Bật mí cách tiết kiệm và đầu tư cho sinh viên và người mới đi làm
Tiết kiệm và đầu tư chắc hẳn là từ khóa được rất nhiều anh/chị/em quan tâm nhất hiện nay khi nói về tài chính. Có rất nhiều bạn trẻ tâm sự cùng Cú qua kênh Youtube và Fanpage. Các bạn chia sẻ rằng mới đi làm, lương 5 triệu chi tiêu kiểu 5 triệu. 10 triệu cũng chi tiêu theo kiểu 10 triệu mà không dư giả ra đồng nào. Hay thậm chí vừa mới đi làm mỗi tháng 20-30 triệu cũng “bay màu” mà không có tiết kiệm hay đầu tư gì.
Và câu hỏi đặt ra cho các bạn là:
– Làm sao để tiết kiệm?
– Làm sao để đầu tư?
– Làm sao để có tiền tiết kiệm và đầu tư khi đang còn là sinh viên hay vừa mới đi làm lương “3 cọc 3 đồng”?
Hay là vẫn chờ đợi đến khi gia tăng thu nhập. Rồi chờ mãi đến năm 35 – 40 tuổi cập kề. Khi bắt đầu có những gánh nặng về gia đình, con cái, bố mẹ già,… Rồi mới bắt đầu chịu suy nghĩ. Liệu khi đó bản thân anh em cũng có cảm thấy “đủ” để tiết kiệm và đầu tư?
Vậy nên nếu mọi người vẫn đang trăn trở những điều này thì tham khảo ngay bài viết này của Cú nhé. Ở bài viết này Cú sẽ hướng dẫn cho các bạn sinh viên và người mới đi làm cách để lập kế hoạch tiết kiệm và đầu tư tiền thông minh. Để quản trị vốn như thế nào để chúng ta sớm được tự do tài chính.
3 đặc điểm của người trẻ cần biết trước khi tiết kiệm và đầu tư
Trước khi đi vào nội dung chính bài viết, Cú có một câu hỏi muốn đặt ra. “Ai là người phù hợp với bài viết này và nên tham khảo nó?”. Tất nhiên, nó nằm ngay ở tiêu đề bài viết là “Hướng dẫn tiết kiệm và đầu tư cho sinh viên và người mới đi làm”.
Vì sao Cú lại chọn nhóm này? Vì anh em thuộc nhóm này hầu như đều có 3 đặc điểm sau:
– Thứ nhất, mức lương cơ bản của nhóm này hầu như rơi vào khoảng 6-7 triệu/tháng. Chưa kể bạn nào còn là sinh viên thì vẫn phụ thuộc nhiều vào gia đình. Có bạn đi làm mỗi tháng thu nhập khoảng 2-3-4 triệu. Có bạn thì không.
– Thứ hai đó là chúng ta không có quá nhiều kiến thức chuyên sâu về tài chính. Chỉ có những bạn tốt nghiệp ngành tài chính – kinh tế thì có một ít kiến thức nền. Và các bạn cũng ít có nhu cầu học chuyên sâu về mảng này, chỉ cần biết một ít là đủ. Đủ để quản lý vốn, đủ để tiết kiệm, đủ để đầu tư đạt được mục tiêu mà thôi.
Chính vì vậy, ít ai trong nhóm này muốn tương lai mình sẽ trở thành một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hay sẽ đi sâu vào nghiên cứu về tài chính – đầu tư,…
– Thứ ba là anh em vẫn rất đam mê và yêu ngành nghề hiện tại của mình. Anh em luôn cảm thấy hạnh phúc khi làm công việc hiện tại đó. Vậy làm thế nào để chúng ta vừa vẫn duy trì được công việc mình yêu thích, đam mê? Mà vẫn có được sự tự do tài chính, vẫn có được tiền?
Để làm rõ những vấn đề này, Cú sẽ chia sẻ nội dung bài viết đi kèm với 2 ví dụ thực tế. Đó là ví dụ từ chính 2 người bạn mà Cú đã từng được chia sẻ trực tiếp khi thảo luận về chủ đề tài chính cá nhân.
Trong đó có một bạn tên Mây, 22 tuổi vừa tốt nghiệp và làm Marketer tại một doanh nghiệp. Người còn lại là Trinh, 20 tuổi, sinh viên ngành thiết kế (Designer).
Điểm chung của 2 bạn này cũng giống như những điểm Cú nêu trên. Họ đều là sinh viên, người mới đi làm, thu nhập chưa cao và chưa có nhiều tiền.
Cú lồng ghép ví dụ vào nội dung bài viết để anh em dễ hình dung hơn về cách họ chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư như thế nào. Cũng như làm sao mà họ đạt được mục tiêu tài chính của bản thân. Lồng ghép với đó là những chia sẻ về quan điểm, trải nghiệm, kiến thức mà Cú tích lũy được khi tìm học về tài chính.
