Jackson Hole là gì? Ảnh hưởng của Jackson Hole với giới đầu tư
Jackson Hole là gì chắc hẳn là điều nhiều anh em luôn thắc mắc. Thường dịp cuối tháng 8 hằng năm anh em lại thấy cụm từ này trên nhiều mặt báo. Vậy ý nghĩa của nó là gì?
Jackson Hole là tên của một trong những hội nghị kinh tế quan trọng với nhà đầu tư. Dự đoán và theo dõi kỹ hội nghị này là “chìa khóa vàng” của F0. Nó không chỉ giúp anh em nắm xu hướng thị trường mà còn giúp giảm độ rủi ro đầu tư.
Bài viết Jackson Hole là gì? Ảnh hưởng của Jackson Hole với giới đầu tư sẽ giúp anh em giải đáp các vấn đề như:
– Hội nghị Jackson Hole là gì? Fed có vai trò gì tại đó?
– Jerome Powell là ai? Ông ta quan trọng thế nào tại Jackson Hole?
– Các sai lầm của Fed tại Jackson Hole 2021 là gì? Fed khắc phục thế nào trong 2022?
– Jackson Hole ảnh hưởng gì đến các chỉ số cơ bản của nền kinh tế? (lạm phát, thất nghiệp, v.v…)
1. Hội nghị Jackson Hole là gì?
Trên thế giới, số lượng các hội nghị kinh tế diễn ra ngày một nhiều. Không chỉ có các hội nghị quốc tế mà đến cả các hội nghị khu vực ASEAN cũng tăng. Với đa dạng các thông tin, hội nghị như vậy một nhà đầu tư bình thường như chúng ta khó có thể cập nhật được hết. Do vậy, anh em nên chọn lọc và đặc biệt quan tâm các hội nghị có tầm quan trọng cao.
Điển hình trong số chúng là Jackson Hole. Cú sẽ giới thiệu cho anh em về hội nghị Jackson Hole là gì. Ngoài ra Cú sẽ phân tích cho anh em tầm quan trọng của nó, một số ưu nhược điểm của lần dự báo trước, và tác động của dự báo năm nay.
1.1. Giới thiệu chung về Jackson Hole
Jackson hole là tên một hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên.
Có nhiều cá nhân và tổ chức từ nhiều quốc gia đến tham dự hội nghị này, cụ thể như:
- Các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Fed
- Các bộ trưởng tài chính
- Các nhà nghiên cứu
- Các người chơi lớn trong TTCK như dòng dõi Koch, Rothschild, Rockefeller…
Hội nghị được gọi là Jackson Hole vì nó diễn ra ở Jackson Hole, bang Wyoming. Ngân hàng trung ương Kansas đã tài trợ cho nó từ 1978 và nó đã nằm ở Jackson Hole, Wyoming từ 1981.
Hàng năm, hội nghị tập trung vào một hoặc vài vấn đề kinh tế quan trọng mà các nền kinh tế thế giới phải đối mặt.
Hội nghị Jackson Hole là một trong những hội nghị ngân hàng trung ương lâu đời nhất trên thế giới. Những người tham dự là chuyên gia và được lựa chọn dựa trên chủ đề của mỗi năm.
Nhưng không phải cứ chuyên gia là sẽ được mời. Kinh tế có nhiều khía cạnh và anh em phải là chuyên gia của khía cạnh đó mới được mời. Anh em có thể hình dung một hội thảo y khoa về ung thư sẽ không ai mời bác sĩ nha khoa cả.
1.2. Cách theo dõi Jackson Hole là gì?
Như ở phần trên, Cú có nói là rất nhiều chuyên gia được mời đến tham dự hội nghị này.
Các chuyên gia này trình bày nghiên cứu về chủ đề của hội nghị. Sau đó Fed đăng các nghiên cứu đó trực tuyến và anh em có thể đọc miễn phí!
Ngoài ra, vì đây là một hội nghị quan trọng, nhiều “ông lớn” trong ngành tài chính cùng tham dự, nên báo chí sẽ tường thuật rất chi tiết. Gần như các báo lớn nào cũng có livestream trực tiếp bài phát biểu của chủ tịch Fed.
Nếu anh em lỡ mất livestream, anh em hoàn toàn có thể check trên website của Fed. Nó có cú pháp https://www.federalreserve.gov/newsevents/speech/ [tên chủ tịch] [ngày tháng năm phát biểu]a.htm
Ví dụ tên chủ tịch Fed hiện tại là Jerome Powell. Ngày phát biểu của ông tại Jackson Hole 2022 là 26 tháng 8 (ngày Mỹ). Do đó đường link sẽ là:
https://www.federalreserve.gov/newsevents/speech/powell20220826a.htm
Ở nước ngoài, anh em có thể tìm đọc các tạp chí như New York Times, Washington Post, Business Insider… vì các bài phân tích ảnh hưởng của Jackson Hole của họ khá chất lượng.
Ở Việt Nam, anh em có thể tìm đọc các bài viết của báo lớn như VTV, Vietnamplus, hoặc của công ty chuyên phân tích như MBS…
Ngoài ra, dĩ nhiên anh em có thể tìm đọc tại về Jackson Hole tại trang web của Cú rồi! Hằng năm Cú sẽ có bài phân tích về hội nghị Jackson Hole của năm đó sớm nhất có thể nhé.
1.3. Tầm quan trọng của Jackson Hole là gì?
Tại hội nghị Jackson Hole, các điểm nóng chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ được thảo luận trong các cuộc họp. Nó là một diễn đàn về các vấn đề quan trọng mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt. Ở đó các chủ đề khác nhau liên quan đến nền kinh tế thế giới được xem xét hàng năm.
