Tỷ giá hối đoái là gì? Tất tần tật từ A-Z cho nhà đầu tư mới
Là một nhà đầu tư chứng khoán hẳn khi anh em cập nhật thông tin vĩ mô trong và ngoài nước sẽ nghe rất nhiều đến cụm từ “tỷ giá hối đoái” đúng không? Chắc hẳn cũng không ít lần trong số đó, anh em sẽ tự hỏi vậy tỷ giá hối đoái là gì mà xuất hiện thường xuyên trên các mặt báo như vậy? Tại sao lại được xem như là một con số “khám sức khỏe” cho nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng?
Bài viết Tỷ giá hối đoái là gì? Tất tần tật từ A-Z cho nhà đầu tư mới sẽ giúp anh em giải đáp các vấn đề như:
– Tỷ giá hối đoái là gì? Có những loại tỷ giá hối đoái nào?
– Cán cân thương mại là gì? Nó liên quan gì đến tỷ giá hối đoái?
– Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái là gì? Ảnh hưởng của cán cân thương mại là gì?
– Các yếu tố nào ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái?
1. Tỷ giá hối đoái là gì?
Tỷ giá hối đoái là giá trị của một đồng tiền quốc gia này so với một đồng tiền quốc gia khác.
Một ví dụ mà Cú chắc anh em nào cũng biết là 1 USD = xấp xỉ 23,000 VND. Nó quyết định xem tiền của anh em đổi được bao nhiêu ngoại tệ và ngược lại.
Các quốc gia khác nhau có các loại tỷ giá hối đoái khác nhau. Sau đây anh em hãy cùng Cú tìm hiểu các cách phân loại của tỷ giá hối đoái là gì nhé!
1.1. Phân loại tỷ giá hối đoái là gì?
1.1.1. Phân loại cố định trong tỷ giá hối đoái là gì?
Tỷ giá cố định là giá trị của tiền A được cố định bởi một hay nhiều tiền B khác. Người ta thường cố định A qua các đồng tiền B, C, D… ổn định như dollar Mỹ hay Euro. Trước kia họ thậm chí sử dụng kim loại hiếm như vàng để cố định.
Nếu ngân hàng nhà nước cố định tỷ giá VND/USD là 23,000:1, anh em sẽ luôn mua được 1 USD với 23,000 VND.
Ngân hàng nhà nước sau đó sẽ đảm bảo tỷ giá hối đoái này qua việc in và thu mua tiền. Với ví dụ VND, Cú giả sử VND được cố định bằng vàng nhưng giá vàng đang giảm.
Lúc này để đảm bảo tỷ giá vàng/VND không đổi, ngân hàng nhà nước có nhiều cách. Họ có thể in thêm tiền để tăng lượng tiền trong thị trường. Điều này sẽ dẫn đến giá vàng tăng lên. Việc tăng giá này sẽ kiềm đà giảm của giá vàng.
Nhưng vì sao khi in thêm tiền giá vàng lại tăng? Vì lúc này lượng vàng trên thị trường không đổi nhưng lượng tiền tăng lên. Một gram vàng sẽ đổi được nhiều VND hơn.
Ngược lại, khi vàng đang tăng giá thì chính phủ cần tạo đà giảm cho giá vàng nếu muốn giữ tỷ giá vàng/VND cố định.
Nếu chính phủ cần tỷ giá vàng/VND giảm, họ có thể khai thác thêm vàng. Khi đó thì lượng tiền không đổi mà vàng sẽ nhiều lên. Qua đó dẫn đến vàng giảm giá.
Đơn giản hơn, chính phủ có thể bán trái phiếu.
Khi anh em mua trái phiếu anh em sẽ đưa tiền cho chính phủ. Việc này sẽ khiến lượng tiền lưu hành giảm đi và vàng đổi được ít tiền hơn.
Từ đấy ta thấy khi tỷ giá có đà thay đổi theo chiều hướng nào đó, chính phủ có thể in thêm/giảm đi tiền để tạo áp lực đảo chiều.
Nhưng tầm quan trọng của chống trượt tỷ giá hối đoái là gì? Nếu ngày mai 1 USD bỗng đổi được 50,000 VND thì có vấn đề gì khi tỷ giá cố định?
Để trả lời, anh em hãy thử tưởng tượng Việt Nam cố định giá trị VND qua vàng nhé. Giả sử khi đó 100,000 VND = 1 gram vàng. Anh em có thể đến bất cứ ngân hàng nào mình muốn để đổi vàng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu kinh tế Việt Nam phát triển?
Khi đó, tổng lượng tiền trong nền kinh tế sẽ tăng lên. Nguyên nhân là do sản xuất được mở rộng. Về mặt này Cú đã có giải thích tường tận hơn trong bài GDP là gì?, anh em có thể tìm đọc nhé.
Nhưng vì anh em cố định tiền với vàng, để kinh tế mở rộng anh em cần đào thêm vàng. Nếu không đào kịp, anh em buộc phải hạ giá trị VND, ví dụ như đẩy lên 120,000 VND = 1 gram vàng.
