36 Tip tâm lý đầu tư phải biết cho F0 (Phần 2)
Nối tiếp 36 Tips tâm lý đầu tư phải biết cho F0 (Phần 1) trước đó, bài viết này Cú sẽ chia sẻ chi tiết cho anh em các tip tâm lý đầu tư còn lại nhưng vô cùng quan trọng. Có rất nhiều trường hợp, anh em giỏi về phân tích. Tuy nhiên, nếu không vững về tâm lý đầu tư, thì anh em sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thành công. Nhất là những anh em muốn đầu cơ ngắn hạn. Người nào càng giỏi về đầu cơ thì càng giỏi về đầu tư.
Chính vì vậy, trong quá trình đầu cơ, đầu tư, hãy nắm chắc các tip tâm lý mà Cú đã chia sẻ. Đây là những trải nghiệm, kinh nghiệm Cú đã đúc kết rất nhiều năm và chắc chắn sẽ hữu ích với anh em.
Phần 19: Tip tâm lý 19 – Cách vực dậy khi vừa thua lỗ nặng nề trong chứng khoán
Tip tâm lý 19, khi đầu tư hay đầu cơ, hầu hết anh em sẽ gặp phải trường hợp, đó là nghĩ rằng chiến thắng đang cận kề, kiểu gì mình cũng trúng lớn. Thế nhưng đùng một phát, thị trường đảo chiều. Anh em bị mất kha khá tiền. Số tiền đó quá với kỳ vọng rằng, chỉ thua lỗ 10%, 20%, 40 %…. Thậm chí có anh em sa vào những thua lỗ nặng hơn, âm đến 80% số tiền đầu tư chứng khoán.
Đây chắc chắn sẽ là một cú shock tâm lý không hề nhẹ, nhất là những anh em mới vào thị trường. Lúc này, chúng ta nên làm gì? 2 bài học từ “Con gấu vĩ đại phố Wall” và bài học mà Cú rút ra sẽ giúp anh em vực dậy khi vừa thua lỗ nặng nề.
19.1 Bài học từ “Con gấu vĩ đại phố Wall”
Hãy học cách vực dậy tinh thần qua câu chuyện của thiên tài chứng khoán Jesse Livermore trong cuốn sách” Chết vì chứng khoán”. Jesse Livermore trong thời điểm khủng hoảng năm 1929 ở Mỹ đã được mệnh danh là “Con gấu vĩ đại của phố Wall”. Ông kiếm được 100 triệu đô – tương đương khoảng 2,5 tỷ đô thời hiện tại từ các phi vụ bán khống.
Trước khi trở thành một nhà đầu tư giỏi và nhà đầu cơ huyền thoại, Jesse Livermore đã có những cú thua lỗ cực kỳ khủng khiếp.
Ở độ tuổi 14-15 tuổi, Jesse Livermore đã bắt đầu làm quen với chứng khoán. Ông đầu cơ thông qua các văn phòng cá cược chứ không phải trên thị trường. Văn phòng cá cược có thể hiểu như là những người ghi lô, ghi đề bây giờ. Thời đó thì chứng khoán tăng hay giảm sẽ có những người bên ngoài làm lậu, kinh doanh lậu. Nếu chứng khoán tăng thì họ trả tiền cho anh em. Chứng khoán giảm thì anh em mất tiền cho họ. Jesse Livermore thi đấu với các văn phòng cá cược như thế. Ông chiến thắng rất nhiều. 15 tuổi ông đã có khoảng chừng $10.000 tương đương với $250.000 bây giờ.
Khi đã có tiền trong tay, ông quyết tâm sử dụng cách đầu cơ hiệu quả đó để tham gia thị trường. Thế nhưng 3 lần lên phố Wall đầu cơ chứng khoán là 3 lần cháy sạch túi. Jesse Livermore đã phải quay trở lại vay tiền bạn bè và đấu với các văn phòng cá cược để có lại vốn trước khi trở lại phố Wall.
Ông tự rút ra được rằng:
- Thứ nhất, cần lập kế hoạch rõ ràng – Tại sao mình thua và kế hoạch đầu cơ của mình là gì?
- Thứ 2, thừa nhận yếu điểm – Yếu điểm dẫn tới thất bại của Jesse khi đầu tư chứng khoán ở phố Wall là vào lệnh.
Jesse Livermore đặt lệnh vào thị trường đến khi khớp lệnh thì bị lệch nhau quá nhiều tiền. Quá trình đặt lại bị chậm trễ khiến cho việc đầu cơ không hiệu quả. Trong khi đầu cơ chứng khoán ở các văn phòng cá cược thì lệnh đó được ghi nhận ngay vào trong sổ của người ghi. Khi đó, lệnh mua, lệnh bán được khớp ngay.
Để dễ hiểu, ví dụ anh em muốn bán HPG với giá 50.000 đồng/ cổ phiếu. Bán theo kiểu của Jesse Livermore ở phố Wall thì sẽ bán 50.000 đồng/ cổ phiếu. Nhưng đến khi khớp sẽ là 46.000 đồng/ cổ phiếu – 47.000 đồng/ cổ phiếu. Bởi vì chênh lệch thời gian lệnh vào sàn và khi ông ấy đưa ra lệnh bị lệch nhau quá xa. Còn ở tại văn phòng cá cược, anh em bán 50.000 đồng/ cổ phiếu thì sẽ được khớp ngay. Chính vì vậy mà hệ thống của Jesse Livermore đạt hiệu quả còn khi đầu cơ trên phố Wall lại thua lỗ nặng nề.
- Thứ 3, Jesse Livermore lên kế hoạch học lại từ sai lầm.
Jesse Livermore tìm được điều đó và thừa nhận yếu điểm. Ông bắt đầu lên kế hoạch, học lại từ sai lầm. Dần dần, hệ thống của ông hoạt động tốt trên cả thị trường. Cuối cùng, Jesse Livermore đã trở thành huyền thoại với mệnh danh “Con gấu vĩ đại phố Wall”.
Những câu chuyện chúng ta thua lỗ rất nặng nề hay đi vào thị trường chứng khoán không như ý là tình trạng hết sức bình thường. Hoặc ngay cả khi đầu tư dài hạn, anh em sẽ phải đối mặt và chịu đựng những cuộc thua lỗ khi mà thị trường giảm giá ngắn hạn. Kể cả là mua những cổ phiếu tốt nhất.
Bởi vì anh em nhìn thấy rất nhiều cổ phiếu ngon. Như Hòa Phát (HPG) chẳng hạn. Hòa Phát đã bắt đầu xây dựng Dung Quất từ năm 2017. Thế nhưng đến 10/2021, giá cổ phiếu HPG tăng mạnh lên mức hơn 40.000 đồng/ cổ phiếu. Sau đó, HPG lại giảm giá rất kinh hoàng. Khi đến 11/2022, giá cổ phiếu HPG chỉ còn hơn 11.000 đồng/ cổ phiếu. Câu chuyện là kể cả một cổ phiếu cơ bản tốt nhưng cũng có những lúc giá giảm giá sâu. Chúng ta không tránh được những việc này.
Khi đó, việc thua có thể xảy ra với bất kỳ ai. Kể cả với thiên tài chứng khoán hay với cả Warren Buffett. Việc của chúng ta, những nhà đầu tư là làm cách nào để vực dậy. Hơn thế nữa sẽ chuẩn bị kỹ hơn cho lần thua lỗ sắp tới mà thôi.
Lập lại kế hoạch, thừa nhận yếu điểm và học từ sai lầm của mình. Đây là 3 bước rất quan trọng.