Nhưng hội nghị này không chỉ để giới học giả “đàm đạo”. Anh em tưởng tượng Cú là chủ tịch Fed nhé. Cú sẽ bàn về các chính sách tiền tệ, ví dụ như nâng lãi suất trong hội nghị.
Giới đầu tư và ngân hàng là 2 bên “nhạy cảm” với tin tức thị trường nhất. Do đó, Cú dựa vào các phản hồi và thái độ của người tham dự để đánh giá hiệu quả là hợp lý.
Ngược lại, người tham dự cũng dựa vào thái độ của Cú để xác định kỳ vọng thị trường. Giả sử anh em tham dự và thấy Cú có vẻ rất quyết liệt trong việc kiềm chế lạm phát.
Nếu anh em làm ngân hàng, anh em sẽ nghĩ ngay đến việc Cú sắp tăng lãi suất cho vay. Thế là doanh nghiệp sẽ đắn đo hơn nhiều khi đi vay anh em.
Ngược lại, nếu anh em là nhà đầu tư thì sao? Chi phí đi vay đắt thì giá cổ phiếu sẽ giảm. Đây là cơ hội tốt để anh em “bắt đáy”.
Vậy anh em đã thấy tầm quan trọng của Jackson Hole là gì rồi đúng không!
1.4. Fed là ai?
Trong phần giới thiệu, Cú nhắc nhiều đến một người chơi lớn trên thị trường là “Fed”. Vậy Fed là ai và ảnh hưởng của họ ở Jackson Hole là gì?
Fed là Cục dự trữ liên bang mỹ. Anh em có thể hiểu Fed tương tự ngân hàng nhà nước Việt Nam. Do đó vai trò của chúng cũng có nhiều điểm tương đồng:
1.4.1. Vai trò của Fed với người tiêu dùng
- Đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát ổn định, và lãi suất vừa phải. Fed làm việc này qua các chính sách tiền tệ.
Ví dụ: Khi kinh tế suy thoái sẽ dẫn đến thất nghiệp tăng. Fed sẽ hạ lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp sẽ vay tiền dễ hơn giúp mở rộng sản xuất + thuê thêm nhân công. Dần dần nền kinh tế sẽ hồi phục.
- Đảm bảo quyền tín dụng của người tiêu dùng.
Ví dụ: Giống ngân hàng nhà nước Việt Nam, Fed có các chính sách ưu đãi với người nghèo. Điển hình là các ưu đãi về lãi suất.
Ngoài ra Fed còn có thể dừng hoạt động thu lãi suất của ngân hàng trong khủng hoảng. Vay cho giáo dục là ví dụ điển hình. Phần lớn trả nợ cho vay giáo dục được ngừng trong 2020-2021 vì COVID-19.
1.4.2. Vai trò của Fed với hệ thống ngân hàng Mỹ
- Cung cấp các dịch vụ tài chính, vai trò then chốt trong việc vận hành hệ thống thanh toán quốc gia.
Ví dụ: Hệ thống ACH của Fed giúp các ngân hàng nhận và rút tiền giữa nhau và giữa khách hàng.
Giả sử anh em mua trả góp xe từ Cú nhé. Anh em lĩnh lương ở ngân hàng A và trả góp xe. Tài khoản trả góp nằm ở ngân hàng B. Trong quá trình giao dịch cả 2 ngân hàng đều phải dùng đến ACH rồi.
Nếu giao dịch lớn hơn thì các ngân hàng phải dùng đến hệ thống Fedwire. ACH dành cho giao dịch khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp. Fedwire dành cho giao dịch khối lượng ít nhưng giá trị cao.
- Duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và có rủi ro hệ thống.
Ví dụ: Fed cấm các ngân hàng không được tự mình giao dịch chứng khoán hay phái sinh vì chúng có rủi ro cao. Anh em đi gửi tiền chắc cũng không muốn nhân viên ngân hàng đem tiền đi đánh bạc nhỉ? Căn nguyên của luật này là do khủng hoảng tài chính năm 2008. Căn nguyên của nó khá phức tạp, nhưng Cú sẽ kể cho anh em phiên bản thu gọn dưới đây:
Khủng hoảng 2008 xảy ra một phần vì các ngân hàng “ôm” quá nhiều chứng khoán mạo hiểm. Các ngân hàng khi đó cho anh em trả góp để mua nhà và nhận căn nhà của anh em làm thế chấp. Tiền trả góp được biến thành 1 loại chứng khoán và bán cho nhà đầu tư. Để nhà đầu tư tin tưởng, họ cam kết sẽ trả đầy đủ cả vốn lẫn lời kể cả khi người mua nhà không có tiền trả góp. Dĩ nhiên, để có cam kết này nhà đầu tư phải mua bảo hiểm vỡ nợ từ chính ngân hàng đó.
Hoạt động này sẽ không có vấn đề gì nếu mọi thứ hoạt động trơn tru. Nhà đầu tư đóng bảo hiểm và nhận tiền trả góp từ người mua nhà. Ngân hàng thu lời từ bảo hiểm và tiếp tục cho vay thế chấp BĐS để kiếm tiền. Thỉnh thoảng có người không trả góp nổi thì ngân hàng trả cả vốn + lời cho nhà đầu tư.
Nhưng “hoạt động trơn tru” ở đây nghĩa là người mua nhà luôn có tiền để trả góp. Khi họ không có thì sao?
Khi giá BĐS lên quá cao, người mua lần lượt khất hoặc vỡ nợ. Lúc này ngân hàng không có nguồn tiền để trả nhà đầu tư. Một hai người vỡ nợ thì ngân hàng trả bảo hiểm cho nhà đầu tư được, nhưng cả hệ thống thì họ không kham nổi. Anh em sẽ thấy công ty bảo hiểm nào cũng vậy – tất cả người đóng cùng nhận bảo hiểm 1 lúc là sẽ phá sản ngay!
