Bật mí cách xem báo cáo kết quả kinh doanh đơn giản nhất cho F0
Ở các bài viết trước, Cú đã giới thiệu cho anh em về các chỉ số vĩ mô quan trọng. Tuy nhiên, chỉ hiểu biết và phân tích chỉ số vĩ mô không thì sẽ không đủ để anh em đầu tư. Anh em còn cần biết về tình hình hoạt động của công ty, tìm hiểu về báo cáo kết quả kinh doanh mới có thể thành công.
Giả sử, qua những gì Cú hướng dẫn, anh em biết giá cổ phiếu ngành ngân hàng sắp lên. Khi đó anh em sẽ chọn “ôm” cổ phiếu ngân hàng là dĩ nhiên.
Nhưng cổ phiếu ngân hàng thì có vô số kể, vậy phải dựa vào đâu để “chọn mặt gửi vàng”? Ta phải dựa vào kết quả hoạt động ngân hàng đó có tốt hay không.
Muốn biết một doanh nghiệp hoạt động tốt hay không, anh em phải đọc được báo cáo kết quả kinh doanh của nó. Sau đây anh em hãy cùng Cú tìm hiểu xem báo cáo này là gì nhé!
1. Báo cáo kết quả kinh doanh là gì?
1.1. Báo cáo tài chính và báo cáo kết quả kinh doanh
Trước khi tìm hiểu báo cáo kết quả kinh doanh là gì, anh em nên biết nó là 1 trong 3 loại báo cáo tài chính. Nhưng báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính là các bản ghi chép về các hoạt động kinh doanh và kết quả hoạt động tài chính của một công ty.
Đơn giản anh em nhìn vào báo cáo tài chính là biết năm nay công ty làm ăn ra sao.
Có 3 loại báo cáo tài chính lớn. Đó là báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán, và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Qua bài viết này, Cú sẽ cùng anh em đi vào tìm hiểu chi tiết về báo cáo kết quả kinh doanh trước hết.
1.2. Vì sao nhà đầu tư cần biết về BCTC?
Dù là đầu tư hay đầu cơ, Cú đoán anh em sẽ coi trọng tương lai trên hết. Vì sao Cú biết? Vì tương lai sẽ là thứ quyết định lãi – lỗ của anh em.
Nó có thể là giá cổ phiếu sẽ đi lên hay xuống? Hay giá lô đất này thay đổi thế nào? Hoặc lãi suất trái phiếu lên xuống ra sao?… Dù có là nhà đầu tư gì thì việc phân tích và dự đoán xu hướng tương lai cũng là tối quan trọng với họ.
Nhưng nó thì liên quan gì đến báo cáo tài chính? Các nhà đầu tư dựa vào báo cáo tài chính để phân tích hiện tại và dự đoán tương lai.
Anh em hãy tưởng tượng một doanh nghiệp có doanh số bán hàng năm nay là 500 tỷ VND. Dù nó là 1 con số rất lớn, nhưng đứng một mình thì nó vô nghĩa.
Có thể doanh số bán lớn thật, nhưng lợi nhuận thấp vì chi phí đầu vào quá cao. Hoặc cổ đông không được hưởng đồng nào từ 500 tỷ này do công ty giữ lại làm tiền đầu tư năm sau cho dự án mới…
Dù là gì đi nữa thì để con số 500 tỷ có nghĩa anh em phải đặt vào ngữ cảnh của công ty. Có thể anh em so sánh nó với các năm trước để thấy công ty tăng trưởng thế nào. Hoặc anh em so sánh trong năm nay để biết tính thời vụ của kinh doanh ra sao…
Do đó ta thấy nắm vững báo cáo tài chính là nhân tố quan trọng trong đầu tư. Ở các phần sau, Cú sẽ hướng dẫn cho em cách đọc và hiểu chúng!
1.3. Báo cáo kết quả kinh doanh là gì?
Ta đã tìm hiểu báo cáo tài chính là gì và chúng quan trọng thế nào. Nhưng trong đó báo cáo kết quả kinh doanh là gì và nó có vai trò gì?
Báo cáo kết quả kinh doanh nói lên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, nó có tác dụng hiển thị lãi – lỗ của doanh nghiệp trong 1 khoảng thời gian.
Ví dụ anh em đọc báo cáo kết quả kinh doanh của Techcombank (TCB). Anh em thấy năm nay doanh nghiệp có lãi nhiều hơn năm ngoái 35%.