Nếu không làm thế, người dân mà đi đổi tiền ra vàng anh em sẽ không có đủ để trả họ. Nhưng chính việc này lại dẫn đến người dân đua nhau đầu cơ vàng!
Trong có vài tháng tiền họ đã mất giá đến 20%, trong khi đó nếu họ “ôm” vàng thì khối lượng đó sẽ không bao giờ thay đổi. Việc đổ xô đi mua vàng là chuyện dĩ nhiên.
Khi tiền mất giá thì vàng sẽ được yêu chuộng. Điều này làm dự trữ vàng giảm sút, càng đẩy chính phủ vào thế khó hơn. Chính vì vậy mà các chính phủ dưới tỷ giá cố định phải chống trượt tỷ giá.
Nếu chúng ta cố định với USD cũng không khác gì. Khi đó ta phải mua thêm USD, khiến cầu USD tăng. Mà USD khi đó lại cố định với vàng. Việc cố định với USD chỉ đẩy vấn đề cho Mỹ mà thôi.
Chính vì nhiều bất cập như vậy mà trên thế giới hiện tại ít nước cố định tiền. Trải qua hầu hết thế kỷ 20, xu hướng chung của kinh tế thế giới là thả nổi tỷ giá.
1.1.2. Phân loại thả nổi trong tỷ giá hối đoái là gì?
Tỷ giá thả nổi là khi tỷ giá giữa hai đồng tiền có thể thay đổi tự do, được cung và cầu quyết định. Khi đó chính phủ không có trách nhiệm “giữ giá” cho tiền của mình nữa.
Ưu điểm của nó này là các chính phủ không phải tích trữ vàng bạc, ngoại tệ… Ngoài ra anh em được giao dịch ngoại tệ thoải mái không giới hạn. Quan trọng nhất là cán cân thương mại được ổn định.
Ngược lại, nhược điểm của nó là rủi ro. Việc hôm nay 1 USD đổi 23,000 VND, ngày mai đổi 46,000 VND là hoàn toàn có thể. Điều này sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế ngắn hạn. Quan trọng hơn, cán cân thương mại “ổn định” đồng nghĩa với các tiêu cực của nó khó giải quyết.
Chi tiết về ảnh hưởng của thả nổi tỷ giá tới cán cân thương mại Cú sẽ giải đáp ở các phần sau.
Điển hình hiện tại của thả nổi tỷ giá là đồng Euro và USD. Nếu có nhiều người mua USD và bán Euro, nó sẽ làm thay đổi tỷ giá 2 đồng này.
(nguồn: vietnamplus.vn)
Gần đây hẳn anh em có nghe báo chí phản ánh về việc đồng USD lên giá cao hơn Euro. Nguyên nhân do Mỹ phục hồi kinh tế sau COVID tốt hơn. Điều này đã dẫn đến đầu tư vào Mỹ hiệu quả hơn châu Âu. Các nhà đầu tư châu Âu do đó đổi Euro sang USD. Việc này dẫn đến giá USD tăng và Euro giảm do quy luật cung-cầu.
Để can thiệp, ngân hàng trung ương châu Âu không thể tự quyết 1 đồng tiền mình bằng bao nhiêu USD. Họ không có vàng hay quyết sách chính phủ để đặt giá USD/Euro. Họ phải đóng vai người mua và bán để thao túng thị trường.
Muốn Euro đảo chiều, họ buộc phải mua Euro vào và bán USD ra. Việc này sẽ khiến cung USD tăng lên, qua đó giảm giá trị USD. Đồng thời nó cũng khiến cầu Euro tăng và tăng giá trị Euro.
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương châu Âu ECB tuyên bố không can thiệp vào tỷ giá hối đoái. Vì thế nên tỷ giá này khó lòng quay lại như trước đại dịch.
Ngoài Mỹ và EU, hầu hết các nền kinh tế lớn đều thuộc tỷ giá thả nổi.
1.1.3. Phân loại hỗn hợp trong tỷ giá hối đoái là gì?
Tỷ giá hỗn hợp là bao gồm các yếu tố của cả 2 loại hình trên. Chính phủ có thể chọn loại hình tỷ giá này do thả nổi hoàn toàn đe dọa đến ổn định kinh tế cho đất nước khi có biến động. Cố định thì quá cứng nhắc và nhiều khi trói tay chính phủ trong các chính sách kinh tế. Việt Nam là một trong các nước thuộc có tỷ giá hỗn hợp!
Với ví dụ là Việt Nam, anh em hãy coi tỷ giá hiện tại là 23,000 VND = 1 USD. Một nước cố định sẽ tìm mọi cách để giữ tỷ giá này. Một nước thả nổi sẽ khó phản ứng nếu ngày mai tỷ giá là 1 USD = 46,000 VND.
Chính phủ Việt Nam sẽ tìm cách giữ giá trị VND/USD quanh ngưỡng ∓ 10%. Ngân hàng trung ương sẽ chỉ can thiệp khi tỷ giá tăng trên một ngưỡng nhất định hoặc giảm xuống dưới một giá trị tối thiểu.