19.2 Bài học từ những trải nghiệm của Cú Thông Thái
Một ví dụ từ trải nghiệm của bản thân Cú. Cú trích lại 1 số đoạn nho nhỏ liên quan đến nhật ký giao dịch về chứng khoán phái sinh của mình.
Thứ 3, ngày 24/9/2021, Cú bị lạc hướng. Nhầm lẫn lung tung giữa tư duy đầu cơ và danh mục dài hạn. Tức là ngày hôm đó Cú có bổ sung cho danh mục dài hạn của mình. Nhưng sau khi phân tích dài hạn sướng quá. Cú bị lẫn lộn tư duy đó sang phái sinh. Đầu cơ lung tung cả. Cuối cùng là lỗ.
Thế rồi ngày 28/9/2021, Cú lại lỗ tiếp. Cú còn ghi rất rõ mình có việc quan trọng dẫn tới việc xử lý kém và không tập trung. Đầu phiên thì lãi và cuối phiên thì lỗ.
29/9/2021, Cú cảm thấy rất mệt mỏi. Cú đang kỳ vọng 1 sự biến động mạnh nhưng thị trường lại bị “co giật” trong phiên. Điều này khiến Cú phải than 1 câu là bị dỗ hết tiền. Giống như trẻ con bị người xấu dụ dỗ hết tiền vậy. Đó là câu thường Cú thốt ra khi bị bế tắc và không xử lý được.
Bản thân thường xuyên trải qua các trường hợp này. Vậy nên Cú cũng đã dần coi đây là việc hết sức bình thường. Tuy nhiên, Cú cũng cố gắng nếu đầu cơ, chỉ đầu cơ số tiền mình kiểm soát tốt. Để đến khi có thua lỗ nặng nề thì mình cũng cảm thấy mất số tiền đó cũng không ảnh hưởng gì lắm. Nhất là khi so với những danh mục đầu tư dài hạn. Như vậy, theo Cú, để “sống sót” trên thị trường, anh em nên học thêm, hiểu thêm kinh nghiệm này.
Ngoài ra, khi thua lỗ, thường anh em sẽ được nghe câu chuyện, được giới thiệu 1 cuốn sách hay ông thầy nào đó. Họ có một hệ thống những tín hiệu hoặc có những phương pháp đánh bại thị trường. Tuy nhiên, Cú khẳng định 1 lần nữa, không có hệ thống nào đánh bại được thị trường và dùng được mãi. Nó chỉ đúng trong 1 khoảng thời gian nhất định với điều kiện cụ thể mà thôi. Bản thân Cú thấy rằng, mỗi khi tự tin hệ thống của mình đang rất hiệu quả. Mình đang vênh váo, tinh vi với thị trường thì mình sẽ thất bại sớm.
Việc quan trọng cần ở đây là anh em có một sự tôn trọng với thị trường. Tôn trọng việc mình là 1 nhà đầu tư bình thường mà thôi. Có rất nhiều nhà đầu tư trong vài triệu nhà đầu tư ngoài kia. Sơ sẩy là anh em bị đánh bại bất kỳ lúc nào. Biết sợ, có kỷ luật, linh hoạt là vũ khí tối ưu và dùng được mãi trên thị trường.
Vậy là chúng ta sẽ cần phải có một tư duy thoáng về việc vực dậy thế nào khi thua lỗ. Hiểu rằng ai cũng bị như vậy. Có 3 nguyên tắc: lập kế hoạch, thừa nhận yếu điểm và học từ sai lầm của mình. Đặc biệt, phương pháp mà chúng ta vừa chiến thắng thị trường trong thời gian qua có vẻ như cần thay đổi. Chứ không phải phương pháp nào cũng dùng được mãi để mà phải đi tìm kiếm sự cải tiến mới.
Phần 20: Tip tâm lý 20 – Trong đầu cơ, khả năng thay đổi quan điểm quan trọng hơn là cố chứng minh mình đúng
Ngày hôm nay, có thể anh em thấy thị trường đầy đủ tín hiệu để bán, bán rất tốt. Nhưng có thể ngày mai hoặc ngày kia, những tín hiệu đó dần yếu đi. Bắt đầu xuất hiện những tín hiệu cho thấy chúng ta bắt buộc phải cắt lỗ. Lúc này, việc tuân theo tín hiệu rõ ràng của thị trường là vô cùng quan trọng. Thay vì cứ cố chứng minh là mình đúng thì nên linh hoạt thay đổi quan điểm đúng lúc.
Đặc biệt là trong đầu cơ hay trong đầu tư. Nếu anh em đang phân tích một mã cổ phiếu nào đang lên rất ngon. Thế rồi lại có những thông tin mới xảy ra, những yếu tố nền tảng mà trước đó anh em không hề hay biết. Cần có sự dũng cảm để thừa nhận rằng, hình như mình sai rồi. Và mình cần phải kiểm tra lại.
Tuyệt đối không nên gồng mình lên để chứng minh là mình đúng với cả người khác. Đúng với bản thân mình, đúng với quan điểm mình nhưng không đúng với thị trường. Khi đó, sẽ khiến anh em mất rất nhiều tiền.
Một ví dụ từ chính bản thân Cú .Trong nhật ký đầu cơ, Cú short đầu tháng khá nhiều.
Theo bộ tín hiệu của Cú thì cảm thấy rằng thị trường sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn. Khi Cú short vào thứ 3, thứ 4 và thứ 5, tức 5/10/2021, 6/10/2021, 7/10/2021 mình giữ cái lệnh short đó.
Cú cảm thấy rằng thị trường có dấu hiệu rất kỳ lạ. Hơn nữa trong các kênh thông tin của Cú thì không biết tại sao lại có những tín hiệu không giống như mình nghĩ. Không rơi theo đúng cái mô hình của mình thấy và khối lượng của mình đang phân tích. Cú có đưa ra 1 vài quan điểm. Ví dụ Cú đặt câu hỏi vào 5/10/2021, Thị trường có kích cầu hay không? Hay tiền lại vào. Mình đang giữ Short, đang có lãi rồi nhưng thị trường cứ dồn trong phiên và cuối phiên lại tăng trở lại. Cú cứ mất lãi dần.
Các nhóm cổ phiếu có sự điều chỉnh về chỉ số VN30. Hơn nữa, một số mã cổ phiếu tăng mạnh như SAB và GAS. Nhưng với nhóm cổ phiếu về tài chính, ngân hàng, bất động sản, có dòng tiền mạnh nhất thì lại không tăng. Cú cũng đang ngần ngại, không biết tại sao. Sau đó, thứ 5 ngày 7/10, Cú lại nhìn thấy rằng có 1 luồng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu có kỳ vọng kết quả lợi nhuận quý 3 tốt. Cộng với P/E thấp và dòng tiền vẫn nóng.
Đặc biệt, anh em nhìn vào đồ thị mà trong 1 tháng nó lình xình đi ngang. Chúng ta thấy khối lượng không có tăng mà giảm dần và tạo 2 đỉnh ngắn hạn. Cộng với việc luân chuyển dòng tiền qua rất nhiều nhóm cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu lởm thì đây là 1 tín hiệu rất là xấu. Nếu mà nhìn như vậy, có lẽ, bên Short có vẻ nhìn ưu thế hơn nhiều. Chính vì vậy thì có thể sẽ đưa ra một dấu hiệu là sẽ short ngắn hạn.
Tuy nhiên, 8/10/2021, chủ tịch nói về gói kích cầu và lập tức thị trường vọt lên 2 phiên. Tăng đâu đó khoảng 50 điểm. Nếu anh em nào phái sinh không chịu cắt lỗ thì cháy tài khoản mất rồi. Hoặc gần cháy tài khoản. Lỗ khoảng 25% lệnh phái sinh đấy.