Việc đọc báo cáo kết quả kinh doanh sẽ giúp anh em hiểu 35% này đến từ đâu. Nó có thể do Techcombank tăng doanh thu bán hàng, hoặc cắt giảm chi phí đầu vào, hoặc tăng lợi nhuận trên mỗi sản phẩm, dịch vụ bán. Nhà đầu tư đọc báo cáo này để nắm tình hình hoạt động sinh lời của công ty.
2. Tìm hiểu về báo cáo kết quả kinh doanh
Nếu anh em google “báo cáo kết quả kinh doanh”, anh em sẽ thấy một báo cáo nhiều dòng chữ, mỗi dòng đi kèm 1 chữ số.
Mỗi dòng đó là 1 đầu mục, và mỗi chữ số là giá trị của mục đó trong VND. Nhưng các mục đó có ý nghĩa gì? Sau đây anh em cùng Cú tìm hiểu nhé!
Để anh em dễ hiểu hơn, Cú sẽ lấy ví dụ là các công ty gần gũi với nhà đầu tư.
2.1. Đối với doanh nghiệp thường
2.1.1. Doanh thu thuần
Mục đầu tiên trong báo cáo kinh doanh mà anh em thấy có tên Doanh thu thuần. Nó còn có tên gọi khác là doanh thu ròng.
Để anh em hiểu tại sao có doanh thu thuần, Cú cần giới thiệu cho anh em về kế toán.
Anh em hãy tưởng tượng mình đặt đồ trên Tiki và trả trước qua ngân hàng. Giả sử đó là sách “1 vạn câu hỏi về chứng khoán” giá 100,000 đồng của bên Cú nhé.
Sau khi nhận đơn hàng và tiền, Cú sẽ ghi nhận doanh thu 100,000 VND. Nhưng nếu anh em hủy đơn hàng sau đấy thì sao?
Khi đó thì doanh thu thật của Cú là 0 VND nhưng trên sổ sách vẫn ghi 100,000 VND. Rõ ràng như vậy thì doanh thu thường không phản ánh đúng tình hình làm ăn của công ty.
Nhưng Cú không thể cứ sửa đi sửa lại mục Doanh thu mỗi khi anh em gửi trả hàng. Vì thế Cú sẽ phải thêm một mục mới có tên “Hàng trả lại” trị giá 100,000 VND.
Đến cuối năm, Cú sẽ lấy Doanh thu – Hàng trả lại để ra Doanh thu thuần. Đây là doanh thu sau khi trừ hết các khoản giảm trừ như chiết khấu, khuyến mại, trả lại hàng…
Để biết doanh nghiệp có ăn nên làm ra hay không, anh em phải nhìn đến doanh thu thuần của nó. Cụ thể hơn, anh em phải xét tăng trưởng doanh thu thuần qua các mốc thời gian.
Có 2 mốc chính mà người ta xét khi nói về doanh thu thuần. Chúng là năm này qua năm khác (YoY) và quý này qua quý khác (QoQ).
Để tính doanh thu thuần YoY, anh em có thể đi theo công thức
Doanh thu thuần YoY = Doanh thu năm nay / Doanh thu năm trước * 100%
Tương tự với 2 quý liên tiếp. Kết quả dưới dạng % sẽ giúp anh em dễ hiểu tăng trưởng hay suy giảm doanh thu thuần hơn.
Tuy nhiên, doanh thu thuần không phải là yếu tố duy nhất quyết định lợi nhuận. Nếu doanh thu anh em tăng 20% nhưng chi phí tăng những 50% thì quả không đáng. Đối với một doanh nghiệp sản xuất, thường giá vốn hàng bán sẽ là chi phí đầu vào quyết định.
2.1.2. Giá vốn hàng bán
Giá vốn hàng bán là chi phí trực tiếp để sản xuất hàng hóa bán ra của một công ty. Chi phí này bao gồm nguyên vật liệu và nhân công trực tiếp sử dụng để tạo ra hàng hóa. Nó không bao gồm các chi phí gián tiếp, chẳng hạn như chi phí phân phối và chi phí lực lượng bán hàng.
Nghe thì phức tạp nhỉ? Vậy để dễ hơn anh em hãy cùng Cú đi vào ví dụ sách của Cú nhé.
Vì Cú là nhà xuất bản nhưng không phải tác giả nên rõ ràng chi phí đầu vào có nhuận bút rồi. Để in ra một cuốn sách Cú cần đặt mua từ các nhà máy giấy. Hơn nữa Cú phải trả tiền cho nhân công in ấn…
Nhưng một điểm anh em cần chú ý là bản chất ngành nghề kinh doanh. Không phải cứ chi phí là nằm trong giá vốn hàng bán.