Phần 1. Mô hình IKIGAI
Mô hình IKIGAI được biết đến là một loại mô hình định vị bản thân, định hướng nghề nghiệp.
Ikigai là một khái niệm tiếng Nhật có nghĩa là “lý do tồn tại” của bạn. ‘Iki’ trong tiếng Nhật có nghĩa là ‘cuộc sống’ và ‘gai’ mô tả giá trị hoặc giá trị. Ikigai của bạn là mục đích sống của bạn hoặc niềm hạnh phúc của bạn. Đó là điều mang lại cho bạn niềm vui và truyền cảm hứng để bạn bước ra khỏi giường mỗi ngày.
Thực tế đã cho thấy có những việc mà chúng ta thích làm nhưng chưa chắc đã kiếm ra tiền. Những việc chúng ta làm tốt cũng chưa chắc đã kiếm ra tiền. Anh em thử nhìn lên hình mà Cú minh họa phía trên. Ở đó có ô Đam mê và Sứ mệnh.Ở đó có hội tụ những việc chúng ta thích, nhưng nếu không kiếm lại tiền thì sẽ mang lại rủi ro về tài chính. Tương lai chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề, khó khăn vì thiếu tài chính.
Vậy nên, ở đây Cú sẽ chỉ cho anh em cách làm việc mà chúng ta đang làm tốt nhưng đi kèm với việc chi tiêu cũng như phân bổ đầu tư như thế nào? Để mang lại cho chúng ta một tương lai tốt đẹp, tự do về tài chính nhé.
Phần 2. Tình huống 1 về tiết kiệm và đầu tư
2.1. Bạn Mây – Mục tiêu tiết kiệm và đầu tư
Mây là sinh viên kinh tế, vừa tốt nghiệp và xin việc tại một công ty có môi trường làm việc khá tốt. Công việc chính của Mây trong công ty là chuyên về truyền thông – marketing. Tuy nhiên Mây cũng có mối quan tâm nhiều đến chứng khoán và đầu tư tài chính. Vì mục tiêu của Mây là sau này sẽ không phải phụ thuộc tài chính vào gia đình hay chồng tương lai. Để khi lập gia đình vẫn có thể tự lập và tiếng nói riêng trong gia đình của mình. Đồng thời cũng có thể bảo vệ gia đình khỏi những bấp bênh trong cuộc sống.
Vì vậy, Mây đặt mục tiêu và mong muốn sau này sẽ có được những tài sản cơ bản như sau:
– Có nhà 5 tỷ
– Xe khoảng 1 tỷ
– Có 2 mảnh đất để dành (mỗi mảnh khoảng 1 tỷ)
– Và mục tiêu quan trọng đó là mỗi tháng Mây có thể đầu tư và sinh lời được khoảng 100 triệu để chi tiêu mà không phải đi làm. Hoặc lúc đó Mây vẫn có thể tiếp tục đi làm nhưng là vì đam mê, cống hiến. Chứ không phải quá vất vả vì đồng tiền mỗi ngày nữa.
Hoặc chẳng hạn như xui rủi công ty có vấn đề gì? Nền kinh tế có vấn đề gì? Thì Mây vẫn có thể lo toan cuộc sống mà không gặp khó khăn gì.
2.2. Bạn Mây – Phương án tiết kiệm
Vậy để đạt được những mục tiêu trên là mức chi tiêu 100 triệu/tháng. Thì Mây cần có một mức tài sản an toàn là khoảng 12 tỷ. Thu nhập hiện tại của bạn hiện tại đang là 13.5 triệu/tháng. Một người mà Cú đánh giá là khá giỏi trong việc làm Leader Marketing.
Với mức thu nhập như vậy, hiện tại Mây đang phân bổ thu nhập như sau:
– Nợ hàng tháng 1 triệu
– Tiền thuê nhà 4.3 triệu/tháng
– Tiền ăn 2 triệu/tháng
– Tiền học phí để học thêm về đầu tư, kỹ năng, kiến thức khoảng 2 triệu/tháng
– Chi phí xăng xe/sinh nhật 1 triệu/tháng
– Quỹ cho việc giải trí, đi chơi với bạn bè, gia đình đâu đó 1 triệu/tháng
– Quần áo/mỹ phẩm cũng 1 triệu/tháng
– Còn về bảo hiểm sức khỏe thì không mất tiền vì may mắn công ty Mây có hỗ trợ nhân viên mua bảo hiểm sức khỏe dựa trên chế độ đãi ngộ của công ty
Tính tổng chi tiêu của Mây mỗi tháng cũng lên đến 12.3 triệu. Vậy là dư ra 1.2 triệu/tháng để đầu tư tài chính dài hạn. Tức là đầu tư vào chứng khoán.
Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích một chút về phương án tiết kiệm này của Mây nhé. Như chúng ta đã thấy, hiện chi phí thuê nhà của Mây đang khá cao, chiếm 31.83%. Gần 1/3 thu nhập hàng tháng.