Trong tình huống đặc biệt khi đầu cơ, thì thừa nhận thua, khả năng đánh giá lại rất là quan trọng.
Ở tip tâm lý đầu tư 20 này, hãy nhớ, anh em là nhà đầu tư thì cũng cần review lại danh mục của mình. Review lại phương pháp, định giá của mình trong vòng 6 tháng. Nếu có điều gì đó thay đổi cái cốt lõi, cái nội tại của cổ phiếu thì anh em cũng cần rất sẵn lòng trong việc thừa nhận và đặt câu hỏi “Có thể mình sai?”
Phần 21: Tip tâm lý đầu tư 21 – Cẩn thận với hiệu ứng “Hào quang”
Tip tâm lý đầu tư 21 này rất thú vị. Có một hiệu ứng đúng trong marketing, kinh doanh và cả trong đầu tư. Đó là hiệu ứng hào quang.
Ví dụ anh em thấy chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Vingroup rất uy tín trong lĩnh vực bất động sản. Khi Vingroup phát triển sang các mảng khác, anh em có đầu tư và tin rằng sẽ sinh lời ở đấy không?
Sự thật chứng minh thì không phải cứ làm tốt một lĩnh vực là có thể làm tốt ở các lĩnh vực khác. Anh em nhìn vào các hoạt động kinh doanh của Vinmart, Vinfast,…đến giờ thì họ cũng đã đóng cửa rất nhiều những công ty con không hiệu quả. Có rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra với sự đa ngành của Vingroup.
Bản chất của Vingroup khi đầu tư đa ngành nghề là đúng vì có rất nhiều nguồn tiền từ việc kinh doanh cốt lõi là bất động sản. Họ cần mở rộng thêm ngành nghề mới. Khi làm thêm một số phân khúc và nếu phân bổ vốn nhỏ, đánh được game đó đủ tốt, chi phối được game đó thì họ sẽ trở thành một tập đoàn lớn của thế giới như là Samsung. Cách đi của Vingroup là đúng.
Còn bản chất của chúng ta là một nhà đầu tư. Nếu chúng ta đánh giá sai một dự án. Nghĩ rằng chủ dự án đã thành công ở một lĩnh vực nào đó mà đầu tư dự án mới chắc chắn sẽ ngon, là số một thì không đúng.
Hiệu ứng hào quang chính là vậy. Với anh em mua cổ phiếu theo nhóm ngành, theo tập đoàn thì hiệu ứng này lại càng rõ nét. Tức là cổ phiếu chính ngon, cổ phiếu phụ cũng ngon. Hay là 1 tập đoàn này ông sếp rất giỏi, chúng ta tin tưởng ông ý cái gì cũng giỏi.
Hoặc đã từng có rất nhiều nghệ sỹ quảng cáo các loại Coin rác. Chúng ta tưởng rằng diễn viên múa hay, hát giỏi thì đầu tư coin cũng giỏi. Dẫn tới việc anh em mua theo là sai lầm. Sau khi quảng cáo rầm rộ, loại coin này đã bị sập và rất nhiều người mất tiền.
Một minh chứng điển hình là cổ phiếu của FLC, ngày xửa ngày xưa đến giờ thì anh Trịnh Văn Quyết của FLC luôn được mệnh danh là trùm tăng vốn. “Lái” mã cổ phiếu nào là mã cổ phiếu đấy “cởi trần”.
Nhưng những gì chúng ta nhìn thấy là 6 cổ phiếu tập đoàn này trong vòng 5 năm gần đây kết quả phản ánh và giá khá là tệ. Những mã tốt nhất chỉ tăng 100% trong phòng 5 năm, những mã khác: AMD, AMT,… thì giảm sâu. Đến tháng 3/2022, Trịnh Văn Quyết đã bị bắt và các mã cổ phiếu thi nhau giảm sàn, hủy niêm yết.
Rất sai lầm khi mà chúng ta bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng hào quang. Không nên chỉ nhìn vào lãnh đạo doanh nghiệp. Hay việc doanh nghiệp mở rộng thêm ngành nghề mới mà đầu tư.
Anh em cần thận trọng trong việc đánh giá lại liệu ban lãnh đạo của công ty đó. Liệu họ có đủ khả năng quản trị, có đủ nguồn lực để để làm việc đó không? Hoặc cần bao nhiêu thời gian để các dự án trở thành hiện thực như kế hoạch.
Không nên vội vàng hướng theo các bài PR, ngẫu hứng giải ngân và mua theo.
Phần 22: Tip tâm lý đầu tư 22 – Cẩn thận với hiệu ứng ham mua hàng giảm giá
Điều này rất giống với hiệu ứng mà anh em đi shopping, mua hàng trên Tiki hay Lazada, Shopee,… Anh em thấy rất nhiều mặt hàng được sale off thì sẽ có một sự quan tâm nhất định. Nó sẽ kích thích nhu cầu và thường chúng ta sẽ nhanh ra quyết định mua. Đầu cơ và đầu tư cũng có hiệu ứng này.
- Trong đầu cơ, khi anh em nhìn cổ phiếu tăng liên tục. Chúng ta sợ không biết cổ phiếu có tiếp tục tăng hay không và không dám mua. Đến khi cổ phiếu đó giảm khoảng 20% thì anh em lại hăm hở lao vào bắt đáy. Cho rằng đây là cơ hội có 1-0-2. Cổ phiếu đã giảm 30%-40% thì làm sao giảm được nữa?
- Còn trong đầu tư thì anh em chọn những cổ phiếu mà anh em định giá được nó. Thấy đây là đầu tàu và đợi P/E của nó về mức thấp, định giá về mức thấp. Và anh em mua. Nhưng đến khi thấy mã cổ phiếu đó đang giảm giá, anh em lại bị kích thích và mua quá sớm trong xu hướng mà thị trường đang điều chỉnh.
Tuy nhiên, trong 2 trường hợp này, có thể là chúng ta chỉ đang mua giảm giá so với đỉnh. Đây là một sai lầm.
Nếu anh em mua cổ phiếu vì định giá được hay mua nó vì nó có một biên lợi nhuận đủ tốt so với giá trị thực thì rất tốt. Nhưng nếu anh em chỉ mua vì cổ phiếu giảm giá nhiều so với đỉnh thì anh em sẽ bị mắc vào bẫy ham mua hàng giảm giá.
Đây là đồ thị trong đợt điều chỉnh của VN30 vào tháng 7/2021 – 8/2021, nó có dấu hiệu giảm và tạo đáy ngắn hạn. Chắc hẳn, tại đây sẽ có rất nhiều anh em có ý định mua gom lại hàng. Thế nhưng sau đó VN30 lại tiếp tục giảm. Không ai biết được trong lúc VN30 tạo ra một dấu hiệu củng cố và có thể không giảm nữa thì nó lại giảm tiếp sâu hơn. Và VN30 đi ngang suốt rồi mới quay trở lại.
Cú chỉ muốn lưu ý với anh em rằng, không nên đưa ra quyết định mua sớm khi thấy thị trường giảm mà không đánh giá lại cổ phiếu và xu hướng.
Phần 23: Tip tâm lý đầu tư 23 – Giải thích quá khứ rất hay nhưng phân tích tương lai cực tệ
Hiệu ứng này rất quan trọng và đúng với hầu hết chúng ta. Kể cả chuyên gia hay nhà đầu tư mới. Cú để ý và thấy rằng, bộ não của chúng ta rất hay. Nó có thể giải thích khá tốt về quá khứ.