Khi anh em mua hàng online của Cú, chi phí vận chuyển phát sinh. Nếu Cú bán ở tiệm sách thì còn cả chi phí thuê kệ… Các chi phí này không phải giá vốn hàng bán do chúng không liên quan trực tiếp tới việc xuất bản sách.
Dĩ nhiên, báo cáo kinh doanh các ngành khác nhau sẽ có giá vốn hàng bán khác nhau. Các ngành như sản xuất ô tô, xây dựng, khai khoáng… có giá vốn cao. Ngược lại, các ngành dịch vụ như sửa chữa, phát triển phần mềm, lắp đặt… có giá vốn thấp. Vì vậy anh em phải chú ý tới bản chất ngành khi nhìn vào chi phí và lợi nhuận.
2.1.3. Lợi nhuận gộp
Khi đầu tư, một trong các tiêu chí anh em nên nhìn vào là lợi nhuận gộp. Đây là yếu tố quyết định doanh nghiệp có lợi nhuận hay không. Doanh nghiệp có lợi nhuận anh em mới hy vọng nhận được cổ tức.
Anh em hãy tưởng tượng mình là chủ một quán phở. Để dễ tính toán, Cú sẽ giả sử mỗi tô phở có giá 100,000 VND.
Khi anh em bán 1 tô phở, doanh thu của anh em sẽ là 100,000 VND. Giả sử ông bán phở hàng xóm cạnh tranh với anh em bán 100,000 VND/tô phở. Khi đó anh em nghĩ nếu Cú là nhà đầu tư Cú nên chọn ai?
Trên thực tế Cú không thể chọn vì chỉ dựa vào doanh thu thuần không nói lên nhiều điều. Doanh thu của cả 2 cùng là 100,000 VND không phải yếu tố duy nhất. Nếu chi phí anh em là 40,000 đồng/bát trong khi đối thủ là 80,000 đồng/bát thì rõ ràng Cú nên đầu tư cho anh em rồi.
Lợi nhuận gộp được sinh ra để giải quyết vấn đề làm sao để chọn chốn đầu tư khi cả hai có cùng doanh thu.
Công thức lợi nhuận gộp sẽ tính cả doanh thu và chi phí. Ví dụ như đối với 1 doanh nghiệp sản xuất, lợi nhuận gộp sẽ là:
Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán
Đối với 2 nhà bán phở, doanh thu thuần của cả 2 là 100,000 VND/bát. Anh em có lợi nhuận gộp cao hơn sẽ nói lên 2 điều.
Thứ nhất là anh em có khâu kiểm soát chi phí tốt hơn, hoặc có nguồn cung thịt giá rẻ hơn. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh nếu anh em muốn mở rộng sản xuất sau này.
Thứ hai là nó cho phép anh em một khoản “dự phòng” trong tương lai. Nếu đối thủ làm phở ngon hơn, anh em có thể cạnh tranh về giá cả mà không phải hy sinh quá nhiều lợi nhuận. Hoặc khi có lạm phát xảy ra, anh em có thể chấp nhận không tăng giá để giữ chân khách. Cả 2 đều là các thế mạnh mà nhà đầu tư quan tâm.
Một điểm nữa đó là khi anh em tìm đọc báo cáo của công ty nước ngoài, chỉ số này sẽ có cái tên EBIT hoặc EBITDA. Nó là viết tắt của Earning before interest and taxes.
2.1.4. Chi phí lãi vay
Nếu Cú hỏi “nếu anh em muốn kinh doanh nhưng không có đủ vốn thì phải làm gì?” anh em sẽ trả lời thế nào? Người thì bảo là vay người thân bạn bè, người sẽ bảo dùng tiền dành dụm được…
Trên thực tế, trong kinh doanh ít doanh nghiệp có thể một mình xoay sở tất cả. Muốn có vốn kinh doanh họ sẽ phải đi vay, mà đã đi vay thì sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi. Đây chính là chi phí lãi vay.
Cụ thể hơn, nó là chi phí lãi vay theo công thức:
Chi phí lãi vay = lãi suất (%) * khoản vay gốc
Như doanh thu và giá vốn hàng bán, chi phí lãi vay phụ thuộc và đặc thù ngành và doanh nghiệp.
Một ví dụ Cú nghĩ sẽ gần gũi với anh em là bất động sản. Khi anh em mua nhà của một công ty, thường anh em sẽ dùng tiền tiết kiệm của mình. Đó là số tiền anh em dành giụm hàng chục năm mới có được. Nhưng anh em nghĩ công ty BĐS có chừng ấy thời gian để tiết kiệm không? Thậm chí không chỉ một vài tỷ mà cả trăm tỷ? Do đó họ sẽ phải vay ngân hàng mới có vốn làm ăn.
