HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH KỸ THUẬT CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU (A-Z)
Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán. Họ đang áp dụng nhiều phương pháp phân tích kỹ thuật khác nhau. Có anh em mua bán theo tin đồn. Có anh em mua theo phím hàng từ bạn bè, cổ đông nội bộ. Hoặc có những anh em lại theo các nhóm nọ, nhóm kia.
Cú thấy rằng, với mỗi phương pháp này, có thể mang lại cho anh em lợi nhuận trong ngắn hạn. Nhưng nếu không có phương pháp của riêng mình, có thể anh em sẽ mất nhiều tiền mà vẫn không hiểu chút nào về thị trường. Cú đặc biệt khuyên anh em nên dành thời gian cho việc tìm hiểu và thực hành. Từ đó, có được phương pháp riêng và thành công dài hạn trong đầu tư.
Bài viết này, Cú sẽ hướng dẫn phân tích kỹ thuật chứng khoán từ A-Z. Đây là những bước vô cùng quan trọng để anh em nắm được bức tranh tổng thể của phân tích kỹ thuật chứng khoán. Nhờ đó, anh em có thể tự mình bắt đầu học hỏi, ứng dụng trong đầu tư chứng khoán. Thậm chí là đầu tư vàng, đầu tư tài chính.
Lưu ý, bài viết sẽ hữu ích cho:
- Nhà đầu tư F0
- Nhà đầu tư mới chưa có nhiều kinh nghiệm trong phân tích kỹ thuật. Đặc biệt là muốn ứng dụng để xác định điểm mua bán, đầu tư hay lướt sóng thành công hơn.
Với 10 phần chính, anh em sẽ nắm được các nền tảng và các nguyên tắc quan trọng trong phân tích kỹ thuật chứng khoán. Hãy hết sức ghi nhớ 3 bước cốt lõi của quá trình phân tích kỹ thuật. Một là xác định xu hướng. Hai là xác định động lượng của xu hướng đó. Cuối cùng là xác định ngưỡng hỗ trợ/điểm đảo chiều.
Phần 1: Sự hình thành của phương pháp phân tích kỹ thuật
Tại sao nhìn vào giá, khối lượng giao dịch, biểu đồ mà có thể phán đoán được ra xu hướng. Từ đó biết điểm mua, điểm bán nào có lợi cho mình? Câu chuyện về sự hình thành của phân tích kỹ thuật cũng rất thú vị. Cú muốn chia sẻ cho anh em.
Cách đây vài trăm năm, Ở Hà Lan hay New Zealand đã bắt đầu sử dụng một số dấu hiệu của việc phân tích kỹ thuật. Khi này, biểu đồ dạng đường, dạng thanh bắt đầu được ứng dụng một cách sơ khai.
Câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu từ thế kỷ 18 ở châu Á. Tại Nhật Bản, một thương nhân chuyên buôn gạo người nhật tên là Honma. Ông đã bắt đầu hình thành hệ thống theo dõi giá gạo cuối ngày bằng các biểu đồ hình nến. Sau đó Honma nhận ra rằng, một số hình nến lặp đi lặp lại và dự báo được giá gạo trong tương lai sẽ tăng hay giảm như thế nào. Khoảnh khắc vĩ đại đấy nó giống như khi đại sư phụ khai thiên lập phái và xưng hùng thiên hạ vậy.
Honma đã cực kỳ thành công trong việc dự báo giá gạo so với thị trường. Bởi lẽ, lúc đó chỉ có mình ông biết phương pháp này. Anh em tưởng tượng giờ cả thị trường, chỉ có mình anh em biết công cụ phân tích nến thì anh em quá lời to rồi.
Công cụ này sau đã được du nhập về Mỹ và được hoàn thiện hơn ở thế kỷ 20. Bước ngoặt lớn vô cùng quan trọng là ông Charles Dow. Ông là người đồng sáng lập chỉ số Dow Jones mà chúng ta vẫn dùng tới ngày hôm nay. Ông đã có những bài viết, bài phân tích, lấy cảm hứng từ việc sử dụng và phát triển của phân tích kỹ thuật hiện đại vào cuối thế kỷ 19. Dần dần, Charles Dow hình thành Lý thuyết Dow. Lý thuyết Dow bao gồm 6 nguyên tắc là nền tảng của việc phân tích kỹ thuật ngày hôm nay.
Sau đó, rất nhiều người đã phát triển thêm các mô hình. Tới nay, thị trường kỹ thuật đã phát triển lên hàng ngàn chỉ báo với cách phối hợp khác nhau. Hơn thế nữa, chúng được ứng dụng sâu rộng trong tất cả các loại giao dịch khác nhau. Đặc biệt là chứng khoán, tiền tệ, ngoại hối và bây giờ là crypto/tiền mã hoá…Có nhiều người hoàn toàn dựa vào phân tích kỹ thuật để giao dịch Mua/Bán dập dềnh cùng thị trường.