Về mặt lâu dài, chính phủ không ngăn được việc nội tệ mất hoặc tăng giá. Nhưng anh em hãy nghĩ mà xem: Tỷ giá VND/USD giảm từ 11,000 VND/USD xuống 23,000 VND/USD. Nếu phải chọn giữa 2 mốc thời gian, trong 1 ngày và 20 năm, thì anh em sẽ chọn bên nào?
Rõ ràng, thay đổi càng nhiều thì nên diễn ra trong thời gian càng lâu để nền kinh tế có thể thích nghi. Trên mặt này ta thấy các chính sách tiền tệ của Việt Nam khá thành công trong 20 năm qua.
(nguồn: vn.tradingview.com)
2. Cán cân thương mại là gì
2.1. Khái niệm cán cân thương mại
Cán cân thương mại là chênh lệch xuất-nhập khẩu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định.
Đôi khi nó còn được gọi là xuất khẩu ròng (đôi khi được ký hiệu là NX – Net Export). Đây là cách gọi để anh em biết nó là 1 thành phần trong công thức GDP.
GDP = C + I + G + NX
Trong đó, NX = X – M hay xuất khẩu trừ nhập khẩu. Khác với các chỉ số PMI và CCI, cán cân thương mại không phải là một tỷ số.
Cán cân thương mại có thể âm (nếu thâm hụt), dương (nếu thặng dư) hoặc bằng 0. Thâm hụt xảy ra khi anh em nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Thặng dư xảy ra khi anh em xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Khi cả 2 bằng nhau thì cán cân thương mại sẽ bằng 0.
2.2. Ví dụ thực tiễn
Giả sử trên thế giới chỉ có 2 nước là Việt Nam và Mỹ. Mỹ xuất khẩu ô tô sang Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu gạo sang Mỹ.
Anh em giả sử tiền ô tô người Việt mua trong năm cao hơn tiền người Mỹ mua gạo. Khi đó Việt Nam đã nhập siêu do nhập khẩu > xuất khẩu. Ngược lại, nếu tổng giá trị gạo cao hơn tổng giá trị ô tô, Việt Nam đã xuất siêu.
Thoạt nhìn thì chỉ có hàng hóa, nhưng dịch vụ cũng tính vào cán cân này đó anh em.
Giả sử ô tô Mỹ cần phần mềm lái tự động. Nhưng những nhà lập trình phần mềm đó đều đến từ Việt Nam. Tức là lúc này ta đang xuất khẩu sang Mỹ, kể cả nếu chiếc xe đó lắp ráp và sản xuất 100% tại Mỹ.
Ngược lại, nếu để xuất khẩu gạo, Việt Nam phải thuê dịch vụ vận tải của Mỹ, tức là ta đã đang xuất khẩu, mặc cho gạo là 100% “cây nhà lá vườn” của Việt Nam.
Như vậy, để thấy rõ cán cân thương mại, anh em phải nhìn ra dòng tiền, thay vì chỉ có hàng hóa làm ở đâu đưa đến đâu.
Cán cân thương mại là chênh lệch giữa sản xuất của một quốc gia và nhu cầu tiêu thụ của nó. Điều này tức là Việt Nam sẽ xuất khẩu gạo khi sản xuất ra nhiều hơn người dân mua. Ngược lại, ta nhập khẩu gạo khi lượng sản xuất không đáp ứng được nhu cầu.
Khi Việt Nam nhập khẩu, điều này đồng nghĩa với dòng tiền đang chảy ra nước ngoài và khi đó cán cân thương mại sẽ thâm hụt. Ngược lại, khi dòng tiền nước ngoài chảy vào Việt Nam, cán cân thương mại sẽ thặng dư.
3. Tìm hiểu về cán cân thương mại qua DailyFX
Ở mục trước Cú có giới thiệu cho anh em về cán cân thương mại. Nhưng làm sao để anh em tìm hiểu về nó?
Một cách đơn giản là anh em có thể lên trang DailyFX. Đây là lịch báo kinh tế mà rất nhiều chuyên gia cùng sử dụng.
Tại đó anh em có thể theo dõi cán cân thương mại hằng tháng và hằng năm. Hầu hết các nước phát triển đều có cán cân thương mại liệt kê trên đó. DailyFX cũng cập nhật trực tiếp nên anh em có thể check trong thời gian thực luôn.
Anh em nên tìm đọc DailyFX vì nó rất tiện. Các chỉ số không chỉ được sắp xếp theo ngày mà còn cả sức ảnh hưởng. Vì vậy nó rất hữu dụng với người mới đầu tư.
Sau đây, anh em hãy cùng Cú tìm hiểu về cán cân thương mại qua DailyFx nhé!
3.1. Cách đọc đồ thị cán cân thương mại trên DailyFX
Một đồ thị cán cân thương mại cơ bản sẽ có hình dáng dưới đây. Chữ JUL là viết tắt của July, tức tháng 7.
Tháng 7/2022 là tháng số liệu cán cân thương mại được công bố. Do đó đồ thị này thể hiện cán cân thương mại trong 1 năm, từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022.
(nguồn: Dailyfx.com)
Trong đồ thị trên, trục ngang đại diện cho thời gian. Cán cân thương mại là gì trong này? Nó chính là các cột dọc.