Nếu hoạt động thuận lợi, phần lãi họ bán nhà sẽ được dùng để trả lãi suất và gốc. Nhưng nếu tình hình kinh doanh ế ẩm, lãi vay vẫn phải trả mà tiền sẽ không thấy đâu. Điều này dẫn đến họ có nguy cơ bị phá sản cao nếu không cắt chi phí chỗ khác.
Như vậy, đối với các ngành có chi phí đầu vào lớn thì chi phí lãi vay của họ cũng nhiều. Ngoài ra còn phải kể đến tính thanh khoản.
Anh em không bán được thì cứ ôm đấy chờ giá đất tăng cũng chả sao. Doanh nghiệp BĐS mà không bán được thì phải “thanh lý” ngay nếu không muốn bị siết nợ. Do đó các ngành có tài sản dễ thanh lý như tiêu dùng, may mặc, điện tử… sẽ được lợi.
Qua đó, anh em phải tìm hiểu kỹ ngành và công ty trước khi đọc báo cáo kinh doanh. Đừng vội thấy chi phí lãi vay cao mà rút tiền thì khó “về bờ” đó!
2.1.5. Lợi nhuận trước và sau thuế
Ngoài một số trường hợp đặc biệt, ở Việt Nam doanh nghiệp cứ có lợi nhuận là sẽ phải nộp thuế. Mức thuế doanh nghiệp của Việt Nam thường được tính là ở 20%.
Tại sao mức thuế này lại quan trọng? Như ở trên Cú đã nói, lợi nhuận doanh nghiệp có thể sẽ được phân bố thành cổ tức. Dĩ nhiên, việc phân bố này chỉ xảy ra nếu doanh nghiệp có lợi nhuận, tức lợi nhuận trước thuế dương.
Nhưng kể cả trong trường hợp có lợi nhuận, cổ tức của anh em cũng không được trọn vẹn. Cổ tức chỉ được phân bố từ lợi nhuận sau thuế mà thôi. Hơn nữa cổ tức tính là thu nhập, nên anh em sẽ bị đánh thuế lần 2. “Một cổ hai tròng” như vậy thì ai muốn đúng không anh em?
Do vậy, nhiều nhà đầu tư muốn doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận sau thuế. Không trả cổ tức sẽ không bị đánh thuế, và họ nhà đầu tư vẫn có thể kiếm tiền qua cách khác. Nếu cổ phiếu lên giá qua việc doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận, họ bán cổ phiếu đi cũng là một cách để kiếm tiền.
Mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và lợi nhuận giữ lại Cú sẽ nói ở các bài sau nhé!
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn dùng chiêu bài “xào nấu” sổ sách để trốn thuế. Do vậy nếu được anh em nên tìm đọc báo cáo đã được kiểm toán cho an toàn nhé!
2.2. Đối với ngân hàng
Trong nền kinh tế không chỉ có doanh nghiệp đơn thuần. Ngân hàng cũng đóng một vai trò quan trọng. Là nhà đầu tư, hẳn anh em cũng không ít lần muốn “ôm” mã BIDV hay TCB. Để anh em “về bờ” an toàn, anh em phải biết cách đọc báo cáo tài chính của họ.
Ở các phần trên, Cú đã giới thiệu với anh em về báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng với các ngân hàng thì sao? Ngành ngân hàng báo cáo có gì khác? Sau đây anh em cùng Cú tìm hiểu nhé!
Khi tìm hiểu báo cáo kết quả kinh doanh là gì của ngân hàng, ta thấy có nhiều điểm tương đồng với doanh nghiệp. Do đó Cú sẽ chỉ đi sâu vào những điểm khác biệt nổi trội thôi nhé!
2.2.1. Thu nhập lãi thuần
Thu nhập lãi thuần trong báo cáo kết quả kinh doanh là gì? Nó là thu nhập từ các khoản cho vay của ngân hàng. Như anh em đã biết, ngân hàng làm nghề kinh doanh tiền tệ. Do vậy nguồn thu của họ không phong phú.
Cụ thể hơn, thu nhập lãi thuần là thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay, và đầu tư trừ đi chi phí.
Ngân hàng chủ yếu làm về cho vay. Họ thu hút vốn qua người gửi như Cú và anh em bằng lãi suất tiết kiệm. Sau đó họ cho doanh nghiệp hoặc cá nhân vay với lãi suất cao hơn. Phần lãi suất chênh lệch sẽ chính là lợi nhuận của ngân hàng.
Ngân hàng nào huy động được lãi suất càng thấp, hoặc cho vay lãi suất càng cao lãi thuần càng lớn.