Do đó khi bong bóng BĐS “vỡ” đã dẫn đến phá sản hàng loạt các ngân hàng. Lúc đấy thì giấy tờ bảo hiểm của nhà đầu tư cũng thành giấy vụn. Sau đó Fed đã chấn chỉnh cả ngành ngân hàng ngay!
1.4.3. Vai trò của Fed trong hội nghị Jackson Hole
Ta đã biết các vai trò của Fed quan trọng thế nào. Do đó anh em không khó hình dung lý do Fed có mặt tại Jackson Hole là gì.
Với các vai trò lớn như vậy, Fed không hổ danh là thể chế tài chính hùng mạnh nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nó có vai trò mang tính quyết định ở hội nghị Jackson Hole.
Cụ thể ra, Fed là chủ tọa của hội nghị này. Ở phần 1 Cú có nói về việc nhiều nhà nghiên cứu sẽ phát biểu ở hội nghị này. Dĩ nhiên các nghiên cứu đấy đều quan trọng và đáng được để tâm, nhưng chúng chỉ là “món khai vị”.
“Bữa chính” luôn diễn ra trong 2 ngày cuối tuần. Vì đây là lúc chủ tọa sẽ phát biểu. Đại diện cho Fed năm nay là Chủ tịch Jerome Powell.
Để anh em hiểu tầm quan trọng của Fed trong hội nghị này, một câu nói bâng quâng có thể làm xáo động cả thị trường. Thậm chí, việc một ngân hàng trung ương không đến dự cũng có thể hiểu là họ sẽ có chính sách đi ngược Fed.
Nhìn thì là một hội nghị, nhưng nghe qua Cú giải thích thì thấy giống “thiết triều hoàng thượng” hơn phải không anh em!
2. Các sai lầm của Jerome Powell năm 2021 tại Jackson Hole là gì?
2.1. Các chính sách của Fed trước đó tại Jackson Hole là gì?
Trước khi đến với Jackson Hole 2021, ta phải hiểu các chính sách Jackson Hole là gì khi đó. Đại dịch COVID là sự kiện hiếm gặp trăm năm một lần, nên Fed đã phải dồn toàn lực để cứu nền kinh tế Mỹ.
Fed đã tung ra nhiều chính sách trước hội nghị Jackson Hole 2021. Sau đây, để hiểu ảnh hưởng của chúng anh em hãy tưởng tượng Cú là Fed nhé!
2.1.1. Thu mua trái phiếu
Trước hết, Fed đã bỏ ra 120 tỷ USD mỗi tháng để mua UST và MBS. Chúng là gì và mua chúng có tác động gì?
UST là trái phiếu chính phủ. Anh em hãy tưởng tượng mình sở hữu chúng và 1 trái phiếu có giá 100 USD nhé. Nếu Cú mua UST của anh em, Cú sẽ cầm 1 trái phiếu còn anh em cầm 100 USD.
Điều này tương tự việc Cú “bơm” 100 USD vào nền kinh tế rồi. Nếu anh em là doanh nghiệp thì tiền mặt đúng là “phao cứu sinh”. Trên thực tế Cú mua UST từ ngân hàng và nó khiến lãi suất đi vay của anh em giảm. Đây là một cái “phao cứu sinh” gián tiếp.
Mối liên hệ giữa lượng tiền và lãi suất tương tự như cung-cầu trong hàng hóa. Nguồn cung tiền càng lớn thì giá của tiền (lãi suất đi vay) càng giảm và ngược lại.
Còn MBS là trái phiếu bảo đảm bằng BĐS. Nghe có vẻ phức tạp nhưng anh em chỉ cần hiểu là việc Cú mua chúng sẽ giữ cho thị trường BĐS ổn định.
2.1.2. Cho vay trực tiếp
Ngoài ra, Cú còn cho vay rất nhiều các công ty vừa và nhỏ qua chương trình PPP. Cụ thể nếu anh em có dưới 10,000 nhân viên và lợi nhuận < 2.5 tỷ USD thì anh em có thể vay rồi.
Khi anh em đi vay ngân hàng, họ sẽ không bao giờ chuyển tiền trực tiếp cho anh em. Anh em phải xuất hóa đơn hoặc biên lai, và ngân hàng giải ngân vào tài khoản của đối tác.
Ngược lại, vay PPP cho phép anh em nhận tiền trực tiếp. Lý do vì mục đích chính của nó là giúp doanh nghiệp cầm cự. Anh em cầm tiền trực tiếp sẽ dễ trả lương nhân viên hơn. Đây là chiêu bài để Fed giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp trong đại dịch.
Đặc biệt hơn là anh em không cần trả lại một xu nào! Anh em cần giữ lượng nhân viên (không sa thải) và > 60% tiền vay được dành cho lương nhân viên. Khi đó Fed sẽ xóa nợ cho anh em. Không khác gì tự dưng anh em nhận được một cục tiền từ trên trời rơi xuống cả đúng không?
2.1.2. Đặt lãi suất thấp
Chính sách cuối cùng của Cú là đặt lãi suất rất thấp. Tại sao Cú lại làm vậy?
Khi lãi suất thấp thì việc đi vay sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Nguyên nhân là do khi đó mức lãi phải trả thấp đi.
Đối với doanh nghiệp, điều này khiến họ mở rộng sản xuất dễ hơn và giúp giảm bớt 1 phần chi phí. Điều này khiến họ không phải sa thải nhân viên nữa.
Đối với cá nhân, nó sẽ khiến việc gửi tiền ngân hàng trở nên khá vô ích. Trong hoàn cảnh đó anh em sẽ đặt tiền của mình ở đâu?
Cú dám cá là sẽ có nhiều anh em chọn đặt vào cổ phiếu. Như vậy thì thị trường chứng khoán lại có một phen “lên đỉnh” giữa địa dịch rồi.