Tiền ăn đang ở mức ok, tiền học phí hàng tháng 2 triệu theo Cú nghĩ cũng đang khá cao. Tuy nhiên Mây có giải thích bạn ấy đang phải hoàn thiện một số khóa học còn lại ở trường. Mất khoảng vài tháng nữa là hoàn thiện, sẽ không phải đóng tiền thêm. Vì vậy Cú nghĩ sau khi hoàn thành các khóa học đó, Mây có thể trích 1 phần số tiền đó vào quỹ đầu tư của mình luôn. Còn lại 1 triệu/tháng có thể trích để mua những khóa học về kỹ năng mềm khác. Những khóa học online để cải thiện bản thân là đủ, không nhất thiết phải duy trì mức 2 triệu/tháng.
Tức là phần đầu tư tài chính ban đầu của Mây đang là 1.2 triệu/tháng, chiếm khoảng 8.89% tổng thu nhập. Thì có thể tăng lên khoảng 15% tổng thu nhập mỗi tháng dành cho quỹ đầu tư.
Quay lại vấn đề chi phí tiền nhà. Như Cú đã trình bày, chi phí tiền nhà của Mây hiện đang khá cao. Để giảm phần này xuống cũng có một số cách như sau:
– Một là Mây có thể cân nhắc việc rủ thêm bạn ở cùng.
– Hai là có thể lựa chọn những căn nhà có chi phí hợp lý hơn để đổi qua ở và sinh hoạt. Tuy nhiên việc chi phí rẻ hơn sẽ không đồng nghĩa với giảm mức độ an toàn nhà ở đâu anh em nhé. Không gian, diện tích có thể nhỏ hơn một chút, có thể xa trung tâm hay chỗ làm hơn một chút,… Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo mức an ninh trong khu tốt và sinh hoạt bình thường.
Với 2 phương án trên Cú nghĩ Mây có thể cân nhắc phương án thứ nhất hơn nếu vẫn muốn ở căn nhà hiện tại. Còn nếu vẫn muốn không gian riêng tư một mình sau giờ làm thì chọn phương án thứ 2.
Còn lại, những chi phí khác hiện tại Cú thấy cũng đã khá hợp lý, chưa cần điều chỉnh gì nhiều. Chỉ có 2 thứ đó là tiền nhà và học phí, có thể cân nhắc điều chỉnh như Cú đề xuất. Để có thêm vốn cho đầu tư tài chính, tiết kiệm cho tương lai.
Tuy nhiên, đây vẫn là đề xuất của Cú. Còn về kế hoạch đầu tư cho Mây thì Cú vẫn để mốc ban đầu là 1.2 triệu/tháng như Mây dự định. Để phòng trường hợp Mây không tối ưu được các khoản tiền nhà, tiền học phí như Cú nhắc đến phía trên.
Đồng thời, Cú cũng đặt một kỳ vọng cho Mây là mỗi năm bạn ấy có thể tăng 20% lương. Và mức để dành đầu tư, chi tiêu cũng sẽ tăng tương ứng. Tức là bạn ấy rất đam mê làm Marketing và cũng rất giỏi trong việc đó. Đấy là kỹ năng của Mây và đã làm cũng như tích lũy kinh nghiệm từ hồi còn là sinh viên. Đi làm từ hồi còn năm 1-2 và đã được trả lương tương ứng từ thời đó rồi. Vì vậy đến bây giờ đi làm cũng mong muốn gắn bó với ngành này và trở thành chuyên viên, trưởng phòng hay cao hơn là giám đốc,…
Vậy nên Cú vẫn đồng tình với việc Mây tiếp tục gắn bó với ngành của bạn, lựa chọn của bạn. Nhưng phải đặt ra mục tiêu mỗi năm tăng 20% lương. Đồng thời trích thêm một phần đó ra khoảng 9% để chúng ta đầu tư dài hạn. Đến đây anh em cùng Cú chuyển sang phương án đầu tư cụ thể như thế nào cho Mây nhé.
2.3. Bạn Mây – Phương án đầu tư
Bước thứ 3 trong phần này là phương án đầu tư cho tình huống của Mây. Phương án đầu tư là gì? Là chúng ta sẽ tiết kiệm số tiền mình đã để dành được cho đầu tư chứng khoán. Tích lũy lại để chúng ta có thể duy trì đầu tư liên tục trong nhiều năm.
Việc duy trì đầu tư liên tục trong nhiều năm như vậy sẽ đảm bảo mang lại cho anh em mức sinh lời dao động từ 15 – 20%/năm. Cú cũng đã có khá nhiều bài viết chia sẻ về việc tăng trưởng của thị trường trên Fanpage của mình. Có cả chứng khoán Việt Nam trong vòng 20 năm qua hay mức độ tăng trưởng dài hạn của chứng khoán thế giới như thế nào,… Anh em có thể theo dõi Fanpage của Cú để cập nhật thêm thông tin, kiến thức đầu tư miễn phí nhé.