Trong ngành ngân hàng Việt Nam, huy động vốn tốt phải kể đến Techcombank. Hầu hết người gửi tiền dùng Techcombank làm tài khoản thanh toán nên không có lãi suất. Chính vì vậy mà Techcombank huy động được 1 lượng lớn vốn giá rẻ.
Đối với lãi suất cao nhất phải kể đến các ngân hàng như Bản Việt. Họ là ngân hàng đầu tư nên mạo hiểm hơn, và lãi suất vay của họ cũng cao hơn (17 – 18%).
Ngoài ra, ngân hàng còn có hoạt động đầu tư. Các ngân hàng sẽ mua bán trái phiếu, chứng khoán… như anh em mình.
Trong thời nay, rất nhiều ngân hàng mở công ty chứng khoán. Một phần vì họ muốn huy động vốn từ người chơi, một phần để kiếm lời trong bối cảnh nhà nước áp trần lãi suất.
Dĩ nhiên, không như anh em mình, các “ông lớn” chơi với công cụ và sân chơi khác. Họ có khả năng phân tích thị trường tốt hơn, dự đoán chính xác hơn, kinh nghiệm nhiều hơn… nên mới báo lãi mỗi năm hàng nghìn tỷ. Do đó, đầu tư cũng là 1 kênh chính để ngân hàng sinh lời.
Các khoản lãi khác của ngân hàng sẽ nằm trong mục Lãi thuần từ hoạt động khác. Cộng tất cả chúng lại, anh em sẽ có tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
2.2.2. Chi phí dự phòng
Không như doanh nghiệp, ngân hàng không sản xuất gì. Đầu vào của họ là tiền như đầu ra nên không có giá vốn hàng bán. Tuy vậy, ngân hàng vẫn có chi phí. Chi phí này được gọi là chi phí dự phòng.
Anh em hãy tưởng tượng mình là ngân hàng. Dù anh em có soát xét tốt đến đâu cũng không tránh được việc người vay có thể vỡ nợ. Làm sao để anh em an toàn nếu nó xảy ra?
Để đơn giản thì anh em trích lập một số tiền để dự phòng rủi ro. Giả sử Cú gửi tiền chỗ anh em 100 triệu nhé. Có người đến muốn vay 20 triệu và sẵn sàng thế chấp 10 triệu. Nếu anh em đồng ý cho vay, khoản 20 triệu kia sẽ trở thành tài sản sinh lời của anh em.
Nhưng không như tài sản công ty thường, có khả năng tài sản của anh em thành vô giá trị. Để giải đáp vấn đề này, anh em sẽ giả sử có 50% khả năng người đi vay vỡ nợ. Sau đó anh em ghi 1 khoản chi phí 10 triệu vào Chi phí dự phòng. Điều này sẽ khiến báo cáo của anh em sát với thực tế hơn và phản ánh cả rủi ro.
Trên thực tế thì chính phủ quy định các ngân hàng đặt % chi phí dự phòng tối thiểu. Số % này còn khác nhau với chất lượng nợ khác nhau. Một doanh nghiệp phát đạt đương nhiên sẽ có chi phí dự phòng thấp hơn một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ rồi.
Khi nhìn vào mục này, anh em có thể theo dõi không chỉ lượng tiền cho vay mà cả khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Nếu anh em thấy thu nhập lãi thuần giữ nguyên mà dự phòng tăng tức là ngân hàng đang cho vay rủi ro hơn.
Khi đó anh em nên cân nhắc xem có đầu tư vào mã đó không. Bởi nếu đầu tư vào mà một đống nợ của ngân hàng thành nợ xấu thì còn lâu anh em mới “về bờ” an toàn.
2.2.3. Chi phí hoạt động
Chi phí hoạt động trong kết quả kinh doanh là gì của ngân hàng? Chúng là tổng các chi phí Ngân hàng phải chi ra để hoạt động trong kỳ.
Chi phí hoạt động thường bao gồm chi phí lương, chi phí mặt bằng, khấu hao… Trong đó, chi phí lương thường chiếm tỷ trọng lớn nhất ( > 50%) tổng chi phí hoạt động của Ngân hàng.
Ngân hàng nào cũng phải có nhân viên như doanh nghiệp. Mà đã có nhân viên thì sẽ phát sinh chi phí tiền lương.
Một vấn đề lớn với ngân hàng đó là mở rộng chi nhánh đi kèm với tăng nhân công. Vì vậy, mô hình chi phí hoạt động của họ gần như sẽ luôn đi lên.