- Nhà đầu tư giá trị và dài hạn thì dùng PTKT để xác định điểm mua có lợi trong việc mua tích lũy
- Nhà đầu tư lướt sóng họ dùng PTKT để tìm điểm mua thấp, bán cao.
- Các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp thì dùng PTKT để tạo ra những hệ thống giao dịch tự động. Họ mua – bán theo những hình mẫu và có thể giao dịch cực nhanh, khối lượng lớn chỉ trong vài phần trăm giây ngắn ngủi.
Hãy xác định được mong muốn đầu tư dài hạn hay ngắn hạn của mình để áp dụng phân tích kỹ thuật hiệu quả. Như vậy, anh em đã biết được câu chuyện hình thành nên phương pháp phân tích kỹ thuật. Cùng Cú tiếp tục tìm hiểu chi tiết hơn về phương pháp này.
Phần 2: Nguyên lý của Phân tích kỹ thuật
Những nhà đầu tư phân tích kỹ thuật dựa vào giả thuyết rằng thị trường phản ánh mọi thứ vào GIÁ và KHỐI LƯỢNG của cổ phiếu. Ngoài ra, thị trường luôn hoạt động hiệu quả dựa trên Cung – Cầu, thông tin công khai và thông tin nội gián. Tất cả mọi thứ khi xuất hiện đều phản ánh vào giá của cổ phiếu.
Giá (price) và Khối Lượng (Volume) luôn luôn phản ánh toàn diện mọi vấn đề. Ví dụ như doanh nghiệp, cung cầu, thông tin, xu hướng… của thị trường. Anh em hãy tưởng tượng có vô vàn thông tin ảnh hưởng tới doanh nghiệp mỗi ngày. Đó có thể từ bộ máy lãnh đạo, mô hình kinh doanh, các đối tác, nhà cung cấp… mà chúng ta không thể nắm bắt được. Các thông tin này khiến giá cả cổ phiếu tăng giảm liên tục. Người mua/người bán ra quyết định dựa vào đó.
Để có đủ thông tin kịp thời phân tích thì rất khó. Nhiều khi phân tích xong thì giá cũng tăng rồi hoặc giảm. Chính vì vậy, nhà đầu tư chuyên theo trường phái kỹ thuật cho rằng chúng ta không nên tốn nhiều thời gian đi tìm kiếm các thông tin này. Hãy đi sâu vào phân tích các mô hình giá, mô hình kỹ thuật. Từ đó, phản ứng theo thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Phần 3: Tìm hiểu về giá trong phân tích kỹ thuật và những điểm quan trọng của giá
3.1 Định nghĩa về giá trong phân tích kỹ thuật
Ví dụ, cổ phiếu của HPG tại thời điểm Cú viết bài này là 19.2 Đó chính là giá.
Với chỉ số VN 30 tại thời điểm Cú viết bài này là 1.104 thì 1.104 chính là giá.
Tương tự, với các chỉ số khác và cặp tiền tệ thì cách xác định mức giá cũng là như vậy.
3.2 Các dạng thể hiện của giá trong phân tích kỹ thuật
Trong đồ thị kỹ thuật, anh em lưu ý, giá có thể thể hiện 3 dạng như sau:
a. Giá trong phân tích kỹ thuật thể hiện ở đồ thị dạng đường (Line chart)
Đường được nối liền các mức giá đóng cửa của ngày giao dịch. Đồ thị dạng này đơn giản, dễ xem phù hợp với việc xem nhanh, lướt nhìn qua.
b.Giá trong phân tích kỹ thuật thể hiện ở đồ thị dạng thanh (Bar chart)
Đồ thị dạng thanh mang nhiều thông tin hơn và là những thanh mô tả giá bao gồm:
- Open – Giá mở cửa: then chắn bên trái.
- Highest – Giá cao nhất: đỉnh của thanh.
- Lowest – Giá thấp nhất: đáy của thanh.
- Close – Giá đóng cửa: then chắn bên phải.
Sau khi ông Honma phát minh ra mô hình nến, dạng thanh ít được sử dụng. Thậm chí rất ít anh em được nhìn thấy dạng thanh.
c. Giá trong phân tích kỹ thuật thể hiện ở đồ thị dạng nến (Candlestick)
Mô hình dạng nến là sự cải tiến của đồ thị dạng thanh. Dạng nến dễ nhìn hơn, trực quan hơn và dễ phân tích hơn.
Mỗi thanh nến có 3 điểm đặc trưng cơ bản:
- Phần thân nến (Body): Tượng trưng cho phạm vi từ giá mở cửa tới giá đóng cửa. Thân nến màu đỏ tượng trưng cho ngày giảm giá. Giá mở cửa của thân nến đỏ ở trên cao. Ở dưới là giá đóng cửa. Thân nến cho ngày tăng giá là thân nến màu xanh. Giá mở cửa là giá ở dưới thấp. Giá đóng cửa lại ở trên cao.
- Phần bấc (Wick) hay còn gọi là phần bóng nến (Shadow): Dùng để chỉ mức cao và thấp trong ngày.
