GDP là gì? Những điều nhà đầu tư chứng khoán mới cần biết 2022
– GDP là gì?
– Chỉ số GDP tăng hay giảm có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nói chung? Thị trường chứng khoán nói riêng?
– Là một nhà đầu tư chứng khoán, vì sao chúng ta cần quan tâm đến chỉ số GDP? Và cần quan tâm những điều gì?
– Cách ứng dụng thực tiễn của nó ra sao?
Có rất nhiều vấn đề xoay quanh chỉ số GDP mà một nhà đầu tư chứng khoán cần và phải biết. Để giải đáp những thắc mắc đó, anh em có thể tham khảo bài viết GDP là gì? Những điều nhà đầu tư chứng khoán mới cần biết này của Cú nhé!
1. GDP là gì?
GDP là viết tắt của Gross Domestic Product, hay còn gọi là Tổng sản phẩm quốc nội.
Để tìm hiểu hết mọi thứ về một nền kinh tế là hết sức khó khăn. GDP giúp ta gói gọn mọi thông tin vào 1 con số.
(Nguồn: nhandan.vn)
Tuy nhiên, “tổng sản phẩm” là một yếu tố khá mơ hồ. Để tìm GDP là gì, người ta cộng tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu chính phủ, và xuất (nhập) siêu.
Hãy coi gia đình anh em là một quốc gia và có cửa hàng kinh doanh nhỏ. Mỗi tháng anh em phải chi tiêu sinh hoạt, bán hàng, và còn nhiều khoản chi khác. Tất cả sẽ tương tự như các thành phần của GDP:
GDP = C + I + G + (X – M)
1.1. Ví dụ
Quay lại với gia đình của anh em nhé. Một tháng anh em bán được 40 triệu tiền hàng, giá vốn là 10 triệu. Anh em chi 5 triệu tiền học cho con cái. Đồng thời do làm ăn phát đạt nên anh em mở rộng cửa hàng hết 20 triệu. Cuối cùng, chi tiêu dùng của anh em là 10 triệu.
Theo công thức:
- C là chi tiêu dùng như điện, nước… hết 10 triệu.
- I là chi mở rộng kinh doanh hết 20 triệu
- G là chi tiêu chính phủ. Chính phủ là anh em, con cái là dân. G hết 5 triệu.
- X là xuất khẩu, M là nhập khẩu. X – M chính là lợi nhuận 1 tháng của anh em. Nó tương đương doanh thu – giá vốn hàng bán. X – M = 30 triệu. Nếu anh em bị lỗ thì con số này sẽ âm.
Như vậy GDP 1 tháng của nhà anh em sẽ là 10 + 20 + 5 + 30 = 65 triệu VND.
1.2. Công thức tính GDP là gì?
C – Tiêu dùng là việc mua hàng hóa và dịch vụ vì tiện ích hiện tại. Anh em có thể hiểu là gia đình mình bỏ bao nhiêu tiền cho ăn mặc, điện nước… sẽ được tính vào đây. Như vậy thì chữ C giống “giỏ hàng” khi ta tính lạm phát đó!
I – Đầu tư là chi tiêu cho tư liệu sản xuất vì tiện ích trong tương lai. Ở đây, nếu anh em xây nhà, nó sẽ tính vào tiền đầu tư của gia đình. Nhưng một tháng xây một cái nhà thì thật là khó tin. Do đó phần lớn của I là anh em mở rộng quán chè.
CHÚ Ý: I là Investment nghĩa là đầu tư. Nhiều anh em nhầm tưởng rằng việc mua cổ phiếu hay trái phiếu sẽ được tính vào GDP. Trên thực tế chúng không được tính vào GDP vì không tham gia vào hoạt động sản xuất.
G – Chi tiêu chính phủ. Đây là phần khó liên hệ với bản thân nhất. Nếu anh em coi gia đình là một đất nước thì G cũng chính là C ở trên. Anh em có thể vào vai con cái mình. Tiền tiêu vặt sẽ là chi tiêu tiêu dùng. Khi đó tiền bố mẹ đóng học chính là chi tiêu chính phủ.