Còn nếu anh em muốn đầu tư vào những cổ phiếu có mức độ tăng trưởng tốt hơn như nhiều lần Cú chia sẻ. Thì anh em hoàn toàn có thể vượt mức 15%/năm mà đạt 20%/năm.
Mặt khác, nếu anh em nào muốn mức độ an toàn cao nhất có thể thì tham khảo đầu tư chứng chỉ quỹ ETF. Hoặc anh em mua quỹ mở thì lợi nhuận rơi vào khoảng 12-15%/năm trong dài hạn.
Về phương án đầu tư và tính toán mức sinh lời, Cú đã làm một file chi tiết. Anh em nào muốn tham khảo để lên phương án tiết kiệm và đầu tư cho riêng mình thì có thể download từ link Cú để dưới đây nhé.
Trong file phương án đầu tư này, anh em có thể thấy Cú note ngay dưới dòng BƯỚC 3. PHƯƠNG ÁN ĐẦU TƯ. Đó là anh em có thể chỉnh sửa với những ô màu xám. Nó bao gồm ô:
– Tiền ban đầu: Tức là số tiền ban đầu Mây có tiết kiệm được một mức nhất định nào đó. Anh em có thể chỉnh sửa lại con số này cho đúng với mức vốn mà anh em đang có.
– Tiếp theo là ô Tiền hàng năm đầu tư thêm ngay bên cạnh. Giống như Mây, năm đầu tiên cô ấy tiết kiệm được 14,4 triệu đồng. Quy từ mỗi tháng để dành được 1,2 triệu. Sang năm thứ 2 vì thu nhập của Mây tăng 20% nên quỹ đầu tư cũng tăng lên 17,280 triệu đồng. Và số tiền đó sẽ được cộng dồn sang ô Tiền ban đầu để tiếp tục tái đầu tư với vốn gốc từ năm trước đó. Còn số tiền 14,4 triệu đồng năm ngoái đến năm nay đã tăng trưởng được 20%/năm.
Công thức mỗi cột, mỗi hàng, mỗi ô qua mỗi năm Cú đều đã set sẵn trong file. Anh em chỉ cần thay số tiền tương ứng vào là sẽ giải được bài toán của bản thân.
Ở đây chúng ta đang giả thiết mức sinh lời hàng năm là 20%. Còn khi anh em đầu tư thực tế theo từng năm thì anh em có thể điều chỉnh ô Mức sinh lời hàng năm. Thay 20%/năm thành 15%/năm, 18%/năm, 25%/năm,… Hay bất mức mức nào mà anh em làm được và còn tùy thuộc vào biến động của thị trường chứng khoán năm đó ra sao.
Nhưng như Cú đã nói, trung bình trong dài hạn nếu anh em đầu tư vào những doanh nghiệp top đầu ngành, thị trường,… Những ngành nghề uy tín, có lộ trình tăng trưởng tốt, tiềm năng trong 5-10 năm tới ở Việt Nam. Thì Cú có thể chắc chắn anh em sẽ có một kết quả tốt trong dài hạn. Vì vậy, anh em hoàn toàn có thể điều chỉnh những con số trong file cho sát với thực tế. Để tự vạch ra phương án tiết kiệm và đầu tư phù hợp với mục tiêu của bản thân.
Tiếp theo, anh em cùng Cú xem kết quả đầu tư của Mây theo lộ trình vạch ra sẽ như thế nào nhé.
Để có được 1 tỷ đầu tiên chính là dòng highlight màu xanh lá trong hình. Mây cần mất 14 năm. Cụ thể sau 14 năm Mây sẽ có 1,1 tỷ đầu tiên. Tiếp theo, để có được 5 tỷ đầu tiên (4,9 tỷ), Mây phải cần chờ 21 năm đầu tư liên tục theo lộ trình đã đặt ra.
Tức là năm nay cô ấy 22 tuổi, 14 năm sau sẽ là 36 tuổi, có 1 tỷ đầu tiên. Vẫn đam mê làm Marketing, vẫn đam mê công việc, cống hiến và thăng tiến. Và vẫn duy trì được mức tăng trưởng tài sản đều đặn.
21 năm sau là khi Mây 43 tuổi, cô ấy có 5 tỷ đầu tiên. Vậy câu hỏi đặt ra “5 tỷ đầu tiên đã đủ cho Mây tự do tài chính hay chưa? Đủ để sinh lời 100 triệu/tháng mà tài sản không suy chuyển hay chưa?”. Cú nghĩ là chưa.
Đến 26 năm sau cô ấy mới có 13 tỷ trong tay. Và đây mới là dấu mốc để Mây tự do về tài chính. (Anh em có thể tham khảo chi tiết Bảng phương án tiết kiệm và đầu tư mà Cú đã lập ra nhé). Tại thời điểm này Mây có thể rút ra mỗi tháng 100 triệu để chi tiêu, tương đương 1,2 tỷ/năm. Và năm sau đó rút ra thêm 10% nữa tức là thêm 110 triệu, năm tiếp nữa là 121 triệu,…
Tức là hàng năm rút tiền ra để chi tiêu. Thế nhưng số tiền đầu tư vẫn đảm bảo tăng dần vì nó vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán. Tiếp tục được hưởng lợi từ lãi kép.