Ngoài ra, anh em không muốn tiết kiệm hay đầu tư thì chỉ còn đem đi tiêu xài. Như vậy sẽ đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước lên và tạo thêm động lực sản xuất trong suy thoái.
Từ đó, ta thấy việc cắt lãi suất là “át chủ bài” của Fed trong việc vực dậy kinh tế Mỹ. Nhưng nó có hạn chế gì?
Anh em hãy cùng Cú tìm hiểu các mặt hạn chế của nó ở các phần sau nhé!
2.2. Fed đã dự đoán sai gì ở Jackson Hole 2021?
Mỗi hội nghị Jackson Hole đều có các bài phát biểu của chủ tịch Fed – hiện giờ là ông Jerome Powell. Bài phát biểu của Powell tại Jackson Hole 2021 rất nổi tiếng vì độ…sai của nó.
Cụ thể là ông đã thiếu các biện pháp mạnh tay trong việc kiềm chế lạm phát. Hơn nữa ông còn đánh giá sai tác động và độ nghiêm trọng của tỷ lệ thất nghiệp.
Điều này đã khiến một số nhà phê bình gọi ông là “bồ câu”. Bồ câu là loài chim hiền lành và dễ tính, nhưng nó cũng khá nhút nhát và nếu bị tấn công sẽ bay đi chứ không ở lại bảo vệ tổ. Điều này tương tự thái độ thiếu cứng rắn của Powell trong việc kiềm chế lạm phát.
Những nhà phê bình này muốn một con “diều hâu” làm chủ tịch Fed – một Powell cứng rắn, chấp nhận mất mát hy sinh trước mắt để kiềm chế lạm phát lâu dài. Vì sao lại gọi là “diều hâu”? Vì chúng sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ trứng nếu có giao tranh.
Qua góc nhìn trên, anh em có thể thấy bài phát biểu của Powell năm 2021 gây ra vô vàn tranh cãi. Tìm hiểu về nó sẽ giúp anh em hiểu hơn về Jackson Hole năm 2022.
2.2.1. Hoàn cảnh trước thềm Jackson Hole 2021
Trước thềm Jackson Hole 2021, nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Lạm phát trước đó chỉ ở mức 2.9%, không quá cao so với mốc 2%/năm. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đang quay đầu từ mốc cao kỷ lục trước đó. Một phần là do các chính sách hỗ trợ của Fed ở mục trước.
Do đó việc Cú nói tiếp theo sẽ khiến anh em ngạc nhiên. Mỗi nhà đầu tư có kỳ vọng riêng về Powell sẽ nói gì ở hội nghị. Nhưng chung quy lại, có 1 vấn đề chính họ quan tâm. Đó là bao giờ Fed sẽ dừng các khoản thu mua và cho vay hỗ trợ!
(nguồn: Reuters)
Vì sao tự dưng họ muốn Fed cắt phao cứu sinh?
Các khoản thu mua và vay đó là phao cứu sinh khẩn cấp cho thị trường, nhưng nó cũng có mặt trái của nó.
Anh em chắc cũng biết thời đầu COVID thị trường “đỏ lửa” thế nào. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau chứng khoán đã hồi phục. Đó là do Fed bơm rất nhiều tiền vào thị trường.
Các doanh nghiệp lỗ sâu do COVID tự dưng nhận được dòng tiền cứu sinh. Điều này đã khiến các nhà đầu tư tự tin. Họ nghĩ rằng Fed sẽ luôn cứu thị trường chứng khoán. Làm gì có mẹ nào nỡ nhìn con đau đúng không anh em? Chính vì thế mà chứng khoán cứ lên ầm ầm.
Nếu Fed cắt dây phao cứu sinh này, thị trường chứng khoán sẽ phải “tự lực cánh sinh”. Khi COVID vẫn chưa được kiểm soát thì chắc chắn chứng khoán sẽ suy giảm. Vậy tại sao các nhà đầu tư lại nghĩ Fed sẽ làm thế?
Lý do là vì lạm phát. Trong bài Lạm phát là gì? của Cú, Cú có nói về nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Một trong các nguyên nhân chính là lượng tiền trong thị trường quá nhiều. Đây chính là mặt trái của việc Fed bơm tiền liên tục vào thị trường.
Các chính sách hỗ trợ cần thiết trong dịch, nhưng kinh tế phục hồi thì chúng lại thành trở ngại.
2.2.2. Các dự đoán…trật phóc năm 2021 của Jerome Powell tại Jackson Hole là gì?
Trước bối cảnh như trên, anh em nghĩ chủ tịch Fed – Jerome Powell đã nói gì? Ông đã đưa ra những phán đoán và những chính sách sai lầm dựa vào các phán đoán đó.
Khán giả toàn cầu đã lắng nghe ông từng lời. Họ cần một người dẫn đường như Fed trong một môi trường cực kỳ bất ổn sau dịch.
Vậy nhưng đôi khi người dẫn đường cũng…đi lạc. Sau đây anh em cùng Cú tìm hiểu Powell đã dự báo sai lầm gì tại Jackson Hole 2021 nhé.
2.2.2.1. Khẳng định lạm phát mới xuất hiện “chỉ là tạm thời”
Đây chắc là sai lầm mà chính anh em cũng phải là người gánh hậu quả. Đơn cử là vì lạm phát của Mỹ ảnh hưởng chung đến lạm phát thế giới.
Quay lại về triển vọng tích cực của nền kinh tế Mỹ ở trên. Trước hội nghị năm 2021, Fed thấy lạm phát chỉ nằm ở 2.9% và chưa có xu hướng tăng.