CHÚ Ý: Chi tiêu chính phủ phải trừ đi thuế trước khi tính. Nguyên nhân là do chi tiêu chính phủ phần lớn đến từ thuế.
X – M – Giá trị xuất khẩu trừ giá trị nhập khẩu. Nếu gia đình anh em là hộ kinh doanh, thì xuất khẩu là hàng bán được, còn nhập khẩu là giá vốn đó. Như vậy thì X – M chính là lợi nhuận hằng tháng rồi!
1.3. Tìm hiểu về GDP qua DailyFX thế nào?
Một cách đơn giản là anh em có thể lên trang DailyFX. Đây là lịch báo kinh tế mà rất nhiều chuyên gia cùng sử dụng để cập nhật thông tin vĩ mô quan trọng hàng ngày. Những thông tin trên đây thường có ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường chứng khoán. Vì vậy hầu hết các nhà đầu tư đều không bỏ qua trang thông tin này.
Trên đây, anh em có thể tìm thấy các chỉ số về tăng trưởng GDP theo năm, theo quý, và theo tháng. Mỗi chỉ số có biên độ khác nhau. Tức mỗi chỉ số có thể chênh lệch ít hoặc nhiều so với dự báo, hoặc đúng như dự báo.
Ngoài ra, anh em còn có thể xem cấu trúc của GDP một nước. Cụ thể là trong tăng trưởng GDP nước đó tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu… đóng góp bao nhiêu. Các chỉ số này thường ít quan trọng hơn GDP tổng thể.
(Nguồn: dailyfx.com)
Nếu anh em để ý sẽ thấy các mục High – Medium – Low, tương đương Cao – Vừa – Thấp. Chúng đại diện cho độ quan trọng của chỉ số đó của quốc gia đó đối với thị trường. Thường các sự kiện Cao gây biến động thị trường nhiều nhất.
Tầm ảnh hưởng của chúng còn được sắp xếp theo quốc gia. Nhật Bản có tầm quan trọng với kinh tế thế giới. Vì thế nên tăng trưởng GDP của Nhật là thông tin quan trọng. Còn anh em nghĩ tăng trưởng GDP của Colombia có gây xáo trộn thị trường không?
Ngoài ra, DailyFX cũng cho anh em biết tăng trưởng GDP tương lai qua mục dự báo sơ bộ. Đây sẽ là công cụ quan trọng để anh em kiếm lời từ GDP trong mục Ứng dụng thực tiễn.
2. Các khía cạnh của GDP
Để minh họa cho các khía cạnh của GDP, chúng ta phải đi từ định nghĩa GDP là gì. Thoạt đầu nếu chỉ nhìn định nghĩa thì anh em sẽ thấy khá đơn giản. Khi đi sâu chúng ta mới thấy hiện lên một số vấn đề.
(Nguồn: dreamstime.com)
2.1. Khía cạnh của GDP về “giá thị trường”
Thứ nhất, khía cạnh của GDP về “giá thị trường” là cách chọn thước đo. Lý do vì chỉ số này là tổng cộng của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau.
Hãy thử tưởng tượng 2 người mua cùng 1 chiếc xe ô tô. Mức giá mà 2 người đưa ra có thể chênh lệch lên đến vài trăm triệu. Nếu chỉ chọn một bên làm giá xe thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính chính xác của GDP.
Vài trăm triệu đồng một chiếc xe thì 10,000 chiếc là chênh lệch GDP đã cả nghìn tỷ đồng. Do vậy chúng ta phải lấy giá thị trường. Tức là giá mua xe mà nhiều người cho là hợp lý nhất, để tính GDP của xe.
2.2. Khía cạnh của GDP về “tất cả”
Thứ hai, khía cạnh của GDP về “tất cả” là nói về sự bao hàm. GDP gồm mọi hàng hóa trong nền kinh tế và trên thị trường. Sự bao hàm này cũng có giới hạn vì nó không thể tính được giá trị của các món hàng “ngầm”.
Nhưng “ngầm” ở đây không có nghĩa là phi pháp. Ví dụ anh em mua lại chiếc xe đạp cho con từ Cú nhưng chỉ nói miệng và thanh toán mà không có giấy tờ. Đây cũng là kinh tế “ngầm” vì hai bên không có giấy tờ. Do đó chính phủ sẽ không thể tính được GDP.