Vì vậy sau 26 năm Mây có thể rút ra mỗi năm 1,2 tỷ để chi tiêu cho nhu cầu hàng ngày rồi. Tại thời điểm này Mây đã 48 tuổi, nếu cô ấy muốn nghỉ làm, nghỉ hưu sớm và hưởng thụ cuộc sống. Hay đi du lịch đây đó trong nước và cả vòng quanh thế giới thì đã có thế từ từ rút tiền 100 triệu như đúng lộ trình để chi tiêu.
Tuy nhiên vẫn chỉ nên rút trong khả năng cho phép mà đừng rút quá 100 triệu/tháng trong năm đầu. Hay đừng nên rút quá 100 triệu x 10% mỗi tháng cho năm tiếp theo. Mà cứ duy trì đều đặn đúng mức thì Cú tin rằng tài sản của Mây sẽ duy trì được đều đặn cho đến mãi về sau. Đến tận 95 tuổi, 100 tuổi hay già hơn nữa.
Anh em hãy để ý rằng, những năm đầu khi Mây mới bắt đầu đầu tư thì tài sản của Mây tăng chậm. Bởi vì lãi suất kép có một điều hay là những năm đầu nó tăng rất chậm. Nhưng khi lãi mẹ đẻ lãi con rồi thì những năm sau sẽ tăng rất nhanh. 21 năm sau, 26 năm sau,… và thậm chí nếu đến năm 48 tuổi Mây vẫn tiếp tục đi làm và chưa cần dùng đến số tiền trong quỹ đầu tư. Thay vào đó cô ấy vẫn duy trì bỏ tiền vào đều đặn thì con số này sẽ còn tăng cao ở những năm sau đó. Anh em có thể tính tiếp bằng cách điền thêm số ở những dòng dưới trong bảng nếu muốn.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau xem xét lại tỷ lệ lợi nhuận so với gốc xem như thế nào nhé.
Với 1 tỷ đầu tiên sau 14 năm thì tiền gốc của Mây là 438 triệu, Mây sinh lời 257%. Sau 5 năm tiếp nữa tức là sau 21 năm, tiền gốc của Mây là 1 tỷ, lời 490%, tức là gần gấp 5 lần. Và sau 26 năm, tại thời điểm mà cô ấy có thể rút ra 100 triệu/tháng để chi tiêu, tự do tài chính. Thì tiền gốc là 1,5 tỷ và tỷ lệ lợi nhuận so với gốc bỏ ra là hơn 853%.
Vậy mới nói, lãi suất kép, lãi mẹ đẻ lãi con sẽ giúp chúng ta tăng theo cấp số nhân là như vậy. Chính về thế, đây là một phần rất quan trọng để anh em thấy rằng chúng ta vẫn có thể đi làm. Làm những việc mình đam mê, cống hiến cho công việc của mình, cho những gì mình thích.
Nhưng chỉ một thói quen chi tiêu của chúng ta đó là để dành khoảng 9% mỗi năm. Và nếu chúng ta đầu tư thì nó sẽ mang lại cho chúng ta một kết quả tuyệt vời trong tương lai như thế nào.
Nếu bắt đầu từ năm 22 tuổi thì đến tầm 48 tuổi, chúng ta đã bắt đầu không cần quan tâm quá nhiều đến lương hưu nữa. Cũng không cần quan tâm đến bảo hiểm hay những gì phúc lợi nhà nước nữa vì gần như có thể tự lo toan. Tất nhiên có thì sẽ tốt hơn nhưng ít nhất là không có cũng không sao. Hay cũng không cần phải lo lắng quá nhiều đến vấn đề nền kinh tế trồi sụt, khủng hoảng.
Vì sao? Vì lúc đó chúng ta hoàn toàn đã tự do tài chính.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương án, là kế hoạch. Còn đạt được hay không thì hoàn toàn phụ thuộc nhiều vào hành động của chúng ta. Và tất nhiên, quá trình bao giờ cũng khó khăn, chông gai hơn những gì chúng ta nghĩ và lập kế hoạch về nó.
Phần 3. Tình huống 2 về tiết kiệm và đầu tư
Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang xem xét tình huống của bạn Thái Trinh. Là một sinh viên 2k1 năng động. Bạn ấy có thu nhập từ việc làm designer cho một công ty bên ngoài. Đồng thời vẫn nhận chu cấp từ bố mẹ.
3.1. Bạn Trinh – Mục tiêu tiết kiệm và đầu tư
Thái Trinh cũng có cùng 1 mục tiêu tài chính gần giống như Mây. Tức là cũng mong muốn sau này sẽ có 1 tháng dư ra khoảng 100 triệu để chi tiêu sinh hoạt,… Tự sinh ra tiền để chi tiêu mà không phải vất vả đi làm khi về già, có tuổi. Hoặc muốn đi làm thì cũng không phải phụ thuộc quá nhiều vào đồng lương nữa.