Nguyên nhân có lẽ vì bộ não thì hiểu được những thứ đơn giản, mang tính chất logic ở trong khuôn khổ. Vậy nên nó dễ dàng tìm kiếm những thông tin rời rạc và chắp nối vào với nhau. Từ đó, xây dựng một câu chuyện nghe rất hợp lý để giải thích cho quá khứ.
Anh em không biết ngày mai thế nào nhưng lại có thể giải thích cụ thể, chính xác được trong tuần trước hay ngày hôm qua.
Ví dụ, Anh em có thể để ý trên báo chí, Cafef hay Vietnamnet,… Nhiều chuyên gia giải thích rất hay rằng, lạm phát tăng mạnh. Điều này khiến cho các nhà đầu tư chứng khoán cảm thấy rằng có rủi ro về mặt thị trường sẽ xấu đi. Họ sẽ quyết định bán chứng khoán cùng với nhiều các thông tin khác.
Đúng ngày hôm sau khi mà chứng khoán tăng trở lại. Một số người khác lại nói rằng lạm phát tăng, khiến cho dòng tiền đổ vào các mã cổ phiếu có cái hưởng lợi từ việc tăng giá của tài sản. Nhờ đó, thị trường quay đầu trở lại.
Cùng một tình huống là lạm phát nhưng sẽ có người giải thích rằng thị trường sẽ đi xuống. Hoặc cũng có người giải thích rằng vì lý do đó mà thị trường đi lên. Nghe đều hợp lý cả.
Anh em có thể đọc lại những tiêu đề, bài báo của những ngày giảm và những ngày tăng thì chuyên gia nói kiểu gì cũng hợp lý. Chính mọi người đang cho phép nó hợp lý. Bằng cách cũng thừa nhận rằng mọi người mong muốn câu chuyện đủ đơn giản để giải thích cho quá khứ của thị trường.
Thế nhưng khi mà anh em phán đoán rằng thời gian sau, tuần sau là tăng hay giảm thì lại đều mù tịt cả. Điều này sẽ như anh em tung đồng xu. Xác suất là 50/50 mà thôi.
Đây vẫn là những điều Cú đã từng nhắc trong những tip trước. Khi anh em hiểu được bản chất của thị trường rất phức tạp. Anh em tôn trọng thị trường. Ta không cố gắng giải thích thị trường bằng những thứ quá đơn giản nữa. Đồng thời thừa nhận bản thân có thể đúng, có thể sai thì việc đầu tư dễ dàng hơn nhiều.
Hãy hết sức lưu ý đến tip tâm lý đầu tư 23 này nhé !
Phần 24: Tip tâm lý đầu tư 24 – Thận trọng với cảm xúc an tâm và thỏa mãn
Với tip tâm lý đầu tư 24, anh em cần rất thận trọng với cảm xúc an tâm và thỏa mãn khi đầu cơ.
Thời điểm anh em đang cảm thấy rất vui mừng khi thị trường đi đúng ý. Hay khi cảm thấy lệnh chúng ta vào, cổ phiếu chúng ta mua đang có lợi nhuận rất là tốt. Thì lúc đó anh em cần phải nhắc nhở bản thân mình thận trọng.
Bởi đó là lúc anh em không có sự cảnh giác đủ tốt với thị trường và theo dõi thị trường nữa. Cảm xúc này thường sẽ dẫn đến một sự chủ quan. Chúng ta sẽ dễ bị mất lãi hoặc thậm chí lỗ ngược trong nhiều tình huống.
Vậy nếu ta đã đầu tư rồi thì việc hài lòng, vui vẻ, tự chúc mừng bản thân mình là đúng. Nhưng cảm xúc an tâm và thỏa mãn, nghĩ rằng thị trường này nằm trong tầm tay của mình rồi, mình biết thừa tại sao nó tăng nó giảm là không nên.
Phần 25: Tip tâm lý đầu tư 25- Đừng sốt ruột khi nhìn sang cổ phiếu của người khác
Tip tâm lý đầu tư 25 này là tình trạng rất nhiều anh em, nhất là F0 hay gặp phải. Chúng ta thường sốt ruột khi nhìn sang cổ phiếu của người khác và thấy nó tăng.
Đặc biệt là những cổ phiếu cơ bản thì “lởm”, chỉ số tài chính xấu, P/E 30- 40 lần, thậm chí là P/E hơn 1000 …. Nhưng đứa bạn mình mới vào thị trường. Nó chẳng biết gì cả mà mua vẫn được x3, x4 tài khoản.
Trong khi cổ phiếu của anh em phân tích đầy đủ, học hành bài bản, chỉ số đẹp như thế mà không ai mua. Cứ lẹt đà lẹt đẹt mãi không lên.
Những thành quả anh em kỳ vọng về việc chúng ta mua cổ phiếu, phân tích cổ phiếu tốt không được đáp ứng như những gì mong muốn. Và khi anh em nhìn sang người khác. Thấy họ rất may mắn đạt được thành quả nào đó. Thế là anh em bắt đầu có tâm lý là nghi ngờ bản thân, dễ bị lạc hướng.
Lời khuyên của Cú trong tình huống này là mặc kệ người ta. Anh em mà bị sự xáo động, bị sự tăng giá của đứa bạn mình, đồng nghiệp và fomo thì sẽ rất dễ mất tự tin về bản thân.
Tâm lý này rất nhiều anh em đang gặp phải. Tức là chúng ta rất sốt ruột. Đang ôm cổ phiếu cơ bản, ôm cổ phiếu ngon. Hay chỉ số P/E, P/B, biên lợi nhuận, doanh thu rất là tự tin. Thấy cổ phiếu của đứa bạn tăng ghê quá thế là bán cổ phiếu giá trị đi quay sang đầu cơ. Đây là vấn đề chúng ta cần cân nhắc kỹ.
Mình nghe được mã nào thì cũng phải mang về tự phân tích xem có OK không. Rồi mới tính mua.
Trên thị trường chứng khoán, với kinh nghiệm của Cú thì chỉ nên tham gia đầu tư. Với lĩnh vực mà anh em quen, tham gia nhiều và giỏi. Không nên đầu cơ hay đầu tư những lĩnh vực mà anh em không biết.
Hãy tập trung vào thứ mình biết. Tập trung tài sản và thời gian vào đó thì anh em sẽ giỏi hơn rất là nhiều. Còn nếu anh em mà phi sang, đi theo phong cách của người khác mà không hiểu rõ sẽ rất mệt và mất thời gian.
Đấy là khi anh em thuyết phục được bản thân hài lòng với cuộc đầu cơ, đầu tư của mình. Còn nếu mà anh em vẫn không thể kiềm chế nổi khi thấy một phương pháp mới đem lại lợi nhuận cao và muốn thử. Có thể tham gia nhưng với số vốn nhỏ thôi, để cho biết.
Phần 26: Tip tâm lý đầu tư 26 – Chúng ta rất dễ quên đi cả nỗi sợ hãi và lòng tham
Cảm xúc mà, chúng ta rất dễ quên. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, cảm xúc lại vô cùng quan trọng. Dễ quên đi nỗi sợ và lòng tham là tip tâm lý đầu tư mà bạn cần tránh.
Tâm lý của thị trường trong bao năm nay vẫn như vậy.
Với nhà đầu cơ, khi cổ phiếu lên đến đỉnh thì chúng ta rất hay tự tin và tất tay. Ở giai đoạn này anh em sẽ thường hưng phấn, thích thú và coi thường sự điều chỉnh.