- Phần màu (Color): Dùng để biểu thị hướng chuyển động của thị trường. Phần thân màu xanh lá (hoặc trắng) thể hiện sự tăng về giá. Ngược lại, phần thân màu đỏ (hoặc đen) thể hiện sự sụt giảm về giá.
Phần 4: Tìm hiểu về khối lượng và khung thời gian trong phân tích kỹ thuật
4.1 Khối lượng
Khối lượng là yếu tố thứ 2 quan trọng vô cùng trong phân tích kỹ thuật. Tại sao khối lượng lại quan trọng trong phân tích kỹ thuật?
Nếu ví giá như là những ngọn sóng trên mặt biển rì rào mà chúng ta dễ nhìn thấy trước, thì khối lượng chính là những đợt thủy triều ngầm dưới mặt biển. Những đợt sóng thì dễ nhận thấy từ xa. Còn những đợt thủy triều thể hiện xu hướng dòng chảy dưới sâu thì khó hơn. Nhiều khi nó phải tới gần anh em mới thấy được.
Khối lượng thể hiện xu hướng của thị trường. Khối lượng sẽ cho thấy thị trường hiện tại có vững chắc để tiếp diễn hay mỏng manh và dễ đảo chiều hơn. Nếu thị trường vững chắc thì khối lượng sẽ ủng hộ nó. Nếu thị trường không vững chắc thì khối lượng sẽ thu hẹp lại. Khối lượng chính là sự củng cố và thể hiện dòng tiền, nguồn lực đằng sau các mô hình giá. Ví dụ khi giá tăng với một khối lượng tăng vững chắc, chứng tỏ dòng tiền đang vào thị trường. Lực cung khi đó cũng tăng lên mạnh mẽ và xu hướng tăng sẽ nhiều khả năng được củng cố.
4.2 Khung thời gian
Sau giá và khối lượng là Khung thời gian. Có nhiều mức khung thời gian mà anh em có thể dùng khi phân tích đồ thị. Dài hạn thì anh em dùng ngày, tuần, tháng. Tức là mỗi một cây nến là một ngày, một tuần hoặc một tháng để xem xét giá trong năm, vài năm, thậm chí là vài chục năm. Ngắn hạn hơn thì anh em dùng khung giờ là 1h, 2h, 4h… hoặc 5 phút, 15 phút.
Các tổ chức giao dịch tự động thì có thể siêu đẳng hơn. Họ dùng đồ thị theo giây hoặc vài phần trăm, vài phần nghìn của giây và giao dịch tự động bằng máy tính. Với nhà đầu tư cá nhân như chúng ta thì việc theo dõi khung thời gian hiệu quả nhất sẽ là theo ngày hoặc theo 4 giờ.
Phần 5: Các phương pháp phân tích kỹ thuật và chỉ số để phân tích
Với rất nhiều các phương pháp phân tích kỹ thuật và chỉ số phân tích, đã có khi nào anh em tự hỏi, liệu mình có thể học hết và ứng dụng thành công trên thị trường? Hay khi anh em thấy nhiều nhân vật trên thị trường có phương pháp mua bán đúng tới mức làm cho anh em cảm thấy phải choáng váng. Thực tế là hầu hết mọi người chỉ nói về thành công của họ. Những lúc cháy Tài khoản thì họ thường im lặng. Vậy nên, đừng chỉ nghe về chiều được mà không nghe về chiều mất. Khi đó anh em dễ có cái nhìn lệch lạc về thị trường.
Cú cũng từng bay nhiều tài khoản trên thị trường. Sau đó, Cú thấy rằng chỉ có tự mình thực hành, tự mình rút ra trong trải nghiệm mới giúp mình tự tin và tiến bộ. Vậy nên anh em cứ bình tĩnh, học hỏi và áp dụng để từng bước xây dựng hệ thống của mình.
Trên thị trường hiện nay có hàng trăm chỉ, thâm chí hàng nghìn chỉ báo. Tuy nhiên anh em có thể chia ra làm 3 nhóm chính. Đây cũng là 3 bước phân tích mà anh em sẽ lần lượt trải qua trong quá trình phân tích kỹ thuật:
- Chỉ báo xác định xu hướng (Trend indicator)
- Chỉ báo xác định động lượng (Volatility/Oscillator indicator)
- Chỉ báo xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự (Support/Resistance Indicator)
Phần 6: Chỉ báo Xác định xu hướng (Trend Indicator) trong phân tích kỹ thuật
Có thể nói trong việc phân tích kỹ thuật, điều quan trọng nhất là phải tìm ra được xu hướng chính của thị trường hiện tại. Có 3 xu hướng của thị trường là
- Uptrend: Xu hướng tăng giá liên tục, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước.
- Downtrend: Xu hướng giảm giá liên tục, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước.
- Sideway: Thị trường không rõ xu hướng.
Ví dụ xu hướng thị trường chính đang là Uptrend. Tức là trend tăng. Thị trường liên tục tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Đáy sau cao hơn đáy trước. Ngoài ra với một loạt các dấu hiệu khác về vĩ mô thì việc mua lên liên tục, có long, chốt lời chắc chắn hơn, an toàn hơn rất nhiều.