“Tất cả” cũng không thể tính được sản phẩm sản xuất trong gia đình. Do đó nếu 1 thợ làm bánh giữ lại một phần cho gia đình ăn thì GDP sẽ giảm. Dù trên thực tế tổng năng suất quốc gia không thay đổi.
Ngoài ra, buôn lậu hay hàng giả cũng không tính là đóng góp vào GDP. Nếu chính phủ mà tính chính xác được thì những hoạt động đó đã không còn. Lý do vì dĩ nhiên phải bắt được mới tính chính xác được đó anh em. Các hoạt động này chỉ có thể ước tính mà thôi.
(Nguồn: baodanang.vn)
Một số người cho rằng việc hợp pháp hóa cần sa là tốt. Họ biện luận rằng nó sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước. Khi đó người trồng sẽ không “ngầm” nữa. Họ sẽ đóng thuế và đóng góp vào tăng trưởng GDP!
2.3. Khía cạnh của GDP về “hàng hóa và dịch vụ”
Khía cạnh của GDP thứ ba là “hàng hóa và dịch vụ”. Tức là anh em mua ô tô (hàng hóa) hay thuê xe (dịch vụ) thì đều nằm trong GDP.
2.4. Khía cạnh của GDP về giá trị “cuối cùng”
Khía cạnh của GDP thứ tư là giá trị “cuối cùng” của hàng hóa và dịch vụ. GDP không bao gồm giá trị của hàng hóa hay dịch vụ trung gian. Nếu ta tính cả giá trị trung gian vào GDP, nó sẽ bị “đội” lên nhanh chóng.
Quay lại ví dụ về người thợ làm bánh. Để làm bánh bác ta cần bột mì, và người bán bột mì cần lúa mì từ nông dân. Người nông dân bán lúa mì với giá 100,000 VND. Người bán bột mì mua lúa mì và bán bột mì với giá 200,000 VND cho thợ làm bánh. Người thợ làm bánh bán lại chiếc bánh với giá 300,000 VND cho người tiêu dùng.
300,000 VND là GDP của quá trình này. Nếu tính cả các sản phẩm trung gian thì GDP sẽ tăng gấp đôi. Lý do vì 100,000 + 200,000 + 300,000 = 600,000 VND.
Nguyên nhân vì trong giá bánh đã có giá trị tăng thêm ở mỗi giai đoạn sản xuất (100,000).
(Nguồn: tienphong.vn)
Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp bột mì không bán hết lượng bột sản xuất thì sao? Số hàng tồn kho đó sẽ được tính là sản phẩm cuối và tính vào GDP.
3. So sánh GDP quốc tế và xu hướng GDP
Đến giờ anh em chắc đã rõ GDP là gì, GDP tính thế nào, và các khía cạnh của GDP. Nhưng anh em nghĩ làm sao để so sánh GDP các nước? Chắc các anh em cho rằng nó cũng đơn giản. Nhưng thực tế việc so sánh GDP này khá phức tạp đó.
3.1. Xếp hạng GDP quốc tế
Quay lại với ví dụ về GDP của gia đình. Anh em hãy tưởng tượng xếp hạng GDP thế giới như khu phố nhà mình ý. Trong một khu phố bao giờ cũng có kẻ giàu người nghèo.
Trong “khu phố” của chúng ta thì ta thấy 2 ông Mỹ và Trung Quốc có nhà to nhất. Nhưng nếu ông Mỹ là thuộc bề “giàu 3 họ”, thì ông Trung Quốc mới “phất lên” cách đây vài chục năm thôi.
(Nguồn: quỹ tiền tệ quốc tế IMF)
Vậy nhưng anh em sẽ thấy xếp hạng GDP các “ông lớn” trong top 10 gần như không thay đổi. 40 năm vẫn những cái tên Mỹ, Anh, Pháp, Nhật…
Nguyên do vì các “ông lớn” có lợi thế độc địa. Trung Quốc đất rộng người đông, các công ty có “bệ phóng” là rất tốt. Mỹ không chịu ảnh hưởng chiến tranh trong hơn 400 năm. Các nước châu Âu có hơn 1 thế kỷ khai thác tài nguyên của thuộc địa…
Vậy còn Việt Nam đang đứng ở đâu trong bảng so sánh GDP? Nếu tại 1980 ta đứng thứ 41, thì sau 40 năm ta đã vươn lên…37.