Vậy Thái Trinh sẽ cần làm gì? Bạn ấy cũng cần đưa ra một kế hoạch tiết kiệm sớm và đầu tư như thế nào đó để hàng năm có thể giữ một khoản tiền. Và cứ từ đó tiền sinh ra tiền, đến điểm khi Thái Trinh đạt được 12-13 tỷ trong tài sản thì bạn ấy sẽ đạt được mục tiêu về tự do tài chính.
Anh em cùng theo dõi phương án tiết kiệm và đầu tư của bạn ấy ở phần dưới đây nhé.
3.2. Bạn Trinh – Phương án tiết kiệm
Chúng ta cùng nhìn vào phương án tiết kiệm của Thái Trinh:
– Thu nhập lương từ đi làm là 4,5 triệu/tháng
– Bố mẹ hỗ trợ 3 triệu/tháng
– Trả tiền thuê nhà 1,5 triệu/tháng
– Tiền ăn 2 triệu/tháng
– Học phí đầu tư vào kỹ năng, kiến thức là 1 triệu
– Chi phí xăng xe, điện thoại, sinh nhật bạn bè,… là 500k/tháng
– Mua quần áo, mỹ phẩm,… cũng 500k/tháng
– Tiết kiệm được 1 triệu/tháng để dành cho những khoản chi tiêu ngắn hạn
– Và tiết kiệm được 2 triệu nữa cho đầu tư dài hạn
Anh em thấy đấy, chỉ đang là một sinh viên nhưng mỗi tháng Thái Trinh đã để dành ra được 3 triệu cho tiết kiệm và đầu tư. Đây là một lợi thế vô cùng lớn của bạn ấy khi ở độ tuổi còn đi học như thế này.
Có thể chúng ta sẽ rất khó để so sánh người nọ với người kia. Vì mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhu cầu khác nhau, trách nhiệm khác nhau,… Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể học hỏi cách mà người khác tiết kiệm cho bản thân. Cách họ phân bổ chi tiêu, đầu tư, làm giàu,… Để chúng ta sớm đạt được tự do tài chính, có được tiền.
Vì bản chất của lãi suất kép là gì? Là 2 yếu tố cơ bản sau:
– Một là vốn. Càng nhiều vốn càng tốt.
– Và hai là đầu tư càng sớm càng tốt. Đầu tư sớm thì lãi suất sẽ tăng lên rất nhiều và số năm chúng ta đạt được tự do tài chính sẽ đến rất nhanh.
Quay trở lại phương án tiết kiệm của Thái Trinh. Mỗi tháng bạn ấy trích 1 triệu cho các khoản chi tiêu ngắn hạn và 2 triệu cho đầu tư dài hạn. Mỗi năm đưa ra mục tiêu về thu nhập là tăng 20% lương và tiếp tục dành 1 phần đó ra để đầu tư chứng khoán.
3.3. Bạn Trinh – Phương án đầu tư
Sau khi có kế hoạch tiết kiệm, bước tiếp theo chúng ta sẽ chuyển sang phương án đầu tư cho Thái Trinh. Để xem kết quả đạt được như thế nào anh em nhé.
Điểm xuất phát của Thái Trinh cũng là không có vốn, chỉ bắt đầu ở năm nay. Với mỗi tháng 2 triệu thì năm đầu tiên bạn ấy có 24 triệu bỏ vào tài khoản. Năm tiếp theo thu nhập tăng 20% cũng bỏ vào đấy với cam kết của bản thân là bỏ vảo khoảng 27% thu nhập. Vì vậy năm đầu là 24 triệu; năm tiếp theo sẽ là 28,8 triệu; 31,860 triệu cho năm sau nữa. Và mức độ sinh lời hàng năm của bạn ấy cũng là 20%/năm.
Năm đầu tiên mà Thái Trinh có 1 tỷ là sau 12 năm đầu tư. Năm đầu tiên có 5 tỷ là 19 năm sau đầu tư.
Và năm đầu tiên có 12 tỷ là sau 23 năm đầu tư liên tục. Đây cũng là cột mốc bắt đầu tự do tài chính của Thái Trinh. Và tại thời điểm này Thái Trinh lại bắt đầu rút tiền ra để đi vòng quanh thế giới. Và tất nhiên, khoản tiền trong tài khoản thì vẫn sinh lời hàng năm.
Anh em thử so sánh kết quả đầu tư này với kết quả của Mây ở trên nhé.
Vì Thái Trinh đầu tư số tiền ban đầu nhiều hơn và sớm hơn và mức độ đầu tư tích góp hàng năm cũng cao hơn. Nên Thái Trinh đạt được tự do tài chính sớm hơn Mây khoảng 3 năm.
– 1 tỷ đầu tiên Thái Trinh đạt được sớm hơn Mây 2 năm.