Đến khi điều chỉnh rồi, xuống đến đáy thì rất hoảng sợ. Thế rồi tất cả sự tự tin, hưng phấn về xu hướng của thị trường, nền kinh tế và về số lượng nhà đầu tư mới mở tài khoản đều biến mất. Những cảm xúc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phán đoán của anh em.
Hoặc khi thị trường sắp đi lên rồi, thể hiện những mẫu hình đẹp thì anh em lại cho rằng thị trường đang là Bull Trap. Anh em đều không tin việc thị trường đi lên. Sau đó lại bỏ lỡ mất mùa trend mới. Bức ảnh này là biếm họa nhưng cũng phản ánh đa số các nhà đầu tư, nhà đầu cơ khi bị cuốn vào vòng xoáy tâm lý.
Sau tất cả, nghi ngờ, hưng phấn, chán nản, …thì các nhà đầu cơ này lại rất dễ quên. Thậm chí tuần trước vừa giảm sàn, cắt lỗ nhưng tuần sau có tiền lại đi mua đua trần.
Để khắc phục được tình trạng này, anh em cần ghi lại nhật ký. Hoặc thường xuyên xem đồ thị và đánh dấu trên đồ thị rằng: Tại thời điểm mình đã bán ra vì sao? Tại thời điểm kia mình đã mua vào vì thế nào? Cắt lỗ, chốt lời ở đâu và tại sao làm như vậy?
Làm được những việc này, anh em sẽ kiểm soát được cảm xúc, thông tin giao dịch và không bị cuốn theo thị trường. Anh em sẽ là người kiểm soát thị trường và lựa chọn cuộc chơi đúng đắn.
Phần 27: Tip tâm lý đầu tư 27 – Lẫn lộn giữa đầu tư giá trị và đầu cơ
Một nguyên tắc mà anh em mới vào thị trường cần thực hiện đó là không được lẫn lộn giữa 2 quan điểm đầu tư giá trị và đầu cơ.
Đặc biệt là những anh em mới thường rất dễ gặp phải tình trạng này. Mục tiêu của anh em vào thị trường là kiếm một kênh sinh lời tốt hơn tiền gửi. Có thể xây dựng tài sản và xây dựng quỹ hưu. Hoặc tối ưu nguồn vốn đang nhàn rỗi trong ngân hàng. Mục tiêu rất đơn giản. Nhưng đến khi bắt đầu tham gia thị trường rồi, chúng ta nghe theo các hội nhóm, những người bạn, các chuyên gia,..Ai cũng thấy đúng, ai cũng thấy hay và thế là loạn. Anh em quên mất luôn mục tiêu ban đầu mình đã đề ra. Vậy là đi sai hướng.
Anh em cần xác định rõ và luôn ghi nhớ mục tiêu vào thị trường là gì? Kiếm được một kênh sinh lời tốt hơn tiền gửi kiệm hay xây dựng tài sản, xây dựng quỹ hưu?
Còn nếu anh em không xác định rõ được mục tiêu, tham gia vì sự lôi kéo hay thấy chứng khoán sinh lời cao thì sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin và thị trường. Và thất bại là đương nhiên. Cú thấy rằng thị trường chứng khoán rất mở và có nhiều cơ hội. Anh em đầu tư giá trị, đầu cơ hay tham gia phái sinh đều có thể kiếm được tiền. Thế nhưng mà chúng ta tham gia loại nào thì phải giỏi loại đấy.
- Với nhà đầu tư giá trị, anh em cần nhớ 3 nguyên tắc mà Cú thấy là không thể bỏ qua:
Một là, nhấn mạnh vào doanh nghiệp có lợi nhuận tốt và nắm giữ lâu dài.
Hai là, bỏ qua biến động của thị trường. Vì biến động thị trường là ngắn hạn. Anh em đầu cơ chỉ tập trung tìm ra những cổ phiếu có lợi thế cạnh tranh cực kỳ tốt. Tin tưởng trong 10 năm, 15 năm tới tăng trưởng rất cao. Mức 20%/ năm – 30%/ năm. Kỹ năng của đầu tư giá trị là tập trung vào phân tích doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và mua tích sản.
Ba là, sẽ mua khi mà thị trường xấu. Vì lúc này giá của cổ phiếu tiềm năng đang rẻ. Còn khi thị trường tăng thì chỉ mua cầm chừng. Hoặc mua theo dòng tiền rải đều. Thị trường càng xấu thì nhà đầu tư giá trị càng thích. Chỉ nên bán ra khi nhận định của mình sai. Hoặc bây giờ doanh nghiệp thay ban lãnh đạo. Ban lãnh đạo mới không quản lý tốt, thay đổi hoàn toàn công ty. Đặc biệt, không thể kinh doanh tốt như ngày xưa thì mới bán ra. Hoặc cần chốt lời, cần tiền.
- Với nhà đầu cơ thì nhấn mạnh vào dòng tiền. Nhiều nhà đầu cơ cho rằng, phải có dòng tiền mới đầu cơ và chỉ mua theo trend. 3 đặc điểm của đầu cơ là:
Một là, dòng tiền chảy đến đâu thì cổ phiếu tăng đến đấy. Không có cổ phiếu tốt mà cũng chẳng có cổ phiếu xấu chỉ có cổ phiếu tăng giá và cổ phiếu giảm giá. Quan điểm này cũng đúng và đa phần là kiếm được tiền. Những anh em này chỉ thích thị trường tăng. Không thích thị trường giảm. Các nhà đầu tư mới thường sẽ theo xu hướng đầu cơ nhiều hơn đầu tư.
Hai là, nhấn mạnh vào dòng tiền. Thị trường có dòng tiền, có thanh khoản thì nhảy vào tham gia. Không thì thôi. Chỉ quan tâm tới chênh lệch giá ngắn hạn. Cổ phiếu P/E 100 cũng được nhưng sẽ mua nếu tăng giá 30%, 50% . Cú nghĩ rằng việc đầu cơ bài bản, thành công cũng rất vui và hấp dẫn nhưng không phải ai cũng làm được.
Ba là, tập trung vào dấu hiệu đầu cơ, quản trị vốn, quản trị rủi ro và cảm xúc. Đầu cơ nhấn mạnh vào ngắn hạn. Do đó, việc đoán được xu hướng của thị trường, đoán được cổ phiếu nào tăng, dòng tiền nào vào rất là khó. Chỉ mang tính xác suất mà thôi. Anh em có 10 deal mà thắng 6,7 deal là giỏi lắm rồi. Còn lại vẫn phải cắt lỗ. Nếu anh em mà gồng lãi kém, gồng lỗ giỏi thì lại thành đi buôn ngược.
Chính vì những sự khác biệt này nên nhiều anh em tham gia đầu cơ, lướt sóng lại đi cãi nhau, tranh luận với anh em đầu tư giá trị. Đầu cơ và đầu tư giá trị khác hẳn nhau và không được lẫn lộn.
Phương pháp đầu tư khác nhau. Thời điểm mua khác nhau. Tư duy khác nhau hoàn toàn. Anh em tham gia cuộc chơi nào phải hiểu rõ và tuân thủ nguyên tắc của cuộc chơi đó.
Khổ nhất sẽ là anh em nào bị lẫn lộn giữa đầu tư giá trị và đầu cơ. Mua vào vì dòng tiền, vì lướt sóng nhưng khi lỗ lại chuyển sang trường phái đầu tư giá trị. Cố chờ một thời gian để về bờ và thu hồi lại vốn, hoặc tiếp tục mua trung bình giá. Nhưng do chúng ta cũng chẳng quan tâm gì nội tại doanh nghiệp, phân tích cũng hời hợt, chẳng biết 5,10 năm tới nó như thế nào, vốn thì vay mượn nên rất có thể, lỗ lại càng lỗ.