Thoạt nhìn có vẻ nước ta không vươn lên nhiều lắm. Nhưng chỉ xếp hạng GDP ít ý nghĩa. Nếu những năm 80 GDP nước ta là 35 tỷ USD, thì đến 2020 đã lên đến 341 tỷ USD.
Bởi vậy mới thấy xếp hạng GDP không nói lên nhiều. Nó không phản ánh sự phồn vinh của đất nước. Nó cũng không nói gì về chất lượng cuộc sống của người dân.
3.2. Cách so sánh GDP
Thoạt nhìn so sánh GDP có vẻ đơn giản. Quỹ tiền tệ quốc tế nhận số liệu GDP các nước. Sau đó họ kiểm tra tính chính xác rồi so sánh. Nhưng có một “cái bẫy” khá tinh vi.
Anh em tưởng tượng nhà anh em và nhà ông Tây hàng xóm đều bán trà đá. Menu giống nhau, một ngày đều bán được 100 cốc. Liệu GDP thực tế của hai người có khác nhau?
Câu trả lời là “không”, vì năng suất đều như nhau – 100 cốc trà. Nhưng hãy giả sử anh em thu 10,000 đồng/cốc. Nhà hàng xóm thu 1 USD/cốc. Ta biết 1 USD = 23,000 VND. Sau 1 ngày, GDP hàng xóm sẽ gấp 2.3 lần nhà anh em!
Để tránh sự “khập khiễng” này, người ta tính GDP bỏ qua tỷ giá. Quy về 1 mệnh giá, để tính chung cho các quốc gia trên sản lượng từng nước bán được. Ví dụ họ sẽ coi giá cốc trà ở cả 2 nhà là 1 USD. Trong ví dụ trên, vì cả 2 nhà đều bán 100 cốc trà, nên GDP sẽ cùng là 100 USD.
(Nguồn: quỹ tiền tệ quốc tế IMF)
Cách so sánh GDP này cho ta thấy góc nhìn thực tế hơn. Để GDP nước A vượt nước B, A buộc phải sản xuất nhiều hơn B. A không thể dựa vào tỷ giá như trước nữa. Theo cách so sánh GDP này thì GDP Trung Quốc vượt Mỹ đó anh em!
Còn với Việt Nam thì sao? Tin mừng là nếu so sánh GDP chính xác, nước ta xếp hạng GDP từ 37 lên thành 24. Sau 40 năm nhảy hàng chục bậc sẽ là xu hướng chung của khu vực.
3.3. Xu hướng GDP quốc tế
Chuyện xảy ra ở Việt Nam cũng là xu hướng GDP của rất nhiều quốc gia châu Á khác. Trung Quốc từ thứ 11 nhảy lên thứ nhất. Ấn Độ từ thứ 10 nhảy lên thứ 3. Hàn Quốc từ 34 lên 14…
Có thể thấy, thế kỷ 21 chính là “thế kỷ châu Á”. Ngoài Nhật Bản đi trước đón đầu ra, các sự nhảy vọt còn lại là một điều kỳ diệu. Trong số các quốc gia châu Á này, không thể không kể đến “tứ long”.
Nghe cái tên đã thấy “hoành tráng” phải không anh em? Nhóm này gồm Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Diện tích lẫn dân cư đều thấp, nhưng họ trở thành các trung tâm tài chính và công nghiệp lớn.
Nhưng châu Á không chỉ có “tứ long” mà còn cả “ngũ hổ”. Đây là các nước phát triển nhất Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
(Nguồn: Wikipedia)
Điểm chung của rồng và hổ là tập trung xuất khẩu. Nếu coi hàng trà của anh em là Việt Nam, thì cả chi phí chè lẫn nhân công đều thấp. Nhờ vậy, anh em có thể bán 1 USD/cốc mà vẫn lời. Lời cao hơn quán trà Tây, anh em sẽ thu hút được vốn Tây đầu tư. Xu hướng GDP của anh em cũng nhờ vậy mà tăng!
