái phiếu hay lãi suất coupon là lãi suất mà tổ chức phát hành trái phiếu trả cho nhà đầu tư. Lãi suất coupon cố định, được niêm yết ở cuống trái phiếu. Và không phụ thuộc vào sự tăng giảm lãi suất trên thị trường.
Khi nhà đầu tư mua trái phiếu, công ty phát hành sẽ thanh toán định kỳ cho người sở hữu. Dựa trên mệnh giá gốc và lãi suất coupon ghi trên trái phiếu đã phát hành.
Để quyết định mức lãi suất trái phiếu, công ty phát hành phải nghiên cứu và lựa chọn sao cho đủ hấp dẫn. Nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với dòng luân chuyển tiền của tổ chức phát hành.
Lãi suất coupon đại diện cho số tiền lãi thực tế mà trái chủ thu được hàng năm. Trong khi lợi suất đáo hạn là tổng tỷ suất sinh lợi ước tính của một trái phiếu. Nếu nó được giữ cho đến ngày đáo hạn.
Hầu hết các nhà đầu tư coi lợi suất đáo hạn (Yield to Maturity – YTM) là chỉ số quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư. YTM không cố định mà thay đổi, lên xuống theo diễn biến cung cầu thị trường. Và rủi ro tín dụng tại từng thời điểm của nhà phát hành. Cú sẽ giới thiệu chi tiết hơn ở phần các phần sau.
2.1.3 Đặc điểm của trái phiếu coupon
Về hình thức, loại trái phiếu này sẽ có cuống phiếu (coupon) khi chúng được phát hành dưới dạng chứng chỉ. Trong thời gian tính lãi, người sở hữu trái phiếu sẽ nhận được tiền lãi tương ứng theo từng coupon. Với số lượng coupon tương ứng với số lần trả lãi.
Với trái phiếu Coupon, trên tờ trái phiếu không ghi tên người sở hữu. Tức là ai cầm nó sẽ là người sở hữu nên trái phiếu vô danh (bearer bonds). Vì vậy có thể chuyển nhượng dễ dàng. Nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro khi không có quy định chặt chẽ về chủ sở hữu.
2.1.4 Ảnh hưởng của coupon tới trái phiếu
Khi nhà đầu tư sở hữu trái phiếu coupon, tiền lãi được thanh toán định kỳ. Với lãi suất cố định cho đến khi đáo hạn. Không thay đổi cho dù thị trường biến động lên hay xuống.
Khi lãi suất chung của thị trường cao hơn lãi suất của trái phiếu coupon. Trái phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn do đó giá trái phiếu có khả năng giảm. Vì nhà đầu tư muốn chọn phương thức đầu tư khác có lợi hơn.
Ngược lại, nếu lãi suất hiện hành giảm thấp hơn lãi suất coupon. Thì trái phiếu sẽ tăng giá trị vì nó đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà đầu tư.
Thực tế, giá của trái phiếu không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác mối quan hệ giữa lãi suất coupon và các mức lãi suất khác. Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần so sánh lãi suất coupon với lãi suất thị trường. Để lựa chọn hình thức đầu tư hiệu quả nhất.
Khi nhà đầu tư sở hữu trái phiếu coupon, tiền lãi được thanh toán định kỳ với lãi suất cố định cho đến khi đáo hạn, không thay đổi cho dù thị trường biến động lên hay xuống.
Khi lãi suất chung của thị trường cao hơn lãi suất của trái phiếu coupon, trái phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn do đó giá trái phiếu có khả năng giảm vì nhà đầu tư muốn chọn phương thức đầu tư khác có lợi hơn.
Ngược lại, nếu lãi suất hiện hành giảm thấp hơn lãi suất coupon thì trái phiếu sẽ tăng giá trị vì nó đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà đầu tư.
Thực tế, giá của trái phiếu không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác mối quan hệ giữa lãi suất coupon và các mức lãi suất khác. Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần so sánh lãi suất coupon với lãi suất thị trường để lựa chọn hình thức đầu tư hiệu quả nhất.
2.2 Trái phiếu Zero coupon
2.2.1 Trái phiếu zero coupon là gì?
Trái phiếu zero coupon (tiếng Anh là Zero-coupon bond) là loại trái phiếu không được trả lãi định kỳ mà chỉ trả vào một lần duy nhất. Tuy chỉ có một kỳ trả lãi duy nhất. Nhưng nó lại có mức chiết khấu cao và mang lại lợi nhuận lớn khi trái phiếu đáo hạn.