Điều này đã dẫn đến việc Fed đi ngược lại kỳ vọng của các nhà đầu tư năm đó. Hầu hết mọi người muốn Fed ngừng các gói mua trái phiếu và vay hỗ trợ càng sớm càng tốt. Họ kỳ vọng Powell sẽ bắt đầu nâng lãi suất sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nhưng kết quả ở Jackson Hole 2021 đã không như họ mong đợi. Powell không hề công bố gì về cắt giảm các gói hỗ trợ. Phải đến tháng 12 Fed mới công bố về cắt giảm các khoản thu mua trái phiếu.
Logic của Fed và Powell là lạm phát dự báo trong tương lai thấp. Do đó có thể bơm thêm tiền cũng không sao. Logic này tương tự anh em thấy lửa bén vào rèm cửa nhưng không dập luôn. Anh em cứ “bình chân như vại”, lại còn đổ thêm xăng vào.
Hệ quả là cháy cả nhà. Giống như lạm phát, dập lửa bé dễ hơn nhiều dập lửa to. Khi lạm phát ở mức 2.9% (cao hơn mục tiêu là 2%) Fed đã không “diệt tận gốc” nó. Để đến khi lạm phát chạm ngưỡng 7% thì mới hối không kịp.
Ngược lại, việc bơm thêm tiền càng khiến lạm phát trầm trọng hơn. Việc này không khác gì đổ thêm dầu vào lửa.
2.2.2.2. Không thay đổi sớm các chính sách tiền tệ
Ngoài lạm phát, là nhà đầu tư anh em còn gặp vấn đề khác. Trước Jackson Hole 2021, rất nhiều nhà đầu tư đã dự đoán Fed sẽ giảm việc bơm tiền qua nâng lãi suất.
Điều này dẫn đến giá một loạt cổ phiếu giảm điểm. Sau đấy khi nỗi sợ này không thành sự thật thị trường được 1 phiên tăng điểm.
Việc Cú gọi các gói hỗ trợ là “phao cứu sinh” là có lý do.
Khi thị trường chìm trong sắc đỏ, những chiếc phao đó cứu các doanh nghiệp thất bại. Khi thị trường đang ở sắc xanh, nghe tin thiếu vắng phao là vô vàn doanh nghiệp “đuối nước”. Việc này chứng tỏ các nhà đầu tư đã quá chủ quan, coi Fed là nguồn tiền cứu sinh của doanh nghiệp.
Nó cũng khiến doanh nghiệp ỷ lại vào “bà mẹ” trung ương. Việc gì họ phải lo về vay nợ quá đà hay chuẩn bị tiền dự phòng nếu cứ khủng hoảng là được Fed cứu? Anh em thấy như vậy sẽ rất bất công với các doanh nghiệp thực sự dự phòng rủi ro. Nó sẽ khiến họ đổi hướng sang mạo hiểm, rồi đến khi khủng hoảng thì chờ đợi “phao cứu sinh” từ chính phủ.
Không chỉ bất công với doanh nghiệp, nó còn làm mất tiền cho nhà đầu tư. Anh em tưởng tượng mình dự báo trúng việc sắp có suy thoái. Anh em bán khống cổ phiếu một loạt công ty. Suy thoái xảy ra, giá cổ phiếu giảm, nhưng anh em chưa kịp chốt lời thì Fed đã nhảy vào.
Fed can thiệp khiến giá chúng tăng lên. Việc này khiến anh em lỗ nặng, thậm chí có khi bán nhà để trả nợ!
Qua đây ta thấy bơm tiền cứu trợ không chỉ dẫn đến lạm phát, nó còn làm sai lệch kết quả thực của thị trường.
2.2.2.3. Khẳng định tỷ lệ thất nghiệp là “mối đe dọa trong tương lai”
Trong phần 2, Cú có giới thiệu với anh em về các vai trò của Fed. Một trong các vai trò đó là giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Từ đó, anh em thấy mục tiêu này có vai trò lớn trong quyết định các chiến lược của Fed.
Tại thời điểm Powell có bài phát biểu “trật phóc” của mình, thị trường lao động Mỹ đang phục hồi. Fed có công lớn trong việc này. Vấn đề nằm ở chỗ họ vẫn cứ hỗ trợ xa mức cần thiết.
(nguổn: https://www.bls.gov)
Anh em hãy tưởng tượng Cú đang dạy anh em bơi. Để an toàn thì thời gian đầu Cú sẽ cho anh em dùng phao. Nhưng dần dần sẽ phải bỏ phao ra mới quen với nước được. Nếu cứ đeo phao mãi, anh em sẽ không bao giờ biết bơi. Fed và Powell đã quên mất điều này.
Các gói hỗ trợ thất nghiệp kéo dài quá lâu đã đẩy lương lên cao do lạm phát. Khi kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, để tăng lương công ty phải tăng giá. Vòng xoáy “giá-lương” này đang khiến vô vàn người Mỹ có việc cũng phải đau đầu.
Giờ đây, nhiều nhà kinh tế có quan điểm muốn “diệt” lạm phát sớm phải có “hy sinh”. Họ nói cần chấp nhận 3-4% người dân Mỹ không có thu nhập trong giai đoạn ngắn. Như vậy sẽ giảm lạm phát cho 97% người Mỹ còn lại.
Vì sao Fed lại làm vậy?
Việc Powell rót tiền cứu dân khi thị trường có dấu hiệu phục hồi không phải không có cơ sở. Chỉ trong 3 tháng 2020, Mỹ đã mất 30 triệu việc làm. Tuy vậy Mỹ không mất đồng đều trên cả xã hội. Người da màu và ngành dịch vụ mất việc nhiều hơn.
Để kích cầu, chính phủ Mỹ đã đưa hơn 5 nghìn tỷ USD trực tiếp đến tay người dân. Người tiêu dùng với tiền nhàn rỗi trong tay đã rót vào đồ điện tử, nội thất, xe… Nên khi việc làm tăng trở lại, hầu hết đều rơi vào sản xuất.