Với tip tâm lý đầu tư này, cần nhớ xác định rõ mục tiêu và hết sức lưu ý về việc phân biệt giữa đầu cơ và đầu tư anh em nhé.
Phần 28: Tip tâm lý đầu tư 28 – Anh em thích kiếm tiền bằng lời khuyên của người khác
Rất nhiều anh em thích kiếm tiền bằng lời khuyên của người khác và hiện đang kiếm tiền từ những lời khuyên này.
Cú biết một anh bạn, hôm nay thì bá vai anh trưởng phòng công ty chứng khoán. Ngày mai thì lại đi chơi với anh bên UBCK. Ngày kia lại đi chơi với chị ngân hàng nhà nước. Hôm sau đi với anh bên bộ tài chính. Mỗi người phím 1 con và thế là anh bạn đó lại nghe theo và đi mua.
Loanh quanh từ đầu tháng đến cuối tháng, mua khoảng 15-20 mã cổ phiếu. Danh mục cứ rải đều và dài lê thê, rất khó kiểm soát.
Cách làm này Cú không đánh giá đúng sai nhưng trong dài hạn sẽ không ổn, tại sao lại như vậy?
Những người “phím hàng” có thể bảo anh em mua mã cổ phiếu A hôm nay rất chính xác. Nhưng ngày mai, có tin xấu, thị trường thay đổi, họ không thể bảo ta bán đi ngay được. Rồi những ngày tới, họ lại mua vào mã cổ phiếu B, họ đâu bảo ta mua tiếp con B đấy. Chúng ta có thể hỏi 1,2 lần nhưng đâu thể lúc nào cũng sát sao bên cạnh, xem những người đó mua giá nào, bán ra sao?
Việc quản lý vốn mới là yếu tố quyết định trong thành công của việc đầu tư.
Anh em hãy nhớ lại Peter Lynch – một nhà đầu tư giá trị, rất nổi tiếng. Ông quản lý 1 quỹ từ khoảng 150 triệu đô lên đến 14 tỷ đô. 14 tỷ đô không phải con số quá lớn so với những nhà đầu tư tài ba khác. Tuy nhiên, ông cũng được cho là một trong những huyền thoại của phố Wall. Tài sản tăng trưởng 20 năm liên tiếp, vượt trội so với S&P 500 và so với thị trường.
Peter Lynch rất ủng hộ việc tin vào sự đánh giá, nhận định của chính bản thân mình.
Thời gian đầu chúng ta nên nghe theo lời khuyên của người khác để biết được những điều chúng ta chưa biết. Nhưng càng về sau, chúng ta càng phải giảm bớt cái sự ảnh hưởng đó. Anh em cần phải sàng lọc qua bộ lọc và cố gắng tự đưa ra quyết định. Để tồn tại thị trường 5 năm, 10 năm và hơn thế nữa thì đây mới là cách đầu tư thành công.
Ông Peter Lynch nói rất rõ 3 lý do mà mình không cần quan tâm của những “thiên tài” luôn chỉ điểm cho chúng ta:
- Thứ nhất, thiên tài cũng có thể sai, Warren Buffett đã từng cắt lỗ tới 80%. Có 1 mã cổ phiếu của ngân hàng Ireland, Warren Buffett mua đúng lúc trước khủng hoảng 2007. Trong khi đó, ngân hàng Ireland này lại mua cực kỳ nhiều những trái phiếu rác của Mỹ. Thế là về sau Warren Buffett đã phải cắt lỗ gần 80%, tương đương với gần 30 triệu đô.
- Thứ 2, ngay cả khi những người chỉ điểm đúng thì anh em cũng không bao giờ biết được là khi nào họ thay đổi quyết định và khi nào họ chốt lời. Đây là lý do mà Cú thấy việc chúng ta đi hỏi mua mã cổ phiếu của một người khác là việc rất vô nghĩa.
- Thứ 3, anh em luôn luôn có thể mạnh, vòng tròn năng lực, sự hiểu biết và quan hệ của riêng mình. Để đầu tư dài hạn và không phải dựa dẫm vào bất kỳ ai, hãy phát huy bản thân bằng cách tự nghiên cứu, tự tìm tòi. Đồng thời, kết hợp lời khuyên nào đó từ các cao thủ đầu tư ở khía cạnh kiến thức và kinh nghiệm.
Khi ghi nhớ tip tâm lý đầu tư này, dần dần anh em sẽ hình thành được phương pháp và kinh nghiệm của riêng mình. Cú rất ủng hộ và tin tưởng điều này là đúng.
Phần 29: Tip tâm lý đầu tư 29 – Chúng ta thích nghe lời lọt tai và bỏ qua lời khó nghe
Anh em nào cũng thích được khen đúng không?
Khi anh em thấy người ta ủng hộ bản thân mình, có nghĩa là ta đang được khen ngợi và đánh giá cao. Còn những lời khó nghe, ví dụ như anh em đang thấy mã cổ phiếu A này rất tốt còn ông khác lại bảo mua mã này lởm, doanh thu năm tới lẹt đẹt. Tự nhiên anh em sẽ sinh ra tâm lý:“Ông này biết cái gì mà khuyên mình”. Đúng không?
Trong đầu tư, khi anh em đã quyết định đặt lệnh mua hay bán thì mọi thứ đều phải trả giá bằng tiền. Sự ngu ngốc hay nhẹ dạ, cả tin của chúng ta đều mất tiền. Vì vậy những lời khó nghe sẽ lại là những lời rất quan trọng.
Trước kia, Cú cũng không có sự kiên nhẫn nghe những lời khó nghe. Cú sẽ ngồi lại cùng với mấy đồng chí thân quen, nói chuyện về xu hướng, về cổ phiếu mình đã mua. Bỏ ngoài tai những lời phân tích ngược chiều. Mỗi lần như vậy, Cú có lúc thắng, có lúc thua. Dần dần, Cú nhận ra rằng, nên nghe cả những lời khó nghe. Cú muốn biết tại sao lại như thế, điều gì khiến cho họ nghĩ như vậy. Nguồn thông tin nào và lấy từ ai để xác minh lại.
Khi nhận thấy “À ông này lại có thông tin mà mình không biết thật”, thế là lúc này mình phải xem lại hoặc là hỏi kỹ hơn.
Việc lắng nghe các thông tin này sẽ giúp anh em có thêm nhiều góc độ nhìn nhận một sự việc, nhiều thông tin mình chưa biết đó, nên đừng ngại những lời khó nghe.
Phần 30: Tip tâm lý đầu tư 30 – Những dự báo nổi tiếng nhất sẽ không thành sự thật
Anh em sẽ thấy rằng có rất nhiều những dự báo khủng hoảng nổi tiếng nhưng không thành sự thật.
Cú sẽ kể một câu chuyện. Ngày xưa có 1 ông vua, ông ý mời một nhà tiên tri cực kỳ nổi tiếng đến để tiên tri về tình hình kinh tế của đất nước trong thời gian tới. Nhà tiên tri nói rằng, mấy năm tới đất nước sẽ trải qua một đợt hạn hán, dịch bệnh khủng khiếp. Chính vì điều đó sẽ khiến cho dân số chết đi rất nhiều.