2.2.2 Đặc điểm của trái phiếu zero coupon
Như đã nói ở trên, trái phiếu zero coupon chỉ có một kỳ trả lãi. Việc trả lãi sẽ được thực hiện theo hai cách. Tiền lãi được trả tại thời điểm phát hành. Hoặc trả gộp khi trái phiếu đáo hạn.
Với hình thức trả lãi trước hay còn gọi là trái phiếu chiết khấu. Trái phiếu khi phát hành sẽ được bán ra với giá thấp hơn mệnh giá. Phần chênh lệch chính là phần lãi đã được trừ. Đến kỳ đáo hạn trái phiếu, người mua chỉ nhận lại phần vốn gốc tương ứng với mệnh giá trái phiếu.
Trái phiếu trả lãi sau còn được gọi là trái phiếu gộp. Người mua trái phiếu sẽ mua với đúng mệnh giá. Tiền lãi định kỳ sẽ không trả theo kỳ. Mà được gộp vào phần vốn gốc để tính lãi cho kỳ tiếp theo. Trái chủ sẽ nhận toàn bộ gốc và lãi khi trái phiếu đáo hạn.
Tương tự trái phiếu coupon, zero coupon bond được phát hành dưới dạng chứng chỉ. Nên thuộc loại trái phiếu vô danh, không có tên chủ sở hữu trái phiếu. Zero coupon bond không có phần cuống phiếu. Và ghi lãi suất ngay trên bề mặt tờ phiếu. Còn được gọi là lãi suất danh nghĩa và được lấy làm căn cứ để tính lãi.
2.2.3 Ưu điểm của trái phiếu zero coupon
Ưu điểm đầu tiên đó là có thể đoán trước lợi tức. Lợi tức của một trái phiếu được chiết khấu sâu sau khi đáo hạn. Nhà đầu tư có thể biết trước khi đầu tư vào loại trái phiếu này.
Tiếp theo có thể kể đến là vốn đầu tư ban đầu thấp. Đây là một sản phẩm tài chính có chiết khấu sâu, số tiền bỏ ra ban đầu không quá cao. Sau khi trái phiếu đáo hạn, bạn sẽ nhận được cả gốc và lãi.
Phù hợp để đầu tư dài hạn. Đây là sự lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư dài hạn. Do trái phiếu không trái tức thường có thời hạn từ 10 năm trở lên.
Loại bỏ rủi ro khi tái đầu tư. Đây là loại trái phiếu có ít rủi ro hơn khi tái đầu tư. Tái đầu tư ở đây có thể hiểu là việc sử dụng số tiền nhận được trong thời gian nắm giữ trái phiếu để đầu tư mới. Người mua sẽ không chịu bất cứ ảnh hưởng xấu nào khi trái phiếu đáo hạn.
Có thể giao dịch trên thị trường thứ cấp. Nhà đầu tư có thể bán hoặc mua zero coupon bond trước khi đáo hạn trên thị trường thứ cấp. Tỷ giá bán/mua sẽ phụ thuộc vào tỷ giá của thị trường tại thời điểm bán.
2.2.4 Nhược điểm của trái phiếu zero coupon
Bên cạnh các ưu điểm, trái phiếu không trái tức cũng có một số nhược điểm như:
– Thời gian đáo hạn dài. Trái phiếu không lãi suất có thời gian đáo hạn dài, lên đến hàng chục năm.
– Không có thu nhập thường xuyên do chỉ trả lãi một lần duy nhất. Nên nhà đầu tư sẽ không được nhận lãi suất định kỳ.
– Sự tồn tại của công ty cũng là một nhược điểm cần nhắc tới của trái phiếu zero coupon. Thời gian đáo hạn của trái phiếu không trái tức lên đến hàng chục năm. Nên nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với các rủi ro. Trong trường hợp công ty phá sản trước khi trái phiếu đáo hạn. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư cần lựa chọn thật kỹ các công ty phát hành trái phiếu. Tìm hiểu và chọn lọc các công ty uy tín, an toàn để đầu tư.
2.3 Trái phiếu có lãi suất thả nổi
2.3.1 Trái phiếu có lãi suất thả nổi là gì?
Trái phiếu lãi suất thả nổi hay còn gọi là trái phiếu lãi suất điều chỉnh. Tiếng anh là Floating rate Bond hay hay Variable rate Bond. Đây là loại trái phiếu có lãi suất được thay đổi theo từng chu kỳ. Việc thay đổi lãi suất này tất nhiên do tổ chức phát hành quy định và được ghi rõ trên trái phiếu.
Chu kỳ điều chỉnh lãi suất có thể là 6 tháng, 1 năm, 1 năm rưỡi,…và sẽ được thỏa thuận rõ trên trái phiếu. Lãi suất trái phiếu này thay đổi như thế nào. Sẽ tùy thuộc vào những chỉ số trung bình trên thị trường vào thời điểm đó.