Trong downtrend, thị trường xuống giá liên tục thì việc anh em bán, bán khống thì có lợi hơn rất nhiều. Downtrend này có lợi cho nhà đầu cơ trong việc bán khống và cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư giá trị.
Thị trường Sideway, thị trường không rõ xu hướng. Tức là cứ lên vùng giá cao rồi lại xuống vùng giá thấp, xong lại bật lên bật xuống. Lúc này thì anh em chỉ nên mua bán đầu cơ. Tức là lên đến vùng kháng cự thì bán. Xuống tới vùng hỗ trợ thì mua và đợi khi breakout ra khỏi vùng xu hướng mới thì sẽ follow theo.
Trong dài hạn 5,10 năm thì anh em luôn nhìn thấy thị trường tăng giá, khi vĩ mô ổn định và các doanh nghiệp tốt là một xu hướng chắc chắn và rõ ràng hơn. Downtrend và Sideway chỉ tồn tại trong một số xu hướng ngắn hạn của thị trường mà thôi.
Hiện nay có rất nhiều chỉ báo xác định xu hướng, một số chỉ báo phổ biến nhất nhất là:
6.1 Sử dụng Nguyên lý Sóng Dow
Nguyên lý sóng Dow của Charles Dow- Một trong những người khai phá, ông tổ của phân tích kỹ thuật bao gồm 6 nguyên tắc cốt lõi như sau:
- Chỉ số giá và khối lượng phản ánh tất cả. Tất cả mọi thứ thông tin trên đời, thông tin nội gián, thông tin công khai, cổ đông nội bộ mua bán…đều phần ánh vào giá và khối lượng.
- Thị trường chung có 3 xu hướng. Thứ nhất là xu hướng chính (giảm giá hoặc tăng giá). Thứ hai là xu hướng thứ cấp (ngược với xu hướng chính). Cuối cùng là xu hướng nhỏ.
- Xu hướng chính có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là xu hướng chính tăng (Tích luỹ, Tăng trưởng và Thăng hoa quá độ). Giai đoạn 2 là xu hướng chính giảm (Phân phối, Giảm giá liên tục và Bán tháo).
- Các chỉ số thị trường phải xác nhận lẫn nhau: Tức là các chỉ số VN30 và HNX30 thì phải chung xu hướng…
- Khối lượng giao dịch xác nhận xu hướng (Khối lượng phải đồng thuận với xu hướng). VD xu hướng chính đang tăng thì khối lượng phải tăng lên, tức là xu hướng đó càng mạnh. Còn khi thị trường đang tăng mà khối lượng lèo tèo giảm xuống thì có thể rằng xu hướng tăng không còn mạnh nữa.
- Xu hướng chính không thay đổi cho tới khi có dấu hiệu đảo chiều rõ ràng. Nguyên tắc này hơi mang tính trễ một chút. Tuy nhiên nó có thể xác định được xu hướng quan trọng trong năm, vài năm để anh em follow theo.
6.2 Sóng Elliott
Elliott do một chuyên gia kế toán và nhà phân tích thị trường. Ông đã đưa ra, phát triển dựa trên nguyên tắc của sóng DOW và bổ sung thêm 4 nguyên tắc sau.
- Sau 1 sóng tăng là 1 sóng giảm và ngược lại.
- Một mẫu hình cơ bản bao gồm 8 sóng. Trong đó, có 5 sóng trong xu hướng chính và sau đó là 3 sóng điều chỉnh. Hình thành hệ thống sóng 5-3, 5 cái tăng và 3 cái giảm hoặc 5 cái giảm và 3 cái tăng.
- 5 Sóng trong xu hướng chính và 3 sóng trong xu hướng điều chỉnh sẽ hoàn thành 1 chu kỳ. Sau đó hệ thống sóng 5-3 sẽ trở thành 2 sóng thành phần cho hệ thống sóng 5-3 lớn hơn. Mẫu hình 5-3 trong hệ thống sóng không thay đổi mặc dù thời gian có thể khác nhau.
6.3 Kênh giá nối liền các đỉnh và đáy liên tiếp
Đây có thể sẽ là kênh giá lên với đỉnh sau và đáy sau cao hơn là xu hướng đi lên. Hoặc kênh giá xuống với đỉnh sau và đáy sau thấp hơn. Cũng có thể là kênh đi ngang với đỉnh sau và đáy sau ngang nhau.
Khi giá diễn biến trong kênh này thì đường nối các đỉnh liên tiếp sẽ là đường kháng cự.
Đường nối các đáy liên tiếp sẽ là đường hỗ trợ.
Khi thị trường không có tin tức gì quá đột phá thì nhiều khả năng sẽ giao dịch trong kênh giá này. Cho tới khi bứt phá ra ngoài. Từ đó, hình thành xu hướng mới thì ta gọi là Break out (bứt phá) và thị trường hình thành những hình mẫu mới.