– 5 tỷ đầu tiên cũng sớm hơn 2 năm.
– 12 tỷ sớm hơn 3 năm.
Tức là Thái Trinh đạt được tự do tài chính sớm hơn Mây 3 năm.
Và mức chênh lệch giữa tiền gốc và tỷ lệ lợi nhuận mà Trinh đạt được như ở hình Cú đã minh họa phía trên:
– Với 1 tỷ đầu tiên, tiền gốc là 557 triệu và lời 212%.
– Với 5 tỷ thứ 2 thì tiền gốc là 1,3 tỷ. Thái Trinh lời hơn 400%.
– Và sau 23 năm đầu tư tích lũy liên tục thì tiền gốc là 1,8 tỷ và bạn ấy lời gấp 6,5 lần. Tức là 654%.
Đây là những con số rất tuyệt vời đúng không anh em? Và tất nhiên nó đều dựa vào thực tế và nằm trong khả năng chúng ta có thể đạt được nếu tuân thủ kỷ luật, tiết kiệm và đầu tư đúng phương pháp và lộ trình.
Anh em là sinh viên, là người trẻ mới đi làm. Có đam mê, có công việc ổn định và muốn gắn bó với ngành nghề của mình lâu dài. Nhưng nếu anh em có kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý, bỏ một phần tiền ra để đầu tư theo kế hoạch. Thì Cú tin chắc rằng anh em sẽ có một tương lai tài chính vô cùng tốt đẹp. Cho cả bản thân và gia đình chúng ta. Còn xa hơn nữa thì cả con cháu của chúng ta cũng được hưởng lợi từ những gì hiện tại chúng ta đang phấn đấu.
Phần 4. 3 điều lưu ý quan trọng trong tiết kiệm và đầu tư
Có 3 điểm rất quan trọng mà Cú nghĩ anh em cần lưu ý khi thực thi kế hoạch tiết kiệm và đầu tư này:
– Thứ nhất là khi nào chúng ta mua những tài sản lớn? Khi nào chúng ta mua nhà? Khi nào chúng ta mua xe? Khi nào chúng ta mua đất?
Về vấn đề này, Cú nghĩ chúng ta chỉ nên mua những tài lớn như này khi có một thương vụ nào lớn. Hoặc chúng ta để dành được một khoản tiền nào đó rất lớn. Hay chúng ta có sự hỗ trợ tài chính phần lớn từ bố mẹ để mua.
Còn nếu anh em phải hy sinh tiền tự do tài chính trong tương lai để mua nhà, mua xe,… Thì vô tình chúng ta đang đánh mất đi kế hoạch của bản thân và sẽ phải làm lại từ đầu.
Vì vậy, một điều anh em và cả Cú cũng cần lưu ý. Đó là không nên lẫn lộn và chi tiêu lại vào quỹ đầu tư tài chính này. Nó sẽ rất rủi ro.
Đây là một điều rất quan trọng. Chúng ta cần tránh tư duy rằng phải mua tài sản nọ tài sản kia. Sở hữu cái này cái kia thì mới có thể chứng minh bản thân.
Có rất nhiều bạn trẻ bây giờ chúng ta nhìn bạn bè chi tiêu sang chảnh, hoành tráng vì nhà họ có điều kiện. Họ có xe đẹp, nhà to, ăn sang mặc xịn,… Và chúng ta cũng cảm thấy mình cần phải làm như thế.
Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng, có rất nhiều người ngoài kia trông rất sang chảnh nhưng khi nhìn vào tài khoản thì thấy toàn là nợ. Mặc dù thu nhập rất cao nhưng nợ cũng rất nhiều. Mỗi tháng làm ra 50-70 triệu nhưng chi tiêu lên đến cả trăm triệu. Thẻ tín dụng mở vài ba cái chi tiêu không cần kế hoạch và không dư giả đồng nào.
Chính vì thói quen chi tiêu này mà đến khi mà kinh tế khủng hoảng, suy thoái,… Hay đến thời điểm nhất thiết cần mua những tài sản lớn đó. Thì lại không có đủ khả năng vì cách chi tiêu trong quá khứ đã làm tổn thương về mặt tài chính của họ.
Vì vậy, bản thân Cú sau khi trải qua kha khá sai lầm, vấp ngã,… Có thể cũng chưa đủ trải nghiệm như nhiều anh em ngoài xã hội kia. Nhưng Cú cũng đã tự rút ra được bài học cho bản thân và mong muốn chia sẻ, trao đổi cùng anh em. Đây cũng chính là nguyên tắc quan trọng thứ nhất.
– Thứ hai là chúng ta cần phải ưu tiên cho số tiền đầu tư số 1. Tức là hàng tháng, nếu anh em đã cam kết sẽ trích vào quỹ đầu tư 2 triệu. Thì cần phải duy trì đều đặn mỗi khi lương về là phải trích ra 2 triệu luôn. Nếu ban đầu chưa đủ vốn để đầu tư luôn, anh em có thể cho riêng ra 1 tài khoản khác. Tháng qua tháng tích lũy từ từ, vừa duy trì vừa có thời gian nghiên cứu thêm về đầu tư, về thị trường.