Với trái phiếu lãi suất thả nổi, thông thường tổ chức phát hành cam kết sẽ điều chỉnh tăng lãi suất trái phiếu. Khi lãi suất huy động vốn trên thị trường tăng. Lãi suất thay đổi ít nhất phải cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ. Ngược lại nếu lãi suất huy động vốn giảm. Thì mức lãi suất mà người sở hữu trái phiếu hưởng sẽ được giữ nguyên.
2.3.2 Ưu điểm của trái phiếu có lãi suất thả nổi
Đây là loại trái phiếu được coi là trái phiếu khá an toàn đối với nhà đầu tư. Trong điều kiện tỷ lệ lạm phát cao và lãi suất thị trường không ổn định. Thì điều mà các nhà đầu tư mong muốn chính là được hưởng một mức lãi suất phù hợp với tình hình thị trường. Và loại trái phiếu thả nổi này mang lại một mức lãi suất ổn định. Ít nhất cũng bằng với mức lãi suất ban đầu khi mua trái phiếu. Và có thể tăng dần theo lãi suất thị trường.
So với các loại chứng khoán khác như cổ phiếu, trái phiếu thông thường. Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc đầu tư vào trái phiếu có lãi suất thay đổi. Sẽ giúp ngăn ngừa rủi ro về thu nhập thực tế giảm đi trong điều kiện thị trường biến động.
2.3.3 Nhược điểm của trái phiếu có lãi suất thả nổi
Bên cạnh những ưu điểm trên, trái phiếu có lãi suất thay đổi vẫn có thể mang lại rủi ro cho nhà đầu tư. Đó là khi chu kỳ điều chỉnh lãi suất tương đối dài. Và thời điểm lãi suất trên thị trường biến động càng xa với thời điểm điều chỉnh lãi suất.
Nếu lãi suất trên thị trường tăng nhưng chưa đến kỳ hạn điều chỉnh lãi suất. Các nhà đầu tư sẽ phải chịu mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất thị trường. Cho đến khi doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh.
Và đối với doanh nghiệp phát hành. Do các lần điều chỉnh lãi suất nên việc quản lý trái phiếu này sẽ phức tạp hơn trái phiếu thông thường. Công tác lập kế hoạch tài chính cũng gặp khó khăn. Bởi vì doanh nghiệp khó có thể dự báo chính xác về chi phí lãi vay trong tương lai.
2.4 So sánh trái phiếu có lãi suất thả nổi và trái phiếu có lãi suất cố định
2.4.1 Trái phiếu có lãi suất cố định
– Trái phiếu có lãi suất cố định là trái phiếu có lãi suất được giữ cố định trong suốt thời hạn của trái phiếu.
– Giá trái phiếu có lãi suất cố định nhạy cảm với rủi ro lãi suất. Vì di chuyển ngược chiều với lãi suất thị trường.
– Nhà đầu tư có thể tính toán được số tiền lãi và mệnh giá sẽ nhận được khi trái phiếu đáo hạn.
– Nhà đầu tư sẽ nhận được một khoản thanh toán lãi suất coupon cố định hàng tháng. Nửa năm hoặc hàng năm trong suốt thời gian đầu tư.
– Đầu tư vào trái phiếu có lãi suất cố định giúp nhà đầu tư có thể lập kế hoạch tài chính phù hợp. Cũng như dễ dàng điều chỉnh các khoản đầu tư cho phù hợp với mục tiêu tài chính.
2.4.2 Trái phiếu có lãi suất thả nổi
– Trái phiếu có lãi suất thả nổi là trái phiếu có lãi suất thay đổi trong suốt thời hạn của trái phiếu.
– Trái phiếu có lãi suất thả nổi không gặp rủi ro lãi suất.
– Việc xác định chính xác lợi nhuận nhận được khi đáo hạn khá khó. Do có lãi suất thay đổi.
– Nhà đầu tư sẽ nhận được mức lãi suất coupon thay đổi trong suốt thời gian đầu tư. Có nghĩa là khi lãi suất tăng, lãi suất phiếu giảm giá cũng tăng và ngược lại.
– Việc xây dựng một kế hoạch tài chính phù hợp với trái phiếu lãi suất thả nổi khó khăn hơn. Bởi vì lợi nhuận có thể có hoặc có thể không phù hợp với một mục tiêu tài chính cụ thể.