Đơn vị của chúng là triệu USD. Nếu anh em thấy “100k” tức là tháng đó đang thặng dư hay xuất siêu 100 triệu USD đó. Ngược lại, “-100k” tức là Mỹ đang nhập siêu hay thâm hụt 100 triệu USD tháng đó.
Qua đồ thị trên, anh em dễ thấy Mỹ có thâm hụt quanh năm. Điều này cũng dễ hiểu vì cán cân thương mại khó mà đảo ngược trong 1 sớm 1 chiều. Anh em có thể giảm thâm hụt, nhưng biến nó thành thặng dư là một chuyện khác.
Đồ thị không cho ta biết nhiều thông tin quan trọng, như thâm hụt/thặng dư ở những ngành nào? Với các nước nào? Cú “bật mí” cho anh em là Việt Nam là 1 trong những nước thặng dư với Mỹ nhiều nhất năm 2018 đó.
Nghe thì tự hào thật phải không anh em! Nhưng ở phần sau Cú sẽ giải thích tại sao thặng dư hay thâm hụt với 1 nước không quan trọng bằng tổng thể.
4. Mối quan hệ giữa cán cân thương mại và tỷ giá hối đoái là gì?
Cán cân thương mại có thể ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái tiền tệ. Tại sao? Vì như ở trên Cú đã nói, nó phản ánh nhu cầu của các loại tiền khác nhau.
Anh em hãy quay trở lại ví dụ về Việt Nam xuất khẩu gạo. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người Mỹ muốn nhập khẩu gạo Việt Nam?
Họ sẽ phải đổi tiền từ dollar Mỹ sang Việt Nam đồng các bác nông dân mới nhận. Khi đó sẽ đẩy nhu cầu của VND lên cao.
Việc nhu cầu VND đẩy lên cao sẽ dẫn đến giá trị của nó tăng, theo quy luật cung – cầu.
Như vậy, một quốc gia có nhu cầu cao với hàng hóa của mình sẽ xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Qua đó làm tăng nhu cầu về tiền tệ của quốc gia đó và đẩy giá trị tiền của quốc gia đó lên.
Ngược lại, quốc gia anh em nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu sẽ có ít nhu cầu hơn. Tiền tệ của anh em vì thế mà mất giá.
4.1. Thả nổi tiền tệ giúp cân bằng cán cân thương mại thế nào?
Ở trên, Cú có nói về việc thả nổi tiền tệ sẽ có tác dụng ổn định cán cân thương mại. Sau đây Cú sẽ giải thích cách hoạt động của cơ chế này.
Ví dụ nền kinh tế của anh em đang thâm hụt nhé. Ta biết nó sẽ dẫn đến việc tiền tệ của anh em mất giá như trên.
Nhưng việc mất giá tiền này cũng đồng nghĩa với hàng xuất khẩu của anh em rẻ hơn. Nó khiến gạo của anh em (hay hàng nội địa khác) cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Việc hàng hóa anh em rẻ hơn này sẽ khiến anh em xuất khẩu được nhiều hơn. Qua đó nó sẽ phục hồi lại thâm hụt cho anh em.
Từ đó, ta thấy cán cân thương mại và tỷ giá có quan hệ mật thiết. Tuy nhiên, nó chỉ đúng trong thể chế thả nổi hoặc hỗn hợp. Dưới tỷ giá cố định thì cán cân thương mại không linh hoạt được như vậy.
Điều này đã dẫn đến một khủng hoảng nổi tiếng Cú sẽ phân tích ở mục sau. Vậy anh em chắc đã hiểu tầm ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái là gì lên cán cân thương mại đúng không?
5. Khủng hoảng nổi tiếng nhất trong tỷ giá hối đoái là gì?
Trong bài Lạm phát là gì? Cú có nói về khủng hoảng lạm phát ở Đức trước thế chiến thứ 2. Giờ Cú sẽ giới thiệu với anh em một khủng hoảng tương tự ở Đông Nam Á. Nó tác động lớn đến Ngũ Hổ châu Á, trong đó có Việt Nam, làm chậm đà phát triển.
Nguyên nhân của khủng hoảng đến từ việc khi đó nội tệ các nước này có tỷ giá cố định. Do vậy khi cán cân thương mại gặp trục trặc, tỷ giá của họ đã không thích nghi kịp thời. Đây là lý do vì sao hầu hết chuyển qua tỷ giá thả nổi hoặc hỗn hợp sau khủng hoảng.
Để anh em hiểu tường tận, Cú sẽ đi từ lý thuyết đến thực tế nhé!
5.1. Dự trữ ngoại hối trong tỷ giá hối đoái là gì?
Nguồn gốc của khủng hoảng này đến từ dự trữ ngoại hối. Nhưng dự trữ ngoại hối là gì?
Để hỗ trợ giá trị đồng tiền quốc gia, các chính phủ phải nắm giữ một lượng tài sản ngoại tệ. Chúng chính là dự trữ ngoại hối.