Phần 7: Chỉ báo xác định động lượng
7.1 Ý nghĩa của chỉ báo xác định động lượng
Chỉ báo xác định động lượng dùng để xác định xu hướng mạnh hay yếu.
Trong downtrend:
- Nếu các chỉ báo động lượng cho thấy xu hướng mạnh thì nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục đi theo xu hướng chính là xu hướng giảm,
- Nếu các chỉ báo động lượng cho thấy xu hướng yếu thì nhiều khả năng thị trường sẽ đảo chiều thành xu hướng tăng.
Trong uptrend thì ngược lại:
- Nếu các chỉ báo động lượng cho thấy xu hướng mạnh thì nhiều khả năng là thị trường đi lên tiếp.
- Nếu các chỉ báo động lượng cho thấy xu hướng yếu thì nhiều khả năng là thị trường sẽ quay đầu giảm giá hoặc cần phải thêm tích lũy.
Trong thị trường sideway – giao dịch biên độ hẹp:
- Những chỉ báo động lượng mạnh cho thấy thị trường có nhiều khả năng bứt phá ra khỏi xu hướng, kênh giá đó.
- Những chỉ báo động lượng yếu cho thấy thị trường vẫn tiếp tục giao dịch trong xu hướng, kênh giá đó.
7.2 Đánh giá các chỉ báo xác định xu hướng động lượng
a. Các Đường MA và EMA xác định xu hướng động lượng
Các đường MA – Moving Average chính là trung bình giá của một khung thời gian cụ thể. Ví dụ như 9 ngày, 12 ngày, 26 ngày….
Một chỉ báo mà anh em thường nghe là MA50 và MA200. Hai đường này cắt nhau sẽ tạo nên giao điểm tử thần với xu hướng xuống. Hoặc giao điểm vàng với xu hướng lên. Tức là xu hướng trung bình giá 50. Tùy là cắt từ trên xuống hay cắt từ dưới lên thì đều tạo ra một mẫu hình, một tín hiệu về việc đảo chiều xu hướng quan trọng.
b. MACD xác định xu hướng động lượng
Cách tính:
MACD = MA(12) – MA(26)
Một chỉ số phổ biến mà anh em từng nghe như MACD là sự phối hợp của đường trung bình giá 12 ngày trừ đi trung bình giá 26 ngày.
MACD > 0 Nghĩa là trung bình động giá 12 ngày lớn hơn trung bình động 26 ngày. Tức là giá của những ngày ngắn hạn đang có xu hướng là vượt trội lên, mạnh hơn, lạc quan hơn chu kỳ dài hạn. Xu hướng giá nhiều khả năng sẽ lên tiếp.
MACD nhỏ hơn 0 thì điều ngược lại sẽ xảy ra và xu hướng giá sẽ chịu áp lực giảm nhiều hơn.
c. Bollinger band xác định xu hướng động lượng
Bollinger band là chỉ báo được hình thành dựa trên kênh giá của các đường trung bình động do John Bollinger phát minh. Nó được dựa trên dải giá cận trên dải giá cận dưới của đồ thị.
Giá thường biến động giữa dải trên và dải dưới của Bollinger trong xu hướng sideway.
Trong xu hướng mạnh hơn thì khi giá biến động mạnh ra khỏi dải sẽ khiến cho giá tiếp tục theo xu hướng cũ đó. Ví dụ đột phá tăng mạnh thì giá sẽ xuyên ra ngoài dải trên và tiếp tục xu hướng đó.
Giá thường dịch chuyển từ dải này sang dải kia trong quá trình điều chỉnh và có ích trong việc dự báo giá.
Ngoài ra, có rất nhiều chỉ số chỉ báo động lượng mà anh em có thể từ từ nghiên cứu. Ví dụ như RSI (đo độ mạnh của thị trường) , Chỉ báo tâm lý của nhà đầu tư như Chỉ số đo lường sự sợ hãi….Một số nhà đầu tư hay giao dịch ngược xu hướng thường rất quan tâm tới chỉ số tâm lý này. Tức là khi mà thị trường quá sợ hãi, họ sẽ là người đứng ra cân nhắc mua. Khi thị trường rất hưng phấn, họ sẽ đứng ra cân nhắc bán.
Phần 8: Chỉ báo xác định ngưỡng hỗ trợ, kháng cự và các hình mẫu đảo chiều
Sau khi anh em đã nắm được xu hướng của giá, xu hướng của thị trường và hiểu được động lượng tăng trưởng của xu hướng mạnh hay yếu thì anh em cần phải biết nó sẽ đi đến đâu. Tăng thì tăng đến đâu, giảm thì giảm về mức nào?
Ngưỡng kháng cự và hỗ trợ sẽ giúp anh em giải đáp phần này.
8.1 Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự là gì?