Anh em có thể hỏi vì sao ngân hàng không tự động hóa như các ngành khác. Câu trả lời của Cú là hầu hết việc môi giới và đánh giá rủi ro khó có thể tự động hóa. Vì vậy nên các ngân hàng cố hút khách qua ứng dụng điện thoại. Khách hàng sử dụng app trên điện thoại sẽ giảm 1 lượng lớn chi phí nhân viên quầy.
Bật mí cho anh em biết: đây chính là ưu điểm vượt trội của Techcombank giúp họ dẫn đầu về thu hút vốn cá nhân đó!
2.3. Tăng trưởng qua từng năm (YoY%)
Là nhà đầu tư, anh em chắc cũng biết tương lai quan trọng hơn quá khứ. Không ai bỏ tiền ra mua cổ phiếu Nokia vì nó “từng” là dẫn đầu thị trường cả. Nhưng họ sẽ bỏ ra vô số tiền để mua cổ phiếu của hãng dẫn đầu tiếp theo nếu họ biết.
Tương tự, thông tin về quá khứ có giá trị thấp hơn nhiều thông tin tương lai. Anh em không mất một xu nào để biết cổ phiếu FLC giá bao nhiêu năm ngoái. Anh em sẽ phải bỏ cả chục triệu nếu muốn dự đoán FLC sẽ thế nào năm sau. Do vậy, Cú thấy các chỉ số góp phần dự báo tương lai sẽ hữu dụng với anh em trên hết!
Một trong số các chỉ số đó là tăng trưởng qua từng năm. Nhưng vai trò của nó trong báo cáo kết quả kinh doanh là gì?
Kỳ thực, anh em có thể thấy chỉ số này ở hầu hết mọi loại báo cáo tài chính. Lý do anh em nên chú trọng trong báo cáo kinh doanh là vì nó phản ánh thay đổi về lợi nhuận.
Mọi doanh nghiệp suy cho cùng đều có mục đích tạo giá trị cho nhà đầu tư. Việc này diễn ra thường xuyên nhất qua hoạt động kinh doanh. Do đó, tăng trưởng các chỉ số lợi nhuận là rất cần thiết.
Chúng có thể đến từ tăng trưởng lợi nhuận, lãi suất cho vay… hoặc cũng có thể ở những yếu tố tiêu cực như chi phí, lãi suất gửi tiền…
Để làm rõ hơn về tăng trưởng theo năm, anh em hãy cùng Cú đi tìm hiểu các đồ thị theo thời gian nhé.
3. Cách đọc đồ thị của báo cáo kết quả kinh doanh
Để anh em dễ tìm hiểu về đồ thị, Cú thấy Techcombank có kênh nghiên cứu rất tốt qua ứng dụng TCBS.
Trên ứng dụng, anh em được truy cập vào các báo cáo tài chính mới nhất của các công ty. Ngoài ra, ứng dụng còn tính toán và vẽ hộ anh em các đồ thị của nhiều chỉ số quan trọng.
Tất cả thông tin nhà đầu tư cần biết, từ so sánh ngành tới định giá cổ phiếu đều được cập nhật trong thời gian thực. Vì vậy nên anh em luôn nắm thông tin nhanh và nhạy nhất thị trường.
Link mở tài khoản App TCBS Cú để sẵn ở đây: https://iwp.tcbs.com.vn/105C912839
Mã giới thiệu của Cú, anh em có thể nhập vào để cùng tích lũy điểm khi sử dụng nhé: 105C912839
Dưới đây, Cú sẽ giới thiệu một số đồ thị quan trọng cho anh em. Chúng bao gồm cả 2 loại hình doanh nghiệp và ngân hàng, để anh em có cái nhìn tổng quát.
3.1. Đồ thị doanh thu thuần của doanh nghiệp trong báo cáo kết quả kinh doanh
Khi nhắc đến báo cáo kết quả kinh doanh, không thể thiếu doanh thu thuần. Với vai trò như vậy, Cú sẽ cùng anh em tìm hiểu một mã nằm trong VN30 – top 30 cổ phiếu hàng đầu Việt Nam nhé.
Mã chúng ta sẽ đi vào hôm nay là Vinamilk (VNM).
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Ở trên hình, hàng ngang là mốc thời gian Cú tính sự thay đổi. Hàng dọc là doanh thu thuần của Vinamilk, với đơn vị tỷ VND.
Anh em dễ thấy doanh thu của Vinamilk tăng đều theo từng năm. Đường tăng doanh thu gần như là một đường chéo thẳng.
Một nhà đầu tư có thể dễ dàng công nhận Vinamilk không khó khăn trong bán sản phẩm. Nhưng có phải chỉ nên dựa vào đó mà mua mã này?