Dự trữ ngoại hối thường nằm trong các ngoại tệ giá trị cao và ổn định như: USD, JPY, Euro… Chúng tồn tại dưới nhiều hình thức như tiền mặt, tài khoản nước ngoài, trái phiếu chính phủ, vàng…
Khi tỷ giá hối đoái gây ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại, ta buộc phải sử dụng dự trữ ngoại hối để trả nợ.
Anh em tưởng tượng nhà nước đầu tư một dự án 100 triệu USD nhé. Với tỷ giá 23,000 VND = 1 USD, nhà nước định trả nợ bằng 2,300 tỷ VND. Như vậy ta đang thâm hụt 2,300 tỷ VND.
Nhưng giả sử qua 1 đêm, tỷ giá lên thành 46,000 VND = 1 USD! Thế là tự dưng ta thâm hụt 4,600 tỷ VND vì phải trả nợ gấp đôi.
Ngân hàng nhà nước có thể in thêm tiền, nhưng nó sẽ càng làm mất giá VND. Khi đó, nếu chính phủ không dự trữ đủ USD trước để trả thì sẽ bị coi là vỡ nợ. Mà vỡ nợ kéo theo vô vàn hệ quả: từ hạ bậc tín nhiệm đến cắt nguồn vốn vào nước.
Việt Nam là nước đang phát triển, thiếu dòng vốn đầu tư ngoại thì không khác gì cá thiếu nước. Do đó nên rủi ro tỷ giá là đặc biệt quan trọng.
5.2. Khủng hoảng kinh tế châu Á những năm 90
Chúng ta quay về với câu chuyện các quốc gia chuyển từ cố định sang thả nổi những năm 90.
Tại thời điểm đó, các quốc gia Đông Á đang theo đuổi chính sách phát triển “nóng” qua xuất siêu.
Cán cân thương mại luôn xuất siêu phụ thuộc vào đồng tiền của họ yếu. Lý do nội tệ yếu vì chính phủ của họ đặt tỷ lệ quy đổi với USD rất cao. Tức là anh em cần nhiều tiền của họ mới đổi được 1 USD.
Tuy nhiên việc các đồng tiền này được cố định với USD đã khiến khi USD giảm giá chúng tăng cao.
Việc tăng đồng loạt này đã khiến các chính phủ Đông Á dốc dự trữ ngoại hối để giữ tỷ giá ổn định. Họ bán USD ra thị trường để tăng cung USD và mua lại đồng tiền của họ để tăng cầu. Tất cả với 1 mục đích: giữ giá nội tệ thấp để giữ đà xuất khẩu.
Dù vậy khủng hoảng không chấm dứt, tỷ giá cố định quá cứng nhắc đã “trói tay” các chính phủ.
Sau đó, quỹ tiền tệ quốc tế IMF phải chi 110 tỷ USD để hỗ trợ các chính phủ này.
Sau đợt khủng hoảng, các quốc gia Đông Á lần lượt chuyển sang thả nổi tỷ giá. Tăng trưởng “nóng” theo kiểu “kiếm củi 3 năm thiêu 1 giờ” thì ai muốn đúng không anh em!
6. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái là gì?
Như vậy chúng ta đã tìm hiểu tỷ giá hối đoái là gì, cán cân thương mại là gì, và chúng ảnh hưởng lẫn nhau thế nào. Nhưng từng cái ảnh hưởng lên nền kinh tế ra sao?
Để thấy được sức ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến nền kinh tế, Cú sẽ cùng anh em xem xét các tác động của nó nhé!
6.1. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái là gì tới xuất – nhập khẩu?
6.1.1. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái là gì với xuất khẩu?
Hãy tưởng tượng anh em là người tiêu dùng Mỹ đang rất thèm món cơm truyền thống của châu Á. Cú là nhà xuất khẩu gạo từ Việt Nam nhé. Tuy nhiên do không có kinh nghiệm nấu cơm, anh em không biết chọn loại gạo nào ngon ở cửa hàng. Như vậy thì dựa vào yếu tố nào để chọn gạo bây giờ? Chỉ có thể là giá cả thôi.
Hiện tại, 1 dollar Mỹ đang đổi được 23,400 VND. Nếu nhà xuất khẩu bán giá 1 USD/cân gạo, chúng ta có thể thấy chuyện xảy ra khi tiền Việt Nam yếu đi.
Giả sử đồng tiền Việt Nam yếu đi 100% nhé, tới mức 46,800 VND = 1 USD. Khi đó Cú có thể giảm giá 50% cho anh em mà vẫn thu về 23,400 VND/cân gạo. Quả là lợi cả đôi đường phải không anh em!
Nguyên nhân là vì lượng tiền thu được của Cú trong VND không thay đổi. Hơn nữa Cú sống ở Việt Nam. Vì vậy Cú không quan tâm tỷ giá VND/USD mà chỉ quan tâm thu về bao nhiêu VND thôi.
Nội tệ yếu sẽ vô tình khiến Cú có thể giảm giá cho khách nước ngoài rất nhiều. Qua đó sẽ khiến hàng của Cú cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Nếu thu nhập không đổi mà hàng cạnh tranh hơn thì còn gì bằng đúng không anh em!