Ngưỡng hỗ trợ (Support Level) là một vùng giá tại đó tập trung nhiều lực cầu. Nguyên nhân là do nhà đầu tư giá trị thấy mức giá giảm về hợp lý để đầu tư vào mua. Nhà đầu cơ mua bắt đáy tập trung mua ở đó… Điều này khiến cho giá đang giảm nhiều khả năng bật trở lại. Hoặc phải có lực bán rất mạnh thì giá mới xuyên thủng vùng hỗ trợ. Khi đó thì vùng hỗ trợ biến thành vùng kháng cự mới.
Ngưỡng kháng cự là vùng tập trung lực bán rất mạnh. Tại đó do các cổ đông nội bộ thấy giá tốt bán ra, các nhà đầu tư mua giá rẻ có động lực chốt lời bán ra. Nhiều người cùng bán, giá tăng tới ngưỡng đó bị lực bán dồn vào và sẽ bị chững lại.
8.2 Các cách để xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự
- Các mức giá cao lịch sử: Ví dụ như tháng 3/2021, VNIndex lên mức 1.200 điểm. Phải mất đến vài tháng để vượt qua ngưỡng đó. Sau khi vượt qua rồi sẽ bứt phá lên tiếp 1.300 điểm; 1.400 điểm; và chính ngưỡng 1.200 điểm lại trở thành ngưỡng hỗ trợ của VNIndex.
- Dùng Fibonacci
- Dùng Bollinger Band: Vừa xác định được động lượng của thị trường, vừa xác định được ngưỡng hỗ trợ và kháng cự mới khi mà giá vượt qua ngoài dải.
- Dùng kênh xu hướng: Những điểm tiếp theo của kênh xu hướng là vùng kháng cự và hỗ trợ mới. Tức là phần đáy của phần hỗ trợ càng kéo dài ra thì đó là vùng hỗ trợ. Phần đỉnh của kênh xu hướng chính là vùng kháng cự.
- Các đường MA50 và MA200
Các tín hiệu này rất nhiều, anh em có thể tìm hiểu thêm các tín hiệu xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự.
8.3 Các dấu hiệu đảo chiều, củng cố ở vùng kháng cự và hỗ trợ
Sau khi anh em nhìn thấy một ngưỡng hỗ trợ và kháng cự rồi thì việc tiếp theo là phải làm sao để biết được giá đến đây sẽ quay đầu hay là giá đến đây sẽ phi tiếp. Để làm được điều này, anh em cần tìm 2 thứ:
- Tìm các dấu hiệu của chỉ báo động lượng xem xu hướng có đang rất mạnh và có khả năng break out hay không?
- Tìm các dấu hiệu đảo chiều để xem củng cố về giá ở vùng kháng cự và hỗ trợ hay không?
Một dấu hiệu đảo chiều phổ biến mà chúng ta hay nghe là vai đầu vai.Thị trường tạo thành một mô hình như hình người có hai vai và 1 đầu. Khi vai phải đâm xuống đường viền cổ một cách dứt khoát cùng với khối lượng cao thì nhiều khả năng sẽ tạo thành một dấu hiệu đảo chiều mạnh. Khi đó thị trường nhiều khả năng sẽ chuyển từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm.
Ngoài ra, anh em nên kết hợp với 16 mô hình nến đảo chiều mà Cú đã chia sẻ trong bài viết “16 Mô hình nến nhật mọi nhà đầu tư phải biết”. Có khoảng hơn 30 dấu hiệu đảo chiều, củng cố, dấu hiệu củng cố trong phân tích kỹ thuật trong khóa học đầu tư chứng khoán của Cú Thông Thái.
Anh em có thể tìm hiểu và nghiên cứu dần nhé.
Phần 9: Cách sử dụng Phân tích kỹ thuật
Những điều gì đúng với Cú, đúng với thành công của Cú cũng chưa chắc đã đúng với anh em. Bởi lẽ tính cách, kinh nghiệm, hoàn cảnh của Cú khác nhau. Cú mong rằng anh em hãy chắt lọc những nghiệm và áp dụng cho bản thân mình. Phân tích kỹ thuật nhiều khả năng đúng trong một hoàn cảnh nhất định, điều kiện của thị trường cụ thể.
- Có những nhà đầu tư dựa hoàn toàn vào kỹ thuật để giao dịch.
- Có những nhà đầu tư dựa vào giá trị, phân tích cơ bản.
- Có những nhà đầu tư kết hợp cả 2 thứ này
Ai cũng có thể thành công, miễn là với họ nó là phương án phù hợp nhất, phương án tối ưu nhất. Chỉ có cách thực hành, tự học, tự nâng cao năng lực của bản thân là cách bền vững nhất và nhanh nhất để chúng ta trở nên chuyên nghiệp.