Nếu Cú là khách Tây, Cú sẽ uống ở quán rẻ hơn. Dĩ nhiên Cú sẽ chọn quán của anh em rồi!
Đây là chiến lược “tập trung xuất khẩu” đó. Nó giải thích việc xu hướng GDP của “tứ long” và “ngũ hổ” đại diện cho “thế kỷ châu Á”.
4. Ứng dụng thực tiễn của GDP với nhà đầu tư
Ta có thể thấy khi GDP tăng, sẽ dẫn đến:
- Hoặc nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng (yếu tố C trong công thức).
- Hoặc doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất (yếu tố I trong công thức).
- Hoặc đất nước đang có xuất siêu mạnh (yếu tố X – M).
- Hoặc chính phủ đang kích thích kinh tế qua tăng chi/giảm thu (yếu tố G).
Dù là yếu tố nào chúng cũng là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế cao, do đó đẩy định giá các công ty và thị trường chứng khoán lên cao.
4.1. Ứng dụng thực tiễn của GDP là gì trong thị trường ngoại hối?
Muốn hiểu ứng dụng thực tiễn của GDP trong thị trường ngoại hối ta phải hiểu ngoại hối là gì? Ngoại hối là 1 dollar Mỹ bằng bao nhiêu đồng Việt Nam đó anh em. Giá trị VND càng cao, 1 USD càng đổi được ít.
(Nguồn: toptradingforex.com)
Như anh em thấy ở trên, xuất nhập khẩu ảnh hưởng lớn tới GDP.
Vậy ứng dụng thực tiễn của GDP là gì? Quay lại ví dụ trà đá, hãy tưởng tượng anh em bán cho Cú nhé. Cú sẽ trả anh em bằng Euro. Để tiêu được Euro anh em phải đổi ra VND. Mệnh giá hiện là 1 Euro = 24,000 VND.
Như vậy, anh em có thể thấy GDP bị ảnh hưởng thế nào bởi tỷ giá hối đoái. Nếu Cú vẫn trả anh em 1 Euro/cốc trà, nhưng hôm sau 1 Euro = 50,000 VND thì sao? Anh em sẽ tự dưng lời to dù không hề nâng giá 1 cốc trà.
Nên nhớ rằng GDP của anh em đang tính theo VND. Việc 1 cốc trà từ 24,000 VND lên 50,000 VND khiến GDP của anh em tăng gấp đôi! Như vậy ta thấy ở nước xuất khẩu, tỷ giá giảm = GDP tăng.
Với nhà đầu tư, đây chính là ứng dụng thực tiễn của GDP. Việt Nam là nước xuất khẩu. Khi GDP tăng vì xuất siêu mệnh giá tiền Việt Nam sẽ giảm. Anh em có thể đầu cơ hối đoái qua việc bán khống tiền Việt Nam.
Cụ thể hơn, anh em sẽ vay tiền Việt Nam, đổi qua USD chốt lời. Khi GDP tăng và mệnh giá VND giảm, anh em mua lại VND thấp hơn. Phần chênh ra chính là tiền lãi đó!
4.2. Ứng dụng thực tiễn của GDP là gì trong cổ phiếu?
Trước hết, ta phải hiểu các nền kinh tế đi theo chu kỳ. Đỉnh một chu kỳ là khi GDP tăng trưởng cao nhất. Đáy chu kỳ là khi kinh tế suy thoái.
(Nguồn: finandlife.com)
(Phần này Cú đã có giải thích tường tận hơn ở bài Lạm phát là gì? (Inflation rate) anh em tham khảo nhé)
Khi thấy GDP đang tăng trưởng cao, lập tức phải nghi ngờ mình đang ở đỉnh. Khi đó, ứng dụng thực tiễn của GDP là giúp nhà đầu tư chọn cổ phiếu.
Nếu thu nhập anh em tăng, chắc anh em cũng nghĩ đến tiêu xài chứ? Khi GDP tăng, thường tiêu dùng cũng tăng theo và ngược lại. Để đáp ứng nhu cầu, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Vì vậy mà đầu tư cũng tăng.