Tuy nhiên, chúng ta đang giả sử là chi phí đầu vào không đổi. Phải giả sử như vậy vì chi phí tăng sẽ buộc Cú tăng giá – đánh mất lợi thế từ nội tệ yếu.
Trên thực tế, nội tệ yếu đi sẽ khiến chi phí tăng lên. Nguyên nhân là vì Việt Nam cũng phải đi nhập khẩu. Khi đó nội tệ yếu sẽ khiến ta phải trả nhiều tiền hơn. Do vậy ta cũng phải xét đến tác động của tỷ giá hối đoái đến nhập khẩu.
6.1.2. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái là gì với nhập khẩu?
Nếu Cú là doanh nghiệp Mỹ bán hàng ở Việt Nam, hoặc nhà nhập khẩu mua hàng Mỹ thì sao? Việc tỷ giá VND/USD tăng mạnh sẽ khiến giá bán của Cú trong phút chốc đã đắt gấp đôi!
Như vậy Cú sẽ phải tìm cách giảm giá đến 50% và bán nhiều gấp đôi để giữ mức lợi nhuận. Thật nan giải cho Cú phải không anh em!?
Đến đây, anh em có thể nghĩ: Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hơn nhập khẩu. Như vậy chẳng phải sẽ tốt nhất nếu chính phủ làm cho đồng tiền Việt Nam yếu đi?
Nếu chính phủ làm vậy, hàng Việt Nam ra quốc tế sẽ rẻ đi. Ngược lại, hàng quốc tế vào Việt Nam sẽ đắt lên.
Người tiêu dùng nước ngoài sẽ mua hàng Việt Nam nhiều lên. Người Việt Nam thấy hàng ngoại quốc đắt sẽ chọn hàng Việt Nam thay thế. Như vậy thì vừa tăng xuất khẩu, vừa giảm nhập siêu – một mũi tên trúng hai đích!
Về mặt lý thuyết thì có thể đúng, nhưng trên thực tế thì có nhiều trở ngại. Các mặt hàng nhập siêu chính đều là nguyên vật liệu (kim loại, chất dẻo, phụ tùng…) hoặc sản phẩm không có nhà sản xuất nội địa (máy tính, linh kiện điện tử…). Hơn nữa ở các mục sau, Cú sẽ cho anh em thấy không phải cứ nhập siêu là xấu.
Như vậy thì nếu nội tệ yếu đi, doanh nghiệp và người dân sẽ chịu mức giá đắt đỏ hơn. Lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài như giá nhân công rẻ cũng mất đi. Làm kinh tế quả là đau đầu, nhất là đổi với Chính phủ và Ngân hàng trung ương.
6.2. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái là gì tới thị trường chứng khoán?
6.2.1. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái là gì với doanh nghiệp trong nước?
Anh em hãy tưởng tượng mình là chủ một doanh nghiệp. Anh em đi vay ngân hàng để mở rộng sản xuất. Thứ anh em quan tâm nhất là gì? Khả năng cao là lãi suất đi vay.
Nhưng nó liên quan gì đến tỷ giá hối đoái? Khi giá trị VND giảm, giá hàng nhập khẩu sẽ tăng cao như Cú thể hiện ở trên. Điều này dẫn đến lạm phát do phần lớn hàng trên kệ ở Việt Nam có nguyên liệu nhập khẩu. Đây là lạm phát chi phí đẩy.
Thế là để chống lạm phát, nhà nước tăng lãi suất khoản vay của anh em. Cú đã giải thích vì sao một cách chi tiết hơn trong bài Lạm phát là gì?, nhưng về cơ bản thì tăng lãi suất sẽ giảm nguồn cung tiền, dẫn đến kiềm chế lạm phát.
Khi đó, ảnh hưởng tỷ giá hối đoái là gì tới giá cổ phiếu của anh em? Rõ ràng, anh em vừa phải chịu lạm phát vừa “gánh” lãi suất cao. Người ta sẽ không nghĩ doanh nghiệp anh em dư dả mà trả cổ tức. Cú mà là nhà đầu tư thì Cú sẽ đổi sang trái phiếu. Vì vậy, giá cổ phiếu các doanh nghiệp nội mất sức hấp dẫn.
Mặt khác, nội tệ yếu khiến doanh nghiệp anh em phát triển, do người dùng “né” hàng ngoại vì đắt. Điều này không chỉ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp mà còn là cú hích chứng khoán trong nước.
Trên thực tế, nhờ giữ đồng nội tệ của mình tương đối yếu mà Việt Nam đã đạt thế mạnh về xuất khẩu. Hơn nữa lại thu hút vốn đầu tư nước ngoài do giá nhân công rẻ. Nhờ vậy mà nền kinh tế nước ta là một trong “ngũ hổ” của châu Á.
6.2.2. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái là gì với nhà đầu tư?
Nhưng đối với nhà đầu tư thì sao? Hẳn trong số anh em ít nhiều đều đã từng muốn sở hữu các mã “khủng” ở các sàn nước ngoài. Chúng có thể là Tesla (TSLA) hay “bộ tứ công nghệ” Facebook (FB), Apple (AAPL), Netflix (NFLX), Google (GOOG), gọi tắt là FANG. Hoặc chí ít thì anh em cũng muốn sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ vì nó an toàn hết thảy.