Hiện nay bây giờ cũng có rất nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng,… link tài khoản chứng khoán của chúng ta với tài khoản ngân hàng. Tiền về tài khoản lương là anh em có thể nhanh chóng chuyển ngay qua tài khoản đầu tư và để đó chờ cơ hội.
Trích ngay và đều đặn. Không chờ chi tiêu thoải mái cả tháng rồi mới chờ xem dư ra bao nhiêu, cho vào quỹ đầu tư bấy nhiêu. Chưa kể có những tháng chi tiêu quá đà thì bỏ qua luôn bước tiết kiệm và đầu tư.
Vậy nên mới phải dành tiền cho đầu tư dài hạn đầu tiên, ngay lập tức. Hiểu đó là đầu tư cho bản thân, cho tương lai, cho mục tiêu tự do tài chính sau này.
– Thứ ba là bằng mọi giá anh em cũng không được động vào tài khoản của quỹ đầu tư này. Trừ trường hợp khẩn cấp thật sự cần thiết.
Ngoài ra, Cú cũng khuyên anh em khi đi làm nên lựa chọn những công ty có chế độ bảo hiểm tốt. Từ bảo hiểm về y tế, xã hội đến bảo hiểm sức khỏe,…
Mặc dù chúng ta là người trẻ nhưng những việc như ốm đau, tai nạn,… là không thể tránh được. Không thể chủ quan để đến khi ốm đau thất thường lại thiếu tài chính, không có bảo hiểm. Lúc đó lại đụng đến quỹ đầu tư mà công sức bao lâu nay tiết kiệm.
Chính vì vậy, hãy nghĩ đến mọi trường hợp, vấn đề có thể xảy ra để không vô cớ đụng vào vốn đầu tư tích lũy. Nếu cần dùng đến thì cũng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn hạn rồi nhanh chóng bù lại.
Kết luận
Trên đây là những bước để những anh em nào mới đi làm hoặc bạn nào còn đang là sinh viên chưa tốt nghiệp. Mọi người tham khảo để có thể tự hoạch định được tương lai về tài chính, kế hoạch đầu tư cho mình.
Bản thân Cú nghĩ đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng nếu anh em muốn quản lý tài chính và gia tăng thu nhập cho tương lai một cách bền vững. Nó không quá khó để thực hiện nhưng rất cần sự nghiêm túc và kiên trì, bền bỉ, cần cù và kỷ luật từ anh em.
Hãy thiết lập cho bản thân một thói quen xây dựng và quản lý tài chính phù hợp. Kỹ năng là những thứ đòi hỏi chúng ta phải học và rèn luyện. Để có được kỹ năng quản lý tài chính cá nhân tốt cũng vậy. Anh em nhé!
Sau cùng, nếu đọc bài viết này vẫn còn nhiều thắc mắc. Anh em có thể inbox về Fanpage cho Cú để hỏi trực tiếp. Cú sẽ trả lời chi tiết nên anh em không việc gì phải ngại đâu nhé.
Hy vọng qua phần chia sẻ trên, anh em sẽ có thêm những kiến thức bổ ích về đầu tư chứng khoán. Nhất là với những anh em F0 mới vào thị trường và chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như tài chính. Sẽ biết thêm phương pháp lọc cổ phiếu có dòng tiền tốt. Làm sao để hoạt động đầu tư của mình, phân bổ danh mục càng hiệu quả, càng tốt nhé.
Ngoài ra, còn nhiều kiến thức bổ ích khác về chứng khoán mà Cú có chia sẻ trên kênh Youtube. Anh em có thể ghé kênh youtube của Cú để tham khảo thêm nhiều kiến thức về chứng khoán – tài chính.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về cách đầu tư cổ phiếu nói riêng, chứng khoán nói chung. Đặc biệt là với những anh em vừa chân ướt chân ráo bước vào thị trường. Anh em có thể tham khảo những bài hướng dẫn đầu tư chứng khoán cơ bản như:
>>Hướng dẫn đầu tư chứng khoán từ A-Z cho người mới bắt đầu
>>5 Bước hướng dẫn đầu tư chứng khoán cho F0 tuổi 30 (Nên biết)
Những bài viết này đều được Cú tổng hợp từ những kinh nghiệm đầu tư thực chiến của mình. Anh em có thể tham khảo hoặc có bất cứ thắc mắc gì có thể inbox cho Cú.
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Ngoài ra, hiện tại Cú có cung cấp 3 khóa học chứng khoán từ cơ bản đến nâng cao. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Khóa học sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc về đầu tư và khóa học cho anh em nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh thông tin của Cú
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về tài chính – chứng khoán, anh em có thể theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://www.facebook.com/CuThongThai.VNInvestor/
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969