Phần 3: Định giá trái phiếu cho từng loại trái phiếu cụ thể
3.1 Định giá trái phiếu không có thời hạn
Trái phiếu không có thời hạn (perpetual bond or consol) là trái phiếu chẳng bao giờ đáo hạn. Xét về nguồn gốc, loại trái phiếu này do chính phủ Anh phát hành đầu tiên sau Chiến tranh Napoleon. Để huy động vốn dài hạn phục vụ tái thiết đất nước. Trái phiếu không có thời hạn này chính là cam kết của chính phủ Anh. Sẽ trả một số tiền lãi cố định mãi mãi cho người nào sở hữu trái phiếu. Giá trị của loại trái phiếu này được xác định bằng hiện giá của dòng tiền vô hạn mà trái phiếu này mang lại. Giả sử chúng ta gọi:
– C là lãi cố định được hưởng mãi mãi.
– P là giá của trái phiếu.
– y là tỷ suất lợi nhuận yêu cầu của nhà đầu tư.
Giá của trái phiếu vĩnh cửu chính là tổng hiện giá của toàn bộ lãi thu được từ trái phiếu. Vận dụng công thức xác định hiện giá. Chúng ta có thể định giá TP không có thời hạn như sau:
P = C/(1 + y) + C/(1 + y)^2 + … + C/(1 + y)^n + FV/(1 + y)^n
Vì n tiến tới vô cùng, nên giá của trái phiếu sẽ là
P = C/y
Ví dụ 3: Giả sử anh em mua một trái phiếu được hưởng lãi 50$ một năm. Trong khoảng thời gian vô hạn và tỷ suất lợi nhuận đầu tư là 12%. Hiện giá của trái phiếu này sẽ là: P = C/y = 50/0,12 = 416,67$.
Điều đặc biệt của trái phiếu này là giá của trái phiếu này không đổi với thời gian. Thứ duy nhất tác động tới giá của nó chính là tỷ suất lợi nhuận yêu cầu. Do đó, anh em sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu mua vào thời kỳ lãi suất giảm.
Tại sao nhà đầu tư chịu bỏ tiền ra mua một trái phiếu chẳng bao giờ đáo hạn? Nghĩa là chẳng bao giờ thu hồi lại được tiền gốc bỏ ra? Lý do, như đã chỉ ra trong mô hình định giá. Là số tiền bỏ ra đó được bù đắp bằng số lãi hàng năm nhà đầu tư nhận được mãi mãi.
Việt Nam chúng ta, thời gian qua chưa thấy phát hành loại trái phiếu này. Do nhà đầu tư chưa có thói quen với việc bỏ tiền ra mua một công cụ không có đáo hạn. Mà chỉ để hưởng lãi. Tuy nhiên, đứng trên góc độ huy động vốn cho ngân sách nhằm mục đích tái thiết đất nước. Loại trái phiếu này cũng rất đáng quan tâm.
Nhà nước có thể phát hành loại trái phiếu này huy động vốn cho ngân sách. Mà không chịu áp lực hoàn trả vốn gốc. Trong khi người dân, đặc biệt là những người sắp sửa nghỉ hưu. Có thể bỏ tiền ra mua loại trái phiếu này như một công cụ đầu tư. Để hưởng thu nhập ổn định hàng năm nhằm bổ sung cho thu nhập của mình khi về hưu. Khi nhà đầu tư qua đời, loại trái phiếu này có thể chuyển lại cho con cháu họ. Như một tài sản thừa kế và các thế hệ sau tiếp tục được hưởng lãi mãi mãi.
3.2 Định giá trái phiếu có kỳ hạn được hưởng lãi định kỳ
Trái phiếu có kỳ hạn được hưởng lãi (nonzero coupon bond) là loại trái phiếu có xác định thời hạn đáo hạn. Và lãi suất được hưởng qua từng thời hạn nhất định. Khi mua loại trái phiếu này nhà đầu tư được hưởng lãi định kỳ. Thường là hàng năm, theo lãi suất công bố (coupon rate) trên mệnh giá trái phiếu. Và được thu hồi lại vốn gốc bằng mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn.
Chúng ta có giá của trái phiếu, bằng hiện giá toàn bộ dòng tiền thu nhập từ trái phiếu trong tương lai, được xác định như sau:
P = C/(1+y) + C/(1+y)^2 + … + C/(1 + y)^n + FV/(1 + y)^n
=> P = C/y * [1 – 1/(1 + y)^n] + FV/(1 + y)^n
Trong đó:
– C là lãi cố định được hưởng từ trái phiếu
– P là giá của trái phiếu
– c là lãi suất của trái phiếu
– y là tỷ suất lợi nhuận yêu cầu của nhà đầu tư
– FV là mệnh giá trái phiếu
– n là số năm cho đến khi đáo hạn
Ví dụ 4: Định giá trái phiếu khi phát hành.