Phần 10: Công cụ hỗ trợ – Nguồn thông tin – Sách tham khảo
Phần này Cú có gợi ý cho anh em một số công cụ hỗ trợ
10.1 Những cuốn sách về phân tích kỹ thuật nên đọc
3 cuốn sách quan trọng cho phân tích kỹ thuật mà Cú thấy rất bổ ích:
- Phân tích kỹ thuật từ A-Z của Steven B.Achelis. Giá khoảng 220.000. Link mua:
https://vietstock.vn/2017/12/cam-nang-830-571714.htm
- Phân tích kỹ thuật trong thị trường tài chính John J.Murphy. Giá khoảng 260.000.Link mua:
- Tôi đã kiếm được 2.000.000 đô la từ thị trường chứng khoán như thế nào? Giá khoảng 60.000. Link mua:
https://cryptoviet.com/nicolas-darvas-la-ai
Ba cuốn sách này khá dễ đọc, đầy đủ và giá cả phải chăng. Anh em có thể mua để tham khảo.
10.2 Hướng dẫn dùng Tradingview
Tradingview là một trang vô cùng hiệu quả với thao tác nhanh, đồ thị chuẩn xác và giao diện dễ dùng.
Tradingview trong hầu hết các công ty chứng khoán nơi mà anh em mở tài khoản đều có. Hiện tại anh em có xem trực tiếp trên Trading view hoặc xem qua TCBS (mà không cần trả phí). Việc xem trên 2 địa chỉ này sẽ giúp anh em xem được nhiều hơn các chỉ số đặc biệt khác. Ví dụ như giá vàng, giá dầu, chỉ số đo lường sự sợ hãi,…hay các chỉ số khác trên thế giới.
Link mở Tài khoản Chứng khoán tại TCBS để hưởng ưu đãi phí giao dịch: https://iwp.tcbs.com.vn/105C912839
Với việc sử dụng Phân Tích kỹ thuật trong TCBS, Cú sẽ hướng dẫn anh em các sử dụng các tính năng chính:
- Tìm kiếm mã quan tâm
- Xem khung thời gian ngày, tuần tháng
- Loại biểu đồ
- Các chỉ báo, chiến lược
- Thông tin tài chính
- Tạo mã so sánh
- Xem các thông tin về chỉ số góc dưới bên trái
- Cộng đồng đánh giá
Ngoài ra là hướng dẫn chi tiết trên Tradingview với:
- Các biểu đồ hỗ trợ
- Phân tích cơ bản cho cổ phiếu
- Tạo thông báo tự động
- Vẽ các đường xu hướng
- Đánh dấu và Ghi chú
- Mẫu hình
- Lọc cổ phiếu
Chi tiết qua video: https://www.youtube.com/watch?v=zAx9bcvj83Y&t=139s
Phần 11: Lời khuyên sau cùng của Cú
Cú đã khoảng 16 năm kinh nghiệm trên thị trường. Trong đó, thành tích Cú đạt được trong thị trường chứng khoán cơ bản, phái sinh và trước đó là vàng (vàng sàn của ACB) khá ấn tượng. Đã có thời điểm phí của Cú đã chiếm 90% tổng khối lượng của sàn đó và kết quả rất tốt.
Cú đã dùng phân tích kỹ thuật rất nhiều. Cú phải thừa nhận rằng, không phải phân tích kỹ thuật giúp cho Cú thành công trên thị trường vàng. Hồi đó Cú khai thác được những kẽ hở của thị trường đến từ sự lệch pha của thị trường vàng thế giới và thị trường vàng Việt Nam. Cú đọc tin nước ngoài rất nhiều và đánh giá được tin nước ngoài. Đôi khi chỉ nhanh hơn thông tin Việt Nam một vài phút thôi nhưng Cú là người khai thác được cái đó. Việc khai thác những cái lợi đó thường xuyên và liên tục nhiều khi mình đã có lợi thế hơn những người khác 5 giá, 10 giá. Hoặc khi người ta ngần ngại thì mình đã quyết liệt rồi.
Kinh nghiệm thứ 2 của Cú về thị trường chứng khoán, cả về chứng khoán cơ bản, cả về đầu cơ. Trước đây khi mới vào thị trường, Cú tin cậy 100% vào phân tích kỹ thuật trong chứng khoán. Sau khi dùng nhiều trong một thời gian dài, Cú nhận thấy khi phân tích kỹ thuật trong chứng khoán không thì cảm thấy chưa thật sự thành công lắm. Trong một số tình huống, biến động rất nhanh và biến động sai hoàn toàn các mô hình đưa ra. Khi đó thì Cú thấy rằng trong cơ bản, việc quản lý vốn nhiều hơn, học về FA nhiều hơn, vĩ mô nhiều hơn vô cùng quan trọng. Ngoài ra, đánh giá vĩ mô trong một xu hướng lớn nhiều hơn và ít giao dịch, ít mua ít bán thì thành công hơn trước đây rất nhiều.
Trước đây khi Cú mua bán được thì phí giao dịch, cơ hội nhìn tổng thể trong thời gian dài không cao.
Trong phái sinh, Cú cũng phải thừa nhận rằng, phân tích kỹ thuật chỉ đóng góp 40%-50%. Lợi thế còn lại sẽ đến từ việc đọc được xu hướng chính, khả năng quản lý vốn và cảm xúc,…Đã từng có thời điểm Cú cháy 3 tài khoản vàng một lúc. Sau đó có gỡ lại và Cú nhận ra việc quản lý vốn và cảm xúc quan trọng hơn rất nhiều. Đấy là kinh nghiệm Cú.