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Trên thực tế, khi anh em xét tăng trưởng hằng năm, VNM rõ ràng có dấu hiệu đi xuống. Một phần điều này có thể được giải thích bằng việc Vinamilk đang dẫn đầu ngành sữa. Công ty không còn chỗ để tăng trưởng nữa. Mặt khác, việc khó tăng trưởng nghĩa là anh em chỉ có đợi cổ tức chứ khó “lướt sóng” với VNM.
Qua đây, ta thấy đánh giá đồ thị phải qua nhiều yếu tố mới “chọn mặt gửi vàng” được.
3.2. Đồ thị giá vốn hàng bán của doanh nghiệp trong báo cáo kết quả kinh doanh
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Đối với giá vốn hàng bán, ta thấy công ty phải trả nhiều hơn theo thời gian. Cụ thể hơn, đường giá vốn đi xuống khá đều và thấp nhất ở năm 2021. Vì giá vốn là chi phí nên nó âm và đi ngược chiều lợi nhuận.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất như Vinamilk, việc này cũng là dễ hiểu. Để bán thêm được một sản phẩm, họ phải thêm chi phí đầu vào cho sản phẩm đó. Điển hình ở đây là giá thành hộp và bình đựng. Vinamilk càng làm nhiều thì chi phí cho chúng càng tăng.
Việc này sẽ làm tổng chi phí thay đổi dựa trên giá sản phẩm nên nó gọi là chi phí biến đổi. Nếu doanh nghiệp anh em toàn chi phí biến đổi, tỷ lệ lợi nhuận anh em dù doanh thu nhiều mấy cũng không tăng.
Tuy nhiên, để ý kĩ anh em sẽ thấy đường cong của chi phí thẳng hơn đường cong của doanh thu. Điều này nghĩa là doanh thu đang tăng nhiều hơn chi phí. Vì sao Vinamilk làm được vậy?
Đó là do 1 phần chi phí của Vinamilk là chi phí cố định. Chi phí đó sẽ không đổi dù Vinamilk có sản xuất bao nhiêu sữa đi chăng nữa. Ví dụ như Vinamilk xây một nhà máy. Vinamilk làm 10,000 hay 10,000,000 bình sữa chi phí xây cũng như nhau.
3.3. Đồ thị lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong báo cáo kết quả kinh doanh
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Đến đây Cú không cần tính YoY% vẫn biết xu hướng chung của lợi nhuận gộp của Vinamilk là tăng. Anh em có đoán được vì sao không?
Như Cú giải thích ở trên, lợi nhuận gộp đến từ doanh thu – giá vốn. Do Cú đã biết doanh thu tăng nhiều hơn giá vốn, nên từ đó suy ra lợi nhuận.
Cụ thể hơn, lợi nhuận gộp tăng đều cho đến 2020 và bắt đầu giảm ở 2021. Vinamilk có thể vẫn chưa phục hồi từ Covid, hoặc đây là tín hiệu của việc tăng trưởng chậm của công ty.
3.4. Đồ thị thu nhập của ngân hàng trong báo cáo kết quả kinh doanh
Bắt đầu từ mục này, Cú sẽ cùng anh em tìm hiểu đồ thị ngân hàng. Trong báo cáo kết quả kinh doanh của họ thì thu nhập lãi thuần quan trọng nhất.
Để anh em thấy rõ hơn, ví dụ cụ thể của Cú sẽ là đồ thị của Techcombank. Đây không chỉ là “ông lớn” ngành ngân hàng mà còn thuộc top VN30. Nhưng hơn thế nữa, Cú muốn chọn một ngân hàng tư 100% để anh em có cái nhìn chuẩn nhất.
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Ở Thu nhập lãi thuần, ta dễ thấy xu hướng chung của TCB là tăng trưởng mạnh. Trong thời gian 5 năm, thu nhập lãi thuần của họ đã tăng gần 300%. Cụ thể hơn, mục này tăng từ 8,900 tỷ VND lên 27,000 VND.
Ta dễ thấy huy động đầu vào và cho vay đầu ra của Techcombank hoàn toàn không có trở ngại.
Tuy vậy, lãi từ cho vay không phải khoản lãi duy nhất của ngân hàng. Nếu anh em nhìn vào đồ thị, anh em sẽ thấy sự thật ít lạc quan hơn.
Từ đồ thị, ta thấy việc đầu tư và dịch vụ của TCB không mang lại nhiều lợi nhuận. Tất cả đều “nằm đáy” so với việc cho vay.