Giả sử anh em cần định giá của một trái phiếu có mệnh giá là 100,000 đồng. Được hưởng lãi suất 10% trong thời hạn 9 năm. Trong khi nhà đầu tư đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận là 12%/năm. Giá của trái phiếu này xác định như sau:
– Lãi cố định được hưởng hằng năm là C = FV * c = 100,000 * 10% = 10,000 đồng.
=>P = C/y * [1 – 1/(1 + y)^n] + FV/(1 + y)^n
P = 10,000/ 12% * [1 – /(1 + 12%)^9] + 100,000/(1 + 12%)^9
P = 89,344 đồng. Nghĩa là với tỷ suất yêu cầu xác định, anh em có thể chấp nhận bỏ ra số tiền 89,344 đồng. Để mua trái phiếu này tại thời điểm lúc trái phiếu phát hành.
Và nếu tổ chức phát hành đang bán với giá thấp hơn. Thì trái phiếu này có thể được coi là một món hời, đáng quan tâm trong danh mục đầu tư của anh em. Đúng không nào?
Ví dụ 5: Định giá trái phiếu tại thời điểm bất kỳ.
Tiếp tục ví dụ 4, giả sử sau 2 năm sau, anh em muốn định giá để bán trái phiếu này. Giá TP lúc này sẽ là bao nhiêu?
Vì trái phiếu đã phát hành được 2 năm, nên tính tới thời điểm đáo hạn. Kỳ hạn còn lại của trái phiếu là 9 – 2 = 7 năm.
Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu cũng thay đổi là 13% thay vì 12% như ban đầu.
=> Giá TP P = C/y * [1 – 1/(1 + y)^n] + FV/(1 + y)^n
P = 10,000/ 13% * [1 – 1/(1 + 13%)^7] + 100,000/(1 + 13%)^7
P = 86,732 đồng.
Đây là giá trị lý thuyết của trái phiếu. Tức là giá trị mà anh em có được khi áp dụng mô hình định giá. Nếu trên thị trường, trái phiếu được giao dịch ở mức giá trên mức giá này. Điều đó có nghĩa là trái phiếu đang giao dịch trên mức giá trị lý thuyết của nó. Lời khuyên của Cú là anh em nên bán trái phiếu. Ngược lại, nếu trên thị trường trái phiếu đang giao dịch dưới mức giá bạn định ra. Có nghĩa là trái phiếu đang giao dịch dưới mức giá trị lý thuyết của nó. Anh em nên mua trái phiếu này.
Lý do, chúng ta cần định giá một trái phiếu để biết được giá bán hiện tại trên thị trường của trái phiếu đó là đắt hay rẻ. Và nguyên tắc hành động sau khi định giá sẽ luôn là bán trái phiếu khi giá đắt hơn định giá. Và mua trái phiếu khi giá rẻ hơn định giá. Vì khi đó, nhiều người cũng định giá và quyết định như chúng ta. Kết quả là trái phiếu sẽ lên giá và khi đó bạn lại bán trái phiếu ra và kiếm lợi nhuận như kỳ vọng.
3.3 Định giá trái phiếu có kỳ hạn không hưởng lãi định kỳ
Trái phiếu kỳ hạn không hưởng lãi định kỳ (zero-coupon bond) là loại trái phiếu không có trả lãi định kỳ. Mà được bán với giá thấp hơn nhiều so với mệnh giá.
Tại sao nhà đầu tư lại mua trái phiếu không được hưởng lãi? Lý do là khi mua loại trái phiếu này họ vẫn nhận được lợi tức. Chính là phần chênh lệch giữa giá mua gốc của trái phiếu với mệnh giá của trái phiếu đó. Phương pháp định giá loại trái phiếu này cũng tương tự như cách định giá loại trái phiếu kỳ hạn được hưởng lãi. Chỉ khác ở chỗ lãi suất ở đây bằng không nên toàn bộ hiện giá của phần lãi định kỳ bằng 0. Do vậy, giá cả của trái phiếu không hưởng lãi được định giá như là hiện giá của mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn.
Công thức tính:
Giá trái phiếu P = FV/(1 + y)^n
Trong đó:
– P là mệnh giá trái phiếu
– FV là mệnh giá trái phiếu
– y là tỷ suất lợi nhuận yêu cầu của nhà đầu tư
– n là kỳ hạn
Ví dụ 6: Định giá trái phiếu khi phát hành.