Trong bài PMI là gì? Cú có nhắc đến việc hầu hết lao động ở Mỹ là dịch vụ. Điều này khiến hồi phục kinh tế của Mỹ có phần “khập khiễng”.
Thực tế, Powell có nói đến việc này ở Jackson Hole 2021. Khi đó lượng lao động thất nghiệp vẫn cao hơn 6 triệu so với trước dịch. Trong 6 triệu đó có đến 5 triệu lao động ở mảng dịch vụ.
Những người này thường là lao động dịch vụ tay nghề thấp. Họ là phục vụ bàn, phụ bếp, lễ tân… Hầu hết họ là người da màu. Rất nhiều trong đó là người nhập cảnh.
Họ đã mạo hiểm tính mạng đi làm để giữ nền kinh tế hoạt động. Fed lo ngại sự khôi phục khập khiễng này sẽ đặt gánh nặng lên vai họ.
Đây là lý do Jerome Powell đưa ra trong diễn văn giải thích cho việc tiếp tục các chính sách cứu trợ. Cú diễn giải để anh em có cái nhìn nhiều mặt hơn về hành động của Fed. Trách nhiệm của người “cầm cân nhảy mực” quả là không dễ!
2.2.2.4. Khẳng định chính sách cũ là “phù hợp trong bối cảnh hiện tại”
Đây là câu Cú trích dẫn trực tiếp từ Jerome Powell. Một năm sau Cú mới thấy nó… sai thế nào.
Về thị trường nói chung, việc Fed bơm tiền liên tục đã giữ lãi suất ở mức thấp. Lý do là vì khi đó cung tiền tăng mà cầu không đổi.
Lúc bấy giờ, lãi suất của lĩnh vực ngân hàng ở gần mức 0%. Việc này sẽ làm giảm chi phí vay của doanh nghiệp.
Ạnh em tưởng tượng mình là doanh nghiệp nhé. Giữa đại dịch, kinh doanh ế ẩm thì chớ mà còn phải trả nợ. Lúc này anh em cần tiết kiệm chi phí, anh em sẽ cắt cái gì đầu tiên?
Anh em có thể chọn bán tài sản, nhưng kiểu gì cũng sẽ bị ép giá. Mà nếu cả ngành cùng đi xuống thì ai có tiền mua máy móc, thiết bị… của anh em?
Do đó, nhiều doanh nghiệp chọn sa thải nhân viên. Không ai muốn cả nhưng cực chẳng đã mới vậy.
Giờ đột ngột Cú bảo lãi suất anh em phải trả là 0 VND. Anh em sẽ tính đến chuyện đi vay. Anh em vay dễ dàng hơn thì sẽ mở rộng sản xuất. Mà để mở rộng thì anh em phải giữ nhân công.
Đây là một cách Fed giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp như phần trên. Nhưng khi kinh tế bắt đầu phục hồi thì chính sách này không còn hiệu quả.
(nguổn: https://www.bls.gov)
Khi đó, lãi suất thấp kết hợp với lượng tiền trên thị trường dồi dào đã dẫn đến lạm phát nặng. Lạm phát của Mỹ tăng cao nhất trong 25 năm qua vì các chính sách này.
(nguổn: tradingeconomics.com)
Không chỉ vấn đề kinh tế, lạm phát còn là vấn đề chính trị với Jerome Powell. Hầu hết mọi người không hình dung được việc chỉ số Dow Jones giảm 1,000 điểm có ý nghĩa gì với họ. Nhưng khi giá xăng, thịt, sữa tăng gấp 2-3 lần trên mọi mặt báo, việc Powell mất chức là hoàn toàn có thể. Do đó, Jackson Hole 2022 là cơ hội lớn để ông “sửa sai”.
3. Bài phát biểu của Jerome Powell tại Jackson Hole 2022
3.1. Hoàn cảnh khi đó trước thềm Jackson Hole là gì?
Hầu hết các tờ báo lớn như Bloomberg và Wall Street Journal đều có chung dự báo: Tại Jackson hole 2022, Jerome Powell sẽ nhấn mạnh vào việc tăng lãi suất. Tại sao họ lại có dự báo này?
Như Cú đã giới thiệu ở trên, việc giảm lãi suất trong đại dịch là con dao 2 lưỡi. Nó hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn vì nó khiến đi vay rẻ hơn. Nhưng bù lại, sau đại dịch nó đẩy lạm phát lên cao. Do đó, điều chỉnh lãi suất là việc rất cần thiết.
Nó càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh nhà đầu tư còn nhớ Powell đã…sai bét về dự đoán tại Jackson Hole 2021. Đây là nguyên nhân dẫn đến không khí khá hiềm khích tại Jackson Hole năm nay. Vì thế Powell sẽ phải tìm cách lấy lại uy tín của mình. Cách khả thi nhất chính là giải quyết vấn đề số 1 hiện nay của người Mỹ – lạm phát.
(nguổn: Báo Washington Post)
Trong bài Lạm phát là gì cho người mới? của Cú, Cú có đề cập đến nhiều cách chống lạm phát. Tuy nhiên, với quyền hạn của Fed thì khả thi nhất chính là cách tăng lãi suất. Do đó, rất nhiều người (bao gồm cả Cú) dự đoán Powell sẽ rất “diều hâu” – tức mạnh tay trong việc nâng lãi suất trong Jackson Hole 2022.
3.2. Hệ quả các chính sách 2022 của Fed tại Jackson Hole là gì?
Đúng như Cú dự đoán, tại Jackson Hole 2022 Fed đã nhấn mạnh vấn đề tăng lãi suất. Việc này sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường. Anh em hãy cùng Cú đi tìm hiểu 3 yếu tố chính mà nó ảnh hưởng nhé!