Để làm vậy anh em cần có USD, tức là khoản đầu tư anh em bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá.
Tuy các biến động này là nhỏ, nhưng sau một thời gian dài có thể tích tụ dần. Hơn thế nữa, anh em sống ở Việt Nam nên phải chịu 2 lần biến động. Một lần lúc đem tiền đi đầu tư, một lần lúc rút tiền về chốt lãi.
Nhưng rủi ro không có nghĩa là lỗ. Nhiều khi biến động tỷ giá có thể có lợi cho anh em.
Nếu anh em đầu tư $1,000 vào chỉ số SP500 10 năm trước thì sao? Anh em sẽ không chỉ có $3,588.96 hiện tại mà còn lợi về tỷ giá thêm 3,400 VND/USD.
Thậm chí kể cả danh mục của anh em toàn “hàng nội” thì tỷ giá cũng có sức ảnh hưởng.
Như Cú nói ở trên, một đồng VND yếu tức xuất khẩu Việt Nam phát triển. Do đó nên để tâm đến nhóm ngành này khi VND xuống giá.
Các doanh nghiệp đa quốc gia cũng bị ảnh hưởng về lợi nhuận khi đồng tiền của họ tăng giá.
Nếu VND mạnh lên, các doanh nghiệp Việt ở nước ngoài sẽ thấy lợi nhuận của họ suy giảm. Lý do là vì khi đó hàng Việt trở nên đắt hơn. Tỷ giá VND/USD tăng lên đến mức 11,500 VND = 1 USD nghĩa là lượng gạo người Mỹ mua được chỉ còn 1 nửa rồi!
Nhà đầu tư của các doanh nghiệp này sẽ thấy dòng tiền của mình sụt giảm theo.
Một vấn đề khác đặc thù với những nước có đồng tiền yếu như Việt Nam là bất động sản. Đây là vấn đề nổi lên ở các năm gần đây khiến chính phủ phải vào cuộc.
Giới đầu cơ bất động sản các nước có đồng tiền mạnh so với Việt Nam sẽ được lời.
Làm sao để 1 người Việt Nam “săn” được nhà? Anh em phải cạnh tranh với người ngoại quốc dài vốn hơn. Hơn thế nữa họ còn được “giảm giá” do tiền Việt Nam suy yếu.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu việc đầu cơ này không có kiểm soát? Anh em sẽ phải thuê nhà vì không mua nổi. Điều này làm tăng giá thuê, khiến những người thu nhập thấp hơn lao đao.
Chính vì vậy mà Chính phủ quản lý chặt chẽ người ngoại quốc mua nhà tại Việt Nam qua Luật Kinh doanh bất động sản.
7. Ảnh hưởng của cán cân thương mại là gì?
Sau khi tìm hiểu về ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái, ta sẽ đi tới ảnh hưởng của cán cân thương mại.
Khi tìm hiểu ảnh hưởng tỷ giá hối đoái là gì ta thấy nó khá nhất quán. Ngược lại, có nhiều ý kiến trái chiều về các ảnh hưởng của cán cân thương mại.
Sau đây Cú xin phân tích một vài quan điểm chủ chốt.
7.1. Chủ nghĩa trọng thương, hay “càng thặng dư càng tốt”
Chủ nghĩa trọng thương cho rằng cán cân thương mại phải luôn dương. Do đó ta nên tránh thâm hụt, tìm kiếm thặng dư. Đây là một quan điểm khá phổ biến của người dân và một số chính trị gia.
Vấn đề này càng trở nên “nóng” nếu nước anh em bị thâm hụt với 1 nước đối thủ. Điển hình hiện nay là Mỹ và Trung Quốc.
Trên thực tế, chênh lệch giữa hai nước thường không quan trọng bằng cán cân thương mại nói chung.
Ví dụ, Cú rất thích KFC, và mỗi lần Cú ăn, thâm hụt giữa Cú và KFC tăng lên 60,000 VND. Nếu anh em là Cú anh em có lo lắng về sự thâm hụt này không? Dĩ nhiên là không rồi. Anh em sẽ chỉ lo nếu tổng chi nhiều hơn thu nhập hằng tháng thôi.
Giới báo chí Việt Nam thường xuyên nói về việc “hướng tới xuất siêu”. Donald Trump quyết tâm “khắc phục thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”. Thực dân bóc lột thuộc địa vì cho rằng thâm hụt thuộc địa tạo ra thặng dư cho mẫu quốc…
Nhưng tương tự như trong gia đình, nếu anh em thấy chi nhiều hơn thu thì anh em làm gì?
Tiết kiệm chi tiêu, tìm cách kiếm nhiều tiền hơn… hay đổ lỗi cho KFC vì đã bán hàng cho mình?
Để giảm thâm hụt, ta phải tăng sản xuất hoặc giảm chi tiêu. Hạ bệ đối tác kinh tế vừa vô ích vừa làm rạn nứt quan hệ.