Giả sử công ty A phát hành trái phiếu không trả lãi có thời hạn 10 năm và mệnh giá là 100,000 đồng. Nếu tỷ suất lợi nhuận đòi hỏi của nhà đầu tư là 12%, giá bán của trái phiếu này sẽ là:
P = FV/(1 + y)^n = 100,000/(1 + 12%)^10 = 32,197 đồng
Nhà đầu tư bỏ ra 32,197 đồng để mua trái phiếu này. Và không được hưởng lãi định kỳ trong suốt 10 năm. Nhưng bù lại khi đáo hạn nhà đầu tư thu về được 100,000 đồng.
Khi giá bán trên thị trường thấp hơn giá này, anh em có thể cân nhắc mua trái phiếu. Vì đang được mua rẻ hơn so với định giá. Sau đó, anh em có thể lựa chọn giữ tới khi đáo hạn. Hoặc bán ra khi giá thị trường của trái phiếu tăng cao.
Ví dụ 7: Định giá trái phiếu tại thời điểm bất kỳ.
Tiếp tục ví dụ 6, giả sử sau 2 năm sau, anh em muốn định giá để bán trái phiếu này. Giá trái phiếu lúc này sẽ là bao nhiêu?
Vì trái phiếu đã phát hành được 2 năm, nên tính tới thời điểm đáo hạn. Kỳ hạn còn lại của trái phiếu là 10 – 2 = 8 năm.
Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu cũng thay đổi là 11% thay vì 12% như ban đầu.
=> Giá trái phiếu P = FV/(1 + y)^n = 100,000/(1 + 11%)^8 = 43,392 đồng.
Khi giá bán trên thị trường thấp hơn giá này, anh em có thể cân nhắc mua trái phiếu. Ngược lại khi giá bán trên thị trường cao hơn giá này, anh em nên cân nhắc bán trái phiếu ra. Để có thể thu được lợi nhuận tối ưu nhất khi đầu tư.
3.4 Định giá trái phiếu trả lãi theo định kỳ nửa năm
Thông thường trái phiếu được trả lãi hàng năm một lần. Nhưng đôi khi cũng có loại trái phiếu trả lãi theo định kỳ nửa năm một lần. Tức là trả lãi mỗi năm hai lần. Kết quả là mô hình định giá TP thông thường phải có một số thay đổi thích hợp. Để định giá trong trường hợp này. Lúc này:
– Lãi nhận được định kỳ sẽ là C/2.
– Thời gian tính sẽ là 2n.
– Tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư yêu cầu sẽ là y/2.
Thay vào công thức chung, ta sẽ được:
P = C/2/(1 + y/2) + C/2(1 + y/2)^2 + … + C/2/(1 + y/2)^2n + FV/(1 + y/2)^2n
=> P = C/y * [1 – 1/(1 + y/2)^2n] + FV/(1 + y/2)^2n
Để có thể so sánh trái phiếu trả lãi định kỳ năm 1 lần và trái phiếu trả lãi định kỳ nửa năm 1 lần. Loại trái phiếu nào có giá rẻ hơn. Cú sẽ sử dụng lại dữ liệu của phần định giá TP có kỳ hạn được hưởng lợi định kỳ. Tức là ví dụ 4 và ví dụ 5 để anh em tiện so sánh.
Ví dụ 8: Định giá trái phiếu khi phát hành.
Giả sử anh em cần định giá của một trái phiếu có mệnh giá là 100,000 đồng. Được hưởng lãi định kỳ nửa năm một lần với lãi suất 10% trong thời hạn 9 năm. Trong khi nhà đầu tư đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận là 12%/năm. Giá của trái phiếu này xác định như sau:
– Lãi cố định được hưởng nửa năm là C/2= FV * c/2 = 100,000 * 10%/2 = 5,000 đồng.
– Lợi suất yêu cầu của nhà đầu tư nửa năm là y/2 = 12%/2 = 6%.
– Thời hạn tính giá trái phiếu là 2n = 2 * 9 = 18.
=> Giá TP P = C/y * [1 – 1/(1 + y/2)^2n] + FV/(1 + y/2)^2n
P = 5,000/6% * [1 – /(1 + 6%)^18] + 100,000/(1 + 6%)^18
P = 89,172 đồng.
So sánh với giá TP cùng dữ kiện, trả lãi coupon định kỳ 1 năm 1 lần ở ví dụ 4 là 89,344 đồng. Thì giá TP trả lãi coupon định kỳ 2 lần 1 năm thấp hơn. Do đó, việc áng chừng với suy nghĩ tiền nhận được sớm hơn và nhiều lần hơn sẽ tốt hơn là hoàn toàn không có căn cứ. Anh em lưu ý nhé!
Tiếp theo, chúng ta hãy cùng so sánh giá của 2 loại trái phiếu này ở 1 thời điểm bất kỳ thông qua ví dụ sau.