3.2.1. Tác động của chính sách tại Jackson Hole là gì trong bình ổn giá kiềm chế lạm phát?
Ảnh hưởng đầu tiên dĩ nhiên là bình ổn giá. Sau khi người Mỹ “kêu trời kêu đất” về giá trong 6 tháng thì Fed phải tính đến chuyện “hạ hỏa”. Việc này cũng sẽ giúp Fed phần nào giải đáp các chỉ trích về việc chậm trễ tăng lãi suất.
Jerome Powell đích thân đề cập đến mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%. Việc này sẽ dẫn đến “một thời kỳ tăng trưởng chậm” cho Mỹ.
Anh em hãy tưởng tượng mình là người Mỹ. Không quan trọng anh em là doanh nghiệp hay cá nhân. Nếu là doanh nghiệp, lãi suất cao khiến anh em khó mở rộng sản xuất. Điều này sẽ dẫn đến thị trường lao động thu hẹp, tăng thất nghiệp nếu anh em là cá nhân.
Như vậy, dù có là gì thì người Mỹ cũng chịu mất mát. Powell nhấn mạnh việc “cực chẳng đã” Fed mới phải làm vậy.
Việc tăng lãi suất sẽ khiến chi phí vay trở nên cao hơn, dẫn đến chi tiêu dùng giảm. Điều này tương tự việc cầu giảm và nó sẽ kéo giá cả thấp xuống qua mối quan hệ cung – cầu. Đây chính là cách Fed “chặt” lạm phát cầu kéo.
Ngoài ra, Powell cũng đề cập đến việc lạm phát có suy giảm gần đây. Như anh em thấy qua hình dưới, lạm phát tháng 7 của Mỹ có dấu hiệu đảo chiều.
(nguổn: https://www.bls.gov)
Tuy nhiên, ông đã dẹp mọi suy đoán về việc ngừng tăng lãi suất dựa trên số liệu này. Powell tuyên bố chỉ lạm phát 1 tháng thì không đủ để nói lên gì và vẫn sẽ tăng lãi suất theo kế hoạch.
Tuy nhiên, cụ thể là tăng bao nhiêu thì chưa ai có câu trả lời. Có thể lãi suất sẽ tăng 0.5%, hoặc thậm chí lên tới 0.75%. Có thể tăng bao nhiêu cũng vô dụng vì nó không giải quyết được cốt lõi vấn đề.
Ở bài Lạm phát là gì cho người mới?, Cú đề cập đến việc lạm phát có nhiều nguyên nhân. Việc tăng lãi suất của Fed sẽ giúp đối phó với lạm phát cầu kéo. Nhưng nếu là lạm phát chi phí đẩy thì sao? Khi đó lãi suất không quan trọng bằng việc chuỗi cung ứng đang đứt gãy.
Powell cũng biết trước điều này, nên ông đã có bài “rào trước đón sau”. Ông thừa nhận việc tăng lãi suất của Fed có thể không hiệu quả trong kiềm chế lạm phát. Nhưng ông cũng coi đó là trách nhiệm của Fed và không thể làm khác được. Hầu hết các nhà kinh tế và đầu tư đồng ý với quan điểm này.
3.2.2. Tác động của chính sách tại Jackson Hole là gì trong thị trường chứng khoán?
Ở trên Cú có nói với anh em về việc các nhà đầu tư đồng tình với Fed. Nhưng đồng tình không có nghĩa là họ thích các quyết định này. Anh em chắc đã thấy thị trường đang “lãnh đủ” thế nào sau một câu nói của Powell.
Điển hình ở việc cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều giảm sâu sau bài diễn văn này. S&P giảm 3.37%, Nasdaq giảm 3.94%, cá biệt Dow Jones giảm hơn 1,000 điểm ở 3.03%. Lý do thì Cú đã giải thích là lãi suất cao khiến nhà đầu tư đòi hỏi lời lớn hơn. Doanh nghiệp cũng khó vay ngân hàng hơn vì chi phí cao.
(nguổn: báo New York Times)
Nhưng chứng khoán có cái lên thì cũng phải có cái xuống và ngược lại. Thị trường trái phiếu Mỹ đã được một dịp tăng phi mã, dừng ở mức 3.38%.
Để anh em dễ hiểu hơn, anh em hãy tưởng tượng mình là nhà đầu tư. Lãi suất vừa có dịp tăng mạnh. Cổ phiếu đã không còn “hot” nữa. Giờ anh em chỉ còn 2 lựa chọn giữa gửi ngân hàng và trái phiếu. Dù chọn gì cũng khiến anh em thành chủ nợ.
Nhưng ai lại chọn trái phiếu nếu gửi ngân hàng lãi cao hơn? Dù đúng là trái phiếu an toàn hơn nhưng nó vẫn có rủi ro. Do vậy để nhà phát hành trái phiếu thu hút anh em họ sẽ phải nâng lãi suất chúng lên.
Việc này sẽ khiến dòng tiền chuyển từ cổ phiếu sang trái phiếu và đẩy cổ phiếu xuống sâu hơn. Ngược lại, trái phiếu lúc này sẽ lên giá mạnh do lực mua lớn.
Trái phiếu là một kênh đầu tư an toàn khi cổ phiếu giảm. Lý do là vì khi đó 1 nguồn tiền ổn định sẽ rất quý giá với nhà đầu tư. Nhưng làm thế nào để đầu tư trái phiếu hiệu quả?
Về phần này, Cú đang có dịch vụ tư vấn đầu tư trái phiếu miễn phí, nếu anh em nào có hứng thú thì có thể điền form Cú để đây nhé: https://share.hsforms.com/1bUE9-SZaR-qxbqWi4c3hlQ2n1gz?fbclid=IwAR3-uZglfuLB15m7Hx8ky05uPKpOF3kx1bN5fyLw1DJ5GO8ZVrLggDfXpOA.