Cả tiêu dùng và đầu tư đều tăng, tức là thị trường chứng khoán đang đà lên. Khi người dân dư dả, họ sẽ có tiền mua nhà, xe, nghỉ mát… Anh em nên chọn các cổ phiếu bất động sản, du lịch, xe cộ…
Khi GDP giảm, phải nghĩ ngay đến suy thoái. Lúc này ứng dụng thực tiễn của GDP vẫn sẽ như cũ. Anh em nên chọn đầu tư các ngành “chống chịu” suy thoái tốt.
Giả sử gia đình anh em thu nhập giảm, anh em có nhịn đói đi làm không? Hay liệu anh em sẽ không uống thuốc lúc ốm đau?
Dù nền kinh tế có tồi tệ đến đâu, mọi người vẫn cần thực phẩm, thuốc men và điện nước. Đầu tư vào chúng là cách phòng thủ an toàn. Ngoài ra, anh em cũng có thể bán khống cổ phiếu bất động sản, du lịch, xe cộ…
4.3. Ứng dụng thực tiễn của GDP là gì trong trái phiếu?
Khi GDP giảm và kinh tế suy thoái, Cú nghĩ trái phiếu cũng là một trong những kênh trú ẩn an toàn mà anh em có thể lựa chọn. Vì sao lại như thế?
Trái phiếu là 1 loại công cụ tài chính như cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu đôi khi thì “được ăn cả, ngã về không”. Anh em sẽ chọn đồng hành cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có lời thì anh em mới có cổ tức. Doanh nghiệp phá sản thì cổ phiếu thành giấy vụn!
Trái phiếu có tác dụng biến anh em thành chủ nợ của doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp làm ăn thế nào anh em cũng được ưu tiên thanh toán khoản nợ đó trước. Tiền đó đến từ lãi suất trên trái phiếu.
(Nguồn: vietnamnews.vn)
Khi kinh tế suy thoái, hầu hết các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Lúc này thì đào đâu ra cổ tức để trả anh em? Nhưng nếu anh em có trái phiếu thì cứ “bình chân như vại” mà tận hưởng thôi. Doanh nghiệp phá sản cũng phải thanh lý tài sản để hoàn vốn cho anh em!
Vì vậy, ứng dụng thực tiễn của GDP trong đầu tư trái phiếu là giúp dự báo tương lai. Dựa vào tăng trưởng/suy giảm GDP mà anh em biết nên chọn đầu tư trái phiếu hay cổ phiếu.
4.4. Ứng dụng thực tiễn của GDP là gì trong giá hàng hóa?
Giờ chắc anh em cũng hiểu khi GDP tăng thì chi cho tiêu dùng sẽ tăng mạnh. Các món hàng dựa vào thu nhập khả dụng sẽ tăng giá theo. Vậy ứng dụng thực tiễn của GDP là gì nếu anh em muốn đầu tư sản vật?
Khi đó anh em sẽ phải tìm đến thị trường phái sinh về sản vật. Ví dụ anh em thấy GDP tăng và biết dầu sẽ tăng. Nguyên nhân vì xăng dầu rất cần thiết để mở rộng sản xuất.
(Nguồn: dreamstime.com)
Anh em sẽ chọn giá mua dầu trong tương lai và “khóa” giá đó. Đến ngày đấy trong tương lai, giá “khóa” của anh em thấp hơn giá thị trường 10 USD. Tức là anh em sẽ được mua dầu rẻ hơn mọi người 10 USD. Khi đó anh em bán lại là có lãi.
Giả sử đến ngày đó Cú đang cần mua dầu. Anh em đang bán dầu thấp hơn thị trường 5 USD. Cú có thể mua trên thị trường. Nhưng vì giá dầu anh em rao bán thấp hơn nên Cú sẽ mua của anh em. Thế là cả Cú và anh em đều lãi 5 USD rồi!
Các loại hàng hóa công nghiệp có xu hướng tăng mạnh với GDP. Chúng bao gồm đồng, nhôm và tất nhiên, dầu. Ngoài ra anh em có thể đầu cơ các mặt hàng xa xỉ như cà phê, đường và ca cao.