Ví dụ 9: Định giá trái phiếu tại thời điểm bất kỳ.
Tiếp tục ví dụ 8, giả sử sau 2 năm sau, anh em muốn định giá để bán trái phiếu này. Giá TP lúc này sẽ là bao nhiêu?
Vì trái phiếu đã phát hành được 2 năm, nên tính tới thời điểm đáo hạn. Kỳ hạn còn lại của trái phiếu là 9 – 2 = 7 năm.
Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu cũng thay đổi là 13% thay vì 12% như ban đầu.
=> Giá TP P = C/y * [1 – 1/1 + y/2)^2n] + FV/(1 + y/2)^2n
P = 5,000/ 13% * [1 – 1/(1 + 6.5%)^14] + 100,000/(1 + 6.5%)^14
P = 86,479 đồng.
Tương tự như bên trên, so sánh với giá TP cùng dữ kiện, trả lãi coupon định kỳ 1 năm 1 lần ở ví dụ 5 là 86,732 đồng. Thì giá TP trả lãi coupon định kỳ 2 lần 1 năm thấp hơn. Anh em hãy thử nhiều ví dụ hơn để tự so sánh nhé. Theo kinh nghiệm của Cú thì khi cần thiết so sánh. Anh em nên đặt phép tính cụ thể nhé. Tránh những sự nhầm lẫn không cần thiết. Và cũng là dễ nhìn, dễ hiểu nhất.
3.5 Định giá trái phiếu có lãi suất thả nổi
Trái phiếu có lãi suất thả nổi chính là trái phiếu mà trái chủ sẽ nhận được các khoản lợi tức khác nhau, phụ thuộc vào lãi suất thị trường.
Lãi suất trái phiếu thả nổi = lãi suất thị trường + chênh lệch lãi suất cố định
Đây là loại trái phiếu không được áp dụng theo công thức chung. Thế nhưng, để định giá nó chúng ta vẫn sẽ dựa vào khái niệm giá trị thực của trái phiếu. Giá trái phiếu bằng với hiện giá của các dòng tiền nhận được trong tương lai. Nếu nắm giữ từ lúc phát hành đến ngày đáo hạn. Trái chủ của loại trái phiếu này sẽ nhận được các dòng tiền sau:
– Dòng tiền thứ nhất là lợi tức trả theo lãi suất thị trường và mệnh giá khi đáo hạn.
– Dòng tiền thứ hai là các khoản tiền phụ trội từ khoản lãi suất chênh lệch cố định.
Dòng tiền thứ nhất cũng chính là dòng tiền thu được trong tương lai của trái phiếu. Nhưng lúc này sẽ theo lãi suất của thị trường thay vì theo một lãi suất cố định. Có nghĩa là hiện giá của dòng tiền thứ nhất cũng chính là giá trị thị trường của trái phiếu tại thời điểm phát hành. Tức là bằng với mệnh giá.
Đối với dòng tiền thứ hai, hiện giá được tính theo công thức bình thường vì các khoản tiền thu được là cố định. Cho nên lúc này, công thức định giá của trái phiếu có lãi suất thả nổi là:
P = Mệnh giá + Hiện giá của dòng tiền phụ trội
Gọi PT là phần phụ trội của trái phiếu, PT = Mệnh giá * lãi suất chênh lệch cố định.
Tất nhiên, vì lãi suất thả nổi nên không thể đoán được chính xác giá trị của các khoản lãi suất trong tương lai. Nhưng vì mục đích định giá, anh em có thể lấy lãi suất thả nổi tại thời điểm định giá. Và coi đó là lãi suất trong suốt thời gian còn lại. Để cho ra một kết quả ước chừng khả quan nhất.
Giả sử lãi suất thả nổi lúc này là k, lãi suất cố định là c. Lãi suất chênh lệch phụ trội là e.
Vậy phần phụ trội sẽ là PT = FV * e
Giá trị hiện tại của phần phụ trội qua các năm sẽ là
PT0 = FV * e/(1+y) + FV * e/(1+y)^2 + … + FV * e/(1+y)^n
PT0 = FV * e/y * [1 – 1/(1+y)^n]
Từ đó, anh em có thể tính được giá của trái phiếu có lãi suất thả nổi theo công thức sau:
P = FV + FV * e/y * [1 – 1/(1+y)^n]
Ví dụ 10: Định giá trái phiếu tại thời điểm bất kỳ.
Giả sử anh em cần định giá của một trái phiếu có mệnh giá là 100,000 đồng. Được hưởng lãi thả nổi. Lãi suất chênh lệch cố định e là 3%. Kỳ hạn trái phiếu 8 năm. Trong khi nhà đầu tư đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận là 12%/năm. Giá của trái phiếu này xác định như sau:
– Phần phụ trội hàng năm PT = FV * e = 100,000 * 3% = 3,000 đồng.