Nhà vua cùng các vị quan hoảng sợ. Đi tích trữ lương thực. Khai thông cống rãnh, truy lùng các nguồn dịch bệnh. Đúng là sau đó vài năm có xảy ra hạn hán, dịch bệnh thật nhưng hiệu quả của nó lại nhẹ hơn rất nhiều so với những gì nhà tiên tri phán đoán ban đầu. Khi đó rất nhiều người đã mắng nhà tiên tri đã làm quá lên. Tức những dự báo của nhà tiên tri quá nổi tiếng cho nên tất cả những thành phần trên thị trường, từ quan chức, đến nhà vua, đều đang phản ứng để phòng chống sự kiện đó. Chính vì điều đó, sẽ làm cho sự kiện đó nó không xảy ra.
Ví dụ như tất cả chúng ta đều biết rằng mùa đông sẽ bị lạnh. Nhiệt độ sẽ giảm xuống rất sâu. Nhiều người chết rét nếu không mặc áo ấm. Tự nhiên ta sẽ đi mua áo và chúng ta sẽ không bị chết rét nữa.
Một nguyên tắc rất là đơn giản thôi nhưng trong đầu tư cũng như vậy.
Anh em để ý rằng, có rất nhiều dự báo về khủng hoảng. Nhưng nếu nó nổi tiếng thật sự thì sẽ có rất nhiều người đi phòng chống nó, phản ứng trước và xử lý sớm. Chính vì điều đó sẽ làm cho các dự báo bị chệch hướng hoặc không xảy ra nữa. Hoặc nếu xảy ra sẽ xảy ra với tác động rất nhẹ mà thôi.
Khi chúng ta thấy những điều gì quá hiển nhiên, mà được nhiều người đồn đại quá. VD như mã cổ phiếu này tốt quá, ai cũng biết …thì có lẽ nó không còn tốt nữa bởi vì mọi người làm theo hết rồi. Hoặc ngược lại.
Vậy làm thế nào để anh em biết, ít hay nhiều người đã biết được thông tin này? Nó đến từ sự cảm nhận của anh em trên thị trường. Khi rất nhiều nhà phân tích, báo chí, môi giới cùng nói về thông tin, sự kiện đó, thì anh em sẽ cảm nhận rất rõ. Nguyên tắc này sẽ đi ngược với các nguyên tắc thông thường.
Phần 31: Tip tâm lý đầu tư 31- Lời tiên tri tự nhiên thành sự thật
Quay trở lại lời tiên tri ở trên. Nhìn theo một mặt khác. Nếu lời tiên tri đó nói về những điều tốt đẹp, những phần thưởng, những lợi ích và những người tham gia sớm được hưởng lợi ích từ điều đó. Càng lúc sẽ càng có nhiều người tham gia và đám đông sẽ càng lớn lên. Khi đó, lời tiên tri ban đầu sẽ lại thành sự thật.
Một ví dụ nổi tiếng nhất trong tình huống này Cú nghĩ rằng là mô hình dự báo giá bitcoin. Mô hình Stock – to – Flow Model của PlanB. Mô hình này là 1 người hay một tổ chức ẩn danh trên mạng. Anh ta đã từng có một thời gian dự báo giá bitcoin khá là chuẩn xác. Đây là mô hình khá đơn giản về mặt concept, ý nghĩa.
Tức là anh ta dựa vào sự khan hiếm của hàng hóa. Ví dụ như là vàng là khan hiếm. Những tài nguyên khan hiếm và bitcoin cũng là hàng hóa khan hiếm. Khi đó anh ta dự báo nhu cầu của thị trường càng lúc càng tăng trong khi nguồn cung chỉ có giới hạn. Điều sẽ thúc đẩy giá của bitcoin tăng lên nhanh chóng.
Giá của bitcoin như anh này dự báo rất cao. Từ vài trăm nghìn đô lên tới hàng triệu đô. Đến thời điểm tháng 11/2021, anh ta vẫn rất tự tin dự báo, giá bitcoin sẽ lên 98.000 và 135.000.
Nếu anh em nào để ý đến thị trường mã hóa sẽ thấy đây là 1 dự báo cực kỳ nổi tiếng. Khi nó càng nổi tiếng, càng thu hút đám đông vào thì tự nhiên, mỗi người khi ra quyết định mua bán đều nghĩ về quyết định tiên tri đó. Dần dần những người mới tham gia thị trường, khi họ mới tìm kiếm thông tin, đọc nội dung họ cũng bị ảnh hưởng bởi lời tiên tri và lời tiên tri này dần dần sẽ thành sự thật.
Bài học rút ra là khi anh em thấy rằng một lời tiên tri mà trong giai đoạn đầu và thu hút được đám đông thì nó sẽ trở thành sự thật. Tip này ngược với tip 30.
Những dự báo nổi tiếng sẽ không thành sự thật bởi người ta có xu hướng ngăn ngừa hoặc chuẩn bị trước cho nó. Hoặc nhưng dự báo lớn quá, dễ sinh lời quá cũng không thành sự thật bởi vì người ta có xu hướng phản ứng trước. Đó là khi đã có quá nhiều người tham gia rồi. Cộng đồng đủ đông rồi, không còn người mới nữa.
Ngược lại, trong trường hợp thứ 2, lời tiên tri ở giai đoạn đầu. Rất nhiều người mới, F0 tham gia vào sẽ đẩy cho lời tiên tri này thành sự thật. Hai điều này đều đúng anh em nhé. Cái khó của chúng ta là áp dụng như thế nào trong công việc đầu tư mà thôi.
Phần 32: Tip tâm lý đầu tư 32 – Xu hướng phản ứng với điểm cận biên
Chúng ta có xu hướng ra quyết định tại những điểm ngắn hạn. Đặc biệt là đúng trong chứng khoán. Khi thị trường tăng, khả năng chứng khoán còn tăng tiếp. Khi thị trường xuống thì khả năng chứng khoán còn xuống tiếp. Điều này có thể đúng trong ngắn hạn.
Điểm khác biệt là những người biết nguyên tắc này sẽ biết có xu hướng như vậy. Và khi đó, anh em sẽ dừng lại nhanh hơn người khác.
Nếu biết nguyên tắc này thì sẽ đầu cơ tốt hơn. Anh em đi theo đám đông nhưng sẽ làm tốt hơn đám đông. Vì anh em hiểu được mình. Phải tận dụng đám đông, còn nếu đi theo đám đông 1 cách vô thức thì anh em sẽ rất là khó dừng lại.
Phần 33: Tip tâm lý đầu tư 33 – Cần tư duy hệ thống, kể cả khi đầu cơ
Khi đầu tư dài hạn sẽ yêu cầu anh em tư duy hệ thống nhiều hơn. Chúng ta phải phân tích được cổ phiếu tốt, quản trị được vốn, kiên trì mua tích lũy và đánh cược vào lợi nhuận trong dài hạn của doanh nghiệp. Đồng thời, bỏ qua xu hướng ngắn hạn của thị trường vì lợi nhuận dài hạn của doanh nghiệp rất là tốt để chúng ta yên tâm.
Còn đầu cơ là ngắn hạn, nhảy vào nhảy ra để lướt. Đúng, nhưng nếu anh em có thêm tư duy hệ thống nữa thì đầu cơ có thể sẽ là sự nghiệp thắng lợi trong dài hạn.
Cú đã có video Hướng dẫn lọc cổ phiếu theo Canslim. Anh em sẽ thấy rằng việc đầu cơ theo phương pháp Canslim của William J. O’Neil những năm đầu cực kỳ thành công. Mang lại cho ông những lợi nhuận gấp 20 lần. Nhưng những năm sau đó nó lại không thành công. Tức là rất khó để giữ lợi nhuận đầu cơ trong dài hạn.