Ngược lại, khi GDP suy thoái, vàng, bạc và bạch kim sẽ nổi lên. Chúng là “chỗ trú an toàn” cho tiền trong thị trường. Anh em có thể đầu cơ các món này trong suy thoái.
5. Các hạn chế của GDP là gì?
5.1. Các hạn chế của GDP về số liệu
- GDP không tính đến việc tốc độ phát triển của đất nước có bền vững không. “Rừng vàng biển bạc” của Việt Nam khai thác hết mức thì sẽ đẩy GDP nước ta tăng cao. Nhưng khi đó đến đời con cháu chúng ta sẽ là người bị thiệt vì cạn kiệt nguồn tài nguyên.
- GDP chỉ đo số lượng mà không đo chất lượng. Khi trà ở quán anh em ngon hơn, hạn chế của GDP là sẽ không nhận thấy nó.
- Hạn chế của GDP còn ở việc không đo được kinh tế “ngầm”. Các nước phụ thuộc vào chúng có thể rất năng suất. Nhưng chỉ nhìn vào GDP sẽ trông như đang tụt hậu.
- GDP không tính đến ảnh hưởng gián tiếp. Một nhà máy ô nhiễm sẽ làm giảm GDP gián tiếp do sức khỏe người dân giảm sút. Một công ty làm vaccine không chỉ tăng GDP qua bán vaccine. Nó còn tăng gián tiếp qua sức khỏe người dân.
5.2. Các hạn chế của GDP về hiệu quả
- Hạn chế của GDP lớn nhất là không phản ánh được phân hóa giàu nghèo.
Một tỷ phú chuyển về biệt thự mới xây ở quê ông ta. Bình quân GDP đầu người của cả ngôi làng đó sẽ tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên hầu hết người dân trong làng sẽ không cảm thấy thay đổi gì. Chất lượng cuộc sống của họ không khác trước.
Liệu anh em có cảm thấy vui không khi thu nhập tăng lên 20 triệu đồng/tháng? Nhưng nếu đó là vì do có 1 “đại gia” chuyển đến cạnh nhà thì sao?
(Nguồn: vietnamnews.vn)
- Một hạn chế của GDP nữa là nó chỉ phản ánh kích cỡ của nền kinh tế. Một nền kinh tế lớn hơn chưa chắc cuộc sống của người dân sẽ tốt hơn.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF 2020, GDP trên đầu người Singapore và Mỹ xấp xỉ nhau. Khoảng $79,576 VS $76,027. Nhưng chi phí sống ở Singapore thấp hơn nhiều Mỹ dẫn đến mức sống của người dân Singapore cao hơn.
- GDP coi việc xây dựng lại sau một trận động đất là làm tăng GDP. Dù trên thực tế năng lực sản xuất bị thu hẹp nhiều.
- GDP không tính đến lạm phát dù lạm phát có thể cao hơn tăng trưởng GDP.
- Hạn chế của GDP là gì trong thời đại số? Nó không đo được giá trị của Internet. Anh em có mọi tri thức của nhân loại qua wikipedia, GDP coi nó là vô giá trị. Anh em mua hàng online, không cần nhân viên hỗ trợ. GDP đã giảm vì bớt 1 lao động sản sinh GDP.
6. Các chỉ số thay thế GDP là gì?
Nếu GDP có nhiều hạn chế như vậy, hẳn phải có người nghĩ tới việc thay thế nó. Sau đây Cú sẽ giới thiệu với anh em vài chỉ số thay thế.
6.1. GDP thực
Như ở trên chúng ta có đề cập đến một điểm yếu của GDP. Cái đầu tiên là lạm phát.
Nếu anh em để ý thì thấy mình có thể “gian lận” GDP khá đơn giản. Quay lại ví dụ nhà anh em bán trà đá. Nếu một ngày anh em chỉ bán được 10 cốc, anh em sẽ “gian lận” GDP thế nào?