Trong số 4 nguồn lợi nhuận, có đến 3 nguồn không hiệu quả. Vậy mà Tổng thu nhập vẫn tăng đều đều. Từ đó chứng tỏ TCB lệ thuộc nhiều vào việc cho vay. Việc này có mặt tốt và xấu.
Nếu anh em lạc quan, anh em sẽ chỉ ra rằng ngân hàng tập trung cho vay là đúng. Việc cho vay “gánh” các khoản lợi nhuận còn lại cũng có nghĩa là ngân hàng đang làm rất hiệu quả mảng này.
Nhưng mặt khác, nó cũng có nghĩa là TCB đang bỏ hết trứng vào một giỏ. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn khi có hiện tượng phá sản hay vỡ nợ hàng loạt. Việc này mang lại rủi ro cao.
3.5. Đồ thị chi phí của ngân hàng trong báo cáo kết quả kinh doanh
Như ở trên Cú nói, Techcombank tập trung vào cho vay lấy lãi suất sẽ có rủi ro. Ta có thể thấy rõ điều đó qua đồ thị chi phí dự phòng rủi ro dưới đây.
(Nguồn: https://tcinvest.tcbs.com.vn)
Khi nhìn vào chi phí dự phòng rủi ro, ta thấy một điểm khác lý thuyết. Mục này của TCB gần như không đổi dù đáng ra nó phải tăng do tỷ trọng cho vay của TCB tăng lên.
Để lý giải, anh em nên nhớ trích lập dự phòng có mục đích chính là giảm rủi ro. Nếu không trích lập thì ngân hàng sẽ coi mọi khoản vay là lãi, gây sai lệch báo cáo.
Tuy nhiên, trên thực tế có khá nhiều khoản vay rủi ro thấp hoặc không rủi ro. Theo quy định của nhà nước, các khoản vay chất lượng tốt ngân hàng cũng không cần trích lập.
Ngoài ra, việc trích lập rủi ro cũng dựa vào tài sản bảo đảm. Anh em vay 2 tỷ mà thế chấp bằng 1 căn nhà 10 tỷ thì dĩ nhiên sẽ không có rủi ro rồi. Không trả được nợ thì ngân hàng sẽ thanh lý tài sản của anh em thôi.
Techcombank như vậy hoặc rất khắt khe trong khâu tài sản thế chấp, hoặc có khách hàng chất lượng rất cao. Phải vậy mới lý giải được tại sao họ không chịu rủi ro dù tăng cho vay.
Chi phí hoạt động của họ cũng đi xuống. Đây là một cách tiết kiệm chi phí và thường không phản ánh tệ cho ngân hàng. Tuy nhiên, nếu chi phí hoạt động và lợi nhuận đều giảm phải nghĩ đến việc ngân hàng đang gặp khó khăn và đóng cửa chi nhánh.
Lời kết
Qua bài viết này, Cú mong anh em đã hiểu báo cáo kết quả kinh doanh là gì, cách tìm hiểu về báo cáo kết quả kinh doanh, đồ thị của báo cáo kết quả kinh doanh đọc thế nào, và sự khác nhau giữa các ngành ảnh hưởng gì tới báo cáo này.
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về báo cáo kết quả kinh doanh cũng như các tác dụng của nó. Cú muốn chia sẻ một cách chi tiết để anh em dễ hình dung ngay từ đầu. Bài viết “báo cáo kết quả kinh doanh” có mục lục, anh em có thể bấm đến những nội dung muốn tìm hiểu. Đồng thời đọc đi đọc lại những phần chưa hiểu rõ.
Nếu còn điều gì thắc mắc về hội nghị này, anh em có thể inbox cho Cú.
Ngoài ra, anh em cũng nên trang bị cho mình các kiến thức vĩ mô khác hữu ích với nhà đầu tư.
Anh em có thể bắt đầu từ series Các chỉ số vĩ mô cần chú ý của Cú như:
GDP là gì? Những điều nhà đầu tư chứng khoán mới cần biết 2022
Tỷ giá hối đoái là gì? Tất tần tật từ A-Z cho nhà đầu tư mới
Chỉ số CCI là gì? Tìm hiểu về CCI từ A-Z cho nhà đầu tư mới bắt đầu 2022
Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú
Ngoài ra để hiểu rõ hơn chứng năng cũng như cách phân tích chuyên sâu 1 báo cáo kết quả kinh doanh anh em có thể học thêm. Hiện tại Cú có cung cấp khóa học chứng khoán với những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho anh em. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Cú sẽ giúp anh em:
💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.
💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.
💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.
Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc nhé!
Chúc anh em đầu tư thành công!
Các kênh liên lạc
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://vt.tiktok.com/ZSJJKgbU4/
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969