Rõ ràng, lợi nhuận trong dài hạn thì những nhà đầu tư giá trị như là Warren Buffett lại có lợi suất cao hơn William J. O’Neil rất là nhiều.
Cú nghĩ rằng thị trường mỗi lúc một thay đổi. Làm sao để chiến thắng được đầu cơ trong dài hạn thì anh em bắt đầu phải tư duy 1 cách có hệ thống. Trong khóa học phái sinh, trong rất nhiều tips Cú có chia sẻ cho anh em đó là quản trị vốn. Một nửa cuộc chơi là mua mã cổ phiếu nào, dòng tiền đang vào đâu,…Một nửa cuộc chơi còn lại sẽ đến từ việc anh em quản trị rủi ro, cắt lỗ, gồng lời…
Anh em thoát khỏi cuộc đầu cơ khi thấy mất dần cảm giác tự tin và an toàn. Đấy là tư duy hệ thống mà chúng ta sẽ cần trau dồi. Việc này những người mới tham gia hơi khó để có được. Nhưng Cú mong rằng, anh em sẽ luôn cố gắng và có ý thức rèn luyện mỗi ngày. Tư duy này sẽ giúp anh em chiến thắng trong dài hạn, đặc biệt là anh em thích lướt sóng và tham gia phái sinh.
Phần 34: Tip tâm lý đầu tư 34 – Luôn hỏi về sự chắc chắn khi đầu tư
Mỗi khi thị trường uptrend, rất nhiều người trong hội nhóm nói rằng, tôi chắc chắn về điều này, tôi chắc chắn về điều kia.
Nếu chúng ta nghe về sự chắc chắn đó thì việc đầu tiên là nên tự hỏi, sự chắc chắn đấy đến bao nhiêu phần trăm? Bởi vì sự chắc chắn nhất trong đầu tư là chẳng có gì chắc chắn cả. Thị trường quá rộng lớn. Rất nhiều thành phần tham gia thị trường, mỗi người nghĩ 1 kiểu và vô vàn các thông tin vĩ mô trong và ngoài nước. Đủ thứ, đủ chiều. Nếu anh em nhìn trong tương lai dài hạn 5 năm, 10 năm thì chúng ta có khả năng đúng. Nhưng nếu như trong đầu cơ trong ngắn hạn, nửa năm, 1 năm mà chúng ta nói về sự chắc chắn thì Cú tin rằng đó là điều võ đoán.
Anh em hãy hiểu đúng hơn trong tình huống này là xác suất nào cao hơn có thể xảy ra. Khi đó, anh em sẽ luôn luôn có tư duy là quản trị rủi ro. Chúng ta sẽ đánh cược theo những xác suất lớn, theo các trend. Nhưng nếu kịch bản xấu xảy ra, chúng ta phải có sự phản ứng kịp thời. Còn nếu cứ tin vào những điều chắc chắn xảy ra thì chúng ta sẽ hoàn toàn bị động. Coi như anh em đánh bạc mất rồi. Đánh bạc và đầu tư khác nhau ở chỗ đó.
Tip tâm lý đầu tư 34 nhắc nhở chúng ta hãy luôn tư duy như vậy. Mỗi khi anh em nghe đến sự chắc chắn của bất kỳ ai nói về xu hướng thị trường, về cổ phiếu, về nhóm ngành, hãy hỏi ngược lại xem là sự chắc chắn đấy đến mức nào, họ dựa vào điều gì. Anh em có thể dùng ngay câu hỏi của Cú:
“Theo anh 2-3 điều quan trọng nhất để anh chắc chắn như vậy là gì?”
Mình nghe và hiểu được. Từ đó, đánh giá được một phần nào đó sự chắc chắn của họ. Nếu họ nói đúng chúng ta học được, nếu họ nói sai chúng ta hiểu được và đánh giá lại nhận định của mình.
Phần 35: Tip tâm lý đầu tư 35 – Chống lại đám đông hay đi ngược lại với đám đông?
Tip tâm lý đầu tư này sẽ cho anh em thấy chúng ta nên chống lại đám đông hay đi theo đám đông? Hay chúng ta nên làm gì?
Nói về điều này sẽ có rất nhiều quan điểm trên thị trường. Có câu trích dẫn của Warren Buffett : ” Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi.” Ý ông là đi ngược đám đông.
Thế nhưng đây là điều đúng trong tư duy dài hạn và đầu tư giá trị. Tức là tìm ra cổ phiếu tốt rồi. Cổ phiếu tăng trưởng 20 năm, biết là nó sẽ tăng rất nhiều trong tương lai. Thậm chí có thời điểm quý 1/2021, Warren Buffett đang trữ 145 tỷ đô tiền mặt.
Với Warren Buffett, chờ 1 năm, 2 năm để có những cổ phiếu tốt không là vấn đề. Nhưng cách đầu tư này không phù hợp với chúng ta. Chúng ta không thể có tư duy đầu tư quá dài như vậy được. Trừ khi danh mục dài hạn chúng ta để đó không làm gì.
Trong tư duy ngắn hạn, tư duy đầu cơ, anh em cũng cần phải tối ưu. Vậy thì chúng ta có nên chống lại đám đông như vậy không? Hay đám đông đang đi lên thì chúng ta bán?
Khi đầu cơ, trong danh mục của nhà đầu tư nhỏ, F0 thì chúng ta không nên làm như thế. Cú cho rằng trong tình huống này, chúng ta sẽ tư duy cởi mở hơn bằng cách follow đám đông. Nhưng chúng ta sẽ phải có 1 cái tư duy thận trọng để quản lý vốn, biết tách ra khi nào chúng ta cảm thấy đủ thì sẽ phù hợp hơn. Không nên chống lại đám đông. Phải follow dòng tiền, follow đám đông, nhất là trong đầu cơ. Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều dấu hiệu mà anh em sẽ phải thực tập thì mới biết được.
Lời kết
Như vậy là Cú đã chia sẻ cho anh em những tip tâm lý đầu tư vô cùng quan trọng mà phải sau rất nhiều năm “lăn lộn” trên thị trường, Cú mới rút ra được. Hy vọng, series những tâm lý đầu tư này sẽ hữu ích cho anh em để có thể trang bị cho mình những tư duy tốt, đúng đắn về thị trường.
Để cập nhập thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán bổ ích. Hãy ghé thăm Cú thường xuyên nhé !
Nếu còn điều gì thắc mắc về chủ đề này, anh em có thể inbox cho Cú. Cú luôn sẵn sàng trao đổi và đón nhận những thông tin kiến thức mới đến từ anh em.
Ngoài ra, anh em cũng nên trang bị cho mình các kiến thức hữu ích khác với nhà đầu tư.
Anh em có thể bắt đầu từ những bài viết về các tip tâm lý đầu tư trước đó của Cú Thông Thái.
1. 36 Tips tâm lý đầu tư phải biết cho F0 (Phần 1)
2. Tips quản trị cảm xúc thành công cho F0 trong đầu tư chứng khoán
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Để hiểu rõ hơn chức năng cũng như cách phân tích chuyên sâu một báo cáo kết quả kinh doanh, anh em có thể học thêm. Hiện tại Cú có cung cấp khóa học chứng khoán với những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho anh em. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: Phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Cú sẽ giúp anh em:
Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy, nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký Khóa học hướng dẫn cơ bản A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp mọi thắc mắc.
Các kênh liên lạc
Để cập nhập thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://www.facebook.com/CuThongThai.VNInvestor/
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://vt.tiktok.com/ZSJJKgbU4/
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969