Anh em chỉ cần nâng khống giá 1 cốc trà lên. Vì giá đắt lên, nó tương tự như việc người mua bị lạm phát. Đến hết ngày khi tính GDP, anh em sẽ có nguồn thu “khủng” dù tổng sản lượng không đổi. Như thế là GDP tăng rồi!
Qua đó ta thấy GDP có thể bị đánh lừa bởi lạm phát. Đây gọi là GDP danh nghĩa. Do đó người ta thay thế GDP danh nghĩa bằng GDP thực.
Để một nền kinh tế tăng trưởng, GDP thực của nó phải tăng trưởng dương. Tuy nhiên lạm phát có thể xóa toàn bộ sự tăng trưởng này. Vì vậy khi tính GDP thực, ta phải loại trừ lạm phát ở GDP danh nghĩa.
(Nguồn: educba.com)
Để tính giá trị tăng trưởng GDP thực tế, ta lấy GDP danh nghĩa chia cho lạm phát. GDP danh nghĩa báo hiệu tăng trưởng nhưng GDP thực tế báo hiệu suy thoái là hoàn toàn có thể. GDP thực tế thay thế GDP danh nghĩa vì nó chính xác hơn.
Điều này đặc biệt quan trọng tại các thời điểm hậu COVID. Nguyên do các chính phủ đang phải đau đầu đối phó với lạm phát sau đại dịch.
6.2. Chỉ số tiến bộ thực sự
Các hạn chế của GDP là lý do các chỉ số khác được sinh ra để thay thế GDP. Điển hình là chỉ số tiến bộ thực sự (GPI).
GPI khác GDP là gì? Nó không chỉ tính tổng sản phẩm, mà còn cả các yếu tố không phải tiền tệ.
(Nguồn: researchgate.net)
GPI thay thế GDP ở một số điểm như:
- GPI được điều chỉnh tăng lên khi người nghèo tăng thu nhập. Lý do vì họ hưởng nhiều hơn từ cùng 1 lượng tăng so với người giàu. Ngoài ra, nó còn tính cả giá trị của việc nhà, tình nguyện và giáo dục đại học.
- GPI tính cả tác động dài hạn. Những hàng hóa hay dịch vụ lâu bền được đánh giá cao hơn. Vậy khác nhau với GDP là gì?
Anh em giả sử Cú cho xây một bệnh viện tốn 20 tỷ đồng. GDP nói nó không khác gì một chiến đấu cơ 20 tỷ đồng chưa từng cất cánh. GPI sẽ cho rằng bệnh viện có giá trị hơn.
- GDP coi ô nhiễm là tốt vì nó khiến người ta chi tiền để khắc phục. GPI cho rằng nó là xấu vì ảnh hưởng đến tương lai.
- GPI cũng thay thế GDP về mặt thời gian. GPI cho rằng thời gian nhàn rỗi tăng lên là dấu hiệu của người dân sung túc. GDP cho rằng thời gian nhàn rỗi làm giảm năng suất và khiến quốc gia nghèo đi.
- Cuối cùng, các chi phí cho bảo hiểm, y tế… cũng có góc nhìn khác. GPI coi chúng là chi phí sống và rất tiêu cực. GDP cứ thấy tiền tiêu là coi như tích cực.
Lời kết
Qua bài viết này, Cú mong các bạn đã hiểu GDP là gì, cách tìm hiểu về GDP qua DailyFX, các khía cạnh của GDP, và ứng dụng thực tiễn với nhà đầu tư.
——————
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về GDP là gì cũng như các tác động của GDP. Cú muốn chia sẻ một cách chi tiết để anh em dễ hình dung ngay từ đầu. Bài viết “GDP là gì” có mục lục, anh em có thể bấm đến những nội dung muốn tìm hiểu. Đồng thời đọc đi đọc lại những phần chưa hiểu rõ.
Nếu còn điều gì thắc mắc về GDP hay những chỉ số kinh tế khác, anh em có thể inbox cho Cú.
>> Là người mới với đầu tư muốn tìm hiểu về lạm phát, đọc ngay bài viết này: Lạm phát là gì? Đơn giản – dễ hiểu cho người mới bắt đầu
Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:
| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor
| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA
| Tiktok: https://vt.tiktok.com/ZSJJKgbU4/
| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/
| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V
| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969