Lực bán mạnh sau Jackson Hole 2022 một phần là hệ quả của 2021. Năm đó ai cũng nghĩ Powell sẽ tăng lãi suất nhưng ông đã không làm vậy. Kết quả là cổ phiếu tăng lại và khiến các nhà đầu tư bán sớm “cháy túi”!
Năm nay trước việc lạm phát tháng 7 cải thiện, nhiều nhà đầu tư không nghĩ Powell sẽ tăng lãi suất tiếp. Kết quả là lực bán có phần dè dặt hơn mặc tin đồn. Vậy nên những nhà đầu tư học được bài học từ năm ngoái thì đến năm nay lại hối hận!
3.2.3. Tác động của chính sách tại Jackson Hole là gì trong tỷ lệ thất nghiệp?
Trong phần giới thiệu về Fed, Cú nhắc đến một nhiệm vụ chính là giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp. Lạm phát và thất nghiệp là đối nghịch với nhau. Nếu Fed muốn giữ 1 cái thấp, cái còn lại sẽ phải lên cao và ngược lại.
Khi Powell nói sẽ kiềm chế lạm phát “bằng mọi giá”, anh em nên hiểu tỷ lệ thất nghiệp sắp tăng.
Vì sao lại có mối liên hệ này? Anh em cứ tưởng tượng mình là chủ doanh nghiệp.
Khi lãi suất tăng cao, anh em sẽ khó kiếm vốn từ nhà đầu tư hơn. Cổ phiếu anh em đi “chào hàng” sẽ không hấp dẫn nữa. Vì khi đó với nhà đầu tư thì gửi ngân hàng hoặc mua trái phiếu lãi cao mà lại an toàn hơn.
Anh em cũng khó vay ngân hàng vì lãi phải trả cao quá. Doanh nghiệp anh em mà là ngân hàng cũng khó kiếm khách vay thời buổi này.
Anh em phát hành trái phiếu cũng thiếu hiệu quả. Muốn nhà đầu tư bỏ tiền vào trái phiếu của anh em thì lãi suất nó phải cao hơn đối thủ. Mà trái phiếu vốn lãi suất đã phải cao hơn ngân hàng. Khi đó thà anh em đi vay ngân hàng cho xong!
Trong hoàn cảnh này, anh em sẽ phải gác lại việc mở rộng sản xuất. Nó đồng nghĩa với ngừng thuê thêm nhân viên.
Nếu mỗi năm có cùng lượng người gia nhập lực lượng lao động, giảm thuê sẽ khiến thất nghiệp tăng. Do đó, việc cân bằng giữa lạm phát và thất nghiệp là tối quan trọng với Powell.
Một hiểm họa mà Fed có thể đi vào là lạm phát đình trệ. Nó là kết hợp giữa lạm phát và thất nghiệp tăng.
(nguổn: Business Insider)
Trong bài viết GDP là gì?, Cú có nói về lạm phát và thất nghiệp thường xảy ra ngược nhau. Khi lạm phát tăng thì kinh tế sẽ phát triển và ngược lại.
Hiện tượng lạm phát đình trệ là khi cả 2 cùng xảy ra 1 lúc. Như Cú giải thích ở trên, nó có thể là hệ quả của việc nâng lãi suất của Fed.
Nếu lạm phát xảy ra do chi phí tăng chứ không phải nhu cầu thì sao? Khi đó tăng lãi suất sẽ không có tác dụng dù vẫn khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng. Đây là kịch bản khá khả thi, do lạm phát gần đây đến từ chuỗi cung ứng đứt gãy.
Nâng lãi suất phải giảm lạm phát, với cái giá phải trả là thất nghiệp tăng. Nếu chỉ có thất nghiệp tăng mà lạm phát không giảm thì Powell sẽ “công cốc”. Vậy mới thấy trách nhiệm và gánh nặng của người “cầm cân nhảy mực” đúng không anh em?
Lời kết
Qua bài viết này, Cú mong anh em đã hiểu hội nghị Jackson Hole là gì, cách tìm hiểu về hội nghị Jackson Hole, các sai lầm của Fed trong Jackson Hole 2021, và tác động của Jackson Hole 2022.
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về Jackson Hole là gì cũng như các tác động của nó. Cú muốn chia sẻ một cách chi tiết để anh em dễ hình dung ngay từ đầu. Bài viết “Jackson Hole là gì” có mục lục, anh em có thể bấm đến những nội dung muốn tìm hiểu. Đồng thời đọc đi đọc lại những phần chưa hiểu rõ.
Nếu còn điều gì thắc mắc về hội nghị này, anh em có thể inbox cho Cú.
Ngoài ra, anh em cũng nên trang bị cho mình các kiến thức vĩ mô khác hữu ích với nhà đầu tư.
Anh em có thể bắt đầu từ series Các chỉ số vĩ mô cần chú ý của Cú như:
GDP là gì? Những điều nhà đầu tư chứng khoán mới cần biết 2022
PMI là gì? Tìm hiểu về PMI đơn giản nhất cho nhà đầu tư mới 2022
Chỉ số CCI là gì? Tìm hiểu về CCI từ A-Z cho nhà đầu tư mới bắt đầu 2022
Dịch vụ Tư vấn đầu tư trái phiếu
Như đã nhắc ở phía trên, hiện tại Cú có cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư trái phiếu miễn phí dành cho anh em. Cụ thể, Cú sẽ lọc ra những lô trái phiếu chất lượng trên thị trường về cả mặt lãi suất lẫn độ tin cậy, an toàn:
💯 Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo tốt.
💯 Có bảo lãnh thanh khoản tốt.
💯 Được Cú Thông Thái review chi tiết về doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể điền form đăng ký đầu tư trái phiếu bên chỗ Cú. Form dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh liên lạc
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://vt.tiktok.com/ZSJJKgbU4/
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969