7.2. Chủ nghĩa cổ điển, hay “lợi cả đôi đường”
Chủ nghĩa kinh tế học cổ điển được tạo ra bởi Adam Smith. Ông cho rằng dù thặng dư hay thâm hụt thì cả hai nước đều được lợi qua trao đổi. Họ đạt được điều này qua lợi thế so sánh.
Anh em cùng Cú quay lại ví dụ Mỹ và Việt Nam nhé. Ta vẫn trồng lúa bán gạo, còn Mỹ sản xuất ô tô.
Mỹ có thể trồng lúa bán gạo tốt hơn, nhanh hơn, và nhiều hơn Việt Nam. Vậy vì sao người Việt không sang Mỹ trồng lúa?
Nguyên nhân là do đặt cánh đồng lúa ở Mỹ sẽ khiến Mỹ tốn tài nguyên và lao động. Chúng đáng lẽ có thể dùng vào việc tốt hơn như sản xuất ô tô.
Tài nguyên Mỹ có hạn nên chọn dùng vào cái gì giá trị nhất cũng dễ hiểu. Ngược lại, Việt Nam sản xuất ô tô sẽ không hiệu quả bằng trồng lúa bán gạo mua ô tô.
Nếu Mỹ trồng lúa thì sao? Khi đó họ sẽ mất cùng 1 lượng tài nguyên nhưng thành quả kiếm được giá trị thấp hơn. Việc này đã gây ra cho họ 1 loại lỗ mà ta gọi là “chi phí cơ hội”.
Mỗi nước có một thế mạnh riêng dựa trên chi phí cơ hội. Do đó cả hai có thể chuyên môn hóa để tối ưu hóa năng suất rồi trao đổi cho nhau. Người dân cả hai nước sẽ được lợi qua giá thành rẻ hơn.
8. Các yếu tố tác động tới tỷ giá hối đoái là gì?
Cú đã giải thích cho anh em các ảnh hưởng của cán cân thương mại lên tỷ giá hối đoái là gì. Nhưng còn yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái nữa?
Sau đây anh em hãy cùng Cú tìm hiểu nhé!
8.1. Yếu tố mặt bằng lãi suất
Hãy giả sử anh em là người nước ngoài. Khi Việt Nam tăng lãi suất, anh em sẽ muốn gửi tiền ở Việt Nam để hưởng lãi suất đó. Nhưng lãi suất này chỉ áp dụng với tiền Việt, nên anh em phải đổi tiền sang VND. Điều này sẽ làm tăng cầu cho VND, khiến đồng nội tệ tăng giá.
8.2. Yếu tố mặt bằng đầu cơ
Nếu anh em nghĩ một đồng tiền sẽ lên giá, anh em có mua một lượng lớn tiền đó không?
Nếu câu trả lời của anh em là có thì nó chính là tâm lý chung.
Người ta sẽ đổ xô đi mua ngoại tệ nếu biết ngoại tệ đó sắp tăng giá. Việc này sẽ vô tình khiến loại tiền đó tăng giá trên thực tế.
Như vậy, các suy đoán về tương lai của thị trường ngoại hối ảnh hưởng đến hiện tại của thị trường này.
8.3. Yếu tố sức khỏe kinh tế quốc gia
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không có tác động trong ngắn hạn. Tuy nhiên về lâu dài, chúng hỗ trợ cho đà tăng của đồng nội tệ.
Ở hầu hết các nước, tốc độ tăng trưởng cao đồng nghĩa với việc họ thu hút đầu tư. Việc này sẽ khiến đồng tiền họ có nhu cầu cao và dẫn đến nó lên giá.
Lời kết
Qua bài viết này, Cú mong các bạn đã hiểu tỷ giá hối đoái là gì, nó liên quan tới cán cân thương mại thế nào, cách tìm hiểu về nó DailyFX, ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái, và ứng dụng thực tiễn với nhà đầu tư.
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về tỷ giá hối đoái là gì cũng như các tác động của nó. Cú muốn chia sẻ một cách chi tiết để anh em dễ hình dung ngay từ đầu. Bài viết “tỷ giá hối đoái là gì” có mục lục, anh em có thể bấm đến những nội dung muốn tìm hiểu. Đồng thời đọc đi đọc lại những phần chưa hiểu rõ.
Nếu còn điều gì thắc mắc về tỷ giá hối đoái hay những chỉ số kinh tế khác, anh em có thể inbox cho Cú.
Ngoài ra, anh em cũng nên trang bị cho mình các kiến thức vĩ mô khác hữu ích với nhà đầu tư.
Anh em có thể bắt đầu từ series Các chỉ số vĩ mô cần chú ý của Cú như:
GDP là gì? Những điều nhà đầu tư chứng khoán mới cần biết 2022
PMI là gì? Tìm hiểu về PMI đơn giản nhất cho nhà đầu tư mới 2022
Chỉ số CCI là gì? Tìm hiểu về CCI từ A-Z cho nhà đầu tư mới bắt đầu 2022
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Như đã nhắc ở phía trên, hiện tại Cú có cung cấp dịch vụ tư vấn tư vấn đặt chỗ khóa học chứng khoán cho anh em. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Cú sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Form dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh thông tin của Cú
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://vt.tiktok.com/ZSJJKgbU4/
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969