Trong các nhóm bạn của Cú, Cú cũng thấy rằng chưa có ai chiến thắng thị trường chỉ nhờ TA thuần cả. Cú cho rằng những người chiến thắng nhờ TA thuần rất hiếm. Anh em là nhà đầu tư cá nhân thì không nên dựa hoàn toàn vào phân tích kỹ thuật. Có 3 lý do:
Các công ty chứng khoán, các nhà cung cấp dịch vụ môi giới muốn anh em dùng phân tích kỹ thuật nhiều hơn. Bởi lẽ, dùng phân tích kỹ thuật sẽ khuyến khích anh em mua bán nhiều hơn, xoay vòng tài sản nhiều hơn. Qua đó thì họ sẽ có phí, giá trị từ anh em khi cung cấp rất nhiều thông tìn về giá trị gia tăng, quản lý tài sản, quản lý vốn và thậm chí là các khóa học phân tích kỹ thuật thần thánh. Cú không tin những điều đó. Cú tin rằng anh em giao dịch càng nhiều thì các công ty chứng khoán, các môi giới càng có lợi.
nên đánh cược 100%. Nhà đầu tư cá nhân sẽ không có lợi thế khi làm những điều này. Những nhà đầu tư tổ chức sẽ dùng các hệ thống tự động. Đồng thời họ đưa ra các mô hình chuẩn hơn chúng ta và họ có thể giao dịch liên tục bằng máy tự động. Một giây hộ có thể đặt mua rất nhiều lệnh mua lệnh bán rồi, và anh em sẽ có độ trễ. Trừ khi anh em theo con đường rất chuyên nghiệp, trong các ngân hàng đầu tư, các tổ chức tài chính thì anh em mới làm những điều đó. Nếu anh em là những nhà đầu tư cá nhân, Cú khuyên rằng không nên.
Việc đánh cược 100% vào kỹ thuật sẽ mất đi tầm nhìn dài hạn. Khi anh em lướt quá nhiều, kể cả anh em thắng, việc chú trọng vào nhịp thị trường quá nhiều sẽ khiến anh em sẽ mất đi tầm nhìn dài hạn về thị trường và lỡ những trend chính. Hoặc anh em sẽ không dám giao dịch lớn khi lỗ và lỡ mất những trend tăng mạnh.
Theo Cú giải pháp là nên để ít nhất 70% cho dài hạn. Hãy để tài sản tự sinh lời và anh em sẽ thấy rất ngạc nhiên khi số vốn sau vài năm, hoặc 10 năm…Còn lại là 20%-30% để đầu cơ.
- Vĩ mô để nhìn về xu hướng chính
- Phân tích cơ bản cho tài sản của mình
- Phân tích kỹ thuật
- Quản lý vốn
- Quản lý cảm xúc
Cú đã vừa chia sẻ cho anh em chi tiết và đầy đủ nhất các kiến thức, kinh nghiệm mà Cú có trong Phân tích kỹ thuật. Anh em học hết tất cả các mô hình, tín hiệu và chỉ báo cũng chỉ mới nắm 30%-40% những gì cần để thành công mà thôi. Đó cũng là lý do nhiều ông thầy giỏi lý thuyết nhưng đầu tư thực chiến thì thua nặng nề. Cái mà anh em thật sự cần là sự thực chiến, một chút liều lĩnh, dám thực hiện và học hỏi từ những sai lầm của mình. Cú mong rằng anh em sẽ thực tập và tìm ra các mô hình phù hợp các nguyên tắc phù hợp với cá tính, bản thân.
Bây giờ tới lượt anh em. Hãy nắm chắc các bước quan trọng để phân tích kỹ thuật, các nhóm chỉ báo. Từ đó, từng bước tìm hiểu và ứng dụng chúng vào thị trường. Hãy đúc kết ra bài học cho riêng mình bạn.
Chúc anh em thành công và theo dõi các bài viết tiếp theo của Cú nhé !
Những bài viết này đều được Cú tổng hợp kiến thức từ chính kinh nghiệm đầu tư trong hơn 15 năm qua của mình. Mỗi kiến thức, khái niệm đều được diễn giải đơn giản kèm ví dụ thực tế. Vì vậy Cú nghĩ sẽ rất bổ ích cho anh em, nhất là những bạn F0 mới gia nhập thị trường. Ngoài ra còn có nhiều kiến thức Cú chia sẻ trên Fanpage, Kênh Youtube nhưng chưa kịp update trên wedsite. Anh em có thể bấm vào link để theo dõi kênh và cập nhật nhiều thông tin hơn nhé!
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Ngoài ra, hiện tại Cú có cung cấp dịch vụ tư vấn tư vấn đặt chỗ khóa học chứng khoán cho anh em. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Cú sẽ giúp anh em:
Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký Khóa học chứng khoán cơ bản (A-Z) của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh thông tin của Cú
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://www.tiktok.com/@cuthongthai
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969