=> Giá TP P = FV + FV * e/y * [1 – 1/(1+y]^n)
P = 100,000 + 3,000/12% * [1 – /(1 + 12%]^8 = 114,930 đồng.
Với tỷ suất sinh lời kỳ vọng là 12%, giá TP tại thời điểm định giá được xác định là 114,930 đồng. Khi giá bán trên thị trường thấp hơn giá này, anh em có thể cân nhắc mua trái phiếu. Ngược lại khi giá bán trên thị trường cao hơn giá này, anh em nên cân nhắc bán trái phiếu ra. Để có thể thu được lợi nhuận tối ưu nhất khi đầu tư.
Kết luận
Giá trái phiếu thay đổi chính là cơ hội để kiếm lời của anh em thay vì chỉ giữ và chờ tới ngày đáo hạn. Do đó, hiểu được cách định giá trái phiếu. Cũng như ưu, nhược điểm của các loại trái phiếu đang được giao dịch hiện nay. Sẽ giúp ích rất nhiều cho anh em trong việc tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư.
Nhưng không phải kỳ vọng về tỷ suất lợi nhuận của tất cả mọi người đều giống nhau. Nên việc đánh giá cũng như định giá một trái phiếu giữa những người khác nhau là khác nhau. Không có một con số chung cụ thể và cũng không có một giá trị hoàn toàn đúng. Đó cũng là vẻ đẹp của thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Sự nhận định khác nhau tạo nên cung cầu thị trường khác nhau. Làm nên sự thanh khoản của trái phiếu. Còn nếu ai cũng nhận định như ai, thì rõ ràng là sẽ không có người mua và người bán tấp nập như bây giờ. Đúng không anh em?
Qua bài đọc này, Cú tin rằng anh em đã có thể đọc hiểu được những khái niệm cơ bản khi có ý định muốn mua trái phiếu. Những ví dụ minh họa, cũng như những điểm cần lưu ý đầu tư trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Cũng được Cú trình bày rất rõ ràng, dễ hiểu và chi tiết. Anh em hãy áp dụng những kiến thức này để hiểu về thị trường trái phiếu cũng như bản thân trái phiếu. Trước khi đưa ra quyết định đầu tư nữa nhé!
Hy vọng rằng từ những kiến thức trên, anh em có thể xâu chuỗi với những với những kiến thức thực tế khác. Để đưa ra những đánh giá khách quan, nhiều chiều trái phiếu doanh nghiệp mình đang quan tâm. Áp dụng nó vào trong việc lựa chọn cổ phiếu. Để tối ưu hóa lợi nhuận của mình.
Ngoài ra, còn nhiều kiến thức bổ ích khác về chứng khoán mà Cú có chia sẻ trên kênh Youtube. Anh em có thể ghé kênh youtube của Cú để tham khảo thêm nhiều kiến thức về chứng khoán – tài chính.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về cách đầu tư trái phiếu – cổ phiếu nói riêng, chứng khoán nói chung. Đặc biệt là với những anh em vừa chân ướt chân ráo bước vào thị trường. Anh em có thể tham khảo những bài hướng dẫn đầu tư chứng khoán cơ bản như:
>>Hướng dẫn cách chọn mua trái phiếu an toàn – hiệu quả nhất
>>Bật mí tips phân tích doanh nghiệp khi đầu tư trái phiếu
Những bài viết này đều được Cú tổng hợp từ những kinh nghiệm đầu tư thực chiến của mình. Anh em có thể tham khảo hoặc có bất cứ thắc mắc gì có thể inbox cho Cú.
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Như đã nhắc ở phía trên, hiện tại Cú có cung cấp 3 khóa học chứng khoán từ cơ bản đến nâng cao. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Khóa học sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Để biết được ban lãnh đạo doanh nghiệp mình đang quan tâm có thực sự uy tín không? Anh em cần đào sâu, tìm hiểu tin tức về họ, về những thành tựu họ đạt được. Hay tầm nhìn chiến lược, sứ mệnh họ đặt ra cũng như hành động thực tế qua các năm. Và cần nhìn vào kết quả kinh doanh cũng như những lời hứa của họ trong quá khứ.
Ngoài ra, anh em cũng có thể tham khảo thêm các nguồn dữ liệu khác về họ. Thông qua sự đánh giá của nhân sự có chuyên môn về ban lãnh đạo. Hay những người tiếp xúc trực tiếp với họ hàng ngày.
Các kênh thông tin của Cú
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về tài chính – chứng khoán, anh em có thể theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969